Thứ Năm, 02/05/2019 08:56

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 916 (đầu tháng 5/2019)

Phần Thơ số này là những kí ức về lịch sử hào hùng của dân tộc nhân dịp kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ.

 Ý nghĩa to lớn của chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã được khẳng định không chỉ riêng với Việt Nam - phía những người thắng cuộc, mà đến từ cả phía người Pháp - những người thua cuộc, cũng như các chuyên gia quân sự nhiều nước trên thế giới.

Để làm nên chiến thắng đó, vai trò quan trọng của pháo binh Việt Nam là điều không phải bàn cãi, đó chính là lí do để phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Hoàng Quang Thuận, Chính ủy Binh chủng Pháo binh nhân kỉ niệm 65 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2019) xung quanh một số vấn đề của pháo binh Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ và pháo binh hiện đại ngày nay.

Cuộc trò chuyện này sẽ mở đầu Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 916.

Phần Văn xuôi có bút kí Mái nhà lính thợ của Phùng Văn Khai; tản văn Chú ngựa hồng mao của Y Phương; chùm truyện ngắn dự thi: Tuyết mai Yên Tử của Triều La Vỹ, Phía dưới cầu vồng của Lê Vũ Trường Giang, Nghệ thuật làm thuê của Đoàn Ngọc Hà.

Tuyết mai Yên Tử viết về thời Trần với những chiến công hiển hách, nhưng đằng sau đó là những câu chuyện khác về thời cuộc và thân phận. Truyện cũng khắc họa hình tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông qua cái nhìn/điểm nhìn của những nhân vật khác. Từ đó bạn đọc sẽ có một cách hiểu về lịch sử, nhân vật lịch sử theo cách của riêng mình.

Phía dưới cầu vồng viết về xứ Huế những năm tháng kháng chiến chống Mĩ ác liệt. Huế cổ kính, mộng mơ, trữ tình đã trở nên u ám, đổ vỡ, nham nhở bởi chiến tranh. Chiến tranh đã làm đảo lộn và chôn vùi tình thân, tình yêu và những giá trị văn hóa. Hơn hết, chiến tranh đã tước đoạt đi quyền sống của con người, dù họ ở chiến tuyến nào đi nữa.

Nghệ thuật làm thuê là những xa xót, cay đắng cho những con người vì muốn đổi đời chóng vánh mà bất chấp lòng tự trọng, sự liêm sỉ để có được đồng tiền. Cũng qua đó nhà văn cho thấy sự lạnh lùng, tàn nhẫn của con người với con người khi sống trong một xã hội bị đồng tiền chi phối. Vì đồng tiền mà con người quên đi đạo đức, lương tâm và cả gốc gác của mình.

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn số” này giới thiệu truyện ngắn Sông Hậu xuôi về của nhà văn Nguyễn Lập Em.

Phần Thơ số này là những kí ức về lịch sử hào hùng của dân tộc nhân dịp kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Lịch sử luôn được nhắc nhớ và viết lại với những góc nhìn khác nhau qua các tác giả khác nhau. Điều này làm cho thơ ca trở nên sinh động và đa chiều hơn. Bên cạnh đó, trang thơ cũng không thể thiếu những tự sự mang tính cá nhân, bản thể để góp thêm những tiếng nói khác vào đời sống thơ ca đương đại hôm nay.

Trong số này VNQĐ giới thiệu gương mặt tác giả trẻ Trương Xuân Thiên với chùm thơ ấn tượng của anh.

Phần Bình luận văn nghệ tiếp tục là những bài viết hấp dẫn mang tính phân tích, kiến giải, luận bình về các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau như văn học, âm nhạc, kiến trúc..., với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật. Những đề tài cũ được nhìn nhận theo những nghiên cứu mới; những chân dung và tác phẩm được lí giải, phân tích kĩ lưỡng; và những câu chuyện, trao đổi về nghề viết sẽ góp phần làm nên sự phong phú cho phần này.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 916 dày 120 trang với nhiều tranh, ảnh đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 5/5/2019. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

P.V

Pháo binh Việt Nam - từ Điện Biên Phủ đến hôm nay

Triều La Vỹ

Tuyết mai Yên Tử

Phùng Văn Khai

Mái nhà lính thợ

Nguyễn Lập Em

Sông Hậu xuôi về

Y Phương

Chú ngựa hồng mao

Lê Vũ Trường Giang

Phía dưới cầu vồng

Đoàn Ngọc Hà

Nghệ thuật làm thuê

 

Thơ

Nguyễn Ngọc Phú

Viết trong bảo tàng Điện Biên Phủ;

Bức chân dung tự họa

Nguyễn Minh Khiêm

Giá lịch sử đừng có thêm vài phút; Đọc đời mình trên lá; Sông

Nguyễn Việt Chiến

Ánh trăng trong mộc bản kinh Phật; Hạc đồng;

Trong thế giới tò he

Phạm Nguyên Thạch

Bám; Trên sân cũ

Nguyễn Khánh Duy

Giấc mơ đêm đầu hạ; Di yến; Hỏi thăm

Trần Duy Trung

Kẻ lưu đày kí ức; Mỗi khắc giờ thực tại

Lê Quang Trạng

Gương mặt ngọn khói; Xe đi qua dốc

Dương Thuấn

Trồng cây và đãi vàng

Bùi Tuyết Mai

Người đẹp trên núi

Mai Diệp Văn

Niệm khúc

Thuận Vy

Ngọn lửa; Phía hoàng hôn; Hương ngâu

Vi Huyền Vi

Phía gió; Xin lỗi mùa xuân

Nguyễn Thành Tâm

Phút nương lòng; Cốc thơ đã cạn

Hoàng Chiến Thắng

Bài ca người tra lúa

Hồ Đăng Thanh Ngọc

Viết bên khúc Tzigan; Mùa đông

Nguyễn Giúp

Cõi khác; Khúc làng chài quê tôi

Mẫu Đơn

Linh cảm; Tiếng thở

Muồng Hoàng Yến

Bốn mươi ngày pá ở riêng

Huyền Thư

Chiếc xích đu chiều gió nổi

VNQĐ giới thiệu thơ Trương Xuân Thiên

Con nhện giăng tơ; Hoa gạo tháng ba; Thêm một tuổi đời

 

Bình luận văn nghệ

Đoàn Minh Tâm

Lục bát với những sáng tạo, cách tân thể loại

Trần Thị Hồng Hoa

Hồi kí báo chí và những chuyện bên lề trang báo

Hà Thanh Vân

Một cái nhìn về trường phái ngữ văn Đức

Tô Kiên

Đô thị nhân văn

Bùi Việt Thắng

Những sinh thể văn chương Việt nhìn từ nhiều phía

Phạm Minh Quân

Lãng mạn và hoài niệm: Bậc thầy dương cầm

Sergei Rachmaninoff

Trần Thị Thục

Tình cha con trong tác phẩm của Oe Kenzaburo