Thứ Bảy, 14/03/2020 13:14

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 937 (cuối tháng 3/2020)

Mở đầu Tạp chí VNQĐ sô 937, xin giới thiệu đến bạn đọc cuộc trò chuyện thú vị mang tên Năng lực tự sự của nhà văn hay ma thuật của truyện kể giữa TS. Cao Kim Lan và TS. Nguyễn Thanh Tâm.

Cao Kim Lan hiện đang công tác tại Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam). Hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam và từng tu nghiệp ở Singapore, Anh và Tây Ban Nha, Cao Kim Lan là một chuyên gia về lĩnh vực tự sự học (khoa học nghiên cứu về truyện kể). Ở lĩnh vực này, năm 2015, chị đã công bố chuyên luận Tác giả hàm ẩn trong tu từ học tiểu thuyết. Cuối năm 2019, chị tiếp tục ra mắt công trình Ma thuật của truyện kể (Tự sự học và những diễn giải văn học Việt Nam hiện đại). Đây là những công trình khoa học chuyên sâu, rất cần thiết với nhà văn và bạn đọc văn nghệ bởi các kinh nghiệm được đúc kết và chỉ ra từ giới nghiên cứu hàn lâm.

Tạp chí VNQĐ số 937 giới thiệu đến bạn đọc bài trò chuyện thú vị mang tên Năng lực tự sự của nhà văn hay ma thuật của truyện kể giữa TS. Nguyễn Thanh Tâm và TS. Cao Kim Lan.

Phần Văn xuôi là các truyện ngắn Đóa hoa viễn xứ của Trần Thị Tú Ngọc, Ngài Yến và kẻ du hành của Phạm Giai Quỳnh, Thực tế ảo của Nguyễn Thu Phương; bút kí Cây nào cũng muốn nở hoa của Lê Trung Cường; kí ức lính Chuyến tàu quân sự của Nguyễn Vũ Điền.

Trần Thị Tú Ngọc ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc với nhiều truyện ngắn lịch sử, trong số này bạn đọc gặp lại chị với truyện ngắn Đóa hoa viễn xứ. Truyện kể về nàng công nữ Ngọc Vạn con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên và hành trình đến đất Cao Miên đằng đẵng. Phận gái mười hai bến nước, con nhà thường dân áo vải hay công chúa lá ngọc cành vàng thì nước mắt đều mặn như nhau. Bên cạnh việc khắc họa chân dung, số phận Ngọc Vạn, truyện cũng tái hiện và lí giải lịch sử nước Đại Việt và Cao Miên thời kì 1620 - 1658.

Ngài Yến và kẻ du hành là câu chuyện gợi nhiều ngẫm ngợi về kí ức, nguồn gốc, thân phận... Mọi sự vật và hiện tượng tồn tại trong thế giới này đều như ngầm nói với ta một điều gì đó. Người ta sợ hãi khi nhớ lại những gì mình quên, khi kí ức - theo một cách nào đó - ngoặt bước trở lại và nện vào mình một cú đau điếng. Truyện được kể với giọng văn bảng lảng, mơ hồ, hiện thực xen với huyền ảo.

Thực tế ảo mang đến một câu chuyện của thực tế với nhiều chất liệu của đời sống hôm nay. Những phát minh, nghiên cứu, sáng kiến được cho là lớn lao, uyên bác, vĩ đại nhưng không thiết thực với đời sống tưởng chỉ là câu chuyện của một thời, một thế hệ đã lùi xa. Soi chiếu vào cuộc sống hôm nay với những thiết bị thông minh, hiện đại, tiện ích và cách ứng xử của con người thời đại hẳn chúng ta sẽ thấy truyện gửi gắm nhiều điều đến bạn đọc.

Phần Thơ có sự góp mặt của các cây bút quen thuộc với VNQĐ như Nguyễn Trọng Văn, Võ Mạnh Hảo, Nguyễn Thánh Ngã, Nguyễn Thị Mai, Tú Anh, Trần Duy Trung, Võ Thị Xuân Hà, Trần Ngọc Mỹ... Đất nước, con người luôn là nguồn thi hứng bất tận đối với các nhà thơ. Mỗi tác giả sẽ tìm cho mình một điểm nhìn, một cách cảm để làm nên sự phong phú và sinh động cho thơ.

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Cảm thức hoài niệm sinh thái trong thơ của PGS.TS. Hồ Thế Hà giới thiệu về thi tập Bay lên từ cánh đồng của tác giả Trương Trọng Nghĩa.

Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Sức mạnh của đĩa cơm của nữ nhà văn Nigeria - Ifeoma Okoye do Trần Ngọc Hồ Trường dịch từ An African quilt, Signet Classic.

Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các tác giả Lê Đình Tư, Nguyễn Hữu Minh, Hiền Trang, Hương Giang, Lê Phong, Lê Thiếu Nhơn. Mối quan hệ liên ngành giữa y học và văn học sẽ được lí giải như thế nào, văn chương Nga đương đại có vượt thoát khỏi nền văn học Xô-viết không, những câu chuyện về xã hội hóa điện ảnh có gì đáng bàn, người viết văn trẻ hôm nay đang sống và viết như thế nào... Những câu chuyện đó sẽ được bình luận, kiến giải đầy thú vị, độc đáo trong số này.

Tạp chí VNQĐ số 937 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/3/2020. Thân mời các bạn đón đọc!

 

Văn

Nguyễn Thanh Tâm

TS. Cao Kim Lan: Năng lực tự sự của nhà văn hay ma thuật của truyện kể

Trần Thị Tú Ngọc

Đóa hoa viễn xứ

Lê Trung Cường

Cây nào cũng muốn nở hoa

Nguyễn Vũ Điền

Chuyến tàu quân sự

Phạm Giai Quỳnh

Ngài Yến và kẻ du hành

Nguyễn Thu Phương

Thực tế ảo

 

Thơ

Nguyễn Trọng Văn

Lên Vị Xuyên; Bên sóng

Võ Mạnh Hảo

Biên giới; Cơn mưa bắt đầu

Nguyễn Thánh Ngã

Sen; Bay qua kẽ tay

Nguyễn Thị Mai

Người xưa; Xem hát chèo tàu Tổng Gối

Võ Thị Xuân Hà

Phác thảo giấc mơ; Hoàng mộc hương

Tú Anh

Tình ca biên cương; Bóng nhà sàn

Trần Ngọc Mỹ

Tin nhắn; Một đêm tháng ba

Hồ Thế Hà

Cảm thức hoài niệm sinh thái trong thơ Trương Trọng Nghĩa (Đọc Bay lên từ cánh đồng

của Trương Trọng Nghĩa)

Vi Huyền Vi

Sao em có thể; Em ngỡ cánh đồng đã chết

Trần Duy Trung

Trong thế giới vật chất; Buổi sáng với người đàn ông mơ mộng

Trần Văn Liêm

Cát

Khaly Chàm

Mùa xuân rất thật

Hạnh Skyler

Ý nghĩa thời gian

 

Văn học nước ngoài

Ifeoma Okoye

Sức mạnh của đĩa cơm (Trần Ngọc Hồ Trường dịch từ An African quilt, Signet Classic)

 

Bình luận văn nghệ

Lê Đình Tư

Bộ đội Cụ Hồ - từ cội nguồn dân tộc đến một mẫu hình nhân cách hôm nay

Nguyễn Hữu Minh

Văn học và y học - nhìn từ mối quan hệ liên ngành

Hương Giang

Kí ức Xô-viết trong văn chương Nga đương đại

Hiền Trang

Trong một cái nhà có rất nhiều văn

Lê Phong

Hoang tưởng, ngốc nghếch và minh triết

Lê Thiếu Nhơn

Những câu chuyện về xã hội hóa điện ảnh

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Bên trong một lò gốm Trích ảnh: Dương Văn Hưởng

Tranh, ảnh, minh họa: Lê Anh, Phạm Minh Hải,

Ngô Xuân Khôi, Đặng Tiến, Vũ Đình Tuấn, Lê Anh Vân, PV.