Thứ Năm, 16/07/2020 08:00

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 945 (cuối tháng 7/2020)

Thơ số này là dấu ấn về những người lính trong chiến tranh và trong thời bình, dù trong thời đại nào hình tượng người lính cũng là cảm hứng bất tận cho thơ ca.

 “Phê bình làm sao mà kịp sáng tác được, không bao giờ kịp. Về số lượng, nhà phê bình chỉ có thể chọn một trong một số, thậm chí trong rất nhiều các sáng tác làm đối tượng soi ngắm. Về mặt thời gian, phê bình luôn đi sau sáng tác, và chẳng ai bắt buộc nhà phê bình phải lập tức lên tiếng về một hiện tượng văn học tức thời, dẫu có khi nó là cần thiết. Bởi, một số hiện tượng cần phải có thời gian đủ nhiều để hiểu đúng…”.

Đó là một trích dẫn trong bài trò chuyện thú vị, hấp dẫn giữa nhà văn Uông Triều và PGS.TS Thái Phan Vàng Anh. Bài trò chuyện nhan đề Phê bình và sáng tác không nên là hai con đường song song, cũng tuyệt đối không thể trùng khít sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 945.

Phần Văn xuôi là chùm truyện ngắn: Chiếc thùng phuy đựng cát của Văn Xương, Con dốc ngược của Lưu Thị Mười; Cánh buồm màu trắng của Bùi Thanh Thuỳ; bút kí Gối đường biên của Hữu Thỉnh; kí ức chiến trường Nước mắt Ampil của Nguyễn Vũ Điền.

Chiếc thùng phuy đựng cát là câu chuyện xúc động về những người lính trong chiến tranh. Ông Thanh, người thương binh gửi lại một bên chân ở chiến trường vẫn luôn đêm ngày đau đáu việc hai người bạn cùng chung chiến hào đã hi sinh mà chưa tìm được mộ phần. Những người lính luôn coi trọng nghĩa tình đồng đội, coi trọng lời thề bên chiến hào đầy đạn bom như là danh dự, như là sinh mệnh của mình. Nỗi đau thể xác có là gì so với những day dứt, ám ảnh trong tâm hồn khi đồng đội vẫn còn lẫn vào đâu đó nơi chiến trường xưa…

Con dốc ngược lại là một nỗi đau âm thầm nhưng dai dẳng, khắc nghiệt với số phận những người phụ nữ bị ung thư. Trong sự vò xé của bệnh tật, thứ cho con người sức mạnh để vin vào là tinh thần, là tình yêu. Nhưng số phận mỗi người sẽ về đâu khi trong chính hoàn cảnh ấy những con người vốn đã mang đầy thương tổn lại va vào nhau, để từ đó những khổ đau, mất mát khác lại dần hé lộ.

Cánh buồm màu trắng khắc hoạ số phận của những con người sinh ra và gắn bó với biển. Ngạnh và Dương, những đứa trẻ bất hạnh sinh ra trong những tổn thương, rạn vỡ của gia đình, của tình yêu. Điều gì neo níu hai anh em trở về với biển, kí ức về mẹ; tình yêu của Diêu; những cơn cuồng nộ của người cha; hay một tuổi thơ mà dẫu yêu thương đến mấy cũng không đủ để đắp bù lại những lo lắng, sợ hãi, ám ảnh…

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả Nguyễn Minh Khiêm, P.N.Thường Đoan, Bình Nguyên, Dương Khâu Luông, Nguyễn Kiên Thuỵ, Lương Kim Phương, Tú Anh, Phan Huy Dũng, Nguyễn Minh Đức, Trương Công Tưởng, Đào An Duyên. Thơ số này là dấu ấn về những người lính trong chiến tranh và trong thời bình, dù trong thời đại nào hình tượng người lính cũng là cảm hứng bất tận cho thơ ca. Bên cạnh đó là những suy tư, trải nghiệm của các tác giả với các không gian vùng miền, văn hóa, những cảm xúc riêng tư với đời sống, con người.

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Giữa khuất nẻo mây bay của tác giả Tô Hoàng giới thiệu về thi tập Gió heo may ngày nắng gián đoạn của Lê Thiếu Nhơn.

Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Thuyền giải tù của nhà văn Nhật Bản Mori Ogai. Truyện do Nguyễn Nam Trân dịch từ nguyên bản tiếng Nhật.

Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các tác giả: Lê Thị Hường, Hoài Nam, Đỗ Anh Vũ, Hiền Đỗ, Tôn Phương Lan, Trần Hồng Hoa.

Nhân loại ngày càng giảm thiểu những cuộc thánh chiến đẫm máu khởi nguồn từ độc tôn tôn giáo. Trong sự va chạm và tương hỗ giữa các nền văn minh, đối thoại liên tôn giáo đáp ứng yêu cầu bức thiết của thời đại trên nhiều lĩnh vực. Trong văn chương, đối thoại liên tôn giáo thể hiện một cách nhìn, một tư duy đa chiều về thế giới và con người. Bài viết Từ cõi vô minh đến chân lí vĩnh hằng sẽ luận bàn, kiến giải sâu sắc về vấn đề này.

Bên cạnh đó là những bài viết mang tính học thuật cao đề cập đến những vấn đề của lịch sử văn học nghệ thuật cũng như những xu hướng, phong cách, nhân vật… của nền nghệ thuật đương đại hôm nay.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 945 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/7/2020. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

Uông Triều

PGS.TS Thái Phan Vàng Anh: Phê bình và sáng tác không nên là hai con đường song song, cũng tuyệt đối không thể trùng khít

Văn Xương

Chiếc thùng phuy đựng cát

Hữu Thỉnh

Gối đường biên

Nguyễn Vũ Điền

Nước mắt Ampil

Lưu Thị Mười

Con dốc ngược

Bùi Thanh Thùy

Cánh buồm màu trắng

 

Thơ

Nguyễn Minh Khiêm

Trở lại sông Lò; Khúc ru Đồng Lộc; Người lính

P.N.Thường Đoan

Mã Đà mùa thu; Những căn nhà không có giàn hoa;

Tiếng ve trong rừng

Bình Nguyên

Chiều nay về; Về phía cội nguồn; Nhớ chị Cát

Dương Khâu Luông

Tiếng quay sa của mẹ; Nhớ Nam Cao

Nguyễn Kiên Thụy

Câu chuyện mùa hè; Phố của người lặng im

Lương Kim Phương

Đọc sách của người cũ; Mùa chim ngói

Tô Hoàng

Giữa khuất nẻo mây bay (Đọc Gió heo may ngày nắng

gián đoạn của Lê Thiếu Nhơn)

Tú Anh

Những sớm mai; Với Pù Luông

Phan Huy Dũng

Lắng nghe; Lời nhắn; Chút xanh chưa phủ

Nguyễn Minh Đức

Vọng giấc mơ trưa

Trương Công Tưởng

Khúc mùa

Đào An Duyên

Tái sinh

 

Văn học nước ngoài

Mori Ogai

Thuyền giải tù

(Nguyễn Nam Trân dịch từ nguyên bản tiếng Nhật)

 

Bình luận văn nghệ

Lê Thị Hường

Từ cõi vô minh đến chân lí vĩnh hằng

Hoài Nam

Thân phận con người trong một số tiểu thuyết hậu chiến

nước ngoài

Đỗ Anh Vũ

Vẫn mê hồn trận cuộc cờ thế gian

Hiền Đỗ

Tác giả trẻ và mạng xã hội

Tôn Phương Lan

Chân cảm và cá tính sáng tạo

Trần Hồng Hoa

Nguyên mẫu nhân vật Bố Già của Mario Puzo

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Bài ca không quên Tranh: Nguyễn Lộc

Minh họa: Tô Chiêm, Nguyễn Vân Chung,

Trương Đình Dung, Hải Kiên, Đặng Tiến, Lê Anh Vân, PV.