Ngày 17/8/1960, tại thủ đô Hà Nội, Đoàn Điện ảnh Quân đội thuộc Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội nhân dân Việt Nam trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, tuyên truyền. Trải qua 60 năm, Điện ảnh Quân đội đã ghi dấu với hàng ngàn thước phim tư liệu quý giá về người lính được quay từ chiến trường ác liệt trong chiến tranh đến những nơi thiên tai địch họa hung hiểm giữa thời bình, từ đèo cao suối sâu nơi biên giới đến mênh mông trời nước nơi hải đảo xa xôi… Cùng với đó, rất nhiều bộ phim nhựa về đề tài chiến tranh cách mạng và người lính đã được sản xuất, phục vụ bộ đội sau những trận chiến ác liệt, những giờ huấn luyện nhọc nhằn trên thao trường, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân và cả những người quan tâm đến chiến tranh Việt Nam trên toàn thế giới.
Để độc giả hiểu rõ hơn những người lính - nghệ sĩ của Điện ảnh Quân đội, phóng viên VNQĐ đã có cuộc trò chuyện với Đại tá, Nghệ sĩ ưu tú Phạm Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội về chặng đường 60 năm đồng hành cùng người lính qua những khuôn hình nghệ thuật. Bài trò chuyện mang tên Chúng ta càng trả càng thấy mắc nợ đối với đề tài chiến tranh sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 946.
Phần Văn xuôi có các truyện ngắn: Phía sau chiến tranh của Nguyễn Ngọc Đào Uyên, Lá mấn rơi ngoài cửa của Vũ Thanh Lịch, M. của Nguyễn Dương Quỳnh; ghi chép Qua miền kí ức của Ngô Minh Bắc; tản văn Xương sườn đàn ông giờ không dễ thấy của Nguyễn Trương Quý.
Phía sau chiến tranh là câu chuyện kể về cuộc đời của ông Tư - người từng ở phía bên kia chiến tuyến vì những nỗi niềm riêng. Ngã rẽ sai lầm trong tuổi trẻ đã làm nên những bi kịch lớn của cuộc đời ông. Phía sau chiến tranh là tình bạn, tình yêu, tình người, và còn những điều gì mà con người không thể gọi tên? Những giấc mơ mang đầy sự ám ảnh, mất mát, những hi vọng ngày một mong manh…
Lá mấn rơi ngoài cửa lại đem đến sự đồng cảm sâu sắc với những hi sinh lặng lẽ của người phụ nữ trong đời sống hôm nay. Sự đô thị hoá của những miền quê đã và đang diễn ra mạnh mẽ, nhịp sống quá nhanh đã làm cho con người bị lạc lõng vì chưa chuẩn bị tâm thế cho những đổi thay ấy. Vui có chồng, có con nhưng cô đã không nhận được sử chia sẻ nào từ những người thân yêu nhất. Họ có lỗi không khi chồng thì mải công việc, con thì mải học hành? Không thể trách ai, người phụ nữ đơn độc nghe tiếng lá rơi.
M. là truyện ngắn cho thấy nỗi cô đơn không cùng của người trẻ hôm nay. Trong đời sống, trong tình yêu, họ không có những điểm tựa vững chãi để vin vào, hay còn vì điều gì khác nữa khiến họ ở cạnh nhau mà vẫn cô đơn? Một cô gái trẻ chọn cái chết để giải thoát; một người bạn với những suy nghĩ, hành động có vẻ hơi ác và khó hiểu; hai người yêu nhau trong sự tẻ nhạt, mệt mỏi… Có điều gì để gắn kết họ với nhau hay với thế giới này nữa không, ngoài những ý nghĩ mông lung về nhau.
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” số này giới thiệu truyện ngắn Nước mắt trúc của nhà văn Lưu Sơn Minh.
Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Trác, Vương Cường, Lê Nguyễn Yên Phong, Hoàng Anh Tuấn, Đỗ Thượng Thế, Trần Duy Trung, Nguyễn Thánh Ngã, Trần Thị Huyền Trang, Nguyễn Hồng Thuỷ Tiên, Nguyễn Hữu Quyền, Lữ Hồng. Thơ số này mở ra những không gian của lịch sử, văn hóa, cùng với đó là tình yêu quê hương, đất nước - một giá trị vĩnh hằng bất biến qua thời gian. Đời sống đương đại hôm nay với những vui buồn, trăn trở về tình yêu, thế sự, con người cũng được các tác giả đi sâu khai thác, khám phá để tìm ra những giá trị của đời sống và nghệ thuật qua các tác phẩm.
“VNQĐ giới thiệu” số này là chân dung nhà thơ trẻ Trần Nhật Minh cùng chùm thơ ấn tượng của anh.
Phần Bình luận văn nghệ có sự đóng góp của các tác giả: Lê Thị Gấm, Hồ Tiểu Ngọc, Thái Hạo, Đỗ Thị Thu Huyền, Nguyễn Văn Hùng, Châu La Việt.
Tiếp cận tiểu thuyết lịch sử dưới ánh sáng lí thuyết diễn ngôn là con đường góp phần giải phóng sử học ra khỏi tư duy quy phạm, đồng thời mở rộng quyền hạn, phạm vi sáng tạo của văn học về lịch sử, cũng là bình đẳng hoa các loại hình diễn ngôn trong vai trò diễn giải quá khứ, kiến tạo tri thức về con người và thế giới. Bài viết Vai trò của diễn ngôn trong nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử sẽ làm sáng tỏ thêm những nhận định này.
Hạnh phúc quá đơn sơ là bài viết mang đến câu chuyện trong trẻo, đẹp đẽ và xúc động xung quanh những ca từ, giai điệu, hình ảnh trong bài hát Mặt trời bé thơ của nhạc sĩ Trần Tiến.
Bên cạnh đó còn có những bài viết là những nhìn nhận, luận bàn thú vị về các vấn đề của đời sống văn học, nghệ thuật hôm nay.
Tạp chí VNQĐ số 946 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 5/8/2020. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
PV
Đại tá, Nghệ sĩ ưu tú Phạm Cường, Giám đốc Điện ảnh Quân đội nhân dân: Chúng ta càng trả càng thấy mắc nợ đối với đề tài chiến tranh
Nguyễn Ngọc Đào Uyên
Phía sau chiến tranh
Ngô Minh Bắc
Qua miền kí ức
Lưu Sơn Minh
Nước mắt trúc
Nguyễn Trương Quý
Xương sườn đàn ông giờ không dễ thấy
Vũ Thanh Lịch
Lá mấn rơi ngoài cửa
Nguyễn Dương Quỳnh
M.
Thơ
Nguyễn Trác
Chim vẫn kêu sau vạt đồi sương muối; Miền sông nước
Vương Cường
Tôi mơ; Người chết hai lần chưa trọn cuộc đi;
Bàn tay cô gái đánh trống
Lê Nguyễn Yên Phong
Vỡ ra trên sóng; Giấc mơ đi quá xa; Giông lốc đợi chiều
Hoàng Anh Tuấn
Trước ngày con thi; Cây chanh của bố tôi
Đỗ Thượng Thế
Đừng tìm nguyên tác của tôi; Hơi mưa
Trần Duy Trung
Mỗi khắc giờ thực tại; Về một ngôi sao nhỏ đêm nay
VNQĐ giới thiệu thơ Trần Nhật Minh
Nhà thờ; Mẹ; Bình minh
Nguyễn Thánh Ngã
Ý mã; Tiếng đàn bầu và hoa sen
Trần Thị Huyền Trang
Sông Hậu; Xe bus; Trước chân trời
Nguyễn Hồng Thủy Tiên
Cho cao nguyên; Chưa bao giờ em nói điều này với anh
Nguyễn Hữu Quyền
Bến cũ; Nơi con sông đổ về biển
Lữ Hồng
Đêm ở núi
Bình luận văn nghệ
Lê Thị Gấm
Vai trò của diễn ngôn trong nghiên cứu tiểu thuyết lịch sử
Hồ Tiểu Ngọc
Lược đồ sinh thái trong thơ nữ Việt Nam sau 1986
Thái Hạo
Đọc hiểu tác phẩm sau 1975 trong nhà trường: Đúng mà chưa trúng
Đỗ Thị Thu Huyền
Vài nét về văn học hiện đại các dân tộc thiểu số Tây Nguyên
Nguyễn Văn Hùng
Vọng phu - từ truyền thuyết đến truyện ngắn và điện ảnh
Châu La Việt
Hạnh phúc quá đơn sơ…
Minh họa, ảnh
Bìa 1: Dáng xưa Tranh: Lâm Nguyệt Hà
Minh họa: Lê Trí Dũng, Nguyễn Văn Đức,
Tào Linh, Ngô Xuân Khôi, Vũ Đình Tuấn,
Nguyễn Đăng Phú, PV.