Thứ Bảy, 15/08/2020 08:30

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 947 (cuối tháng 8/2020)

“… tôi tin rằng tâm thức của người Việt vẫn còn chưa bị xa lạ với hiện thực đến mức tự coi mình chỉ là một ngẫu nhiên phi lí, hoặc chưa “tiến hoá” đến mức thấy mình là một đấng thượng tôn toàn năng

 “…Tôi tin rằng không chỉ tôi mà cả những nhà báo khác, nếu có cơ hội bước chân vào lĩnh vực bảo tàng và gắn bó với nó nhiều hơn việc chỉ đến để có một vài tin tức, hay bài viết để đăng báo, sẽ đều cảm nhận được sức hút mạnh mẽ của lịch sử, của thời đại, của những thế hệ đi trước, bao gồm những số phận cụ thể, những câu chuyện làm nghề gian khó và hi sinh trong từng hiện vật, tư liệu quá khứ để lại… Với tên gọi Bảo tàng Báo chí Việt Nam, câu chuyện đó đã chính thức được nhìn nhận liền mạch, có hệ thống một cách khách quan, khoa học hơn; không chỉ hướng tới dòng báo chí chủ lưu là báo chí cách mạng mà toàn bộ lịch sử báo chí của chúng ta từ thời kì khởi đầu đến nay đều được chú trọng nghiên cứu và từng bước tái hiện trong các không gian bảo tàng ở mức độ có thể nhất…”. Đó là chia sẻ của nhà thơ Trần Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam trong mục "Trò chuyện cuối tháng" của VNQĐ số 947.

Bảo tàng Báo chí Việt Nam khai trương và mở cửa đón khách tham quan từ ngày 19/6/2020. Nhưng những câu chuyện trong quá trình làm bảo tàng thì không phải ai cũng biết. Bài trò chuyện giữa phóng viên VNQĐ và nhà báo, nhà thơ Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam mang tên Những lựa chọn của trái tim sẽ đem đến những câu chuyện thú vị, hấp dẫn xung quanh vấn đề này. 

Phần Văn xuôi ấn tượng với chùm truyện ngắn: Ngôi nhà của Trần Đức Tiến, Đò qua sông vắng của Tống Phước Bảo, Hoạ khói của Lê Văn Thân; ghi chép Tôi đi Trường Sa của Đinh Phương; kí ức chiến trường Bài học vỡ lòng sinh tử của Phan Công Vượng.

Ngôi nhà khắc hoạ những suy ngẫm, lựa chọn của con người cho đời sống hiện đại hôm nay. Nhưng liệu những lựa chọn, những hướng đi của mỗi người có đưa họ đến được những chân trời, những điểm dừng mà họ mong ước. Bên cạnh đó là câu chuyện sâu sắc về tình bạn. Trải qua thời gian, trải qua những biến động thăng trầm có những điều đã mất đi, có những điều còn lại mãi…

Đò qua sông vắng là câu chuyện xoay quanh số phận những người phụ nữ trong một gia đình. Mỗi người một niềm nỗi riêng, mà sóng nước xứ này thì nghiệt lắm, nó đánh bạc đầu, nó vỗ thắt dạ, nó như là cơn cớ của mọi nỗi đau. Chừng nào không thấy sóng vàm sông này thì mới nguôi ngoai nhưng làm sao để những người con gái sinh ra trên sóng nước xa rời được sóng nước ấy. “Đàn bà nhà mình như cái huông, ai cũng một lần qua sông vắng”. Lời của Út Thẩn lẫn vào sóng nước mênh mang mà tiếng đờn của ai cứ riết róng… Truyện ngắn của Tống Phước Bảo như một khúc vọng cổ buồn trong mênh mang sông nước miền Tây.

Hoạ khói ám ảnh người đọc giữa sự giằng xé của đời sống vật chất và đời sống nghệ thuật. Người hoạ sĩ đi khỏi ngôi nhà giàu có mang theo duy nhất bức tranh chân dung cô người mẫu. Hình ảnh đó đã day dứt đứa con trai của ông suốt thời niên thiếu đến khi trưởng thành. Khải có đủ dũng cảm để lựa chọn như cha mình, những cảm xúc mơ hồ ở Thung Vu liệu có giúp anh tìm lại được người yêu? Giữa bạn tình và đồng cỏ non giải quyết cơn đói, chú cừu sẽ chọn điều gì? Truyện ngắn với yếu tố kì ảo pha trộn sẽ kéo người đọc khám phá những vùng mờ trong tâm hồn, tưởng như khuất lấp nhưng đôi khi lại chi phối đến cả cuộc đời mỗi người.

Ghi chép Tôi đi Trường Sa của Đinh Phương là những câu chuyện, những cảm xúc của một nhà văn trẻ trong chuyến đi ý nghĩa của mình. Cũng qua đây bạn đọc sẽ có thêm góc nhìn về đời sống và tình cảm của những người lính trên đảo Trường Sa hôm nay. Những thu nhận trước, trong và sau chuyến đi đã được anh kể lại trong bút kí dài hai kì trên VNQĐ.

Phần Thơ với sự góp mặt của các nhà thơ: Nguyễn Hữu Quý, Trịnh Công Lộc, Trần Danh Tu, Nguyễn Sơn Trường, Duyên An, Đinh Công Thuỷ, Trần Thu Hà, Lê Vi Thuỷ, Hoàng Vũ Thuật. Trang thơ VNQĐ vẫn luôn đồng hành cùng đời sống hôm nay. Những kiếm tìm và sự rung cảm trước các vấn đề của thời cuộc đã làm cho thơ trở nên sinh động, vạm vỡ và có thể chạm được đến những góc khuất cũng như xúc cảm của con người.

“Thơ trong những tập thơ” số này là bài viết Làm sao giới hạn nỗi buồn… của nhà thơ Nguyễn Ngọc Hạnh giới thiệu về thi tập Giới hạn của nhà thơ Phan Hoàng Phương, cùng với đó là chùm thơ ấn tượng của nữ nhà thơ này.

“Thơ trên bàn biên tập” sẽ trở lại với bạn đọc VNQĐ trong những câu chuyện về thơ ca và những trao đổi của Người Biên Tập vơi các cộng tác viên thân quý của mình.

Phần Văn học nước ngoài giới thiệu chùm thơ của các nhà thơ hiện đại Hàn Quốc do Lê Đăng Hoan dịch từ nguyên bản tiếng Hàn.

Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Bảo Châu - Bảo Thư - Phương Thúy, Nguyễn Thanh Tâm, Trịnh Lữ, Trịnh Vĩnh Đức, Lê Thành Nghị, Thu Sang.

“… tôi tin rằng tâm thức của người Việt vẫn còn chưa bị xa lạ với hiện thực đến mức tự coi mình chỉ là một ngẫu nhiên phi lí, hoặc chưa “tiến hoá” đến mức thấy mình là một đấng thượng tôn toàn năng; và nghệ thuật Việt Nam vẫn có cơ hội tránh thoát những năng lượng tiêu cực đã và đang chi phối nghệ thuật đương đại - ý tôi là ở phương Tây, và những nước vẫn coi phương Tây là mẫu mực”. Đó là một câu trả lời đầy thú vị và gợi mở trong bài trò chuyện giữa giáo sư Alan Graham-Collier (tác giả cuốn sách Nghệ thuật và tâm thức sáng tạo; Hình, Không gian và Cách nhìn đã được chuyển ngữ và xuất bản ở Việt Nam) và dịch giả Trịnh Lữ. Một cái nhìn về Việt Nam từ bên ngoài bao giờ cũng mang lại những điều thú vị, mới mẻ. Để theo dõi toàn bộ cuộc trò chuyện ấn tượng này, mời các bạn tìm đọc bài Giáo sư Alan Graham-Collier: Nghệ thuật bảo tồn những trải nghiệm trọng đại mà thoáng qua của cuộc sống trên VNQĐ số 947.

Bên cạnh đó, còn có những bài viết đáng chú ý về các vấn đề của văn học, nghệ thuật hôm nay, được các tác giả mổ xẻ, luận bàn một cách sôi nổi, hấp dẫn.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 947 dày 120 trang với nhiều tranh, minh họa đẹp, dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc cả nước ngày 20/8/2020.

Mời quý vị đón đọc!

 

Văn

Nguyễn Thị Kim Nhung

Nhà thơ Trần Kim Hoa: Những lựa chọn của trái tim

Trần Đức Tiến

Ngôi nhà

Đinh Phương

Tôi đi Trường Sa

Phan Công Vượng

Bài học vỡ lòng sinh tử

Tống Phước Bảo

Đò qua sông vắng

Lê Văn Thân

Họa khói

 

Thơ

Nguyễn Hữu Quý

Con nghĩ về mẹ; Bé nhỏ; Chùa làng

Trịnh Công Lộc

Nghĩ từ những ngày bão dịch

Trần Danh Tu

Cơm trên lá

Nguyễn Sơn Trường

Mùa giãn cách

Duyên An

Mắc cạn

Đinh Công Thủy

Mặt trời đậu trên môi người dưng; Ý nghĩ về bầu trời

Trần Thu Hà

Anh đâu; Giấc mơ thiếu phụ

Lê Vi Thủy

Đối diện; Giấc mơ; Không phải em

Hoàng Vũ Thuật

Hoa trinh khiết; Ngày của chúng ta;

Đôi khi thấy mẹ nơi em

Nguyễn Ngọc Hạnh

Làm sao giới hạn nỗi buồn…

(Đọc Giới hạn của Phan Hoàng Phương)

Người Biên Tập

Thơ và những biến cố

 

Văn học nước ngoài

Chùm thơ Hàn Quốc

(Lê Đăng Hoan dịch từ nguyên bản tiếng Hàn)

 

Bình luận văn nghệ

Bảo Châu - Bảo Thư - Phương Thúy

Dịch văn học Việt Nam hiện đại: Hợp lực từ những chân trời

Nguyễn Thanh Tâm

Khi môi trường sống rơi vào khủng hoảng, văn chương đã ở đâu?

Trịnh Lữ

Giáo sư Alan Graham-Collier: Nghệ thuật bảo tồn những

trải nghiệm trọng đại mà thoáng qua của cuộc sống

Trịnh Vĩnh Đức

Sức sống của trường ca Việt:

trường hợp Nguyễn Minh Khiêm

Lê Thành Nghị

Men theo mùa hạ, tìm một lối đi thu

Thu Sang

Họa sĩ Ngô Cường: người “ăn cơm dương gian, làm việc

địa phủ”

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Tranh của họa sĩ Đào Hải Phong

Minh họa: Thành Chương, Đỗ Dũng, Công Quốc Hà,

Phạm Hà Hải, Phạm Minh Hải, PV.