Thứ Năm, 01/04/2021 13:08

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 962 (đầu tháng 4/2021)

Mỗi người viết là một giọng điệu, một phong cách… và là một sự khẳng định riêng về cái tôi sáng tạo, đây là những tín hiệu vui cho cuộc thi.

 Những ngày đầu xuân Tân Sửu, thời tiết thật đẹp. Từng vạt nắng nhuộm thêm sắc vàng tươi trên bạt ngàn đồi vải, vườn nhãn đất Bắc Giang trù phú. Vô vàn cơn gió nhẹ đưa hương thơm dịu của hoa đầu mùa miên man ùa đến. Trong tiết xuân ấm áp, đoàn nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội có chuyến thực tế, thăm, làm việc tại Quân đoàn 2 - một quân đoàn chủ lực, cơ động chiến lược của Bộ Quốc phòng, còn mang tên gọi Binh đoàn Hương Giang, và có cuộc đối thoại với Thiếu tướng Đỗ Xuân Tụng - Chính ủy Quân đoàn.

Bài trò chuyện mang tên Từ nền tảng truyền thống khơi lên sức sống mới, thành công mới sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 962.

Phần Văn xuôi với các truyện ngắn: Sẹo núi của Nguyễn Luân; Truyền thuyết người đàn bà bán muối dạo của Lê Trâm, Mưa phủ lều tranh của Đào Thu Hà; bút kí Cuba ở Trường Sơn của Nguyễn Hữu Quý, tản văn Giai điệu tháng Tư của Nguyễn Phú.

Sẹo núi là những ám ảnh về thân phận người đàn bà miền núi với câu chuyện của tình yêu, tín ngưỡng, số phận… Nguyễn Luân đã cho thấy không gian miền núi luôn là nguồn cảm hứng và là không gian sáng tạo của anh. Hình ảnh Phín và người phụ nữ trẻ theo nhau lên đỉnh núi tìm đến hang đàn bà gợi nên nhiều suy ngẫm cho bạn đọc.

Truyện kí Truyền thuyết người đàn bà bán muối dạo gây ấn tượng bởi giọng kể sinh động, đặc sắc, mang đậm dấu ấn vùng miền. Từ hình ảnh người đàn bà bán muối dạo tác giả đã dẫn dắt người đọc di dọc dài một vùng đất với những câu chuyện của chiến tranh, hoà bình; những số phận con người; những đặc trưng của đời sống, xã hội…

Mưa phủ lều tranh kể về cuộc đời sóng gió của Lê Tư Tề, con trưởng vua Lê Thái Tổ. Những tranh giành quyền vị, những tị hiềm ganh ghét đấu đá chốn cung đình của các triều đại phong kiến vẫn còn nhiều góc khuất và khoảng mờ để các nhà văn đương đại khai thác, tìm hiểu và sáng tạo.

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu truyện ngắn Khách lạ và người lái taxi của nhà văn Di Li.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Võ Văn Luyến, Võ Mạnh Hảo, Trần Bạch Diệp, Nguyễn Vĩnh Tiến, Đỗ Thượng Thế, Hà Hương Sơn, Nguyễn Đăng Khương, Nguyễn Đức Mậu, Đoàn Vị Thượng, Phan Văn Chương, Trần Lê Anh Tuấn, Dương Thắng.

Trang thơ dự thi số này với những tác phẩm ấn tượng, đặc sắc đang góp phần đầy hứng khởi và hi vọng cho Cuộc thi Thơ 2021-2022 trên Tạp chí VNQĐ. Mỗi tác giả đem đến một diện mạo tươi mới, sức vóc, tiềm năng. Mỗi người viết là một giọng điệu, một phong cách… và là một sự khẳng định riêng về cái tôi sáng tạo, đây là những tín hiệu vui cho cuộc thi.

“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Mai Tuyết cùng chùm thơ ấn tượng của chị.

Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Hữu Minh, Hồ Khánh Vân, Vĩnh Phước, Hoàng Thuỵ Anh, Mã Giang Lân, Cẩm Hà.

“Nhắc đến văn hóa xứ sở Phù Tang, chúng ta không thể không nhắc đến tinh thần duy mĩ và duy cảm rất đặc trưng nơi đây. Đó vừa là điểm gặp gỡ độc đáo của các ngành nghệ thuật truyền thống nói chung và văn chương nói riêng, vừa là phẩm tính căn cước của con người Nhật Bản”.

Bài viết Mĩ cảm hiện sinh - nét đẹp truyền thống văn chương Nhật Bản sẽ bàn sâu về vấn đề trên.

“Mặc kệ nhiều người cứ can gián kháng cự việc phân ngôi xếp hạng, và mặc kệ có người thậm chí còn khẳng quyết văn chương không có hơn thua nhau mà chỉ có khác nhau, tôi cứ bảo lưu chủ kiến của mình, rằng nếu phải chọn ba tác giả văn xuôi giàu sức thuyết phục nhất trên văn đàn Việt sau 1986 thì tôi không ngần ngại xướng tên: Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh và Nguyễn Bình Phương. Văn Việt chẳng cớ gì phải tự ti mặc cảm để rồi kính nhi viễn chi các giải thưởng lớn quốc tế".

Bài viết Nguyễn Huy Thiệp “như những ngọn gió” sẽ bàn sâu về trường hợp Nguyễn Huy Thiệp và phần nào lí giải rõ hơn cho gợi mở trên.

Bên cạnh đó là những bài viết ấn tượng về những vấn đề của văn học, nghệ thuật đang được công chúng quan tâm.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 962 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 5/4/2021. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

VNQĐ

Thiếu tướng Đỗ Xuân Tụng - Chính ủy Quân đoàn 2:

Từ nền tảng truyền thống khơi lên sức sống mới,

thành công mới

Nguyễn Luân

Sẹo núi

Nguyễn Hữu Quý

Cuba ở Trường Sơn

Di Li

Khách lạ và người lái taxi

Nguyễn Phú

Giai điệu tháng Tư

Lê Trâm

Truyền thuyết người đàn bà bán muối dạo

Đào Thu Hà

Mưa phủ lều tranh

 

Thơ

Võ Văn Luyến

Người thợ xẻ đá trên đất Gio Linh; Tiếng chim trong đêm

Võ Mạnh Hảo

An Lộc Thị; Cạn; Đừng nghĩ đó là câu chuyện buồn

Trần Bạch Diệp

Mưa trên cánh đồng tháng chạp; Góc phố cũ; Dưới những vì sao

Nguyễn Vĩnh Tiến

Buông; Một nghìn năm nữa

Đỗ Thượng Thế

Trong sương sớm Trà Nô; Ngang qua vườn nhà mẹ;

Khúc ballad nụ hôn

Hà Hương Sơn

Giấc mơ trắng; Người đàn bà bên bậu cửa

Nguyễn Đăng Khương

Điểm tựa; Lộc bướm

VNQĐ giới thiệu thơ Mai Tuyết

Huyện nhỏ; Trên chốt gác mùa đông; Những tiếng ngân

Nguyễn Đức Mậu

Hoa dong riềng; Xóa và nhặt; Trên đỉnh trời Phia Oắc

Đoàn Vị Thượng

Hoa hồng tình yêu; Lính trẻ ru cháu

Phan Văn Chương

Sông chữ

Trần Lê Anh Tuấn

Bầy sẻ nhỏ; Người sửa giày

Dương Thắng

Chăm cha nằm viện

 

Bình luận văn nghệ

Nguyễn Hữu Minh

Mĩ cảm hiện sinh - nét đẹp truyền thống văn chương Nhật Bản

Hồ Khánh Vân

Người mẹ đời thường trong văn xuôi nữ đương đại

Vĩnh Phước

Nguyễn Huy Thiệp - “như những ngọn gió”

Hoàng Thụy Anh

Từ lòng biển vút lên

Mã Giang Lân

Diệp Minh Tuyền, giữa nhạc và thơ

Cẩm Hà

Phim Bố già: Thừa bố trí - thiếu già dặn

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Mùa nắng hanh hao Tranh của họa sĩ Cao Thanh Sơn

Minh họa: Lê Trí Dũng, Nguyễn Văn Đức,

Phạm Hà Hải, Ngô Xuân Khôi,

Nguyễn Đăng Phú, PV...