Thứ Năm, 17/06/2021 17:06

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 967 (cuối tháng 6/2021)

Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Đỗ Anh Vũ, Đỗ Lai Thuý, Lê Minh Hà, Phùng Ngọc Kiên, Nguyên Ngọc, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Thanh Hương.

 Nhà nghiên cứu văn hoá dân gian Đỗ Thị Tấc sinh năm 1963 tại Hưng Yên, sống và làm việc tại Lai Châu. Đỗ Thị Tấc được biết đến là người dành cả cuộc đời cho việc nghiên cứu, bảo tồn văn hoá dân gian của dân tộc Thái. Một số công trình tiêu biểu của chị có thể kể như: Kin Pang Then của người Thái trắng, Dân ca Thái Lai Châu, Từ vựng Thái - Việt vùng Mường So - Lai Châu, Mo Thái… Nguyên là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu, chị còn được biết đến là một nhà thơ với hai tập thơ đã xuất bản Sữa đáNhững người mẹ núi. Ở cả hai lĩnh vực nghiên cứu văn hoá dân gian và văn học, Đỗ Thị Tấc đã giành được nhiều giải thưởng từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bài trò chuyện mang tên Làm sao để mỗi thành viên trong cộng đồng là cái bảo tàng văn hóa của chính dân tộc mình chúng tôi chỉ đề cập đến câu chuyện nghiên cứu, bảo tồn văn hoá của chị. Bài trò chuyện sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 967.

Phần Văn xuôi với các truyện ngắn: Người bán than ở Chí Linh của Phan Ngọc Chính, Hà Lan của Huy Phạm, Và khi cỏ nảy mầm của Cao Nguyệt Nguyên; bút kí Phóng viên chiến trường thời bình của Sương Nguyệt Minh.

Người bán than ở Chí Linh hé lộ một góc khuất khác trong cuộc đời nhân vật Nhân Huệ Vương - Trần Khánh Dư. Lịch sử để lại nhiều tư liệu về ông, và ông cũng là nhân vật mang lại nhiều cảm hứng cho văn chương. Tác giả Phan Ngọc Chính khai thác nhân vật và lịch sử ở một góc nhìn riêng, ở đó bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn những sâu xa và khuất khúc của những số phận tưởng như đã được an bài qua những trang sử chép lại...

Hà Lan là truyện ngắn mang đến sự thú vị, nhẹ nhàng nhưng đồng thời với đó là những suy ngẫm về đời sống hôm nay. Những kỉ niệm của tuổi học trò, kỉ niệm về bè bạn của một thế hệ gắn liền với sự đô thị hoá, sự đổi thay trong cuộc sống ở một vùng ven thành phố. Sự đổi thay ấy kéo theo những đổi thay trong tư duy, suy nghĩ của con người. Bạn sẽ sống theo ý mình hay sẽ phụ thuộc vào ý nghĩ của mọi người? Để tìm ra ý nghĩa của cuộc sống thực sự đôi khi phải là những thử nghiệm, những khác biệt.

Và khi cỏ nảy mầm mang đến cảm xúc cho người đọc bởi những số phận bất hạnh, những số phận éo le mà đâu đó chúng ta vẫn gặp trong đời sống này. Sua là một trong rất nhiều những người phụ nữ phải cam phận đẻ thuê, một công việc đầy ám ảnh, đau đớn, day dứt… Có những lựa chọn, có những bước đi tưởng như đã đến tận cùng của nỗi đau, bi đát nhưng nhà văn luôn là người hé mở ánh sáng bằng ngòi bút nhân văn của mình.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Trọng Văn, Nam Thanh, Ngô Đức Hành, Mộc Anh, Huỳnh Minh Tâm, Hoàng Việt Hằng, Bùi Kim Anh, Nguyễn Đức Sơn, Văn Luân, Trần Thanh Dũng, Phạm Vân Anh, Lương Định, Trương Thị Bách Mỵ, Trần Thị Huê.

Cuộc thi thơ tiếp tục ghi nhận những tác phẩm ấn tượng, có chiều sâu và đề tài phong phú. Bên cạnh những thi phẩm dạt dào cảm hứng về lịch sử đất nước, chiến tranh người lính là những suy tư về thế sự, tình yêu đôi lứa, tình yêu con người và những rung cảm đặc biệt trước đời sống… Cùng với sự vận động của đời sống, thơ ca hôm nay luôn mang đến những hơi thở tươi mới, trẻ trung nhưng cũng nhiều sâu lắng và trăn trở.

“Thơ trong những tập thơ” là bài viết Dứt tình nhưng không dứt yêu của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên giới thiệu thi tập Ly ca của nhà thơ Đỗ Doãn Phương.

Văn học nước ngoài giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn người Italia - Dino Buzzati do Trần Dương Hiệp dịch từ nguyên tác tiếng Ý.

Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Đỗ Anh Vũ, Đỗ Lai Thuý, Lê Minh Hà, Phùng Ngọc Kiên, Nguyên Ngọc, Đỗ Trung Lai, Nguyễn Thanh Hương.

Hình tượng Bác Hồ qua những ca khúc dành cho thiếu nhi là bài viết điểm xuyết hình ảnh của Người qua những ca khúc Việt Nam dành cho thiếu nhi, được các nhạc sĩ sáng tác chủ yếu từ nửa cuối thế kỉ trước cho đến nay.

Đi tìm mã thơ lục bát là bài nghiên cứu chuyên sâu, ấn tượng của nhà phê bình Đỗ Lai Thuý. Ở mỗi một thời đại lớn, tức thời đại văn hóa, thì tinh thần thời đại đều được mã hóa. Trong mã chung của thời đại, có mã văn hóa nghệ thuật, và trong mã văn hóa nghệ thuật có mã lục bát. Cho đến nay, lục bát có ba mã: mã dân gian là mã nền, mã trung đại/ mã lục bát Nguyễn Du là sự hài hòa và mã hiện đại là bất hài hòa. Mã lục bát hiện đại còn đang vận động, tiếp diễn, định hướng nhưng chưa định hình.

Cũng trong phần này, chúng ta sẽ đọc và gặp những bài viết, những nhân vật, những nghiên cứu thú vị và sâu sắc về các vấn đề đáng quan tâm của văn học nghệ thuật hôm nay.

Tạp chí VNQĐ số 967 dày 120 trang với những bài viết thú vị, tranh, ảnh minh họa đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 20/6/2021. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

Nguyễn Thị Kim Nhung

Nhà nghiên cứu VHDG Đỗ Thị Tấc: Làm sao để mỗi thành viên

trong cộng đồng là cái bảo tàng văn hóa của chính dân tộc mình

Phan Ngọc Chính

Người bán than ở Chí Linh

Sương Nguyệt Minh

Phóng viên chiến trường thời bình

Huy Phạm

Hà Lan

Cao Nguyệt Nguyên

Và khi cỏ nảy mầm

 

Thơ

Nguyễn Trọng Văn

Đêm uống rượu ở ngã ba Thanh Thủy

Nam Thanh

Cát hành

Ngô Đức Hành

Sông Nghèn

Mộc Anh

Bản Đình

Huỳnh Minh Tâm

Truyền thuyết mới về tháp Tường Long;

Cổ họng không âm thanh

Hoàng Việt Hằng

Thời gian ở thế gian; Lâu rồi không có ai gọi cửa;

Ảnh đen trắng

Bùi Kim Anh

Tiếng gà trưa ở phố; Đừng hẹn nữa ngày mai;

Một ngày...

Nguyễn Đức Sơn

Đời cát; Dựng biển

Văn Luân

Gừi hồn cho lụa; Gió

Phạm Xuân Nguyên

Dứt tình nhưng không dứt yêu

(Đọc Ly ca của Đỗ Doãn Phương)

Trần Thanh Dũng

Bài thơ viết từ rìa năm tháng

Phạm Vân Anh

Nói với con; Khúc tưởng

Lương Định

Xuân thì; Với mẹ Củ Chi

Trương Thị Bách Mỵ

Chuyến đò vĩ tuyến

Trần Thị Huê

Lời của một hạt cát

 

Văn học nước ngoài

Dino Buzzati

Dịch bệnh trong xe cộ; Tận thế

(Trần Dương Hiệp dịch từ nguyên tác tiếng Ý)

 

Bình luận văn nghệ

Đỗ Anh Vũ

Hình tượng Bác Hồ qua những ca khúc dành cho thiếu nhi

Đỗ Lai Thúy

Đi tìm mã thơ lục bát

Lê Minh Hà

Về một trường thiên tiểu thuyết và sự trường hơi của người viết

Phùng Ngọc Kiên

Dịch như hành vi tái diễn giải để chia sẻ và sáng tạo thế giới

Nguyên Ngọc

Như là cái lõi vàng ròng của đời sống

Đỗ Trung Lai

Hoàng Hữu Phê: “Hướng ngoại” để “hướng nội”

Nguyễn Thanh Hương

“Cô đơn trên mạng” và ngoại tình

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Tranh của họa sĩ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

Minh họa: Công Quốc Hà, Hải Kiên,

Đặng Tiến, Lê Vi, Nguyễn Anh Vũ, PV...