Thứ Tư, 04/05/2022 07:00

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 988 (đầu tháng 5/2022)

Mỗi tác giả dự thi đang góp phần vào sự hi vọng và đợi chờ của ban tổ chức với sự nội lực, vạm vỡ, ấn tượng.

 Nhiều nhà văn, nhà thơ của Văn nghệ Quân đội đã từng sáng tác về Bác Hồ, về Lăng Bác với những trang viết thắm đượm tình cảm của người nghệ sĩ, chiến sĩ. Cuốn kí sự văn học Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đài hoa vĩnh cửu được giới thiệu đến đông đảo đồng bào, chiến sĩ cả nước mỗi khi về thăm Lăng Bác chính là của nhà văn Hồ Phương, nguyên là Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hay như bài hát Vầng trăng Ba Đình của nhạc sĩ Thuận Yến cũng là phổ thơ của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh, người của Nhà số 4. Bài hát có nhắc đến hình ảnh người chiến sĩ cận vệ bên Lăng Bác: Là người con trung hiếu/Được gác với đêm rằm/Mời vầng trăng yêu dấu/Bước lên thềm vào lăng. Vâng! Những chiến sĩ bên Lăng Bác, gần 50 năm qua, họ vẫn ngày đêm sớm tối giữ yên giấc ngủ của Người. Sáng tháng 5 này, chúng tôi đã tìm đến bên Lăng, nghe đồng chí Chính ủy Đinh Quốc Hùng nói về những tình cảm và việc thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt chiều dài lịch sử hơn 50 năm qua từ khi Người qua đời và gần 50 năm làm nhiệm vụ bên Lăng Bác. Những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh cứ chảy tràn tưởng như không dứt trong buổi sáng đầu hè, giữa mùi hương của các loài cây, loài hoa khắp mọi miền Tổ quốc được nhân dân gửi về vun trồng tại khuôn viên Ba Đình lịch sử.

Bài đối thoại mang tên Vinh dự, tự hào, người chiến sĩ cận vệ bên Lăng Bác sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 988.

Phần Văn xuôi được nối tiếp với những tác phẩm ấn tượng.

Truyện ngắn Virus hạnh phúc của Phan Đăng là những ám ảnh khôn nguôi về đại dịch Covid-19. Mỗi người chúng ta đã trải qua biến cố ấy theo những cách khác nhau, nhưng hậu quả và ám ảnh mà đại dịch để lại là điều khó tránh khỏi. Truyện đưa đến một hiện thực đã được phóng chiếu qua ngòi bút của nhà văn, tuy nhiên chính hiện thực đã được phóng chiếu ấy sẽ khiến cho bạn đọc cảm nhận rõ ràng hơn bao giờ hết một hiện thực đã xảy ra.

Truyện ngắn Ngôi nhà có những linh hồn của Vũ Ngọc Thư xúc động bởi sự đan cài tinh tế giữa tình đồng đội cao cả, tình yêu chân thành, sự thấu hiểu sẻ chia của mỗi người dành cho nhau. Chiến tranh qua đi để lại những thực tại không thể thay đổi. Thực tại đó là những số phận, những hoàn cảnh mà con người không thể vượt ra. Tuy nhiên, điều quan trọng ở chỗ mỗi người đã tiếp cận thực tại và ứng xử với thực tại như thế nào.

Truyện ngắn Ngựa bịt mắt của Huy Phạm là những góc nhìn nhiều suy tư về cuộc sống của những người trẻ sinh sống nơi đô thị hiện tại. Mỗi người luôn bị cuốn vào một guồng quay do chính mình tạo ra để rồi loay hoay, đau khổ và bế tắc trong chính cái khuôn của mình. Huy Phạm luôn gây ấn tượng bằng lối viết tự nhiên, thâm trầm, chứa đựng nhiều suy ngẫm riêng trong bối cảnh chung của đời sống.

Bút kí Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với Phú Yên của Trình Quang Phú khắc họa sâu sắc chân dung của một chính khách đã gắn bó với mảnh đất, con người Phú Yên như thế nào.

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Khu độc thân của nhà văn Nguyễn Thế Hùng.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Nguyễn Hữu Qúy, Nguyễn Vũ Điền, Trần Ngọc Mỹ, Lê Thúy Bắc, Du An, Khét, Dương Thắng, Bùi Quốc Bình, Mai Tuyết, Nguyễn Chí Anh.

Sự góp mặt của những tác giả đã quen thuộc gắn bó với VNQĐ và những tác giả lần đầu xuất hiện sẽ làm nên sự sinh động cho trang thơ số này. Những mạch nguồn cảm hứng vẫn được khơi mở, đào sâu để những trang thơ của VNQĐ tiếp tục đem đến cho bạn đọc sự cảm xúc, lắng đọng. Mỗi tác giả dự thi đang góp phần vào sự hi vọng và đợi chờ của ban tổ chức với sự nội lực, vạm vỡ, ấn tượng.

“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Đặng Văn Hùng cùng chùm thơ ấn tượng của anh.

Phần Bình luận Văn nghệ có sự tham gia của các tác giả: Hoàng Vũ Thuật, Bùi Việt Thắng, Hồng Vân, Trần Đình Sử, Đỗ Anh Vũ, Lã Nguyên, Lê Đức Thịnh.

Phan Xuân Hải là thế đấy khắc họa sinh động chân dung một cố nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, một họa sĩ không chuyên nhưng từng vẽ hơn 70 chân dung Bác Hồ khổ lớn, con người của đôi vai bền bỉ - một vai dạy học, một vai nghệ thuật…

Đọc tranh ngựa của Nguyễn Hồng Hưng đem đến một góc nhìn chân thực và nghệ thuật về các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Hồng Hưng. “Giai thoại thú vị không hẳn ở câu chuyện, mà chủ yếu ở tài năng của người kể chuyện. Cũng như vậy, điểm thú vị trong tranh Hồng Hưng không nằm ở con ngựa được mô tả, mà ở cách mô tả để tạo ra một con ngựa riêng của nghệ sĩ”.

Đọc thơ Louise Glück mang lại những trải nghiệm thi ca mới mẻ cho chúng ta, bởi nghệ thuật luôn là một cuốn sách mở/ thế giới ngoài khoảng đêm luôn ẩn chứa những bí mật (trích bài thơ Before The Storm của Louise Glück). Bài viết Khúc bình minh trong thơ Louise Glück sẽ giúp bạn đọc hiểu thêm về nhà thơ nữ người Mĩ được trao giải Nobel văn học lần thứ 113.

Bên cạnh đó là những bài viết sâu sắc và thú vị, mở ra nhiều góc nhìn đa dạng về văn học nghệ thuật với những vấn đề đáng quan tâm, suy ngẫm.

Tạp chí VNQĐ số 988 dày 120 trang với những bài viết thú vị, tranh, ảnh minh họa đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 5/5/2022. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

P.V

Đại tá Đinh Quốc Hùng - Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh: Vinh dự, tự hào, người chiến sĩ cận vệ bên Lăng Bác

Trình Quang Phú

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ với Phú Yên

Phan Đăng

Virus hạnh phúc

Nguyễn Thế Hùng

Khu độc thân

Vũ Ngọc Thư

Ngôi nhà có những linh hồn

Huy Phạm

Ngựa bịt mắt

 

Thơ

Nguyễn Hữu Quý

Chiếc ba lô lính và khúc ru đêm; Bài ca sau chiến tranh; Khúc Thủy Nguyên

Nguyễn Vũ Điền

Đồng đội tôi từ ngày đó chưa về; Nhớ đồng đội

Trần Ngọc Mỹ

Qua nhà tù Phú Quốc; Cát

Lê Thúy Bắc

Trên đồi sim cũ; Thành cổ; Thắp lửa cho đêm

Du An

Buổi trưa; Sông ở sau nhà

Khét

Sau lưng làng; Đốt

VNQĐ giới thiệu thơ Đặng Văn Hùng

Trong sương; Phương nam; Trên dòng sông lặng im

Dương Thắng

Cây mọc lên từ cuộc chiến

Bùi Quốc Bình

Phù sa

Mai Tuyết

Đôi khi; Lời ru

Nguyễn Chí Anh

Trọn lời ru; Mong người trong ảnh bước ra

 

Bình luận văn nghệ

Hoàng Vũ Thuật

Phan Xuân Hải là thế đấy

Bùi Việt Thắng

Anh Bộ đội Cụ Hồ - biểu trưng của bản lĩnh và nhân cách văn hóa Việt Nam

Hồng Vân

Hình tượng người lính hải quân trong một số trường ca đầu thế kỉ XXI

Trần Đình Sử

Sự hình thành người đọc văn học

Đỗ Anh Vũ

Tiếng chuông réo gọi thiên lương

Lã Nguyên

Đọc tranh ngựa của Nguyễn Hồng Hưng

Lê Đức Thịnh

Khúc bình minh trong thơ Louise Gluck