Thứ Hai, 03/10/2022 08:45

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 998 (đầu tháng 10/2022)

. Mỗi tác giả đã góp giọng để làm nên sự sinh động và ấn tượng cho trang thơ. Cuộc thi thơ tiếp tục ghi nhận những dấu ấn riêng của mỗi tác giả.

 Qua hơn 72 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân luôn giữ được vị thế, uy tín là một trong những cơ quan đầu ngành về xuất bản ở nước ta. Vị thế ấy đã và đang được các thế hệ Nhà xuất bản gìn giữ và phát huy trong sự phát triển của khoa học công nghệ được áp dụng vào lĩnh vực xuất bản. Một câu hỏi đặt ra với những người làm xuất bản đầu ngành của Quân đội là làm thế nào để việc xuất bản phù hợp với nhu cầu, đòi hỏi của bạn đọc trong và ngoài quân đội hôm nay. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Phạm Văn Trường - Phó Bí thư Đảng ủy, Quyền Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân để bạn đọc biết thêm về những vấn đề này.

Bài trò chuyện Giữ vững vị thế và uy tín, thương hiệu của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân sẽ mở đầu tạp chí số 998.

Phần Văn xuôi với các truyện ngắn Nắng trên lưng đá của Nguyễn Luân và Nàng thơ trong tranh của Châu Sa và truyện kí Câu chuyện Tang Krasang.

Nắng trên lưng đá kể về câu chuyện tình yêu buồn của những chàng trai, cô gái nơi miền núi cao. Dính và Sinh yêu nhau, mối tình đẹp và say đắm ấy chưa kịp đơm bông kết trái thì Sinh chết trong một vụ cháy rừng. Dính đau khổ, day dứt trong nỗi nhớ khôn nguôi. Chìm trong những cơn say, Dính không nhận ra Mỏn, bạn thân của Sinh, người đã âm thầm trao tình yêu thầm kín cho mình. Chuyện tình yêu muôn đời vẫn thế nhưng sao những trái tim yêu vẫn để vuột mất nhau…

Nàng thơ trong tranh là những cái nhìn nội tâm và trực diện của một cô gái buôn phấn bán hương. Số phận đưa đẩy cô đến con đường ấy một cách đầy thân phận nhưng cũng rất tự nhiên. Nghệ thuật và tình yêu có thể cứu rỗi, chữa lành cho một tâm hồn chai sạn và đầy thương tổn? Câu trả lời có lẽ còn phụ thuộc vào mỗi cách nhìn, còn sự lựa chọn của cô gái ấy đã làm nên những ám ảnh cho người đọc.

Câu chuyện Tang Krasang, truyện kí của nhà văn Trung Sĩ từ Trại viết Ninh Bình viết về chuyện tình của một anh lính tình nguyện và cô gái Campuchia. Tình yêu tuổi trẻ, sự bao dung của người mẹ, sự thấu hiểu chia sẻ của những người đồng đội đã giúp họ đến được với nhau, vượt qua những khó khăn và rào cản. Câu chuyện chân thật, xúc động gợi nhiều suy ngẫm về tình yêu, tình người trong một bối cảnh đặc biệt.

Bên cạnh đó phần Văn xuôi còn có ghi chép Người Phùng Thiện của Đinh Ngọc Lâm viết về sự ác liệt trong chiến tranh chống Mĩ ở một vùng quê Ninh Bình; tản văn Hà Nội, cà nén vại của Nguyễn Anh Vũ.

“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Chuyến than cuối của Nguyễn Thị Việt Hà.

Phần Thơ với sự góp mặt của các tác giả: Trần Bạch Diệp, Lê Trọng Nghĩa, Trần Tịnh Yên, Vi Chôồng, Nguyễn Hoàng Phương Uyên, Trang Thanh, Nguyễn Đăng Độ, Đoàn Hữu Nam, Nguyễn Văn Song.

Những lay động của cảm xúc, những câu chuyện của thực tại và kí ức đã hoà quyện vào nhau thành những bài thơ, chùm thơ giàu nhạc điệu, đa dạng trong cách thể hiện. Mỗi tác giả đã góp giọng để làm nên sự sinh động và ấn tượng cho trang thơ. Cuộc thi thơ tiếp tục ghi nhận những dấu ấn riêng của mỗi tác giả.

“VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Phùng Hải Yến cùng chùm thơ của chị.

Phần Bình luận văn nghệ với sự tham gia của các tác giả: Nguyễn Thanh Tâm, Mã Giang Lân, Võ Nguyễn Bích Duyên, Nguyên Phương, Phùng Gia Thế, Thái Chí Thanh.

Khi nghĩ về văn học Việt Nam đương đại, với đề tài chiến tranh cách mạng và người lính, chúng ta luôn vấp phải những câu hỏi như: Thế hệ nhà văn sau 1975 đã kế thừa được những gì của thế hệ đi trước? Họ có thuận lợi, khó khăn gì khi tiếp cận đề tài này? Chiến tranh trong những trang viết của thế hệ nhà văn sau 1975 có gì khác so với của các nhà văn trước 1975? Bài viết Văn học viết về chiến tranh từ điểm nhìn sau 1975 - những kế thừa, thuận lợi và khó khăn sẽ có những bàn luận sâu sắc về câu chuyện này.

Trong quãng thời gian hai mươi năm chống Mĩ, có một dòng thơ về Hà Nội ra đời, tuy âm thầm, lặng lẽ nhưng mang bản sắc riêng. Làm nên diện mạo và phẩm chất thơ Hà Nội lúc này, tất nhiên là một lực lượng sáng tạo đông đảo, nhiều lứa tuổi, nhưng ấn tượng mạnh với bạn đọc vẫn là thế hệ các nhà thơ lớn lên và trưởng thành trong những năm cả nước sục sôi chống Mĩ. Bài viết Thơ về Hà Nội trong dòng chảy thơ ca kháng chiến chống Mĩ sẽ làm sáng rõ hơn điều này.

Modiano thường sử dụng motif một nhân vật nam “tôi” lần theo những dấu vết để ngược về thời quá vãng, tìm kiếm những chân dung người đã bị thời gian phủ bụi đến nhòe mờ. Hành trình đó, một cách kì lạ, luôn có sự hiện hữu song hành của những người phụ nữ trẻ tuổi. Họ vừa đóng một vai trò đặc biệt quan trọng khi trở thành một phần kí ức của những người đi tìm thời gian đã mất, vừa mang nặng biết bao thương tổn riêng tư của những cá nhân dưới sự tác động mạnh mẽ của một thời cuộc đầy biến động lúc bấy giờ. Bài viết Nhân vật nữ trong tiểu thuyết Patrick Modiano sẽ bàn về điều này.

Cũng trong phần này, chúng ta sẽ đọc và gặp những bài viết, những nhân vật, những nghiên cứu thú vị và sâu sắc về các vấn đề đáng quan tâm của văn học nghệ thuật hôm nay.

Tạp chí VNQĐ số 998 dày 120 trang với những bài viết thú vị, tranh, ảnh minh họa đẹp dự kiến sẽ phát hành ngày 5/10/2022. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

PV

Giữ vững vị thế và uy tín của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân

Nguyễn Luân

Nắng trên lưng đá

Đinh Ngọc Lâm

Người Phùng Thiện

Trung Sỹ

Câu chuyện Tang Krasang

Nguyễn Anh Vũ

Hà Nội, cà nén vại

Châu Sa

Nàng thơ trong tranh

Nguyễn Thị Việt Hà

Chuyến than cuối

 

Thơ

Trần Bạch Diệp

Cây thanh trà; Biển Nhật Lệ; Sai lầm

Lê Trọng Nghĩa

Trường Sa những nụ cười và em; Ngồi đây một mình

Trần Tịnh Yên

Mùa thoi đưa; Đêm dậy thì

Vi Chôồng

Muốn về nằm bên tảng đá; Núi mơ

Nguyễn Hoàng Phương Uyên

Hộp màu; Thế giới thứ hai

VNQĐ giới thiệu thơ Phùng Hải Yến

Cánh đồng; Nghe hát then; Tìm điệu xòe hôm qua

Trang Thanh

Trò chuyện với linh hồn; Những buồng mơ căng nở; Giấc hoa

Nguyễn Đăng Độ

Chưa một lần về; Em gái Tây Nguyên

Đoàn Hữu Nam

Đổi mùa; Dùng dắng quanh ngày

Nguyễn Văn Song

Chuyện làng mẹ kể; Độc thoại

 

Bình luận văn nghệ

Nguyễn Thanh Tâm

Văn học viết về chiến tranh từ điểm nhìn sau 1975 - những kế thừa, thuận lợi và khó khăn

Mã Giang Lân

Thơ về Hà Nội trong dòng chảy thơ ca kháng chiến chống Mĩ

Võ Nguyễn Bích Duyên

Nhân vật nữ trong tiểu thuyết Patrick Modiano

Nguyên Phương

Nghệ sĩ của rừng

Phùng Gia Thế

Mắt trung du lấp lánh

Thái Chí Thanh

Nhân vật CIA trong tác phẩm của tôi