Thứ Năm, 03/02/2022 06:36

Tết về, bên gốc đại già, tôi nhớ...

“Nhà số 4” là một toà biệt thự cổ đẹp vào loại nhất Thủ đô nằm ở đầu “phố nhà binh” (Lý Nam Đế) phía đường Phan Đình Phùng, bên vườn hoa Hàng Đậu... (NGÔ VĨNH BÌNH)

. NGÔ VĨNH BÌNH
 

“Nhà số 4” là một toà biệt thự cổ đẹp vào loại nhất Thủ đô nằm ở đầu “phố nhà binh” (Lý Nam Đế) phía đường Phan Đình Phùng, bên vườn hoa Hàng Đậu. Toà nhà được xây dựng cuối những năm 30 đầu những năm 40 của thế kỉ trước theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp Arthur Kruze - từng là giáo sư Trường Cao đẳng Mĩ thuật Paris, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kiến trúc Sài Gòn xưa, tiền thân của Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Nơi này từng là nơi ở của các sĩ quan Nhật, sau là Pháp. Từ sau ngày Thủ đô giải phóng (10/1954), “nhà số 4” trở thành ngôi nhà của các văn nghệ sĩ quân đội.

Trước cổng tòa biệt thự có hai cây đại không rõ được trồng từ khi nào, có lẽ là từ khi ngôi biệt thự vừa được xây dựng. Nói vậy bởi những căn biệt thự kiến trúc kiểu này xây dựng vào thời ấy đều có trồng những cây đại (như trụ sở Tổng cục Thể dục thể thao ở phố Trần Phú và những tòa biệt thự được xây dựng theo phong cách kiến trúc Đông Dương những năm cuối thập niên 30 đầu thập niên 40 của thế kỉ XX). Cây hoa đại còn có tên khác là cây bông sứ (trong Nam Bộ), cây hoa chămpa (bên nước bạn Lào), là loại cây được trồng làm cảnh ở hầu hết các vùng ở nước ta, trong vườn, trước cửa đình, chùa, đền, hang động và cả ở các vườn hoa.

Đã có nhiều nhà văn viết về hai cây đại già nơi nhà số 4, trong đó có cả bài “phỏng vấn” hai “cụ” dài cả hai trang báo tết năm nào của thi sĩ Trần Mạnh Hảo. Lại có câu thơ của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu mà ai từng ở nơi này, hay chỉ ghé qua đây, đều nhớ: Nơi tôi ở hoa đại rơi trắng đất/ Có ai nhìn hoa nghĩ tóc bạc trên đầu.

Nơi hoa đại rơi trắng đất ấy là nơi cư ngụ và làm việc của mấy thế hệ nhà văn - chiến sĩ, những Lớp nhà thơ, nhà văn một thời đi kháng chiến/ Trang bản thảo nằm trong ba lô, những nhân vật, câu thơ là mẫu quặng/ Căn hầm thay phòng viết, ngọn đèn thắp bằng nhựa cây cháy sáng mặt trời/ Những nhà văn, nhà thơ ăn khẩu phần lính trận/ Ngủ gối đầu rễ cây, bao gạo/ Đường kháng chiến hiểm nghèo đèo dốc/ Đường văn chương bạc tóc đêm dài/ Cây bút và khẩu súng... (thơ Nguyễn Đức Mậu).

Họ đến ngôi nhà số 4 này từ những cuộc hội quân. Lần thứ nhất, từ Trại sáng tác văn học toàn quân lần đầu tiên - 1955 (còn gọi là Trại viết về những người anh hùng hay Trại viết Thái Hà ấp) để sau đó khai sinh ra Văn nghệ Quân đội với một ban biên tập đầu tiên gồm những nhà văn như Văn Phác, Thanh Tịnh, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Hữu Mai, Hồ Phương, Nguyễn Thi (Nguyễn Ngọc Tấn), Nguyễn Khải, Lưu Trùng Dương, Phùng Quán, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyên Ngọc, Xuân Thiêm, Vũ Sắc, Hà Mậu Nhai, Minh Giang, Ngô Thông, Tạ Hữu Thiện... và các họa sĩ, nhạc sĩ như Mai Văn Hiến, Huy Toàn, Đỗ Nhuận…

Sinh thời, nhà văn Xuân Thiều có một ao ước là ngôi nhà này sẽ trở thành một nhà lưu niệm ghi danh các nhà văn - chiến sĩ từng sống và viết nơi đây. Chuyện ấy đang còn ở phía trước, nhưng chính những kỉ niệm, những giai thoại, những câu đối mà Xuân Thiều để lại bên gốc đại già sẽ được những đồng nghiệp đời sau và bạn đọc nhớ mãi. Những trang hồ sơ, những dòng “trích ngang” rồi sẽ phai màu, nhưng tên của những người “từng đến đây” thì ít người quên. Một lần, nhân làm một cuốn sách về nhà văn Xuân Thiều, tình cờ tôi đọc được một bài thơ của ông:

PHÁC, TỊNH, CAO
Mai, Thi, Hà, Phương, Viễn
Giang, Lâm, Báu, Tự, Hoàng
Trung, Tâm, Toàn, Văn, Hiến
Châu, Kính, Sắc, Thiều, Quang

Cứ ngỡ là Xuân Thiều chép một bài thơ đời Đường, đời Tống nào đó mà ông tâm đắc, hóa ra đây là bài thơ Đường luật (đã được Việt hóa) của ông ghi tên những người đầu tiên có mặt ở ngôi nhà này khi nơi đây còn là “một nhà ba biển” (thời kì bên gốc đại già còn gắn biển ba cơ quan: Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân và Phòng Văn hóa - Văn nghệ Quân đội). Đó là các nhà văn, nhà viết kịch, họa sĩ, nhạc sĩ: Phác - Văn Phác, Tịnh - Thanh Tịnh, Cao - Vũ Cao, Mai - Hữu Mai, Thi - Nguyễn Thi, Hà - Nam Hà, Phương - Hồ Phương, Viễn - Quốc Viễn, Giang - Minh Giang, Lâm - Bích Lâm, Báu - Nguyễn Ngọc Báu (Nguyên Ngọc), Tự - Ngọc Tự, Hoàng - Từ Bích Hoàng, Trung - Doãn Trung, Tâm - Phạm Thanh Tâm, Toàn - Huy Toàn, Văn - Văn Phác, Hiến - Mai Văn Hiến, Châu - Nguyễn Minh Châu, Kính - Chử Đức Kính (Nhị Ca), Sắc - Vũ Sắc, Thiều - Xuân Thiều, Quang - Hồ Nhị Quang.

Những chuyện kể trên đây chắc có hai “cụ” đại già chứng giám. Và bên gốc đại già nơi nhà số 4 hẳn còn nhiều chuyện khác, kể mãi, kể nữa vẫn không hết. Những chuyện ghi được bên gốc đại già xin hẹn sẽ kể tiếp vào những xuân sau.

Tôi đang nhớ... một ngày áp Tết Bính Tuất 2008 được tin nhà văn Nguyễn Khải mất, bản thân tức tốc bay vào thành phố Hồ Chí Minh thay mặt các nhà văn quân đội và anh chị em cán bộ chiến sĩ đang công tác tại nhà số 4 tiễn biệt ông. Không hiểu sao lúc ngồi trên máy bay tôi lại cứ bị ám ảnh bởi hình ảnh cái “cõi nhân gian bé tí” của nhà văn Nguyễn Khải (Một cõi nhân gian bé tí - tiểu thuyết của Nguyễn Khải xuất bản năm 1989), giống hệt như năm nào cùng Tổng biên tập Nguyễn Trí Huân “theo tác giả Quê mẹ về quê mẹ” trên con đường thiên lí dằng dặc cứ miên man nghĩ về một “cõi không” của nhà thơ Thanh Tịnh trong bài thơ Tơ trời tơ lòng nổi tiếng của ông: Tìm dấu hôm xưa giữa cánh đồng/ Bên mình chỉ nhận lúa đầy bông/ Tơ trời vơ vấn vương mình uốn/ Đến nối duyên mình với... cõi không.

Các ông - những tên tuổi lớn của văn học Việt Nam những năm nửa sau thế kỉ XX, những người đã có công sáng lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội và bằng tác phẩm của mình đã góp phần to lớn làm nên một địa chỉ văn học - đã lần lượt theo nhau từ cõi nhân gian bé tí về với cõi không, cõi vô cùng. Còn tôi, đang đi tìm cái “dấu hôm xưa” của họ.

Tôi là kẻ hậu sinh, về Văn nghệ Quân đội muộn, không dám nhận là học trò của các ông. Những điều tôi học được từ các bậc trưởng lão không chỉ chữ nghĩa văn chương, mà còn là những chuyện đời, những “chuyện thường ngày ở nhà số 4”, “những chuyện nhặt bên gốc đại già”...

Khi sắp được chuyển công tác về tạp chí, có người đã nói với tôi: Cậu về đấy làm chân “điếu tráp” cho mấy cây đa cây đề à? Tài hoa đến như Đỗ Chu khi đã có Hương cỏ mật, Thung lũng cò... rồi chỉ đến đấy chơi thôi mà còn phải đi nhặt bóng bàn, đun nước hầu các cụ ấy nữa là cậu! Tôi về đây, hóa ra không phải vậy. Bác Nguyễn Khải, bác Nguyễn Minh Châu, bác Xuân Thiều... đều là dân thuốc lào xe đạp, mà bác Khải xe đạp nón lá đến tận mãi sau này, lúc đã là đại biểu Quốc hội, là Phó Tổng Thư kí Hội Nhà văn. Thấy tôi có vẻ e dè xa cách, nhà văn Hồ Phương động viên: “Hồi trước bọn này cũng lớ xớ, viết lách nhì nhằng.” Còn nhà văn Nguyễn Khải thì bảo: “Mình về đây lúc đầu làm cái chân bóc thư vào sổ bài, truyện ngắn đầu tay viết về một nữ anh hùng giờ đọc còn thấy ngượng, nhưng quân đội là nhất...” Cái cụm “quân đội là nhất” ông dùng nhiều lần, cả trên báo, trong thư từ, trên các diễn đàn, đặc biệt là sau khi đã chuyển ngành sang Hội Nhà văn (với quân hàm đại tá).

Khi chuyển công tác sang Hội Nhà văn, đã đưa gia đình vào định cư ở thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Khải vẫn lấy địa chỉ nhà số 4 làm chỗ đi về thăm hỏi các bậc huynh trưởng, các bạn văn thời “khởi nghiệp”, tạo dựng “cơ đồ”, hàn huyên trao đổi về nghề văn, nghề báo với cánh trẻ.

Về những “cái năm rất xa”, về những mùi vị và không khí của “cái thời lãng mạn” ấy, Nguyễn Khải rất hay nhắc tới, nhất là những khi bay ra Hà Nội, về lại nhà số 4 phố nhà binh, cả khi thư từ, đàm thoại với bạn bè người thân nơi xa.

Tết Ất Dậu 2005, Nguyễn Khải viết thư cho Tướng Văn Phác - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, người một thời là Chủ nhiệm Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thủ trưởng trực tiếp của ông. Thư viết: “Anh chị Văn Phác kính mến! Nhân dịp sắp sang một năm mới, Khải và Bắc xin kính chúc anh chị và đại gia đình ta một năm mạnh khỏe, hạnh phúc. Em nhớ lại những ngày làm lính của anh, được sống ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, được anh và bạn bè chăm lo, chỉ bảo, trong lòng lại biết bao nhiêu nhớ tiếc. Đó là những năm sống trong sáng nhất, lí tưởng nhất, đẹp nhất của một đời người. Em mãi mãi biết ơn anh, biết ơn bạn bè; không có một môi trường sống thuận lợi ấy làm sao có thể trở thành một người viết văn được. Khải rất nhớ anh.”

Mới đây, trên tờ An ninh thế giới, nhà thơ Hồng Thanh Quang có dẫn lại một đoạn trả lời phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Khải về “những ngày làm lính” chưa xa kia: “Nói cho cùng đối với tôi, Tạp chí Văn nghệ Quân đội có nhiều ân huệ lắm. Nếu không có nó, có lẽ mình không trở thành nhà văn. Ngày xưa ở các cơ quan Nhà nước, cơ quan nào cũng lắm sự rắc rối. Riêng hồi đó ở bên Văn nghệ Quân đội đối với tôi và những anh em khác cứ về đấy là viết được thôi. Vì ở đó cư xử với nhau đặc biệt lắm, có tính chất bạn bè anh em. Ví dụ có những thủ trưởng phụ trách như ông Vũ Cao, ông Thanh Tịnh... thì nó gần như là hội nghề nghiệp rồi. Chẳng hạn có thời gian tôi sống với ông Vũ Cao rất lâu, ngay trong bình thường là quan hệ anh em rồi. Ông ấy là đàn anh mình trong nền văn chương rồi, đi trước mình rồi. Cho nên lời bảo ban của ông ấy không có gì mà mình không nghe cả. Hay ông Thanh Tịnh cũng thế. Các ông ấy khen mình cảm thấy vui, chê cảm thấy buồn thật chứ không phải do áp lực gì trong quân đội hay do chỉ huy với thằng lính, không phải thế! Thứ hai, là trong mối quan hệ với nhau cũng tử tế, rất tử tế. Anh em nói đùa với nhau này nọ rằng tử tế hơn nhiều cơ quan ngoài. Và đặc biệt họ không tranh giành, ghen tị hay đố kị với ai cả. Văn nghệ Quân đội nó như thế...”

Tôi cũng nghĩ vậy. Và có lẽ là nhiều anh em từng ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội một thời cũng đều nghĩ vậy.

N.V.B