Thứ Sáu, 29/07/2016 00:07

"Thả" vào thanh tịnh

“Thả” là buông bỏ, rũ bỏ mọi bận bịu, giằng níu cõi ta bà, hòa vào thiên nhiên, vũ trụ. Với thả, dường như Mai Văn Phấn nỗ lực chớp ghi từng khoảnh khắc vận động vi tế của sự vật, hiện tượng. Mỗi bài thơ trong thả là một bức phác họa vừa cụ thể, vừa hư ảo, linh diệu về thế giới với tất cả tính chất nguyên trinh, giao quyện của nó. (HOÀNG THỤY ANH)
. HOÀNG THỤY ANH
“Thả” là buông bỏ, rũ bỏ mọi bận bịu, giằng níu cõi ta bà, hòa vào thiên nhiên, vũ trụ. Với thả, dường như Mai Văn Phấn nỗ lực chớp ghi từng khoảnh khắc vận động vi tế của sự vật, hiện tượng. Mỗi bài thơ trong thả là một bức phác họa vừa cụ thể, vừa hư ảo, linh diệu về thế giới với tất cả tính chất nguyên trinh, giao quyện của nó. 

Chỉ là nhìn thấy sương giăng mắc, phủ kín thân gỗ mục thôi mà thần thái trong ngần, tinh khôi của bức tranh xuân đã được nhà thơ gọi tên: Giăng/ Gỗ mục/ Đơm hoa (Sương mù). Thì ra, trong sự đối lập sinh tử, đôi khi, cái chết lại là bản lề, nơi cái đẹp nảy nở, thăng hoa.

Sinh, trụ, hủy, diệt là quy luật muôn đời, tuần hoàn không ngưng nghỉ của tạo hóa. Con mắt nhà thơ đã phát giác cái đẹp vô tận diễn ra ngay trong từng giây, từng phút của vạn vật: Thả bầu vú/ Đọt mầm/ Nhú (Nắng xuân). Nắng mùa xuân như một bầu sữa tươi ròng rót tưới lên muôn loài. Những đọt mầm mơn mởn chìa các ngón tay vén bức màn khô cứng sần sùi, bước ra đón nhận sự sống mới. Cả đất trời nhú lên, bừng bừng nhựa sống.

Đêm thu, những con nhái bén thường rủ nhau ngồi chễm chệ trên lá sen kêu ộp oạp gọi trăng. Con nhái bén trong thơ Mai Văn Phấn không khuấy động âm thanh như con ếch trong thơ Matsuo Basho mà điềm nhiên, tự tại: Con nhái bén/ Thè lưỡi/ Liếm trăng (Ngồi giữa lá sen). Hình ảnh trừu tượng (trăng), hình ảnh thực (con nhái bén) và động thái, địa điểm cụ thể (ngồi giữa lá sen) hòa vào nhau, xóa nhòa ranh giới giữa cái tao nhã và cái bình thường. Khoảng cách không gian huyền ảo, vời vợi trên cao (trăng) và không gian dưới thấp (ao) cũng được rút ngắn, triệt tiêu bởi hành động thè lưỡi liếm trăng đầy ám gợi.
l2

Âm thanh trong thả vừa rất thực vừa rất mơ hồ: Râm ran/ Như kêu cả/ Năm sau (Những con ve). Tiếng ve “râm ran”, vô hồi vô tận như đẩy không gian ngày hè vốn dĩ vời vợi càng trở nên vời vợi hơn, vút đến chân trời xa xăm. Ve kêu như chưa bao giờ được kêu, như kêu luôn cho cả năm sau, và năm sau nữa. Trạng thái tâm hồn chủ thể trữ tình phải đạt đến sự tĩnh lặng tuyệt đích mới có thể vượt lên trên cái động, để khoan sâu vào cái vô cùng của vạn vật. Tiếng ve sôi động nối kết cả vũ trụ, xóa mọi khoảng cách, giới hạn về không gian và thời gian.

Nhà thơ còn nghe ra âm thanh khác lạ của hạt sương: Lơ lửng/ Tiếng chuông/ Rơi (Hạt sương). Hạt sương lơ lửng như tiếng chuông rơi. Phép ẩn dụ cảm giác, hoán đổi, đồng nhất giác quan (thị giác - thính giác) ở đây đã phát huy hiệu ứng thẩm mĩ bất ngờ. Sự vật trở nên được thanh tẩy, thoát tục.  
                                      Nắng sớm
                     Xuyên qua cửa
Rọi từng hạt bụi

    (Nghe tiếng đóng đinh)
Thoạt tiên, nếu đọc nhanh bài thơ trên, người đọc sẽ không nhận ra sự gắn kết, ăn nhập giữa nhan đề và tác phẩm. Tiếng đóng đinh đâu liên quan gì đến nắng ban mai. Thì ra tia nắng trở thành chủ thể tác động, nó xuyên qua, soi rọi từng hạt bụi trong không gian, khiến nhà thơ như nghe được tiếng đóng đinh đâu đây.
Mưa
Rửa sạch đống củi
Nắng lên

               (Nghi lễ)
Mưa xuống, nắng lên, hoàn tất một “nghi lễ” tẩy trần, một cuộc giao ban. Sự vật sẽ tự lột xác để trình hiện mình trong một sắc diện mới, sức sống mới. 

Giọt sương, tia nắng, cơn mưa, con nhái bén, con nhện, con giun... tất thảy là cái đẹp sơ khai, nguyên thủy của thế giới. Chúng gieo vào lòng người cảm giác an lành, bình yên. Nhà thơ đã chủ động xích mình lại gần, chan hòa, thân ái cùng thiên nhiên, vạn vật. Trong vũ trụ quan của nhà thơ, mọi sinh thể đều bình đẳng trong việc hân hưởng những đặc ân của tạo hóa cũng như trong việc phát huy trách nhiệm kiến tạo, điểm tô thế giới:
- Chia đều từng hạt
Con ngựa
Và tôi

       (Mưa)

- Hạt mầm
Tôi
Chung giấc mơ tách vỏ

      (Nhờ trận mưa)

- Cúi xuống
Con ốc sên và tôi
Chạm vạch xuất phát

      (Mải nhìn mưa phùn)

Chạy đua với thời gian, nỗ lực đồng hành cùng thế giới, trân quý cái đẹp, đó là tâm thế của chủ thể trữ tình trong thả: Ẩm/ Rũ chiếc gối/ Mùa qua (Cuối xuân); Tôi đuổi không kịp/ Chỉ chạm/ Làn khói mỏng (Xuân đi); Ngả lưng/ Chạm tiếng chim/ Vội co chân lại (Mắc võng trong vườn); Nửa đêm/ Lan vào phòng/ Tôi lui góc giường (Hương mộc lan)… Từ rũ gối, đến chạm vào làn khói xuân, đến chạm tiếng chim, là cả hành trình hạnh ngộ, kết nhập cao độ. Co mình, thu mình, nhường chỗ cho tiếng chim, cho hương mộc lan, động thái đó không hề làm cho người thơ “nhỏ” đi, mà ngược lại, càng nới giãn chiều kích phẩm cách của người thơ. Thái độ “ngập ngừng”, “ngần ngại” của chủ thể trữ tình trong thụ hưởng cái đẹp sau đây càng tôn nâng phẩm cách cao cả đó: 
- Ngập ngừng chưa hái
Như có người đẩy
Sau lưng

      (Quả chín)

- Trắng ngần
Rửa tay sạch
Vẫn ngần ngại

      (Gọt củ đậu) 

Đi vào thả, chúng ta còn bắt gặp tấm lòng nồng hậu, thảo thơm trong ứng xử với người, với đời của chủ thể trữ tình qua những bài thơ như Giỗ ông nội, Con ếch trên mộ cha, Ngày thanh minh, Tảo mộ, Thanh minh ngày nắng, Hái hoa vườn nhà, Chợ làng biển, Mồ hôi dân chài, Trẻ con chơi đồ hàng, Bên bàn trà, Hàng xóm tốt bụng, Đám cưới ở quê... Với mảng màu này, bức tranh của thả trở nên phong phú, đa dạng hơn, gần gũi hơn, đời hơn.

Trong bài thơ Nhìn người đàn bà mang thai đi qua, sự liên tưởng tương đồng giữa hình ảnh cây chuối đang mang một buồng quả và người đàn bà mang thai đem đến cho người đọc bất ngờ thú vị: Vội tìm chiếc cọc/ Đỡ buồng chuối chín cây/ Trĩu nặng. “Trĩu nặng” như tình mẹ. “Trĩu nặng” như tình nhân thế ẩn kín nhưng chan chứa nhân văn của người thơ.   

Mỗi bài trong thả, ngôn ngữ, cảm xúc thơ gói nén trong chỉ ba câu ngắn, bởi vậy, giữa các con chữ bao giờ cũng mở ra những khoảng trống vô ngôn mời gọi khách tri âm đồng sáng tạo, cùng lấp đầy. Đọc thả, người đọc trở nên đốn ngộ hơn, biết rũ bỏ những bận bịu, vướng víu vô ích, vô nghĩa. Để tận hiến và tận hưởng. Để phóng thoát, tìm quên:
Tràn
Tôi
Trôi.

     (Nghe tiếng nước)  
 H.T.A
-------
 1. Không viết hoa tên tập thơ là dụng ý
nghệ thuật của tác giả.