Thứ Sáu, 17/04/2020 11:33

Tháng Giêng

Tôi đi ra ngoại ô trong một ngày mưa phùn, thứ mưa đặc trưng của mùa xuân. Trời lạnh, âm u, tầm nhìn trong thành phố rất ngắn vì mưa, sương che khuất.

.ĐỖ BÍCH THÚY

Bây giờ đã là giữa tháng Giêng.

Tôi đi ra ngoại ô trong một ngày mưa phùn, thứ mưa đặc trưng của mùa xuân. Trời lạnh, âm u, tầm nhìn trong thành phố rất ngắn vì mưa, sương che khuất. Những cây cầu gầy guộc ẩn trong mịt mù. Trời đất sẽ cứ như thế suốt từ sáng đến tận trưa, có thể hửng lên một chút, rồi đâu lại vào đấy. Ngày ngắn, đêm dài. Nhưng mùa xuân chỉ thực sự được cảm nhận rõ nhất ở những vùng nông thôn. Nhà nhà ra đồng, ra vườn, ra nương. Xưa, bố tôi hay chọn ngày mùng 5 tháng Giêng để khai xuân. Sáng ông dậy sớm, thả gà, cho gà ăn, miệng nói lớn: “Khai xuân thôi nào. Khai xuân thôi!” Đấy là ngày đầu tiên chúng tôi vác cuốc ra vườn. Và nhà hàng xóm cũng thế. Cả xóm tíu tít rộn ràng. Trẻ con chạy trước, người lớn đi sau. Khu vườn cỏ đã bắt đầu lên xanh. Không có sức sống nào hiển hiện rõ ràng như cây cỏ khi mùa xuân đến. Chỉ một đêm thôi, những ngọn cỏ sáng qua còn đang ngái ngủ thì nay đã vươn cao đủ để ướt chân; những cành cây chiều qua chỉ có nụ hoa thì hôm nay bừng nở; và cũng chỉ một đêm thôi, ruộng thấp ruộng cao đã được phủ kín một tấm thảm xanh mịn màng.

Bố tôi lấy những cái cuốc gác trên đầu hồi xuống. Cuốc to của người lớn, cuốc nhỏ hơn dành cho trẻ con. Thực ra là những cái cuốc bị cùn, mòn vẹt đi, bé còn bằng một nửa, bố tra cán mới để anh em tôi cũng có thể dùng được. Cuối tháng Chạp, khi việc thu hoạch đã xong xuôi, vườn tược trống trơn, bố sai tôi mang cuốc ra ao rửa. Rửa cho thật sạch, những cái lưỡi cuốc sáng bóng, những cái cán cuốc không còn một vụn đất, rồi gác lên hàng rào phơi cho khô. Cuối ngày bố mang cất lên đầu hồi. Bố bảo, người ăn tết, cuốc cũng ăn tết. Cả những con dao quắm cũng vậy, được rửa sạch, treo lên, ăn tết. Đấy là cái lệ ở làng. Những bà cụ người Tày còn buộc vải đỏ cho tất cả đám nông cụ nữa cơ. Và rồi ra Giêng, từng nhà từng nhà một, lại lấy ra, bắt đầu những ngày mùa màng.

Chúng tôi bỏ giày dép ở trong sân, đi ra vườn. Những nhát cuốc đầu tiên bổ xuống như thể đánh thức đất đai. Thân thiết, xúc động, đầy kì vọng vào một năm mưa thuận gió hoà, được mùa gieo trồng cấy hái. Bố tôi thường nói, gieo gì hôm nay thì ngày mai sẽ thu hái nấy. Cùng trên một mảnh đất, người ta chỉ hơn nhau, khác nhau là chọn gieo gì. Đừng nghĩ đất đai vô tri. Nếu hôm nay con không chăm sóc, vun xới, bỏ mặc thì ngày mai đừng mong có gì mà gặt hái. Sau này thì tôi hiểu đấy là câu chuyện của một đời người.

Minh họa: Bùi Quang Đức

Lại nói làng tôi rủ nhau ra vườn, ra đồng, lên nương. Cả năm vất vả, ai ai cũng mong đợi một cái tết ấm no. Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết. Giàu nghèo gì cũng phải có một cái tết tươm tất nhất có thể. Tết để nghỉ ngơi, để hưởng thụ những thành quả lao động sau một năm vất vả, để quấn túm gia đình, anh em, họ tộc. Tết xong, ai nấy lại quay về nhịp sống cũ. Một năm mới bắt đầu. Và luôn bắt đầu bằng những ngày xuân đầy háo hức.

Khai xuân, mẹ gieo một ít hạt rau, bố chiết một cành cam mới, rồi hạ ổ cho đàn gà vừa nở. Tất cả mọi việc được làm trong ngày đầu tiên ấy chỉ mang tính tượng trưng, không khí của những ngày tháng “ăn chơi” vẫn chưa tan hết. Những cánh chim bay đi hồi đầu mùa đông để tránh rét đã bắt đầu quay về. Trên bầu trời đôi khi hửng nắng ấm áp, từng đàn từng đàn lượn trên nóc những cánh rừng. Tôi đứng ở vườn và nhìn lên những khu rừng chưa bao giờ được đếm tuổi, và nhìn thấy lũ chim xanh chim đỏ đậu xuống tán cây như thể có ai đó vừa dùng một chiếc chổi nhúng đẫm màu và phết xuống.

Khi nào nhìn thấy đàn chim ríu ran trở về mẹ tôi cũng nhắc đến một con sáo. Từ cái ngày mới định cư ở đây, nhà nuôi một con sáo. Nó đã biết nói, lanh lảnh gọi mẹ theo đúng cái giọng mà tôi thường gọi. Mẹ đi đâu nó cũng lách nhách theo sau, lúc bay lúc nhảy lúc đậu. Cũng một ngày khai xuân thế này, bố mẹ vác cuốc ra vườn. Con sáo vui vẻ hớn hở đi theo, mẹ cuốc, lật lên những con giun bé, nó nhảy vào nhặt. Và trong một lần mẹ bổ cuốc xuống, con sáo lao vào… Mẹ đã ngồi bên luống đất vừa lật còn bốc lên mùi thơm của mùa xuân và khóc nức nở. Từ đấy, mẹ không bao giờ muốn nuôi chim nữa. Mẹ khiến tôi cũng sợ nuôi chim. Vào đầu mùa xuân năm nay, bạn tôi vừa mở cửa lồng cho một con hoạ mi bay đi, trước khi bạn đi nước ngoài dài ngày. Con chim hoạ mi ấy, có thể sẽ không có một cuộc đời dài như số kiếp loài chim, nhưng chắc chắn nó kịp hưởng tự do thực sự, dù ít hay nhiều, trên những vòm cây giữa thành phố. Tôi thấy ánh mắt bạn phấn khích biết bao sau khi đã quyết định mở toang cái cửa lồng được chuốt nan thật kĩ ấy.

Thỉnh thoảng tôi nghĩ, tại sao mình lại luôn nhớ về những gì đã qua? Tại sao một ngày xuân đẹp đẽ như là tôi đang nhìn thấy kia, mưa lây phây, trời hơi lạnh, ẩm ướt, và rừng cây cách Hà Nội không quá xa đang trổ đầy những lá non biếc xanh như hàng nhiều thập kỉ trước chúng vẫn luôn làm vậy, thì mình lại nhớ đến những mùa xuân đã lùi xa?

Như là giờ đây tôi còn nhớ, vừa làm vườn mẹ tôi vừa lẩm bẩm tính xem rằm tháng Giêng thì sẽ nấu gì, cúng gì. Cúng rằm tháng Giêng là lễ cúng quan trọng, sau ngày khai xuân, để cầu xin tổ tiên, trời đất phù hộ. Bố tôi luôn nhắc, đừng xin những thứ phù du như tiền bạc, địa vị, mà hãy xin sức khoẻ, sự thông thái, minh mẫn. Đấy là nền tảng, là tiền đề bền vững để chúng ta lớn lên, tự thu xếp một cuộc sống yên bình.

Những cái cây trong vườn năm nào của bố tôi giờ đã bị chặt đi, và bất chợt tôi nhận ra, nỗi nhớ của mình bắt nguồn từ việc đã qua ngày khai xuân mà không được lấy những cái cuốc ở đầu hồi xuống, và đi chân đất ra vườn…

Đ.B.T