Thứ Tư, 23/06/2021 16:59

Thế giới có 6 châu 5 biển

Hôm 8/6, vào đúng ngày Đại dương thế giới, tạp chí National Geographic, thuộc hiệp hội Địa lí quốc gia Mĩ tuyên bố về đại dương thứ năm, hay còn gọi là Nam Đại Dương, tại khu vực xung quanh Nam Cực.

Chim cánh cụt trên một tảng băng trôi ở Nam cực. 

Hôm 8/6, vào đúng ngày Đại dương thế giới, tạp chí National Geographic, thuộc hiệp hội Địa lí quốc gia Mĩ tuyên bố về đại dương thứ năm, hay còn gọi là Nam Đại Dương, tại khu vực xung quanh Nam Cực.

Nam Đại dương là vùng nước có sự đa dạng bậc nhất về địa hình, địa thế với đặc trưng là các eo biển, vịnh biển, dòng băng. Dù thiên nhiên không ban tặng cho những điều kiện lí tưởng cho sự sống, nhưng chính điều này lại khiến Châu Nam cực giữ được vẻ hoang sơ, huyền bí với bốn bề bao phủ bởi băng tuyết. Đây cũng là thiên đường của chim cánh cụt, chim tuyết nhỏ, chim hải âu lang thang, cá voi xanh và hải cẩu sinh sống. Không có người bản địa sinh sống tại đây, chỉ có một số nhà khoa học đến nghiên cứu và ở lại trong một thời gian ngắn.

Thuyền trưởng James Cook bằng chuyến hành trình của mình vào thập niên 1770 đã chứng minh vùng cực Nam của địa cầu có nước bao quanh từ đó, nhưng các nhà địa lí đã không chấp nhận ranh giới phía bắc của Nam Đại Dương hoặc thậm chí là sự tồn tại của đại dương này; thay vào đó họ nhận định nó là một phần của Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương. Cách nhìn nhận này vẫn là chính sách chính thức của tổ chức Thủy văn quốc tế (IHO), khi đợt sửa đổi năm 2000 về những định nghĩa bao gồm Nam Đại Dương là vùng nước nằm phía nam vĩ tuyến 60°N vẫn chưa được thông qua. Nhưng một số tổ chức cá nhân đã thừa nhận và sử dụng tên gọi này, “Nam Đại Dương đã được các nhà khoa học công nhận từ lâu, nhưng vì chưa có thỏa thuận quốc tế nào nên chúng tôi chưa từng chính thức công nhận nó”, nhà địa lí học Alex Tait thuộc hiệp hội Địa lí Quốc gia Mĩ nói. Ông Tait cho biết thêm, việc công bố sự tồn tại của đại dương mới chỉ là bước cuối cùng nhằm chính thức hóa Nam Đại dương.“Chúng tôi muốn phân biệt được khu vực này vì hệ sinh thái tại đây khá tách biệt với những đại dương khác”.

Hải cẩu - loài động vật biển quen thuộc với vùng Nam cực. 

Nam Đại Dương là ngôi nhà quan trọng của các hệ sinh thái biển và là tâm điểm của Nam bán cầu. Biên giới của đại dương này tiếp xúc với ba trong số bốn đại dương khác tồn tại trên Trái đất - Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây cũng chính là điều làm cho Nam Đại Dương khác biệt với những vùng khác, đó là thay vì được xác định bởi vùng đất bao quanh nó, đại dương này là được xác định duy nhất bởi dòng chảy nằm bên trong. Dòng chảy ước tính khoảng 34 triệu năm tuổi này là yếu tố làm cho hệ sinh thái của Nam Đại Dương trở nên khác biệt, cung cấp môi trường sống độc đáo cho hàng nghìn loài sinh vật, National Geographic cho biết trên tạp chí của mình.

Đại dương này cũng đóng vai trò quan trọng trong sự thay đổi khí hậu của Trái đất. Nó là dòng chảy toàn cầu duy nhất của Trái đất và sử dụng nước từ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương để đưa nhiệt đi xung quanh hành tinh.

Nam Đại Dương - nơi có địa lí, địa hình độc đáo với băng bao phủ và dòng chảy ngầm. 

Tuy nhiên, National Geographic nói rằng, nước di chuyển qua Dòng hải lưu Nam Cực đang ấm lên và tổ chức này hi vọng rằng sự công nhận mới sẽ giúp ích cho các nỗ lực bảo tồn đại dương. Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới cho biết trên trang web của mình rằng nhiệt độ của dòng nước dao động từ 10 độ C đến -2 độ C, và nếu Nam Đại Dương ấm lên chỉ 2 độ, nó có thể làm giảm tới 30% độ bao phủ của băng ở các khu vực quan trọng.

Như vậy, hiện tại thế giới tồn tại và được thừa nhận 6 châu, 5 biển thay vì “5 châu 4 biển” như cách gọi truyền thống trước đây, bao gồm các châu: Châu Á, Châu Âu, Châu Đại Dương, Châu Mĩ, Châu Nam Cực, Châu Phi; và các biển: Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Bắc Băng Dương và Nam Đại Dương.

Phương Linh tổng hợp