Thứ Hai, 03/10/2022 07:11

Thêm một tác phẩm sân khấu về cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị

Tuy thế, Mưa đỏ vẫn là khúc tráng ca viết tiếp những trang sử đẫm máu về 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, một sự kiện bi tráng trong lịch sử chiến tranh chống Mĩ.

Mưa đỏ, tác giả kịch bản của nhà văn Chu Lai, được dàn dựng dưới bàn tay đạo diễn, NSND Lê Hùng vừa được Nhà hát Kịch nói Quân đội biểu diễn trong khuôn khổ Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V, năm 2022. Vở diễn dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của NSƯT Lê Thị Mai Phương, Phụ trách Giám đốc Nhà hát Kịch nói Quân đội.

Buổi biểu diễn dự thi của Nhà hát Kịch nói Quân đội hôm 29/9 đã thu hút đông đảo khán giả trong và ngoài Quân đội. Hai tầng Nhà hát Quân đội chật kín khán giả các thế hệ đến xem Mưa đỏ và động viên các nghệ sĩ.

Poter giới thiệu vở diễn của Nhà hát Kịch nói Quân đội.

Cường (NS Dương Văn Khánh), chàng sinh viên năm thứ nhất Nhạc viện Hà Nội gác lại việc học cùng chuyến đi Liên Xô đào tạo âm nhạc tại Học viện âm nhạc Tchaikovsky để lên đường chiến đấu. Đơn vị anh gồm các chàng trai trẻ ở các lứa tuổi khác nhau, người Bắc kẻ Nam nhưng đều chung một nhiệt huyết và lòng dũng cảm, dấn thân vào chốn hiểm nguy không tiếc thân mình, tất cả vì độc lập dân tộc, giải phóng đất nước.

Vở kịch xoay quanh cụm chiến đấu giữa một bên là Cường và các chiến sĩ bảo vệ Thành cổ trong tiểu đội do Trần Tạ (NS Đoàn Xuân Bình) làm Tiểu đội trưởng chiến đấu với phía địch là Đội Hắc báo của quân đội Việt Nam Cộng hoà do Thế Quang làm Đội trưởng. Nếu như Cường, chàng sinh viên viên âm nhạc ra trận mang theo cây đàn, người yêu vì thấy anh bỏ dở việc học và giấc mơ âm nhạc để lao vào cuộc chiến đã nói lời vĩnh biệt thì ở phía bên kia, Thế Quang dù người yêu vẫn dành cho tình cảm và sự quan tâm nhưng lại có lí do riêng để đến mặt trận Quảng Trị - vì hình bóng một cô gái khác. Vào mặt trận, dù cuộc sống chiến đấu đối mặt với gian khổ, hi sinh những ý tưởng âm nhạc trong Cường vẫn cất lên giữa đạn bom, trong cái sống cái chết cận kề và sự tấn công như vũ bão từ phía quân địch.

Đối nghịch với Cường là Thế Quang (NS Nguyễn Huy Hùng) và các thành viên đội Hắc báo trong trận chiến giành giật từng tấc đất Thành cổ giữa hai bên. Thế Quang là một thanh niên Sài Gòn, con nhà thế lực, mẹ có ảnh hưởng trong giới sĩ quan cấp cao của Việt Nam cộng hoà. Có người yêu xinh đẹp nhưng Thế Quang lại chán nản đem lòng si mê cô sinh viên văn khoa người Huế tên Hồng (NS Nguyễn Thị Sâm), người luôn đi đầu trong những cuộc biểu tình chống chế độ và đã theo quân giải phóng ra Quảng Trị làm liên lạc, chèo đò cho các chiến sĩ ra vào Thành cổ. Mẹ Quang sẵn sàng bảo trợ để con trai được ở những nơi an toàn, sung sướng tại Sài Gòn nhưng Quang lại nhất quyết đến nơi cối xay thịt Quảng Trị để theo dấu cô gái mình si mê, theo đuổi.

Cảnh Hồng và Cường cùng các chiến sĩ bảo vệ Thành cổ tại chiến trường.

Trong khi đó, Hồng, trong quá trình chiến đấu sát cánh cùng các chiến sĩ tiểu đội Trần Tạ trong đó có Cường, chàng trai Hà Nội dũng cảm và hào hoa, trong đạn lửa khốc liệt, hai người đã có cảm tình và đến với nhau. Thế Quang và Cường đã trạm chán tại Thành cổ trong sự chớ trêu sắp đặt là Hồng ở giữa hai người với những giằng co trong ứng xử, định đoạt mạng sống của mỗi bên khi đối mặt nơi chiến địa. Giữa những gang tấc, Thế Quang từng bỏ qua kỉ luật nhà binh tha mạng cho Hồng; ngược lại, khi bị tiểu đội Trần Tạ bao vây, mạng sống của Thế Quang rơi vào tay Cường, cô đã can thiệp để anh không bắn chết Thế Quang.

Dù thế thì trong sự quay cuồng của cuộc chiến, Cường đã hi sinh và Thế Quang cũng đã bỏ mạng nơi Thành cổ.

Tái hiện một bối cảnh lớn chiến tranh khốc liệt trên sân khấu không phải là điều dễ dàng. Phần thiết kế mĩ thuật và âm nhạc, các nghệ sĩ của Nhà hát đã phải rất khéo léo để mang đến hình dung về một không gian chiến trận, bối cảnh của vở diễn bằng sự kết hợp trình chiếu và thiết kế mĩ thuật truyền thống.
Các nghệ sĩ, dù đa phần là còn trẻ nhưng đã hoàn thành tốt vai diễn. 
Các vai chính của các nghệ sĩ Dương Văn Khánh, Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Thị Sâm đều được xử lí tốt với phong độ ổn định từ đầu đến cuối vở diễn. Về tổng thể, dù không quá "phát sáng" trong diễn xuất ở mỗi cá nhân (một phần cũng do kịch bản định đoạt) nhưng đã làm nên sự thành công chung của vở diễn.

Các nghệ sĩ đã kéo được người xem theo câu chuyện trong từng nét diễn, để lại dư âm tốt nơi khán giả. Sự hi sinh của Cường và đồng đội giữa mưa bom bão đạn đã thực sự làm nên một bản sonata màu đỏ, hay những cơn mưa đỏ của máu xương và nước mắt để bảo vệ Thành cổ, giữ vững thế trận quân sự, chính trị trong cuộc kháng chiến trường kì đang trên những ngày đi đến thắng lợi.

Cụm cảnh và ca khúc chủ đề của vở diễn.

Hình ảnh hai bà mẹ với hai người con ở hai đầu chiến tuyến cùng sự đối kháng, giáp mặt trong những trận chiến bảo vệ Thành cổ đã cho thấy những mất mát của dân tộc để đổi lấy ngày toàn thắng, non sông thu về một mối. Cảnh hai bà mẹ ở hai miền Nam - Bắc tìm về Thành cổ viếng mộ con ở cuối vở diễn như một ngụ ý về những vấn đề hậu chiến và hoà hợp dân tộc khi chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỉ.

Nếu có gì còn cấn cá về Mưa đỏ thì ngay từ khâu kịch bản, việc khai thác nhân vật mẹ của Cường (NS Ma Thị Thu Ngà) có vẻ chưa thoả đáng. Là một cán bộ ngoại giao tham gia đàm phán kí kết Hiệp định Paris, sự kiện mà cuộc chiến đấu tại Thành cổ đóng một vai trò quan trọng trên bàn đàm phán chưa được khai thác hết, hay nói đúng hơn là có mở ra mà chưa khép lại, để thấy cuộc chiến của con trai bà và đồng đội đã mang lại một ý nghĩa nhất định. Điều này có thể giải quyết chỉ qua vài câu thoại bổ sung cho nhân vật mẹ của Cường thì mọi thứ sẽ chặt chẽ hơn.

Cảnh Cường và mẹ chia tay, một người đi chiến đấu trên chiến trường, một người chiến đấu trên mặt trận ngoại giao.

Tuy thế, Mưa đỏ vẫn là khúc tráng ca viết tiếp những trang sử đẫm máu về 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, một sự kiện bi tráng trong lịch sử chiến tranh chống Mĩ.

Cùng với bộ phim Mùi cỏ cháy, đạo diễn Hữu Mười, biên kịch Hoàng Nhuận Cầm được hoàn thành và công chiếu năm 2012 được cho là cảm động và khá thành công về những người con Hà Nội tham gia vào “mùa hè đỏ lửa”, Mưa đỏ đã tái hiện trên sân khấu những cống hiến, hi sinh mất mát của quân và dân ta tại mảnh đất Quảng Trị, góp phần tô đậm thêm những sự oanh liệt của một thế hệ ra trận bảo vệ Tổ quốc, trong đó có những thanh niên Hà Nội.

Dàn dựng và biểu diễn Mưa đỏ đúng vào dịp kỉ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị cũng là 50 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, vở diễn như một nén tâm nhang ghi nhớ công lao và sự hi sinh của các liệt sĩ bảo vệ Thành cổ.

Các nghệ sĩ Nhà hát Kịch nói Quân đội nhận phần thưởng tại Lễ bế mạc Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V cho vở diễn Mưa đỏ.

Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V diễn ra từ ngày 25/9 đến ngày 2/10, thu hút sự tham gia của 13 đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp, gồm 10 đơn vị nghệ thuật đóng quân trên địa bàn Hà Nội và 3 đơn vị nghệ thuật đến từ phía Nam. Lễ bế mạc Liên hoan diễn ra tối 2/10 tại Rạp Đại Nam. Vở kịch nói Mưa đỏ của Nhà hát Kịch nói Quân đội đã được tặng Huy chương Vàng; tác giả kịch bản, đạo diễn và họa sĩ của vở đạt loại xuất sắc. Về cá nhân, 3 nghệ sĩ Dương Văn Khánh, Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Thị Sâm được tặng Huy chương Vàng cho các vai diễn của mình. 

THIỆN NGUYỄN