Thứ Năm, 23/01/2020 06:24

Thiếu tướng Hoàng Xuân Dũng, Chính ủy Binh chủng Hóa học: Bất cứ lĩnh vực nào thuộc chuyên môn, chúng tôi sẵn sàng và thực hiện có hiệu quả

Không loại trừ lĩnh vực nào miễn là thuộc chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với phạm vi, năng lực mà chúng tôi có thể làm được.

Chính ủy Hoàng Xuân Dũng

Trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước ta hiện nay, cùng với sự phát triển, mặt trái của nó là những vấn đề về môi trường ngày càng trở nên bức thiết. Đã có rất nhiều sự cố liên quan đến môi trường xảy ra trong những năm gần đây như Formosa ở Hà Tĩnh, rồi Vedan, ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn sông Đà... Trong quá trình xử lí, giải quyết hậu quả các vụ việc ấy, ngoài các đơn vị chức năng có liên quan của nhà nước, còn có sự xuất hiện của một lực lượng mang đến sự yên tâm lớn cho nhân dân, đó chính là những người lính Hóa học, những người được mệnh danh là “người lính môi trường” mà gần đây nhất là tham gia công tác khắc phục sự cố hóa chất, sự cố môi trường do cháy, nổ tại Công ti cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông xảy ra vào cuối tháng 8 năm 2019 này.

Để hiểu hơn công việc của những “người lính môi trường”, phóng viên Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Hoàng Xuân Dũng, Chính ủy Binh chủng Hóa học xung quanh công việc của họ.

Xin trân trọng giới thiệu.

PV: Xin chào đồng chí Chính ủy. Những ngày vừa qua, liên tục các sự cố liên quan đến môi trường trên địa bàn Hà Nội ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân, gây hoang mang dư luận, trong đó có vụ cháy Công ti cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông gây ra sự cố hóa chất. Đã có không ít người, trong đó có cả tôi, ngỡ ngàng khi thấy xử lí sự cố mang tính chất dân sự đó lại là những người lính.

Chính ủy Hoàng Xuân Dũng: Vâng, có lẽ cũng dễ giải thích cho sự “ngỡ ngàng” đó, bởi mặc định trong suy nghĩ của nhiều người, đặc thù của những người lính là hoạt động trong lĩnh vực quân sự. Nhưng có một điều, quân đội ta là đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” vì thế, các hoạt động của người lính không phân biệt quân sự hay dân sự, miễn là họ phát huy được vai trò của mình trong lĩnh vực đó và bộ đội Hóa học cũng không phải là ngoại lệ. Đối với vấn đề bảo vệ môi trường, năm 2014, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã phê duyệt “Chiến lược bảo vệ môi trường của Bộ Quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó xác định, đây là nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong toàn quân và Bộ đội Hóa học là lực lượng nòng cốt. Không chỉ có sự cố môi trường ở Công ti cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, những người lính Hóa học chúng tôi trước đây đã từng tham gia xử lí rất nhiều vụ việc liên quan đến hóa chất độc, chất phóng xạ.

PV: Những lĩnh vực nào “người lính môi trường” có thể tham gia, thưa đồng chí Chính ủy?

Chính ủy Hoàng Xuân Dũng: Không loại trừ lĩnh vực nào miễn là thuộc chức năng, nhiệm vụ và phù hợp với phạm vi, năng lực mà chúng tôi có thể làm được. Năm 1988, chúng tôi trực tiếp xử lí sự cố ô nhiễm môi trường do vỡ thùng hóa chất Clopicrin tại Nhà máy Thuốc lá Thăng Long, rồi xử lí ô nhiễm khi tiêu hủy trên bốn triệu mét pháo ở Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây cũ), vụ vỡ container hóa chất độc hại ở cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng cuối năm 1998. Tại Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, chúng tôi cũng vào cuộc để xử lí ô nhiễm do chôn lấp lợn bị dịch tai xanh. Sau khi xảy ra sự cố nổ hóa chất tại Nhà máy Nhiệt điện ở Thủy Nguyên, Hải Phòng năm 2011, chúng tôi cũng được giao thực hiện công việc tiêu hủy các hóa chất độc hại. Đầu năm 2012 tham gia cứu hộ, cứu nạn do ngạt khí độc trong hang đá tại huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Thậm chí, năm 2012 tại Ba Tơ, Quảng Ngãi, khi có hiện tượng nhiều người dân mắc bệnh lạ với triệu chứng lòng bàn tay bàn chân, các đầu kẽ ngón chân của bệnh nhân bị khô da, dày sừng, có biểu hiện mệt mỏi, kém ăn, sốt và tê bì bàn tay bàn chân mà biến chứng là viêm phổi, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng chưa rõ nguyên nhân, để có thêm cơ sở xác định nguồn bệnh, chúng tôi đã tiến hành phối hợp với Cục Quân Y và Quân khu 5 khảo sát đánh giá môi trường tại đây để cung cấp cho Bộ Y tế. Năm 2013, xử lí môi trường sau sự cố nổ tại Nhà máy Z121 sản xuất pháo hoa tại Phú Thọ. Năm 2014 là khắc phục sự cố cháy hóa chất của Công ti Tân Hùng Thái tại quận Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh. Vụ Formosa chúng tôi cũng là một lực lượng tham gia. Rồi tìm kiếm một số vụ nguồn phóng xạ bị thất lạc trước đây. Gần đây nhất, như các anh đã biết, chính là vụ khắc phục sự cố hóa chất, sự cố môi trường tại Công ti cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

PV: Câu chuyện xử lí sự cố từ vụ cháy Công ti cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thế nào?

Chính ủy Hoàng Xuân Dũng: Sau khi vụ cháy xảy ra, chúng tôi đã chủ động liên hệ với các đơn vị liên quan như Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Cục Cứu hộ - Cứu nạn, Bộ Tổng tham mưu để thông báo và nắm bắt thông tin cụ thể và chi tiết sự cố. Cũng ngay lúc ấy, công tác chuẩn bị về lực lượng, phương tiện tham gia quan trắc, phân tích cũng được tiến hành ngay lập tức bởi chúng tôi xác định, nếu xảy ra vấn đề liên quan đến hóa chất, bộ đội Hóa học phải sẵn sàng có mặt. Vì thế, ngày 28 tháng 8 xảy ra vụ cháy, ngày mùng 5 tháng 9, sau khi nhận được chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chúng tôi lập tức nhập cuộc.

PV: Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn?

Bộ đội Hóa học xử lí tiêu độc ở Công ti cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông năm 2019 - Ảnh: TL

Chính ủy Hoàng Xuân Dũng: Đầu tiên là phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô trinh sát thực địa, lấy 23 mẫu tại nhà kho, chỗ cháy, nước thải, vách vữa tường, bùn trầm tích... bên trong và bên ngoài khu vực xảy ra sự cố về phân tích, đánh giá nồng độ ô nhiễm. Sau đó, chúng tôi phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng phương án tổng thể để tiêu độc toàn bộ khu vực bị cháy, phương án này được Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội thông qua. Sáu mươi cán bộ chiến sĩ của Binh chủng và hàng chục phương tiện đặc chủng như xe trinh sát NBC, xe tiêu tẩy đa năng CDS 1000, xe tiêu tẩy APC-14, APC15, thiết bị tiêu tẩy Sanijet và các thiết bị do Binh chủng nghiên cứu chế tạo được huy động làm việc liên tục hai ca một ngày. Cùng với Công ti cổ phần Bóng đèn, phích nước Rạng Đông và Công ti cổ phần Môi trường đô thị và Công nghiệp, chúng tôi đã hỗ trợ họ thu gom trên mười một ngàn ki lô gam bóng đèn huỳnh quang và trên một trăm hai mươi ngàn ki lô gam chất thải nguy hại. Để xử lí số chất thải nguy hại này chúng tôi đã phải phun hóa chất đảm bảo an toàn trước khi vận chuyển đến nơi xử lí, rồi dùng gần bốn ngàn ki lô gam hóa chất để chống phát tán thủy ngân trong quá trình thu gom, đồng thời tổ chức tiêu độc cho hơn ba mươi ngàn mét vuông các công trình trong khu vực bị cháy với lượng dung dịch hóa chất trên hai trăm ngàn lít.

PV: Những khó khăn trong quá trình khắc phục sự cố Công ti cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là gì?

Chính ủy Hoàng Xuân Dũng: Đây là vụ cháy có liên quan đến thủy ngân phát tán ra môi trường đầu tiên của Việt Nam. Trên thế giới, cũng mới xảy ra rất ít vụ như vậy, vì thế, anh em chưa có kinh nghiệm. Binh chủng đã huy động số cán bộ khoa học, các chuyên gia đầu ngành để tập trung nghiên cứu đưa ra quy trình xử lí. Bên cạnh đó, dư luận nhân dân khu vực sự cố nói riêng, nhân dân cả nước nói chung hoài nghi, băn khoăn, lo lắng, hoang mang. Nếu như mình làm không tốt, không ra tấm ra món sẽ ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhân dân. Không đưa ra được kết luận chính xác, kéo dài thời gian xử lí, cuộc sống của nhân dân ở xung quanh khu vực đó sẽ bị ảnh hưởng, doanh nghiệp càng khốn đốn khi mà hậu quả của vụ cháy còn chưa được khắc phục. Tuy nhiên, không vì thế mà vội vàng được. Sau khi có quy trình xử lí thực hiện trong phòng thí nghiệm và được các nhà khoa học và hội đồng chấp nhận, chúng tôi báo cáo lên thành phố Hà Nội và khi có công văn của thành phố Hà nội đồng ý theo quy trình đó, chúng tôi mới bắt đầu thực hiện. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị, vì sự an toàn và ổn định cuộc sống của nhân dân nên tập trung, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hiệu quả nhất. Đầu tiên chỉ nghĩ, công việc xử lí trong một tuần là hoàn tất, nhưng cuối cùng mất cả tháng. Càng làm chúng tôi càng tự tin, càng nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của quần chúng. Hình ảnh người chiến sĩ Hóa học với ý chí thép, trách nhiệm cao, chuyên môn giỏi, kỉ luật nghiêm, tác phong làm việc khoa học, trang thiết bị hiện đại ngày đêm lăn lộn với thời tiết khắc nghiệt, môi trường độc hại nguy hiểm đã có sức lan tỏa lớn. Từ chỗ dư luận nhân dân khu vực sự cố nói riêng và nhân dân cả nước nói chung hoài nghi, băn khoăn, lo lắng, sau khi chứng kiến công việc của Bộ đội Hóa học thực hiện đã trở nên tin tưởng. Một lần nữa, hình ảnh Bộ đội Hóa học, Bộ đội Cụ Hồ lại tỏa sáng giữa thời bình, đồng thời khẳng định trách nhiệm, khả năng, trình độ của Quân đội ta nói chung, Bộ đội Hóa học nói riêng trong khắc phục các sự cố hóa chất, sự cố môi trường.

PV: Có thể nói, với những người lính Hóa học khi tham gia xử lí những vấn đề về môi trường, sẽ có nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe được đặt ra, thậm chí không chỉ là trước mắt bởi thứ mà họ thường xuyên phải đối mặt là hóa chất độc hại.

Chính ủy Hoàng Xuân Dũng: Đặc thù của người lính Hóa học là thực hiện nhiệm vụ trong môi trường, tiếp xúc với hóa chất độc hại, một lĩnh vực nếu nói không quá thì với những người bình thường không có chuyên môn, nó rất mông lung. Cái sự mông lung ấy gắn liền với ý niệm về sự nguy hiểm vô hình, ảnh hưởng đến sức khỏe không chỉ trước mắt mà cả về sau này, ảnh hưởng tới con cái. Vì thế, có khi những người biết về chuyên môn như chúng tôi hiểu, nhưng gia đình vợ con, họ hàng thì lại chưa chắc. Cái chưa chắc ấy sẽ trỗi dậy với suy nghĩ có khi thế này, có khi thế kia mỗi khi con cái có bệnh dù nguyên nhân không hẳn đã là ảnh hưởng từ công việc xử lí hóa chất... Xuất phát từ vấn đề ấy, với chúng tôi, công tác tư tưởng phải làm thường xuyên, hết sức cụ thể, tỉ mỉ. Cùng với đó, vấn đề bảo hộ phải thực hiện nghiêm ngặt theo đúng quy định bởi nó liên quan đến sức khỏe của anh em. Nhớ lại, khi Binh chủng mới thực hiện các dự án về xử lí chất độc, tồn lưu sau chiến tranh, nhất là chất da cam/dioxin, khi đó Binh chủng chưa có kinh nghiệm, nên phải vừa thực hiện nhiệm vụ, vừa tiến hành nghiên cứu quy trình xử lí, để bảo đảm an toàn cho những quân nhân tham gia. Trước mỗi nhiệm vụ liên quan đến hóa chất độc hại, chúng tôi đều tiến hành kiểm tra sức khỏe trước, trong và sau công việc để quản lí sức khỏa của từng người.

PV: Vâng, nếu nói về chất độc hóa học vẫn còn lưu ngoài môi trường, không thể không nhắc đến chất độc mà quân đội Mĩ đã rải xuống miền Nam Việt Nam trong chiến tranh…

Chính ủy Hoàng Xuân Dũng: Dù đã trôi qua gần nửa thế kỉ nhưng bom mìn, chất nổ, chất độc hóa học từ cuộc chiến tranh chống Mĩ vẫn hiện diện trên nhiều vùng miền của đất nước ta, điều này thông qua các phương tiện thông tin, sách báo chắc các anh cũng đã biết. Ảnh hưởng của nó đối với con người, có lẽ chúng ta ai cũng quá rõ, nó hiện diện ở mọi vùng miền đất nước với những di chứng từ những người trực tiếp tiếp xúc, phơi nhiễm, rồi con cái của họ với những căn bệnh ung thư, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật... Dù chúng ta đã rất cố gắng trong việc khắc phục hậu quả chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh nhưng theo kết quả nghiên cứu của các tổ chức trong và ngoài nước cho thấy, ở một số nơi nồng độ dioxin còn cao, nhất là tại các “điểm nóng” các sân bay quân sự như: Biên Hòa, Phù Cát. Theo số liệu thống kê tại Hội thảo quốc tế “Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin do Mĩ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội hồi tháng 8 năm 2016 mà chúng tôi có tham dự, trong 10 năm (1961 - 1971), ước khoảng tám mươi triệu lít chất độc hóa học, trong đó sáu mốt phần trăm là chất da cam, chứa khoảng 336 ki lô gam dioxin (một trong những chất độc nhất trong các loại chất độc mà con người biết đến) và hơn chín ngàn tấn chất độc CS bị quân đội Mĩ phun rải xuống một phần tư diện tích miền Nam Việt Nam, làm cho khoảng gần năm triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm.

PV: Vậy chúng ta đã có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này?

Chính ủy Hoàng Xuân Dũng: Trước đây, khi chưa có điều kiện, chúng ta chỉ làm nhiệm vụ phát hiện khoanh vùng sau đó dùng phương pháp chôn lấp cô lập. Thế nhưng bây giờ, cùng với sự hợp tác giúp đỡ của quốc tế, chúng ta đã có điều kiện để làm sạch đất trả lại môi trường. Bộ Quốc phòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, trong đó có Binh chủng Hóa học đã và đang phối hợp với các đối tác đến từ Nhật Bản, Mĩ, Hàn Quốc, Bỉ... để đề xuất thực hiện dự án thử nghiệm công nghệ xử lí triệt để đất, trầm tích nhiễm da cam/dioxin. Trước mắt, Binh chủng đang triển khai thực hiện dự án với Tập đoàn Shimizu Nhật Bản thử nghiệm công nghệ làm sạch đất ở sân bay Biên Hòa. Đất sẽ được làm nhỏ, sàng lọc phân cỡ hạt sau đó chà rửa rồi tuyển nổi để các chất ô nhiễm dính vào bề mặt các bọt khí và được lấy ra. Theo tính toán, công nghệ này có thể tái sử dụng 70% khối lượng đất nhiễm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh nghiên cứu lựa chọn công nghệ nhằm nâng cao khả năng xử lí chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh, ứng phó sự cố hóa chất độc, phóng xạ, hạt nhân, bảo vệ môi trường sinh thái quốc gia. Chúng tôi cũng đang triển khai đồng bộ các nội dung để thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trung tâm Hành động quốc gia xử lí chất độc hóa học và môi trường do Binh chủng Hóa học chỉ huy, nhanh chóng đi vào hoạt động bảo đảm hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ để thực hiện điều tra, khảo sát, thu gom và xử lí chất độc tồn lưu sau chiến tranh, các sự cố về môi trường - một nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình” của người lính Hóa học.

PV: Thế còn với những nguy cơ hiện hữu từ các nguồn có hóa chất như kho, nhà máy... có khả năng ảnh hưởng đến môi trường hiện nay nếu như xảy ra sự cố, tương tự như vụ Công ti cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chẳng hạn?

Chính ủy Hoàng Xuân Dũng: Nền công nghiệp của đất nước càng phát triển, nguy cơ xảy ra sự cố về môi trường ngày càng cao. Đối với vấn đề này, chúng tôi tiến hành phối hợp với các cơ quan đơn vị, địa phương trong điều tra, đánh giá phát hiện xử lí kịp thời các điểm ô nhiễm chất độc hóa học, chủ động nắm chắc tình hình, khảo sát, đánh giá nguy cơ xảy ra sự cố tại các cơ sở hóa chất, bức xạ trọng điểm, xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố sát với tình hình thực tiễn, tổ chức huấn luyện diễn tập nâng cao trình độ, khả năng ứng phó các sự cố hóa, sinh học, phóng xạ và thảm họa môi trường. Những năm qua, Binh chủng Hóa học đã tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về tình hình quản lí, sử dụng các hóa chất độc hại và kế hoạch nghiên cứu, khắc phục hậu quả. Những kết quả trên sẽ cung cấp số liệu điều tra, khảo sát có độ tin cậy cao, góp phần quan trọng vào việc đánh giá tổng thể tình hình ô nhiễm và nguy cơ xảy ra các sự cố hóa chất độc trên các địa bàn, nhất là những địa bàn chiến lược. Đó cũng là cơ sở để Đảng, Nhà nước đề ra chủ trương, giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tới.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Chính ủy về buổi trò chuyện này.

PV