. SƯƠNG NGUYỆT MINH
Trong cuộc đời của Thiếu tướng Vũ Cao Quân có một nỗi buồn chinh chiến. Ấy là bị kỉ luật rất nặng khi ông đang là đại đội trưởng chỉ huy nổi tiếng, lập nhiều chiến công ở chiến trường K đánh bọn Khmer đỏ Pol Pot.
Khi đó, Sư đoàn 339 - Quân khu 9 đã về Kông Pông spư đóng quân, rồi tổ chức đại hội mừng công các cấp. Đại đội trưởng Vũ Cao Quân được bầu là Chiến sĩ thi đua Sư đoàn. Ông cũng nằm trong danh sách đi Đại hội chiến sĩ thi đua Quân khu. Bữa đó, bỗng nhiên, một con bò của dân Khmer đi lạc. Anh em bắt được dắt về đơn vị. Đại đội trưởng Vũ Cao Quân bảo: “Chúng mày cột lại đó. Dân đến tìm thì trả cho họ. Chứ thả ra nó vào rừng mất bò của dân.” Chuyện sẽ chẳng có gì nặng nề nếu cuộc nhậu hôm đó không quá đà. Chả là mấy ông cán bộ tiểu đoàn lên sư đoàn mừng công tạt vào đại đội ông Quân. Mồi ngon bày ra. Chuyện trò vui vẻ quá. Dù sao cũng đã từng trải qua những ngày gian khổ, hi sinh, được nghỉ ngơi xả hơi, ăn mừng chiến công. Uống rượu lâng lâng. Anh em trong đại đội mới bảo làm thịt con bò đi đại trưởng ơi. Chàng đại đội trưởng lúc đó đang mặt đỏ tưng bừng, gật đầu đồng ý. Rồi sự việc xảy ra và cái kết là ông bị ông Phó Chính ủy Sư đoàn, Thượng tá Huỳnh Văn Gương kí quyết định kỉ luật: Giáng cấp từ trung úy xuống thiếu úy. Lí do ghi trong quyết định kỉ luật: “Kém ý thức tổ chức kỉ luật, sai phạm 9 điều quy định nghiêm trọng, ra lệnh cho bộ đội bắt bò của dân làm thịt, khi dân đã biết bò lạc vào đơn vị, Phòng Tham mưu nhắc nhở, nhưng đồng chí không chấp hành. Khi trên phát hiện sai, viết thư để lại rồi dẫn 1 trung đội đi công tác có tính chất dọa là đi luôn không về, mất uy tín trong chỉ huy, lãnh đạo đơn vị, không xứng đáng là cán bộ đảng viên.”
Dĩ nhiên, chàng đại đội trưởng trẻ người non dạ còn thêm một kỉ luật nữa là bị khai trừ khỏi Đảng. Cũng may là chưa bị ra khỏi quân đội hoặc ở tù.
Khi đó, kỉ luật dân vận, kỉ luật chiến trường nghiêm lắm. Lính ta vô tình lấy lọ kem đánh răng của dân nước bạn còn bị tước quân tịch trả về địa phương, bẻ mấy trái dừa của dân còn bị tòa án binh xử đi tù. Vậy mà, cán bộ, chiến sĩ của Đại đội trưởng Vũ Cao Quân làm chuyện động trời thịt cả con bò của dân Khmer. Vi phạm chính sách dân vận, thì kỉ luật như vậy cũng vẫn là nhẹ.
*
* *
Bị kỉ luật, nhưng Vũ Cao Quân vẫn ngùn ngụt ý chí rèn luyện, phấn đấu và chiến đấu. Ông được kết nạp lại vào Đảng, lần lượt được bổ nhiệm và thăng cấp, được đi học ở Học viện Lục quân rồi trở lại chiến trường K. Có thời gian chỉ 6 tháng, ông lên 3 chức. Trong trận mạc, lên chức nhanh như thế cũng không phải là chuyện lạ.
Có một kỉ niệm nghiệt ngã và buồn khi ông làm Trung đoàn phó là đánh căn cứ Kim Ry, huyện 17, tỉnh Công Pông Chư Năng. Trung đoàn 9 của ông sử dụng lực lượng gồm 2 tiểu đoàn và mấy đại đội trực thuộc. Đánh ào ào như vào chỗ không người, thì ra bọn lính áo đen đã rời khỏi căn cứ này rồi. Chỉ huy trung đoàn bàn nhau cho đơn vị hành quân về căn cứ nghỉ. Ông kêu ông Trung đoàn trưởng:
“Chia làm hai mũi. Anh đi một mũi. Tôi đi một mũi.”
Ông Trung đoàn trưởng bảo:
“Tối rồi. Không có chuyện gì đâu, đi về một hướng thôi.”
Lúc đó khoảng 4 giờ chiều. Trung đoàn hành quân về căn cứ, không may đi đúng vào căn cứ của địch. Bọn chúng nổ súng. Đơn vị ông bị động hoàn toàn. Bởi trong đánh nhau, thì phải có mũi chủ yếu, mũi thứ yếu. Đằng này, cả đơn vị hành quân hàng dọc, dồn vào một mũi, đánh trực diện thành ra đánh không được. Tổ chức bốn, năm đợt xung phong mà không nhổ được căn cứ của địch. Trời thì tối dần, ông Trung đoàn trưởng ra lệnh lui quân, một số cán bộ chiến sĩ hoang mang dao động cũng chạy theo. Ông Quân không chịu rút, ông rút súng ngắn ra nói với đại đội trinh sát và số chiến sĩ, cán bộ còn lại: “Tôi không rút. Anh em mà rút chạy, tôi bắn đó.” Còn lại ông Quân với đại đội trinh sát và mấy anh em các đơn vị đánh đến cùng. Bọn tàn quân Pol Pot giữ không nổi, rút chạy. Trung đoàn phó Vũ Cao Quân chỉ huy, thu dung thương binh, liệt sĩ đưa về căn cứ. Phía đằng mình, người hi sinh, người bị thương hơn chục. Ông Trung đoàn trưởng sau đó bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Căm Pu Chia rút về nước. Trung đoàn phó Vũ Cao Quân cùng đoàn quân chiến thắng trở về đất mẹ. Ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ cao hơn, và cao nhất là Phó Tham mưu trưởng Quân khu 9 và Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố Cần Thơ.
Các đơn vị thuộc Sư đoàn 330, Quân khu 9 tham gia diễn tập
Dường như mỗi người lính đều có một hậu phương ân tình, vững chắc. Hậu phương chính là gia đình, dòng họ, quê hương nâng bước người lính suốt dọc dài chiến chinh. Thiếu tướng Vũ Cao Quân cũng có một gia đình hậu phương vững chắc, đặc biệt là người vợ lành hiền, tảo tần, thương yêu chồng hết mực. Người con gái đầu là Thiếu tá công an Vũ Huỳnh Giang sinh năm 1982. Con gái thứ hai là Vũ Huỳnh Ngân, Thượng úy công an, sinh năm 1991. Hai anh con rể ông bà cũng là sĩ quan công an.
Phu nhân Thiếu tướng Vũ Cao Quân có một cái tên rất ấn tượng và khác người là... Huỳnh Công Gô. Ông Quân kể về xuất xứ cái tên người vợ thân thương của mình rằng: Ông bố vợ tên là Huỳnh Hữu Tân, còn gọi là Huỳnh Hữu Nghị. Bà mẹ là Lê Ngọc Hạnh là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ông bố vợ đi kháng chiến, sau này lên tới chức Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. Ý chí cách mạng kiên trung, tinh thần cống hiến vô lợi, ông cụ nghe đài, nghe thời sự trong đơn vị biết ở châu Phi có một nước Công Gô mới giành được độc lập dân tộc. Đúng dịp vợ sinh, mừng quá, ông lấy luôn tên nước Công Gô xa xôi ấy đặt tên cho con gái. Cũng chẳng riêng gì chị mang cái tên lạ, độc đáo ấy. Ở Sóc Trăng và miền Tây Nam Bộ dạo đó cũng nhiều người nương theo cảm xúc chân thành, đặt tên con cháu từ những chuyện tương tự.
Sau giải phóng, chị Huỳnh Công Gô từ Sóc Trăng lên Cần Thơ học trường bổ túc công nông. Trường học ở gần nhà chàng sĩ quan quân đội Vũ Cao Quân, chị lại học cùng với đứa em con bà dì của anh. Thỉnh thoảng chị “đến tới đến lui”, thăm gia đình đứa em con dì, rồi đưa nhau sang nhà anh chơi. Mấy ông bạn học ở trường đó cũng đến nhà anh chơi. Ngày nghỉ, đứa em con bà dì đến nhà anh, lại kéo chị Công Gô đi cùng. Bà mẹ anh nhìn cô gái Sóc Trăng cũng ưa nhìn, có duyên mà cảm mến. Bà gọi coi trai về... coi. Rồi làm quen.
Lúc đầu, anh nhìn thấy mê luôn. Chị là hoa khôi của trường, đẹp lắm. Chị ra trường, làm kế toán ở Trường Đảng của tỉnh Hậu Giang. Yêu hai năm, đến năm 1980 thì cưới nhau. Cưới rồi, anh lại phải đi học ở Học viện Lục quân Đà Lạt, sau khi ra trường sang chiến trường Campuchia. Thư về. Thư lại sang. Nồng nàn. Nhớ nhung. Lâu lâu, anh được từ chiến trường về nước công tác ngắn ngày. Thời gian ngắn ngủi, và hiếm hoi, họ gặp nhau rồi anh lại ra đi, trong nỗi nhớ mong vời vợi của chị. Chị ở nhà có mang, sinh con, nhưng anh vẫn ở nơi chiến trường K xa cách.
Thời anh đi học Đà Lạt 3 năm, chị ở nhà vất vả quá. Cũng may, nhà ở ngang chợ. Bà mẹ chồng bày việc bán sinh tố, bán nước mía, sau bán cà phê. Rồi mở quán karaoke, bi a... Mẹ chồng, con dâu thay nhau làm đủ nghề.
Chị xin nghỉ làm việc ở Trường Đảng, ở nhà phát triển kinh tế tư nhân gia đình. Là một người có lòng tự trọng, chị xin không tham gia sinh hoạt Đảng nữa… Chị lấy lí do không xứng đáng là người đảng viên. Vì chị đi làm kinh tế tư nhân. Chị là người đầu tiên của tỉnh Hậu Giang trả thẻ Đảng năm 1986.
Tôi hỏi Thiếu tướng Vũ Cao Quân:
“Vợ trả thẻ Đảng mà ông không bị ảnh hưởng gì à?”
“Ảnh hưởng gì? Vợ lo hậu phương vững chắc, để chồng làm việc cách mạng, cũng hợp tình hợp lí chớ.”
“Đói ăn đầu gối phải bò”, “Cái khó ló cái khôn” - các cụ ta ngày xưa nói như thế. Không chỉ là người lính trận, là chỉ huy, ông Vũ Cao Quân còn sống một đời sống thường nhật bình dị. Sống lam lũ, vất vả quá, trước thời gian ở Học viện Lục quân Đà Lạt, chàng sĩ quan trẻ Vũ Cao Quân đã biết làm kinh tế phụ giúp gia đình. Ra trường. Rồi công tác ở Phòng Quân huấn Quân khu, nhưng khả năng sản xuất kinh doanh của chàng sĩ quan vẫn phát tiết tinh hoa. Ông mua hai máy cày đi cày thuê cho các hộ nông dân. Ông mua bốn giàn khoan, tuyển người đi khắp các tỉnh khoan giếng nước sạch. Vợ làm kinh tế, chồng cũng làm kinh tế.
Ông còn chỉ đạo lính trong đơn vị vừa công tác vừa làm kinh tế để cải thiện đời sống. Dạo ấy, quân đội chưa ai biết kinh doanh thì ông đã biết bán báo. Mà bán báo giỏi. Ông đăng kí mua báo chí từ xưởng in. Cứ 4 giờ sáng, ông cho bốc báo chí lên xe quân báo, rồi đi bỏ “mối”. Gọi là xe quân bưu nhưng thực ra là xe đò chở khách, chứ không phải là xe riêng nhà binh. Xe đò, có chiến sĩ quân bưu đi cùng xe để đưa báo chí, thư từ, tài liệu cho các đơn vị dọc đường. Ông gửi đưa báo mới in còn thơm mùi mực bằng xe quân báo này xuống tận Hà Tiên. Công an không bao giờ bắt. Các đơn vị đặt báo trực tiếp cho ông, không qua bưu điện. Sáng báo ra thì trưa lính mình có báo đọc còn thơm mùi mực in. Cũng không phải trích hoa hồng cho các đơn vị. Bởi một phần là ông đang công tác ở cơ quan quân khu, nên cán bộ đơn vị nể. Với lại thời ấy, con người còn trong sáng lắm. Bưu điện cứ thưa ông hoài. Thưa là... kiện đấy. Nhưng, cạnh tranh lành mạnh trong kinh tế thị trường thì đâu có sai. Những năm bao cấp gian lao, khó khăn, lam lũ, nhưng cũng đầy linh hoạt, sáng tạo, ông lần lượt trải qua đến 28 nghề sinh nhai chân chính, không vi phạm pháp luật.
Huấn luyện dân quân cơ động ở Ban CHQS quận Ninh Kiều Ảnh: PHẠM TRUNG (Báo Cần Thơ)
Cuộc đời Thiếu tướng Vũ Cao Quân như huyền thoại. Tuổi thơ giặc giã, đói nghèo. Càng lớn càng hun đúc ý chí tinh thần cách mạng. Đánh giặc giỏi. Chỉ huy tài. Làm kinh tế cũng giỏi. Ông là con người luôn luôn nghĩ ngợi, luôn luôn tư duy, luôn luôn hành động đột sáng. Ông có tầm nhìn bao quát của một tướng quân quyết đoán, lại có tính linh hoạt, biến hóa, nắm bắt thời cơ để hành động. Cuộc đời lúc thăng lúc trầm, lắm niềm vui cũng nhiều nỗi buồn. Nhưng, không khó khăn gian khổ, thử thách, hi sinh nào làm ông dừng bước. Ông vấp ngã chỗ nào, đứng dậy ngay từ chỗ ấy bước đi tiếp. Thất bại trước là thành công sau, càng đi càng trưởng thành, càng thành công.
Bây giờ, Thiếu tướng Vũ Cao Quân đã trở về với cuộc sống đời thường.
Ông sống an lành cùng vợ và các con, nhưng cái tạng người lúc nào cũng tư duy, cũng hành động, ông vẫn không chịu nghỉ ngơi. Ông tham gia điều hành Bệnh viện Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ, đi từ thiện, và dành thời gian đi lại chiến trường xưa, thăm đồng đội cũ. Dọc dài chiến chinh, ông đi mãi, đi mãi đến thời bình hôm nay, những bước chân dài không nghỉ.
S.N.M