Thứ Năm, 03/04/2025 05:14

Thơ chống Mĩ: thành tựu và kinh nghiệm nghệ thuật

Khi nghiên cứu về thơ ca cách mạng Việt Nam, nhiều người cho rằng thơ chống Mĩ ứng với khoảng thời gian từ 1964 đến 1975.  (PGS.TS. NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP)

. PGS.TS. NGUYỄN ĐĂNG ĐIỆP

1. Khi nghiên cứu về thơ ca cách mạng Việt Nam, nhiều người cho rằng thơ chống Mĩ ứng với khoảng thời gian từ 1964 đến 1975. Điều này không phải không có lí vì đó là quãng thời gian cả nước chung sức đồng lòng trực diện đánh Mĩ. Tuy nhiên, cần lưu ý thích đáng hơn về biên độ, sự thực thì thơ chống Mĩ đã xuất hiện khá nhiều ngay sau khi hiệp định Genève được kí kết. Hơn nữa, mặc dù cuộc chiến tranh này khép lại vào năm 1975 nhưng những năm cuối thập kỉ 70 đầu thập kỉ 80 của thế kỉ XX cũng xuất hiện nhiều bài thơ và nhiều trường ca xuất sắc ngợi ca cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Phần lớn tác giả của những bản trường ca ấy là các nhà thơ mặc áo lính. Họ viết về đồng đội, về nhân dân, họ ngợi ca và tìm cách lí giải chiến thắng bằng cái nhìn của những người trong cuộc. Tôi cứ hình dung các đợt sóng trường ca xuất hiện sau khi cuộc chiến tranh vừa kết thúc như là những bản giao hưởng về một giai đoạn lịch sử hào hùng và bi tráng. Nếu chúng ta không chú ý đến điều này mà khuôn định thơ chống Mĩ trong một giới hạn thời gian quá cứng nhắc thì rất dễ làm hẹp đi những đóng góp to lớn của thơ chống Mĩ vào lịch sử thơ ca dân tộc. Ở đây, tôi chia sẻ với ý kiến một số nhà nghiên cứu, rằng nếu nhìn rộng hơn, sự bùng nổ của trường ca trong văn học Việt Nam thế kỉ XX là một trong những sự kiện đáng quan tâm nhất của thơ ca hiện đại nước ta về phương diện thể loại.

2. Theo tôi, giá trị của một nền thơ phụ thuộc vào việc nó đã đáp ứng được yêu cầu của thời đại mà nó thuộc về đến đâu và nó có khả năng sống qua nhiều thời đại hay không. Tôi nghĩ, về cơ bản, thơ chống Mĩ đã đáp ứng được hai yêu cầu hết sức khắt khe này. Sự đóng góp nhiều mặt của thơ chống Mĩ có thể còn phải tiếp tục nghiên cứu sâu và kĩ hơn, nhưng tựu trung, nó được thể hiện rõ nhất trên ba phương diện dưới đây.

Thứ nhất, đưa khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn lên tới cao trào. Về phương diện này, thơ chống Mĩ thừa hưởng và tiếp tục đà quay của thơ ca kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên so với cuộc kháng chiến chín năm trước đó thì cuộc đối đầu giữa dân tộc ta với đế quốc Mĩ căng thẳng, gay go, ác liệt hơn nhiều. Văn học, trước những thử thách lịch sử đầy nghiêm trọng ấy, không thể “ru theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, cũng không thể quá chú ý đến cái tôi nhỏ hẹp mà phải tham gia vào cuộc kháng chiến bằng cách riêng của mình. Xuân Diệu khẳng định: Tôi cùng xương thịt với nhân dân tôi/ Cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu, còn Chế Lan Viên thì nhận thấy vóc dáng và vị trí của nhà thơ trong cuộc chiến đấu không khoan nhượng với kẻ thù: Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ Bên những dũng sĩ diệt xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi. Các nhà thơ đã nhìn dân tộc mình trong hai tương quan cơ bản: tương quan với lịch sử bốn nghìn năm của dân tộc và tương quan với nhân loại: Chào 61, đỉnh cao muôn trượng/ Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng/ Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau/ Trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu (Tố Hữu). Việt Nam trở thành lương tri và phẩm giá của thời đại, trở thành niềm tự hào của nhân loại tiến bộ. Cảm hứng về dân tộc, vì thế, là cảm hứng mê say: Ta là ta mà lại cứ mê ta (Chế Lan Viên). Chính khoảng cách sử thi và cảm hứng lãng mạn đã khiến các nhà thơ nhìn đối tượng bằng cái nhìn chiêm ngưỡng. Đối tượng hiện lên trong tác phẩm là đối tượng mang tính toàn bích. Bởi vậy, có thể khẳng định rằng, mĩ học trong thơ ca thời kì chống Mĩ là mĩ học về cái hùng, cái cao cả. Cái bi dù được nói đến nhưng chỉ có ý nghĩa như một nhân tố để làm nổi bật cái tráng, làm cho chân dung lịch sử hiện lên sống động hơn và ấn tượng hơn. Có thể từ điểm nhìn hôm nay, việc quá chú ý đến tính chiến đấu mà chưa thật chú ý đến tính nhân loại là một hạn chế của thơ chống Mĩ. Nhưng nếu đặt trong bối cảnh lịch sử cụ thể, sẽ thấy các nhà thơ chống Mĩ coi tính chiến đấu như một phẩm chất nhất thiết phải có của ngòi bút, và họ ý thức đó là phía khác của tình yêu thương. Quan niệm coi thơ như một vũ khí chiến đấu vì lẽ phải, vì độc lập tự do của Tổ quốc là tâm niệm của nhiều người. Đây là một thực tế do sự quy định của lịch sử, và cũng là sự quy định của văn hóa thời chiến. Nhìn vào lịch sử dân tộc, những thời đại hào hùng nhất trong lịch sử đều ngập tràn hào khí chống giặc, và thơ ca đã biểu hiện một cách chân thực tâm lí ấy của thời đại. Những áng thơ văn bất hủ như Nam quốc sơn hà, Đại cáo bình Ngô, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc… là những minh chứng tiêu biểu cho sự ăn nhịp giữa thơ ca nói riêng và văn học nói chung với lịch sử. Thơ chống Mĩ là sự tiếp nối nguồn cảm hứng ấy. Khi mà mô hình phản ánh hiện thực và phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa được đề cao thì đương nhiên hiện thực trong thơ chống Mĩ là hiện thực “biết trước”. Thơ ca chống Mĩ, vì thế, thấm đẫm chất xã hội học và dấu ấn của văn hóa thời chiến.

PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp.

Tư duy nghệ thuật trên đây tất sẽ dẫn tới tính thống nhất trong cảm nhận về hiện thực đời sống của nghệ sĩ. Chế Lan Viên nhận xét: Những năm đất nước có chung tâm hồn, có chung khuôn mặt/ Nụ cười tiễn đưa con, nghìn bà mẹ như nhau. Đây cũng là lí do khiến nhiều người nhắc đến thơ chống Mĩ như một dàn đồng ca hoành tráng. Đúng là việc ưu tiên cái ta, ít nhắc đến cái tôi đã nhiều khi làm cho các khuôn mặt và các cá tính thơ không thật sự nổi bật. Tuy nhiên, trong thực tế, những cây bút tài năng nhất của thơ ca giai đoạn này vẫn trổ được cái nhìn riêng và gắn liền với nó là giọng điệu riêng của họ. Giọng điệu trẻ trung, tinh nghịch giàu chất lính trong thơ Phạm Tiến Duật chắc chắn phải khác với chất giọng tài hoa và đậm màu dân dã trong thơ Nguyễn Duy; chất giọng dịu dàng, trong trẻo trong thơ Bằng Việt khác với chất giọng thông minh của Thanh Thảo… Tương tự như thế, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Ý Nhi, Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Vũ Quần Phương, Lưu Quang Vũ, Thi Hoàng… đều tạo được sắc thái riêng cho thơ mình. Rõ ràng, khi đánh giá về tính đồng ca trong thơ chống Mĩ cần có cái nhìn rộng hơn và phù hợp hơn với quan điểm lịch sử. Nếu hiểu như thế thì đây lại là một nhân tố cốt lõi tạo nên bản sắc thơ ca giai đoạn này. Chỉ cần so sánh điều này với tư duy nghệ thuật của Thơ mới 1932 - 1945 hoặc thơ sau 1975 là nhận ra sự khác biệt giữa chúng. Nếu phần lớn các nhà Thơ mới chủ trương đi sâu vào cái tôi cá nhân thì thơ ca kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ lại cố gắng xây dựng cái tôi sử thi. Giữa cái tôi của nhà thơ và cái ta chung có sự thống nhất, gắn bó. Âm vọng của lịch sử được thể hiện rõ nét trong cách thế trữ tình của nhà thơ và đến lượt mình, các nhà thơ lại ý thức rằng phát ngôn của mình chính là phát ngôn mang tính đại diện - đại diện cho tư tưởng của thời đại, cho khát vọng của một dân tộc vượt lên gian khó để, nói như Chế Lan Viên, tên Tổ quốc vang xa ngoài bờ cõi. Tất cả hòa nhuyễn trong cảm hứng bay theo đường dân tộc đang bay.

Thứ hai, không lặp lại những đề tài đã ngả màu mòn sáo như phong, hoa, tuyết, nguyệt trong thơ trung đại hay tình yêu, hạnh phúc quá riêng tư kiểu Thơ mới, thơ chống Mĩ có thể đề cập đến tất cả các phương diện khác nhau của đời sống. Theo tôi, việc mở rộng biên độ để có thể tiếp xúc được với nhiều chiều kích khác nhau của đời sống cũng là một nỗ lực đáng trân trọng của thơ ca thời chống Mĩ. Nếu thơ Phạm Tiến Duật không có chi tiết tiểu đội xe không kính gặp nhau cười ha ha, thơ Hữu Thỉnh không có hình ảnh gốc sim cằn trong thế trận giằng co ác liệt, thơ Thanh Thảo không có hình ảnh những ngọn cỏ chiến trường… thì sẽ khó lòng gợi dậy được một thời lửa đạn hào hùng. Thế hệ các nhà thơ xuất hiện vào quãng thập niên 70, 80 của thế kỉ XX đã đem đến cho thơ chống Mĩ chất giọng tươi trẻ, sức vóc mạnh mẽ và cách cảm nhận tinh tế. Tuy nhiên, trong sáng tạo nghệ thuật, chất liệu đời sống cần phải được tinh lọc, chín nhuyễn trong cảm xúc của nhà thơ. Việc chủ trương đưa thơ sát hơn, gần hơn với hiện thực là một hướng đi tích cực nhưng nếu không biết dừng lại ở giới hạn cần thiết thì thơ rất dễ rơi vào kể lể, dài dòng, sống sượng. (Bản thân Xuân Diệu, một cây bút nổi tiếng tinh thông trong kĩ thuật làm thơ, đã từng rơi vào sự thái quá này). Đến nay, phần lớn những thi phẩm quá ham kể lể, quá lạm dụng yếu tố hiện thực mà chưa kết lắng thành tinh chất đã bị rơi vào quên lãng. Điều này không có gì là lạ vì căn cốt của thơ bao giờ cũng là chiều sâu trữ tình. Nói khác đi, hiện thực trong thơ phải được trữ tình hóa cao độ thì mới đủ sức trở thành những biểu tượng nghệ thuật giàu sức ám ảnh. Đó không đơn giản là thứ hiện thực nhìn thấy mà còn phải là phải là thứ hiện thực cảm thấy. Cảm càng sâu, nhìn càng sắc, thơ càng giàu sức tác động. Điều này xác nhận một lần nữa tư tưởng của Belinsky: lõi cốt của cảm hứng chính là tư tưởng.

Thứ ba, gắn liền với tư duy nghệ thuật mới, thơ ca thời chống Mĩ có những đóng góp đáng chú ý về phương diện thi pháp. Ngôn ngữ thơ vừa gần gũi với đời sống thường nhật, vừa giàu chất triết lí, triết luận. Trường diễn ngôn thơ chống Mĩ khác xa với trường diễn ngôn Thơ mới bởi nguyên tắc kiến tạo lời và kiến tạo giọng khác nhau. Trên nền tảng hùng ca và mĩ học hướng về cái cao cả, các sắc thái giọng điệu thơ chống Mĩ khá phong phú, đa dạng. Cấu trúc thể loại thơ ca cũng có những thay đổi nhằm diễn tả một cách chính xác tâm trạng của nhà thơ và các cung bậc tinh thần của thời đại. Thơ của Tố Hữu và của Chế Lan Viên, hai cây bút được coi là lĩnh xướng của thơ ca thời chống Mĩ, cho thấy rất rõ hướng vận động của tư duy nghệ thuật thơ giai đoạn này. Nếu Tố Hữu chủ yếu học tập tinh hoa của văn học dân gian và thơ ca truyền thống thì Chế Lan Viên chủ yếu đi theo hướng hiện đại hóa. Chính vì gần gũi với lời ăn tiếng nói thường nhật, gần gũi với văn hóa dân tộc nên thơ ca thời chống Mĩ dễ nhớ, dễ thuộc, vùng “phủ sóng” của nó khá rộng. Cùng với cảm hứng lãng mạn và giọng thơ ru vỗ, ngọt ngào, thơ chống Mĩ tiềm ẩn những giai điệu để biến thành nhạc. Có lẽ, trong thơ Việt thế kỉ XX, số lượng các bài thơ được phổ nhạc nhiều nhất thuộc về thơ chống Mĩ. Tính hiện đại trong thơ chống Mĩ mặc dù được các nhà thơ quan tâm nhưng chưa thực sự trở thành yếu tố nổi bật. Điều này có lí do của nó. Trong điều kiện chiến tranh, các nhà thơ ít có điều kiện giao lưu tiếp xúc trực tiếp với thơ ca nhân loại. Ảnh hưởng văn hóa chủ yếu giai đoạn này là ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc. Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình (Hữu Thỉnh). Sức hấp dẫn của thơ chống Mĩ có lẽ chủ yếu nằm ở đấy. Các nhà thơ đã dám sống tận cùng vì đất nước, họ đi thẳng vào rốn lửa của cuộc chiến sinh tử, bởi thế, thơ họ là sự biểu hiện thật nhất những rung động sâu sắc của tâm hồn họ. Tuyên ngôn sống và tuyên ngôn nghệ thuật của thế hệ các nhà thơ chống Mĩ được thể hiện rất rõ trong những câu thơ của Thanh Thảo:

Những tráng ca thuở trước

Còn hát trong sách thôi

Những thanh gươm, yên ngựa

Giờ đã cũ mèm rồi

Bài hát của chúng tôi

Là bài ca ống cóng

Hành trang quân giải phóng

Đơn giản nhất trên đời

Đoạn thơ cho thấy sự đối lập giữa thuở trướcthời nay - thời “của chúng tôi” - những người lính. Cái “đơn giản” mà Thanh Thảo nói đến là cái đơn giản vĩ đại vì họ chính là những Thạch Sanh của thế kỉ XX (Tố Hữu). Trước những câu thơ như thế, người đọc được tiếp xúc thẳng với những sợi dây thần kinh trần của cảm xúc và những luồng điện ấy truyền thẳng vào niềm say mê thơ ca của họ. Đó là hạnh phúc mà không phải thời đại nào cũng có được.

3. Tất nhiên, suy cho cùng, tầm vóc của một thời đại thơ ca phải kết lại trong những tác phẩm xuất sắc mà các nhà thơ để lại cho đời. Tôi nghĩ, có thể chọn lấy trong hàng nghìn bài thơ chống Mĩ những vần thơ xuất sắc thể hiện tâm thế của đất nước một thời. Từ điểm nhìn hôm nay có thể nhận thấy thơ chống Mĩ không những đã tượng hình vẻ đẹp của đất nước, nhân dân một cách chân thực, hào hùng mà còn để lại nhiều kinh nghiệm nghệ thuật đáng quý, kể cả mặt thành công và hạn chế của nó.

Thứ nhất, trong khi gia tăng tính hiện đại của thơ ca để đưa thơ hòa mình vào thi ca của nhân loại, các nhà thơ chống Mĩ đã biết “trở về” và bám sâu hơn nữa vào văn hóa của dân tộc. Bám sâu không có nghĩa là lặp lại mà trên cơ sở hút nhụy của văn hóa dân tộc, khai lộ những vẻ đẹp mới của thi ca.

Về phương diện này, tôi nghĩ, thơ chống Mĩ có những sự trở về rất đáng lưu ý và cần được tiếp tục nghiên cứu. Trước hết, họ tìm về với văn học dân gian để học lấy cái minh triết của lục bát, vận dụng thứ ngôn ngữ dân dã nhưng hết sức mềm dẻo và linh hoạt, tái tạo những biểu tượng nghệ thuật có khả năng biểu đạt lớn, và ở một vài trường hợp, rõ nhất là Nguyễn Duy, biết sử dụng một cách hợp lí tính lấp lửng nước đôi (đa nghĩa) trong ngôn ngữ biểu đạt. Tố Hữu, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo... cũng là những nhà thơ có nhiều thành công trong vận dụng vốn lời ăn tiếng nói giàu có của dân gian. Mặt khác, nhiều nhà thơ lại nuôi dưỡng ý thức trở về với văn học cổ điển (bác học) để tạo nên sự sang trọng của thơ ca như Huy Cận, Chế Lan Viên và cả Tố Hữu. Thực ra, với các tài năng nghệ thuật lớn, không nên quá tách bạch ai trở về với dân gian bình dân, ai trở về với bác học cổ điển vì có những tác giả luôn kết hợp những nẻo về khá thành công như Hoàng Cầm. Sự phân xuất như trên chỉ mang ý nghĩa nhận diện và khu biệt mà thôi. Cũng lưu ý thêm là thơ kháng chiến (chống Pháp và chống Mĩ) có ý thức “chọi” lại mĩ học Thơ mới, nhưng chủ yếu là về phương diện quan niệm và cảm hứng, còn về mặt thi pháp thì từ trường nghệ thuật Thơ mới vẫn ảnh hưởng đến thơ kháng chiến như một trầm tích văn hóa. Và đúng như có người nhận xét, không thể có những thành công nghệ thuật của thơ ca kháng chiến nếu vào những năm đầu thế kỉ XX, chúng ta không có Thơ mới. Rõ ràng, đổi mới thơ ca là kết quả của những cuộc marathon, vừa tiệm tiến, vừa đột biến. Trở về khám phá bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó mà làm mới thi ca, cũng là một ứng xử khôn ngoan trong lĩnh vực nghệ thuật. Vì ở đó, có không ít tác phẩm xuất sắc bảo hiểm cho hướng đi này. Nói gọn hơn, sự trở về như một ứng xử thông minh để làm mới thơ ca dân tộc của thơ chống Mĩ rõ ràng là một kinh nghiệm quan trọng đối với việc đổi mới thơ hôm nay.

Thứ hai, nếu như thơ chống Mĩ chú ý đề cao vai trò của cái ta, thì thơ ca hiện nay nói nhiều đến cái tôi. Đó không hoàn toàn là cái tôi cá nhân như trong Thơ mới mà là cái tôi bản thể. Sự vận động và hướng về cái tôi là sự vận động đúng hướng của văn học trong điều kiện thời bình. Tuy nhiên, tại đây ta lại thấy một cực khác của vấn đề: nhiều cây bút quá chú trọng đến cái tôi mà xem nhẹ những biến động to lớn của đời sống. Điều đó khiến cho những suy tư cá nhân mất đi chiều sâu phổ quát. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, chỉ những ai thể hiện một cách sâu sắc nhất trạng thái tinh thần cơ bản của thời đại qua cảm nhận độc đáo của cá nhân thì tác phẩm của họ mới có khả năng trường thọ.

Thứ ba, bất kì sự cách tân nào cũng phải xuất phát từ sự chân thực trong cảm xúc và sự mạnh bạo trong quan niệm nghệ thuật. Thơ chống Mĩ có khả năng lay thức nhiều người đọc vì các nhà thơ đã dám sống đến cùng với số phận của đất nước và nhân dân. Đúng thế, dám sống đến “tận đáy” với chính mình và với dân tộc, đó vẫn là yêu cầu sống còn đối với người cầm bút ở bất cứ thời đoạn lịch sử nào. Theo tôi, đây cũng chính là kinh nghiệm nghệ thuật lớn nhất mà thơ chống Mĩ đã để lại cho các giai đoạn thơ ca tiếp sau.

N.Đ.Đ