Thứ Tư, 25/09/2019 16:24

“Thơ là mối duyên với cuộc đời, làm thơ để kiếm tìm tri kỉ”

Đó là những chia sẻ thân tình của nhà thơ Trần Lê Khánh với các độc giả về con đường đến với thơ ca của anh trong chương trình giao lưu và tọa đàm có tên gọi “Xứ” diễn ra vào ngày 25/9 tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Đó là những chia sẻ thân tình của nhà thơ Trần Lê Khánh với các độc giả về con đường đến với thơ ca của anh trong chương trình giao lưu và tọa đàm có tên gọi “Xứ” diễn ra vào ngày 25/9 tại trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Buổi giao lưu, tọa đàm có sự tham gia của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều; nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, nhà thơ Trần Đăng Khoa; nhà thơ Nguyễn Quyến, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, nhà văn, nhà phê bình Văn Giá cùng các giảng viên trường Đại học Văn hóa và các bạn đọc yêu thơ tại Hà Nội.

Các đại biểu, diễn giả trò chuyện trong buổi giao lưu, tọa đàm Xứ.

Trần Lê Khánh không phải là một tác giả mới bước chân vào thơ ca, anh đã ra mắt 5 tập thơ: Lục bát múa (2016), Dòng sông không vội (2017), Ngày như chiếc lá (2018), Lục bát múa trọn bộ (2018), Giọt nắng tràn ly (2019) và tới đây, tập thơ Xứ Sự bắt đầu của nước (song ngữ Việt-Anh xuất bản tại Mĩ) của anh sẽ trình xuất, song có thể coi Trần Lê Khánh là một nhân tố mới của thơ ca hiện đại khi gần đây, anh mới thực sự gây dựng được dấu ấn, có phong cách riêng và được bạn đọc quan tâm, đón nhận.

Trần Lê Khánh chú trọng vào thơ lục bát và thơ tự do ngắn. Tập thơ Lục bát trọn bộ là 756 cặp thơ lục bát hai câu, mỗi cặp được xem như một bài thơ ngắn và được kết với nhau thành một trường ca. Về thơ ngắn, tới nay anh đã có hàng trăm bài thơ và được chọn lọc để xuất bản.

Nhà thơ Trần Lê Khánh.

Anh sinh ra tại Kim Bôi, Hòa Bình, tốt nghiệp Đại học Kinh tế TPHCM, có bằng CFA quốc tế từ Mĩ năm 2004, với nghề nghiệp chính là chuyên gia phân tích đầu tư tài chính trong nước và quốc tế. Sau một cú sốc về tâm lí và bệnh tật, anh đến thơ như một sự cứu rỗi, giải tỏa, như một mối duyên trong đời.

Tại buổi giao lưu và tọa đàm, tác giả Trần Lê Khánh đã chia sẻ về chuyện đời anh và mối duyên với thơ ca. Anh cũng trực tiếp trình diễn một số bài thơ lục bát và các bài thơ tự do ngắn của mình trước độc giả. Ngoài ra, công chúng cũng được thưởng thức những bài hát được phổ nhạc từ thơ Trần Lê Khánh như “Bẫy trăng” hay “Cởi áo cô đơn”… Anh sáng tác bởi mong muốn “những bài thơ viết ra sẽ tìm thấy sự đồng cảm và những tâm hồn tri kỉ” và thơ là con đường anh cần phải đi để kiếm tìm cái tôi của chính mình.

Nhạc sĩ Trần Bình và ca sĩ Việt Linh trình diễn bài hát được phổ nhạc từ thơ Trần Lê Khánh.

Nhìn nhận về những sáng tác của Trần Lê Khánh, tại buổi tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đánh giá: “Thơ Trần Lê Khánh là kết tinh của tính chính xác ngôn từ, sự độc đáo của hình ảnh, tính đa tầng của cảm xúc, độ sâu thẳm của tinh thần phương Đông… Đó là sự hài hòa của sự rung cảm và của những triết lí sâu sắc. Bởi thế, khi câu thơ cuối cùng của bài thơ vừa kết thúc thì nó mở ra ngay lập tức vô vàn cánh cửa cho người đọc. Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh luôn chứa trong nó một bài thơ khác và cứ thế mở ra và mở ra mãi. Tôi luôn nghĩ đến những bài thơ của Trần Lê Khánh với vẻ đẹp, sự tĩnh lặng, sự bí ẩn và chiều kích vô tận của những hạt cây. Mỗi bài thơ của Trần Lê Khánh tinh kết tựa một hạt cây. Đó là sự chặt chẽ của bố cục, tính chính xác của hình ảnh, phép tối giản của ngôn từ, sự nén chặt của cảm xúc… Và luôn chứa trong đó một phôi mầm triết lý”.

Nhạc sĩ Trần Bình, người đã phổ nhạc và trình diễn một số bài thơ của Trần Lê Khánh lại nhận định: Điều cô ấn tượng ở thơ ca Trần Lê Khánh là sự mới lạ và tính gợi. Ngay từ tên gọi, các tập thơ đều có nhan đề độc đáo, gợi những liên tưởng, những cảm thức thời gian, cảm nhận về tâm hồn tĩnh lặng, thong dong: Dòng sông không vội, Ngày như chiếc lá, hay tập thơ Xứ chuẩn bị ra mắt.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã đọc tập Lục bát múa và một số bài thơ tự do của Trần Lê Khánh. Ông cho rằng, Trần Lê Khánh đã tạo cho mình một giọng điệu riêng, lối đi riêng, nỗ lực làm mới, thơ hiện đại, giàu trí tuệ và gợi mở. Theo ông, nếu lục bát của Trần Lê Khánh khỏe khoắn, có nỗ lực làm mới thì điều mà Trần Lê Khánh thực sự tạo được dấu ấn là thơ tự do ngắn. Chẳng hạn bài Vậy à: một hôm gió thổi/ chiếc lá lạnh sống lưng/ khi dưới đất lộ ra bộ xương hóa thạch/ của lối mòn triệu năm về trước/ em đã đi qua. hay bài Quê hương: Con sông nằm xuống/ để cơn mưa dài/ tắm cho sạch/ những ngọn sóng tha phương... Thứ thơ ấy tinh giản, chắt lọc đến độ không gọt tước được nữa nhưng nó không để lộ sự khô cằn, xơ xác mà vẫn tươi mới, tự nhiên, giàu sức sống…

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cảm nhận, Trần Lê Khánh đến với thơ không phải là một cuộc dạo chơi, anh là một thi sĩ thực thụ. Những câu thơ lục bát của anh kiệm lời, tối giản nhưng lại mở ra rất nhiều suy tư: Dòng sông chỉ có một thân/ Mang theo chiều muộn bao lần hả anh?. Dòng sông trước mắt, còn chiều muộn mơ hồ, vậy mà khi dòng sông sánh đôi chiều muộn lại nảy sinh tâm trạng bâng khuâng tiếc nuối “một thân” xen lẫn ngẩn ngơ hoài niệm “bao lần”. Hay câu thơ: Người đi bỏ lại bầu trời/ Ai đem kim chỉ khâu lời gió bay là một sáng tạo độc đáo. Thi sĩ Trần Lê Khánh không hứng thú với những lời thánh thót hay những câu vang vọng. Thơ anh có xu hướng cô đặc lại, như viên sỏi ném xuống mặt hồ ý thức phẳng lặng những xa vắng trùng khơi.

Thơ Trần Lê Khánh thực đấy mà hư đấy, gần gũi đấy mà thăm thẳm đấy. Đọc thơ anh, không khó hình dung anh đang ngắm chiếc lá la đà cành thấp với màu xanh của bầu trời cao vọi. Thế nhưng, phải có sự giải mã để có thể tiếp cận đầy đủ giá trị thẩm mĩ mà anh gửi gắm qua từng dòng lơ lửng. Trần Lê Khánh không có mục đích đánh đố độc giả, anh chỉ tìm cách kí thác mới mẻ hơn, quyết liệt hơn những ý niệm của mình về cuộc sống, về ân nghĩa, về thị phi…

THẢO NGUYÊN