Thứ Bảy, 20/03/2021 11:57

Thơ và hoạ - cùng tồn tại, cùng song hành

Thi ca và hội hoạ, một mối quan hệ nghệ thuật gần gũi với nhau. Thế nhưng, chúng lại không thể phụ thuộc vào nhau. Nếu giả sử hội họa sống dựa vào thi ca thì nó sẽ chết còn tranh không thể minh họa một bài thơ...

Đem tới cho công chúng những quan điểm, góc nhìn về ngôn ngữ riêng của từng loại hình nghệ thuật thơ, tại Hà Nội, buổi toạ đàm “Từ thơ cho tới hội hoạ” diễn ra ngày 19/3 có sự tham gia của ba diễn giả: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và họa sĩ Lê Thiết Cương.

Các diễn giả tại buổi tọa đàm.

“Thi ca và hội hoạ, một mối quan hệ nghệ thuật gần gũi với nhau. Thế nhưng, chúng lại không thể phụ thuộc vào nhau. Nếu giả sử hội họa sống dựa vào thi ca thì nó sẽ chết còn tranh không thể minh họa một bài thơ. Vậy nên, từ thi ca tới hội hoạ, đó là cả một chặng đường dài để kết nối các tầng ý nghĩa của của nhau.”

Nhận định trên không chỉ là nhận định của riêng bất cứ diễn giả hay khách mời nào bởi mỗi người tham dự đều hiểu rằng, thi ca và hội hoạ, chúng có thể song hành cùng nhau. “Bức tranh” trong bài thơ sẽ được sống trong thế giới khác, một đời sống mà chỉ có hội hoạ mới có thể tạo ra được.

Ở phương Tây, thi hoạ đã gắn liền với nhau từ thời Cổ Hy Lạp như cụm thi thơ của nữ nhà thơ Sappho. Còn tại phương Đông, không chỉ có thi hoạ gắn liền với nhau mà còn có “cầm, kì, thi, hoạ” – Một khối nghệ thuật biểu đạt đầy đủ ý nghĩa và góc nhìn cảm quan trong đời sống văn nghệ. Thế nên, nhiều nhà thơ nổi tiếng như Lý Bạch, Đỗ Phủ,… cũng biểu đạt từng dòng thơ vào trong từng nét vẽ của riêng mình. Ngay tại Việt Nam, chỉ nói riêng về đại thi hào Nguyễn Du với Truyện Kiều hơn 3000 câu thơ, không biết bao nhiêu phụ bản, bức hoạ có thể minh hoạ cho từ dòng thơ của ông.

Thế nhưng, có một khoảng thời gian dài trong quá khứ, mối quan hệ của thơ và hoạ lại mất đi. Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha cho rằng có lẽ là khoảng những năm 50 đến 70, thời điểm đó, những nhà thơ đơn thuần khi xuất bản tập thơ của riêng mình chứ không có sự minh hoạ qua các bức hình, may ra chỉ là sự liên kết giữa thơ và âm nhạc. May sao tới thời điểm hiện tại, sự đồng điệu trong thi hoạ lại được chắp nối, thậm chí còn phát triển hơn so với trước kia.

Mênh mông, giữa những vần thơ và hội hoạ là sự vô tận. “Theo tôi, những thuật ngữ này tuy đơn giản nhưng nếu đứng trong đó, tôi lại không biết đi lối nào.” - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ. Chính vì sự rộng lớn như vậy, những người khác khi cảm nhận tác phẩm là thơ, là hoạ cũng đều có “con đường riêng”, duy nhất, vào một thời điểm nhất định. Ngay cả khi tái bản tập Sự mất ngủ của lửa, ông cũng tâm sự với hoạ sĩ Lê Thiết Cương rằng hãy làm một văn bản khác. Bởi vì một bài thơ được sinh ra, bức tranh đi cùng đó qua góc nhìn của một nhà thơ nó sẽ khác, một người có tầm am hiểu sâu rộng sẽ khác,… Góc nhìn của mọi người chỉ có sự tương đồng chứ không hề giống nhau mỗi khi cảm một tác phẩm thi hoạ.

Tác phẩm Ngọn đèn quên chào đón.

Còn với góc nhìn của hoạ sĩ Lê Thiết Cương, cảm hứng của ông là những câu thơ bởi chúng đem tới những bức hoạ có nhiều góc cạnh phi lí. Thế nhưng, không chỉ có hội hoạ phi lí, điểm nhìn của hội hoạ hiện thực mới có thể giải quyết việc minh hoạ cho bài thơ đó.

Nhắc tới cái duyên của nét vẽ hiện thực minh hoạ cho thơ, hoạ sĩ Hồng Phương, người minh hoạ lần in đầu tiên của tập thơ Góc sân và khoảng trời lại hợp hơn hoạ sĩ Cương. Nét vẽ hiện thực của cô lại hợp với trẻ nhỏ hợp với phong cách thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa.

Không chỉ riêng việc thưởng thức những tác phẩm trong buổi triển lãm “Về bến lạ”, khi thưởng thức những tác phẩm hội hoạ minh hoạ cho các bài thơ giống như thưởng thức trên một chiều không gian khác. Từng chất liệu, gam màu, ánh sáng,… cứ thế bật lên, minh hoạ cho câu thơ đó nhưng chúng cũng cũng trở thành độc bản duy nhất, không giống bất cứ tác phẩm hội hoạ nào. Ẩn sâu trong đấy lại là tầng tầng lớp lớp ý nghĩa của vần thơ.

Dự định của hoạ sĩ Lê Thiết Cương trong tương lai, chắc chắn sẽ có nhiều dự án khác mang đậm cảm hứng lấy từ trong những áng thơ: “Đặc biệt vào năm 2022, tôi sẽ có những tác phẩm hội hoạ được lấy cảm hứng từ Truyện Kiều để minh hoạ từng áng thơ và tưởng nhớ đại thi hào Nguyễn Du.”

Thế nhưng, dù lấy cảm hứng từ đâu, những nghệ sĩ đều tối kị chuyện áp đặt. Nếu như chỉ một trong hai dồn nén tư tưởng lên người còn lại, những vần thơ sẽ chỉ là cái khuôn mẫu, gò bức hoạ vào trong “cái khung” đầy bí bức. Vần thơ dù có hay tới đâu cũng chỉ là hay trong ý thơ, còn hội hoạ thì không như vậy.

Từng dòng thơ nên trở thành xuất phát điểm cho sự phóng khoáng của hội hoạ. Cảm nhận, vượt qua giới hạn, những bức hoạ như vậy mới song hành mà cùng tồn tại chứ không phải “sống” dựa dẫm, áp đặt vào từng vần thơ. Thơ là thơ, hoạ là hoạ, dù tách biệt nhau nhưng khi kết hợp lại là một hành trình mới, ý nghĩa mới cho cả thơ và hoạ.

THANH TÙNG