Thứ Ba, 17/05/2022 08:29

Thời niên thiếu của Bác Hồ được kể bằng sân khấu và văn chương

Sáng 16/5 tại trụ sở Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã diễn ra buổi ra mắt tiểu thuyết Nợ nước non và vở sân khấu cùng tên của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ.

Sáng 16/5 tại trụ sở Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã diễn ra buổi ra mắt tiểu thuyết Nợ nước non và vở sân khấu cùng tên của PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV, hiện là Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.

Hai tác phẩm được ra mắt nhân dịp kỉ niệm 132 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2022) và 111 năm ngày người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2022). Dự buổi giới thiệu tác phẩm có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà giáo Nhân dân Hà Minh Đức; NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam...

Tiểu thuyết Nợ nước non là tập 1 trong bộ 3 tiểu thuyết Nước non vạn dặm.

Tiểu thuyết Nợ nước non là tập 1 trong bộ 3 tiểu thuyết Nước non vạn dặm do Nhà xuất bản Văn học và Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Liên Việt xuất bản và phát hành. Hai cuốn tiểu thuyết tiếp theo dự kiến ra mắt bạn đọc năm 2023, 2024 có tựa đề Lênh đênh bốn biển (tập 2), Người về (tập 3)...

Nợ nước non kể về tuổi ấu thơ và trưởng thành của một vĩ nhân dân tộc - Hồ Chí Minh, đây không phải cuốn sách kể tiểu sử cậu bé Nguyễn Sinh Cung, mà bằng ngôn ngữ văn chương nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng hình tượng nhân vật đầy chân thực, sống động và giản dị. Điều đặc biệt, nhà văn khắc họa, đi sâu vào thế giới nội tâm của cậu bé Nguyễn Sinh Cung trước những vấn đề chính trị, xã hội của đất nước và thế giới lúc bấy giờ: các quá trình vận động lịch sử, các phong trào yêu nước và tìm con đường cứu nước để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc...

PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ tại buổi ra mắt Nợ nước non.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ: “Khi bắt tay viết bộ ba tiểu thuyết là cả một thách thức lớn đối với tôi. Viết về một nhân vật vĩ đại Hồ Chí Minh, đã có nhiều cuốn sách như đóng đinh vào tâm trí bạn đọc. Tôi luôn trăn trở, viết về Bác như thế nào? Nợ nước non xuất phát từ câu thơ: Công danh là nợ nước non. Cuộc gặp mặt cuối cùng của giữa hai cha, cụ Nguyễn Sinh Sắc có trách con trai rằng: Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì? Tác phẩm không chỉ khắc họa những ký ức lịch sử, xã hội mà đi sâu luận giải những yếu tố văn hóa, tư tưởng đã hun đúc nên Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành - Văn Ba để Người có chuyến đi lịch sử vạn dặm từ quê nhà Nghệ An đến Kinh đô Huế, qua Bình Định, Phan Thiết đến bến cảng Sài Gòn, cho chuyến vượt trùng khơi cứu nước ngày 5/6/1911”.

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã dụng công miêu tả cuộc gặp gỡ, đàm đạo giữa Nguyễn Sinh Sắc với nhà cách mạng Phan Bội Châu và người con trai Nguyễn Sinh Cung. Chọn đúng con đường cứu nước, chọn đúng nơi cần đến, đáp ứng những đòi hỏi vận mệnh dân tộc, chuyến đi 5/6/1911 của Văn Ba - Nguyễn Tất Thành là chuyến đi lịch sử, tự giác, có chủ đích mang tính cách mạng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự cảm phục đối với tác phẩm.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự cảm phục khi đọc tiểu thuyết: “Tôi rất vinh hạnh khi được đọc bản thảo của cuốn tiểu thuyết này. Đối với văn hóa Việt, khi viết về một vĩ nhân, một lãnh tụ của dân tộc là điều rất khó. Đó phải xuất phát từ tình yêu, sự kính trọng nhân vật lịch sử tới tận cùng, khi người ta đã có tình yêu với một ai đó, họ sẽ viết được đến tận cùng điều họ muốn. Nguyễn Thế Kỷ đã xây dựng được hình ảnh cậu bé Nguyễn Sinh Cung bình dị như mọi cậu bé khác, chứng kiến những thay đổi của gia đình, xã hội và lịch sử, từ đó dẫn đến những thay đổi đối với bản thân mình”.

Sau thành công với những vở diễn sân khấu: Hừng đông, Ngàn năm mây trắng, Chuyện tình Khau Vai… Nợ nước non là kịch bản sân khấu tiếp theo của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, và được trình diễn bởi các diễn viên Nhà hát Cải lương Việt Nam kết hợp với các diễn viên Đoàn Nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ. Vở diễn Nợ nước non sẽ biểu diễn vào tối 19 và 20/5 tại Nhà hát lớn Hà Nội.

Đây là vở diễn kết hợp giữa nghệ thuật cải lương với một số loại hình nghệ thuật truyền thống: ví giặm Xứ Nghệ, ca Huế, bài Chòi khu 5 và dân ca Nam Bộ. Trong không gian văn hóa các vùng miền từ Bắc chí Nam, mỗi mảnh đất mà chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đặt chân tới đều được thể hiện trên sân khấu một điệu đặc trưng của vùng miền ấy… Không chỉ thay đổi về không gian các vùng miền, vở diễn sẽ khắc sâu những thay đổi, trưởng thành về nhận thức, lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược và quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành. Vở diễn có nhiều cảnh đoạn xúc động, dễ chạm tới trái tim người xem: Đêm trăng bên dòng sông Lam - nơi chàng trai Nguyễn Sinh Sắc và cô gái Hoàng Thị Loan hò hẹn, cảnh cậu bé Nguyễn Sinh Cung chào đời và đặc biệt là cảnh chàng trai Nguyễn Tất Thành từ biệt mối tình đầu với cô Út Huệ trước chuyến đi vạn dặm

Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã tin tưởng và giao kịch bản cho đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng. Tại buổi ra mắt vở diễn, NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ: “Chúng tôi có thể hình dung từng con đường, từng khúc quanh, cảnh vật, cho đến thời tiết… ở nhiều đoạn trong cuốn sách. Với thời lượng 2 giờ đồng hồ của sân khấu, vở diễn chỉ có thể chọn những lát cắt, khoảnh khắc lịch sử liên quan đến cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi và nhà văn Nguyễn Thế Kỷ đã chọn những lát cắt, khoảnh khắc lịch sử mang tính quyết định để làm nổi bật giai đoạn quan trọng trong cuộc đời, sự nghiệp của Bác bằng nghệ thuật sân khấu truyền thống đặc sắc”.

NSND Triêu Trung Kiên chia sẻ vài nét đặc sắc của vở diễn Nợ nước non.

Nợ nước non được chuyển thể kịch hát bởi: Hoàng Song Việt, âm nhạc được phụ trách bởi: NSND Trọng Đài, thiết kế mỹ thuật: NSƯT Doãn Bằng… Điểm thú vị, vai Bác Hồ khi còn nhỏ và Bác Hồ khi trưởng thành, lên đường cứu nước do hai cha con nghệ sĩ Minh Hải (cha) - Văn Đức (con) thủ vai.

Nợ nước noncông trình nghệ thuật có tính lịch sử, văn hóa công phu, tích lũy vốn sống nhiều năm trên quê hương Nghệ An của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ. Tiểu thuyết Nợ nước non và vở diễn sân khấu cùng tên còn là sự tri âm của thế hệ mai hậu đối với một vĩ nhân, một anh hùng dân tộc.

NGUYỄN ĐỨC CẦM