Thứ Sáu, 12/04/2019 12:40

Thời thóc lép

Năm ấy, ngày hai mươi tháng Chạp, tôi lên được toa xe, trời tối đã lâu. Buồn ngủ kinh khủng, tôi ôm ba lô, thiếp đi. Có lẽ là một giấc ngắn.

ĐỖ VĂN NHÂM

Ai tìm lại ngày xưa, thời thóc lép
Gặp phù sa nhễ nhại bóng em tôi.

Câu thơ gợi lại một thời đói kém. Thời ấy dài lắm, đằng đẵng những mấy chục năm, thảm cảnh khắp nơi không chừa một ai. Dù bây giờ đó đã là quá vãng, kí ức thê lương vẫn hằn sâu, nhất là với những người lính. Tôi muốn kể vài chuyện trong vô số những gì mình đã trải qua.
Năm ấy, ngày hai mươi tháng Chạp, tôi lên được toa xe, trời tối đã lâu. Buồn ngủ kinh khủng, tôi ôm ba lô, thiếp đi. Có lẽ là một giấc ngắn. Thình lình đoàn tàu bị sốc, chẳng biết nguyên do, cả thế giới sắt thép lên cơn co giật, hồng hộc chồm rồi đột ngột bị ném xuống. Rất giống một trận bom khoan quây quanh căn hầm chìm trong vách núi thuở nào. Đầu va vào thành toa xe, tôi rùng mình tỉnh giấc. Cơn động kinh vừa tàn. Gió hoang rú rít ngoài đồng trống. Một ngọn đèn dầu treo quãng giữa toa xe, đỏ tù mù. Tàu chật cứng hành khách, hàng hóa, trăm thừ bà giằn. “Bánh chưng đây... Đồng hạng hai ngàn. Bộ đội ngàn rưỡi. Ai bánh chưng... Bánh chưng thiu đây”. Người bán bánh là một người đàn ông, giọng khàn đục đẫm hơi sương. “Bộ đội... Bánh chưng thiu...”, tôi lẩm bẩm, cài lại quai mũ cối, vẫn ôm chặt ba lô trong lòng, định bụng nối lại giấc ngủ vừa bị đứt đoạn. Ba lô thân thiết của tôi, kho báu của tôi, thượng vàng hạ cám của người lính, năm cân gạo nếp cùng chục nhát giò - một nửa cái tết năm nay của gia đình tôi. Mười năm bộ đội, bảy tết chiến trường, đón giao thừa trong hầm hào, xung quanh toàn một lũ đực rựa; ba năm tạm gọi là hòa bình đón xuân trong doanh trại, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, ba lô đồ trận sẵn sàng, biên giới gọi là đi, đây là lần đầu tôi được về quê ăn tết. Từ ngày vác súng tận trong biên giới Tây Nam trở ra đất Bắc, năm đôi lần, nhóm sĩ quan tham mưu sư đoàn chúng tôi ngược chiều gió bấc, cắt rừng xuyên qua sông suối núi đồi làng bản biên giới, nhiều việc lắm nhưng nói gọn lại là chuẩn bị chiến trường, phòng khi chẳng đặng đừng buộc phải giương lê. Lần này tôi vừa từ Cao Bằng về tới doanh trại, anh Tuấn, Trưởng ban, bảo: “Mai đi tết nhé!”. Giời đất ạ, anh Tuấn muôn năm! Ngày mai, hai mươi tháng Chạp... Lòng dạ reo vui như chảo mỡ sôi, tôi một lần duy nhất được nghe, được nhìn thấy trong mấy năm chiến trường. Chiều, anh Tuấn hô quân mổ lợn, một chú ỉn chừng bốn mươi kí. Hơn chục năm lính chiến, học anh Tuấn dân thành phố thêm đức cần mẫn và mẹo vặt nông phu. Mấy vạt đất, mỗi vạt bé bằng dăm manh chiếu ghép lại, khấp khểnh, lổn nhổn những đá cùng sỏi nằm rải rác dọc đường xuống khe suối phía sau doanh trại, giờ nghỉ ngày nghỉ anh đi trước, hai thượng úy cộng một trung úy theo sau. Phát, đốt, cuốc xới, gieo trồng, tưới tắm… Quay đi quay lại, cái đám đất chẳng ma nào thèm ngó đó hóa thành nương lúa, vườn rau, thành ngô thành khoai thành sắn... Món nào ngon hơn chút đỉnh đương nhiên phần các sĩ quan, thả cửa cho gà, lợn phần còn lại. Thời đại “nước mắm đại dương, bát canh toàn quốc”, dân gian truyền khẩu câu vấn đáp từ bộ đội: “Thịt là gì?”, “thịt là phần tử nhỏ nhất trong mâm cơm lính, chỉ quản lí và anh nuôi trưởng mới nhìn thấy”, Ban Công binh của Đại úy Nguyễn Đăng Tuấn, thi thoảng được bữa ấm chân răng thành những kẻ giàu có no đủ nhất cơ quan sư đoàn. Bữa cơm chiều mười chín, một bữa tất niên sớm, mời bạn bè cùng cơ quan, một cuộc liên hoan ấm chân răng. Ăn uống xong, tôi đi nằm. Sáng sớm hôm sau, trước khi thằng Chương lóc cóc đèo ra bến xe, anh Tuấn xếp vào túi cóc ba lô của tôi hai bọc lá chuối chằng buộc rất kĩ, dặn: “Trong ba lô năm cân gạo nếp. Gói này giò mỡ. Gói nhỏ hơn giò lụa. Đi đường chú ý một tí, kẻo người ta đạp nát hết. Nhớ nhé!”. Tôi, còn hơn cả nhớ. Lên ô tô, vào sân ga, ngồi trên toa tàu, tôi luôn đặt ba lô ra phía trước, hai tay ôm đủ tròn ba túi cóc.
“Bánh chưng đây... Bánh chưng thiu đây. Ai bánh chưng nào...”. Người bán bánh đã gần lắm, quầng sáng đèn chao chếch trên đầu, tôi hạ mũ cối chụp kín túi cóc cất hai đoạn giò. “Bánh chưng, bánh chưng thiu đây... Đồng hạng hai ngàn. Bộ đội ngàn rưỡi đây”. Đêm tháng Chạp đang vào sâu, gió bấc tơi bời ngoài vách gỗ, chốc chốc lùa qua khe cửa, lạnh buốt. Trong không gian chật hẹp nồng nã mùi thán khí, tiếng rao thường bị hụt hơi ở chỗ cần phải vang lên. “Bộ đội đây”, tôi buột miệng và lập tức thấy chán mình, vớ vẩn quá! Người bán bánh nhoài tới, cây đèn chao hạ xuống một tầm tay. Một ông lão ngoài sáu mươi, cũng có thể bảy mươi, khăn áo mũ tối màu trùm kín, ánh đèn soi ngang gương mặt vuông vức góc cạnh. “Bộ đội à?”, ông lão nói, lựa thế ngồi xuống bên cạnh, chiếc làn mây xoay ra phía trước, thúng bánh xem chừng đã vơi ghé vào nóc ba lô. “Bánh của đồng chí đây!”. Tôi hơi cuống, vì sự thực tôi không định mua bánh. “Cầm lấy đi. Ta đùa đấy, không phải bánh thiu đâu”, ông lão thì thào. “Già tặng chú”. Tấm bánh đã nằm lòng bàn tay, tôi chưa biết làm sao cho phải, lại nghe ông lão nói tiếp, vẫn thì thào, “Già cũng từng bộ đội đấy! Lính đường số Bốn! Lính của hùm xám Đặng Văn Việt đấy! Bây giờ là cha hai bộ đội!“. Ông lão nói đầy vẻ tự hào. Tôi và ông ngồi bên nhau, im lặng chừng vài ba phút, rồi đột ngột. “Già đi đây!”, người lính già gồng vai đứng dậy, lách qua đám đông, bước ra bậc lên xuống. Trời đêm dẫu còn đen đặc, nhưng rõ ràng đã nhạt đi chút ít. Phía trước đông dần thêm những ngọn đèn. Là Đồng Văn, Phủ Lý, nơi ông lão xuống ga, bắt tàu ngược lên, bán nốt số bánh còn lại, để về nhà.
Qua tết, tôi lại trả phép bằng xe lửa. Mấy năm tiếp sau, tôi cũng đi lại nhiều chuyến trên những chặng đường tàu ngắn nối với Hà Nội, thỉnh thoảng có ý nhìn vào các toa xe, dưới sân ga, nhưng chưa một lần gặp lại ông lão bán bánh trong đêm tháng Chạp năm nào.

*
* *


Gần đây, gặp lại Chương trên facebook, sau hơn ba chục năm mỗi đứa mỗi nơi, tôi “alô” với hắn chuyện vợ con gia cảnh, nói chung ở hai đầu máy đều vui. Tôi gợi lại chuyện hắn cùng anh Trưởng ban Nguyễn Đăng Tuấn hì hụi củi lửa đêm hôm xào nấu gói ghém thành giò thành chả để kịp sớm mai làm quà tết cho tôi về quê. “Ừ, ừ... ngày ấy khổ nhỉ!”. Tôi nghe rõ tiếng hắn chép miệng trên sóng. Ắng đi một lát, tôi đột nhiên cao giọng, gọi hỗn danh của hắn thuở ở B3, hắn ta ờ ờ một lúc mới nhớ. Nhớ ra thì cười rõ to. Đúng là Chương đũa, cơn sảng khoái của hắn bao giờ cũng có sức vẫy gọi. Chính hắn cũng là kẻ nghĩ ra “bát cơm bất lịch sự”.
Xin kể về hỗn danh của hắn trước. Thời còn binh nhất binh nhì, lúc rảnh rang một chút, Chương ta thường tìm những cây tre già đẹp, tỉ mẩn vót đũa tặng mọi người. Tây Nguyên thuở ấy bạt ngàn rừng, đi đâu cũng tre, thành ra việc chặt chặt vót vót của Chương kể như quanh năm. Được tặng bạn bè là thú vui của hắn, thêm nữa, hắn thì thào với tôi, “bận chân bận tay cho đỡ nhớ nhà”. Cả đại đội gọi hắn là Chương đũa, tôi gọn hơn, Đũa ơi! Thường thì, tổ anh nuôi được tặng đầu tiên. Mỗi người một đôi cho riêng mình và một đôi đũa cả. Đôi đũa cả thằng Chương làm kì công, đẹp lắm, nhưng tay anh nuôi trưởng đôi khi vẫn sửa lại đôi chuyên dùng chia cơm, đầu to bản phải thật phẳng, nhẵn, cạnh chuốt mình cá, sắc như dao. Thời đại có thể gọi là no đủ bây giờ, chẳng ai bận tâm nghĩ đến chuyện vặt vãnh đó. Lính tráng ngày xưa khác. Toàn cõi B3 nhiều thời kì mỗi người chỉ được hai lạng gạo mỗi ngày, tướng cũng như quân, “bằng nhau đồng bào”.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Thiếu đói triền miên, nhưng có trận cơm vắt dư ra không ai ăn. Tiểu đội tôi tăng cường cho một đại đội bộ binh cắm chốt trên đồi Chư Giông Ràng, đúng ngày nổ ra trận cận chiến dữ dội nhất. Chiều tối, lính ta sửa công sự, chờ cơm. Tổ nuôi quân gặp địch dọc đường. Không ai nghĩ bốn tay lính đầu bếp chơi cuộc phản phục kích xuất sắc như thế. Địch lùi, ta bị sơ sơ hai đồng chí. Người lành đỡ phần người bị thương, gùi cơm nước lên chốt. Cơm chưa kịp phát tới từng người, đại bác đã chụp xuống, khoan trúng một căn hầm. Đại đội hai mươi lăm người, sau khi tạnh pháo, thừa ra hai nắm cơm vắt. Chính trị viên chui vào hầm kèo, soi đèn pin, gọt sạch đất cát, xắt từng miếng cơm nhỏ, giao tận tay những người còn lại. Hai mươi ba chàng trai áo quần rách tả tơi, mặt mày hốc hác. Thằng Quân, thằng Toán và một tay da trắng như da con gái tôi không nhớ tên, bị hắc lào vùng đàn ông, tối đến đều ở truồng nồng nỗng, gãi chán thì nhảy lò cò dưới chiến hào. Đêm đó là một đêm cuối tháng Chạp năm 1972.
“Tổ quốc
trong nắm cơm lem nhem máu và bùn
của người tải lương
của người phục kích
của người chưa kịp nhận khẩu phần sau cơn đại bác...”.
Tôi nhớ mình viết mấy câu trên sau ngày mở chốt, lui về tuyến sau. Tiểu đội tôi về lại đơn vị cũ đang “thời kì hai lạng” lần thứ ba trong năm. Thói đời, đã ít ỏi lại hay bị rơi vãi, hư hao, người ta càng hay nói đến sự công bằng. Hai lạng nếu chia ba bữa không bõ dính nồi. Hội đồng quân nhân đại đội họp quyết nghị, anh nuôi chỉ đỏ lửa bữa trưa. Sáng chiều lính tráng tùy nghi. Quân chủ lực ở tuyến hai vẫn xa nương rẫy. Thì rừng đấy, sông suối núi đồi đấy, hãy tìm kiếm mọi thứ có thể ăn, cốt không... hi sinh là được. Ngày tiếp ngày chỉ một bữa chung bếp đại đội nên lúc chia cơm là một... sự kiện. Lính tráng vây quanh nồi cơm. Anh nuôi trưởng, cái tay thường khi mồm năm miệng mười nhưng lúc ấy, hắn lặng lẽ và nghiêm cẩn. Nhúng đôi đũa cả vào nước sôi, vẩy nhẹ cho ráo, hắn ngắm nghía, rồi nhẹ nhàng và chuẩn xác, lần lượt cắm những đường thẳng đứng xuống nồi cơm. Có thể nghe thấy tiếng “kịch” nhẹ. Nếu không phải đề phòng địch tập kích hoặc bom đạn thình lình dội xuống, đại đội sẽ ăn chung, sẽ không thành chuyện, xoong cơm quân dụng chia cho quân số bằng nhau cũng dễ. Hơn kém một người là khó. Là khó với cánh lính tráng thôi, tay anh nuôi trưởng của đại đội tôi tài lắm. Nhiều bữa, chính trị viên cũng có mặt, anh đến khiến việc chia cơm càng trở nên quan trọng.
Câu chuyện “bát cơm bất lịch sự”, bắt đầu từ tiểu đội tôi. Lần gặp nhau trên facebook vừa rồi, tôi hỏi, tay Đại tá về hưu Đặng Huy Chương, tức Chương đũa bấm liền chục biểu tượng mặt cười toác cả miệng. Có lẽ phải nghe Chương xui khôn, sắm con điện thoại thông minh, thỉnh thoảng chọc nhau để được thấy hắn cười cho sướng. Chuyện lịch sự với không lịch sự, thằng cha ấy nhớ, tôi thì chẳng bao giờ quên. Là tiểu đội phó, tôi phải quán xuyến việc hậu cần ăn uống, đến bữa, ngồi đầu nồi, xới cơm cho anh em. Xới là chia, tôi làm công bằng mỗi người đều nhau hai lưng bát sắt. Cũng lắm khi đủ hai vòng, xoong cơm chưa hết. Phần dư ra khiến vài chàng trai liếm mép, dù chẳng ma nào dám ăn, chia đều không nỡ dính răng. Tiểu đội trưởng đứng dậy, tôi với thằng Chương cũng đứng lên, đột nhiên hắn quay lại, kéo tất cả cùng ngồi xuống, xúc phần cơm dư ra vào bát tôi. “Đây là bát cơm... bất lịch sự”, thằng Chương nói, “do chúng ta nhường nhau. Vì vậy, mỗi ngày một người phải đóng vai kẻ bất lịch sự. Cứ thế luân phiên”. Nâng bát cơm ngang tầm tay tôi, thằng Chương phán: “Hôm nay, bắt đầu từ tiểu đội phó!”.
Chuyện là thế, chuyện hằng ngày của những người lính thời chiến, bây giờ nhắc lại, tưởng như bịa tạc, nhiều người không tin. Có một thời đại, với những giá tri cao đẹp nhất thăng hoa đến tận cùng đã trôi qua, lẫn vào vô tận, thậm chí bị đánh tráo, huống hồ ba chuyện tủn mủn không đâu vào đâu của mấy cậu lính quèn!

*
* *


Gần hai chục năm nay, tôi không đi xe lửa. Xa quá thì đi máy bay, còn lại đi ô tô, xe ba chục ghế đón khách ở đầu làng. Dịp trước tết lên Hà Nội thăm thú cũng xe quen đường cũ tôi đi, mấy hôm sau trở về bỗng dưng nổi hứng nhảy tàu. Thời đại khác, đất trời đã khác, nước non cũng khác. Toa hành khách bây giờ sạch đẹp, một mình một ghế, nhìn đâu cũng thoáng. Đã thấy trong sân, ngoài vườn, trên sảnh nhà dân hai bên đường, trên xe máy, trên xe tải... những đào, mai, quất, những chậu hoa, chậu cây cảnh. Lúc ấy còn hơn tháng nữa mới tết, người ta rục rịch lo xa dần đi. Chả bù cho ngày xưa, hai chín ba mươi, năm cùng tháng tận, dân quê tôi vẫn sấp mặt xuống ruộng. Tôi về quê đón tết năm ấy, ngày hai mươi tháng Chạp, trên tàu xuôi Nam Định, hình như không nghe ai nói chuyện tết. Có thể chen lấn xô đẩy len lên được toa tàu, co ro đứng ngồi vạ vật ở bất cứ đâu, người ta đã mệt lử, vừa mừng, vừa không thiết tha bàn tán chuyện gì. Có thể, nói đến tết nhất, chỉ tổ lo thêm. Có thể người ta nghĩ, nói ra cũng chẳng chuẩn bị, mua sắm được gì. Đúng là hôm ấy tôi không nghe ai bàn chuyện tết nhất. Tôi mải ngủ, mải lo bảo vệ chục nhát giò, năm ki lô gạo nếp, một bịch trà Thái, cái áo len cụt tay mới mua cho thằng cu con trước những giẫm đạp xô đẩy, thậm chí trộm cắp, có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Ông lão bán bánh len tới, hạ cây đèn chao thấp xuống một tầm tay, có thể ông muốn xem bản mặt hình dong tôi có xứng danh bộ đội hay không. Có thể ông lão không nghĩ như thế, nhưng tôi nhớ, khi ông lão ngồi xuống bên tôi, tự dưng lòng tôi thấy yên tĩnh. Lúc ông lão đứng dậy, bước ra bậc tam cấp chuẩn bị xuống ga, tôi đã lén bỏ tấm bánh chưng vào chiếc làn mây sau lưng ông. Từ chuyến tàu đêm hôm đó đến chiều nay, ngót bốn chục năm trôi qua, vị cựu chiến binh Đường số Bốn trong chiến dịch biên giới thời chống Pháp, có lẽ đã quy tiên. Cầu trời ban phúc cho cụ hưởng cuộc nhàn du vạn dặm.
Tàu chợ bây giờ cũng nhanh, vừa qua Phủ Lý một chốc đã Nam Định. Một đoàn tàu ngược Hà Nội đã đợi trong sân ga. Tôi xuống, thủng thẳng bước, nhẩn nha nhìn quanh, đột nhiên bị xô nghiêng... “Con xin lỗi bác”. Một cô gái... À, một thiếu phụ, áo khoác màu lá bàng chín, tay xách nách mang, gương mặt xinh đẹp ửng hồng trong chiều đông nắng hanh. “Cháu đi Hà Nội?”. “Vâng… Hà Nội... và còn hơn thế nữa”, thiếu phụ mỉm cười, “Cháu đi Hà Giang”. “Thế cơ đấy. Hồi trẻ, hồi còn bộ đội ấy, năm nào bác cũng qua đó vài lần”. “Thế ạ, chồng cháu cũng bộ đội”, thiếu phụ nhìn tôi, giọng cao hẳn lên - “Kì này cháu xin nghỉ phép, lên thăm anh ấy”.
Thoắt cái đã thấy thiếu phụ đứng trên toa xe vẫy tay xuống. “Con chào bố bộ đội nhé!”. Ra dáng vợ lính lắm, mà là một người vợ còn son rỗi, tôi đoán thế. Đàn bà mấy người dám gửi con thơ cho ai, để một thân một mình lặn lội đi thăm chồng đóng quân ở tận vùng biên giới xa xôi, trọn cả kì nghỉ phép. Là tôi nghĩ thế. Lòng đương vui chợt len vào một chút ái ngại

Đ.V.N