Thứ Bảy, 23/11/2019 07:31

Truyền thông với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

Thông tin chính xác, tôn trọng cộng đồng

Truyền thông, bên cạnh sự hỗ trợ đắc lực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thì trong một số trường hợp cũng đã có những tác động gây mâu thuẫn, làm tổn hại di sản.

Truyền thông, bên cạnh sự hỗ trợ đắc lực cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thì trong một số trường hợp cũng đã có những tác động gây mâu thuẫn, làm tổn hại di sản. Theo ý kiến của các nhà quản lý văn hóa và chính những người trong nghề, cần nhiều giải pháp định hướng trong hoạt động tuyên truyền di sản văn hóa và tôn trọng nguyên tắc đạo đức trong bảo vệ di sản, nhất là tập tục của cộng đồng bản địa.

Thực tế thời gian qua đã có một số trường hợp, sự can thiệp hay định hướng chưa đầy đủ, chưa chuẩn xác của báo chí truyền thông dẫn tới những tác động tiêu cực cho di sản văn hóa, gây ra mâu thuẫn giữa các bên cũng như với chính truyền thông. Và khi đó, chính quyền địa phương, với sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu, phải giữ vai trò trung gian, hòa giải. Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nông Quốc Thành dẫn chứng, lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) là điển hình của mâu thuẫn này. “Suốt một thời gian, dư luận xã hội, các cơ quan báo chí truyền thông đã liên tục đề cập vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội cổ truyền theo hướng tập trung phê phán các hiện tượng được cho là “tiêu cực”, mà thiếu sự nhận diện sâu sắc và phản ánh đầy đủ giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc liên quan đến lễ hội. Việc chưa quan tâm quảng bá rộng rãi các giá trị nói trên mà chỉ khai thác những yếu tố mang tính chất “giật gân” cho thấy, cần nhiều hơn nữa các giải pháp định hướng trong hoạt động quảng bá, tuyên truyền di sản văn hóa nói chung, lễ hội cổ truyền nói riêng và nâng cao nhận thức của đông đảo người dân”, ông Thành nói.

Chính bởi thực trạng trên, trong khuôn khổ Tuần Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam 2019, mới đây Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm “Truyền thông với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”, với mong muốn các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý, nhà báo đóng góp ý kiến để cải thiện tình hình. Theo Tổng biên tập Báo Văn hóa Chu Thị Thu Hằng, việc bắt tay giữa báo chí với các cơ quan nhà nước trong cung cấp, phản hồi và truyền thông tin rõ ràng đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, số lượng bài viết mang tính phát hiện chưa cao, còn thiếu những bài viết khai thác theo chiều sâu, có phân tích, phản biện khoa học.


Tôn trọng tập tục của cộng đồng khi thông tin về di sản
Nguồn: news.zing.vn

Hơn thế, bà Chu Thị Thu Hằng lấy ví dụ, Lễ hội đền Trần (Nam Định) năm 2018 đã cho thấy Ban tổ chức đã có sự chuẩn bị khá tốt, từ khâu chuẩn bị lễ, ấn, giữ gìn an ninh đến việc dự báo kịch bản xấu nhất có thể xảy đến về sự tranh giành, cướp ấn… “Có mặt trong khu vực làm lễ phát ấn, tôi đã thấy và hiểu cách làm của Ban tổ chức khi họ tìm các phương án tốt nhất nhằm tránh sự chen lấn, xô đẩy của hàng nghìn người tại cùng một thời điểm. Rất cẩn thận và có trách nhiệm, lễ được vào nhà kho, bởi vậy không có màn cướp lễ hay xô xát suốt thời gian làm lễ phát ấn như thông tin đăng tải trên một số tờ báo sau đó. Tôi thực sự ngạc nhiên và thất vọng trước hiện tượng báo chí đưa thông tin ít kiểm chứng thực tế, có yếu tố ăn theo, làm ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị và ý nghĩa của Lễ hội đền Trần”.

Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ) những năm gần đây cũng gặp tình trạng tương tự. Trong khi cộng đồng địa phương họ cố gắng để làm tốt khâu tổ chức, nhưng chỉ một tờ báo với thông tin chủ quan, phản ánh không đầy đủ, đã khiến hàng chục tờ báo khác đăng tải lại thông tin, gây tâm lý hoang mang. Vì vậy, bà Chu Thị Thu Hằng cho rằng, phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của người làm báo; các cơ quan quản lý nhà nước cũng nên chủ động cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí trong việc định hướng. Các nhà báo cũng cần được tập huấn về lĩnh vực di sản văn hóa để chuẩn chỉnh về thuật ngữ, tận dụng chất xám của chuyên gia để đưa thông tin vào bài viết của mình...

Vai trò của báo chí là truyền tin, do đó trước khi truyền tin người thực hiện phải xác nhận thông tin sao cho chính xác và cụ thể. Trước ý kiến của ông Vũ Dương Châu, Trưởng ban Dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, truyền thông cần được nâng cao nhận thức về di sản văn hóa, cộng đồng chủ thể di sản văn hóa mà họ sẽ tiếp cận, các đại biểu tham gia tọa đàm cũng đồng tình với việc tránh hoặc loại bỏ nhìn nhận chủ quan một chiều, áp đặt văn hóa và bảo đảm tôn trọng các tập tục của cộng đồng khi thông tin, tuyên truyền về di sản. Bài học về cách gọi tên di sản không đúng với bản chất di sản của cộng đồng (“Lễ đâm trâu” thay vì “nghi lễ ăn trâu”, “Lễ hội chém lợn” thay vì “Lễ hội làng Ném Thượng” với nghi thức chém lợn) hay quay phim, chụp ảnh, đăng tải rộng rãi những nghi thức không cho phép người ngoài cộng đồng tiếp cận (nghi thức linh tinh tình phộc trong Lễ hội Trò Trám), tạo nên những cách hiểu sai lệch về di sản cũng như vi phạm những nguyên tắc đạo đức trong bảo vệ di sản mà UNESCO đã đưa ra.

Nguồn: Đại biểu nhân dân (Hương Sen)