Thứ Sáu, 03/01/2020 17:01

Thư pháp của các Hoàng đế nhà Nguyễn trên Châu bản

Trên 100 phiên bản châu phê độc đáo kết tinh tinh hoa từ bút tích của đích thân các Hoàng đế nhà Nguyễn đem đến những góc nhìn mới về một loại hình văn bản hành chính nhưng cũng được coi như những tác phẩm nghệ thuật mang nét đẹp văn hóa của người xưa.

Nhân dịp kỉ niệm 100 năm chấm dứt khoa cử Nho học tại Việt Nam (1919 - 2019) và chào mừng Ngày Lưu trữ Việt Nam 3/1, sáng ngày 3/1/2019, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I - Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tiến hành khai mạc Triển lãm “Thư pháp của các Hoàng đế nhà Nguyễn trên Châu bản”.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cắt băng khai mạc Triển lãm

Thư pháp là một loại hình nghệ thuật viết chữ đặc sắc ra đời từ rất lâu trong lịch sử. Nghệ thuật thư pháp nói chung và thư pháp Hán - Nôm nói riêng là một nét văn hóa truyền thống của người Việt. Hình ảnh những ông đồ viết thư pháp trong mỗi dịp tết đến xuân về luôn gợi nhớ về một thú chơi tao nhã của những bậc tao nhân mặc khách thuở xưa.

Nói đến thư pháp, không thể không nhắc đến chữ Hán - một loại chữ viết rất gần với hội họa. Khi được họa tác bởi các thư gia tài năng, chữ viết có thể đạt tới nghệ thuật đỉnh cao như một bức tranh hoàn hảo. Chữ viết ngoài ý nghĩa truyền tải thông tin còn thể hiện cá tính, tâm tư tình cảm của con người. Nét chữ cũng góp phần không nhỏ tạo nên tính cách, thể hiện cái tâm của người cầm bút.

Tại Việt Nam, chữ Hán được du nhập khá sớm, từ những năm đầu Công nguyên và kéo dài cho đến đầu thế kỉ XX, khi chữ Quốc ngữ chính thức thay thế. Với một thời kì tồn tại hàng nghìn năm, chữ Hán và sau này có thêm chữ Nôm (bắt đầu khoảng thế kỉ thứ X) đã đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền chính trị, văn hoá xã hội và đặc biệt là văn hóa chữ viết ở Việt Nam. Chữ Hán và chữ Nôm đã được sử dụng làm văn tự chính thức trong các hoạt động hành chính, giáo dục, khoa cử trong nhiều thế kỉ.

Triều Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, trong các hoạt động hành chính đã sản sinh ra một hệ thống văn bản viết bằng chữ Hán - Nôm rất đặc sắc; gồm rất nhiều loại chữ viết tay của nhiều cá nhân, nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ; đặc biệt trong đó có chữ viết tay của nhiều vị Hoàng đế nhà Nguyễn. Hệ thống văn bản hành chính này, cho đến nay không những trở thành di sản quý báu của quốc gia mà còn đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Bút phê của Hoàng Đế Minh Mạng có đường nét đầy đặn, cân xứng, kĩ thuật bài bản, uyển chuyển
Bút phê của Hoàng đế Thiệu Trị có sự chú trọng việc nhấn nhá ở đầu các nét và sử dụng liên bút nhiều

Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính, chủ yếu được viết tay trên giấy dó bằng chữ Hán - Nôm, trên văn bản hiện còn lưu bút tích phê duyệt bằng mực son của 10 vị Hoàng đế nhà Nguyễn. Mặc dù không chủ tâm thể hiện chữ viết theo lối thư pháp nhưng châu phê của các Hoàng đế trên Châu bản đã phần nào thể hiện kĩ thuật vận bút điêu luyện, đạt đến trình độ thẩm mĩ rất cao. Bút phê của các Hoàng đế ngoài ý nghĩa về nội dung, thể hiện vai trò quyền lực của người đứng đầu đất nước, còn mang giá trị nghệ thuật đặc sắc như những bức thư pháp sống động.

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phát biểu khai mạc Triển lãm

Phát biểu khai mạc Triển lãm, ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước nhấn mạnh: “Với trên 100 phiên bản châu phê, Triển lãm giới thiệu đến công chúng - những người đam mê hội họa thư pháp - những nét độc đáo, tinh hoa nhất từ bút tích của đích thân các Hoàng đế nhà Nguyễn. Triển lãm hi vọng sẽ đem đến những góc nhìn mới về một loại hình văn bản hành chính nhưng cũng được coi như những tác phẩm nghệ thuật mang nét đẹp văn hóa của người xưa. Cảm ơn Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, các nhà nghiên cứu thư pháp Hán Nôm tại Việt Nam đã phối hợp, hỗ trợ chúng tôi thực hiện thành công triển lãm này”.

HỮU NGHĨA