Thứ Sáu, 10/09/2021 23:29

Thương lắm Trung ơi!

Một bài viết chân thực, lột tả đúng "cái chất Nguyễn Quốc Trung" nhất của nhà văn Sương Nguyệt Minh với những điều mà chỉ có những người thân thiết, gần gũi nhất định với ông mới gọi tên ra được.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung trong mắt những người gần ông nhất là một trường hợp "không thể giải mã". Nguyễn Quốc Trung mãi mãi là một bí mật, cho đến những ngày cuối cùng, ông ra đi, như thể sẽ mang theo những bí mật cuộc đời mình mà không thể tìm ra dù chỉ một người được ông dốc lòng chia sẻ. Không ai biết gì nhiều về cuộc đời ông. Cũng không ai dám hỏi. Mà có hỏi ông cũng chẳng trả lời, ngay lập tức sẽ nói sang chuyện khác. Một bài viết về nhà văn Nguyễn Quốc Trung, chân thực, lột tả đúng "cái chất Nguyễn Quốc Trung" nhất của nhà văn Sương Nguyệt Minh với những điều mà chỉ có những người thân thiết, gần gũi nhất định với ông mới gọi tên ra được.

Tôi biết Nguyễn Quốc Trung bắt đầu từ cái tên trên báo Quân đoàn 4 với lòng ngưỡng mộ của một anh lính trẻ đeo quân hàm binh nhất, yêu thích văn chương. Chỉ là những bài báo bằng cái bàn tay về chiến sự biên giới Tây Nam, chỉ là một cái tin bằng bao thuốc lá về thanh niên nô nức tòng quân, vậy mà cũng làm tôi ấn tượng về cái tên tác giả Nguyễn Quốc Trung.

Tôi gặp Nguyễn Quốc Trung lần đầu khi anh xuống Lữ đoàn tôi lấy tài liệu viết bài. Lúc ấy, đơn vị tôi đang làm công tác bảo đảm để đưa Sở Chỉ huy tiền phương lên biên giới Gò Dầu, Tây Ninh. Tôi bắt gặp một người mặc quân phục, không đeo quân hàm, gầy đen, cao lòng khòng từ trong Ban Tuyên huấn đi ra. Gương mặt anh ấy lạnh, đăm chiêu, lặng lẽ như đang nghĩ ngợi về những điều gì đó to lớn, xa xôi. Nhưng khi nhận ra đó là anh thì không còn cơ hội gặp nhau nữa.

Ông Đại úy - Trưởng ban bảo:

“Sơn vào sớm thì gặp Nguyễn Quốc Trung” (Sơn là tên thật của tác giả - nhà văn Sương Nguyệt Minh)

“Trung nào, anh?”

“Nguyễn Quốc Trung, Báo Quân đoàn mình. Giá mà cậu viết được bài thơ nào về Lữ đoàn hành quân lên biên giới gửi phóng viên Quốc Trung in báo Quân đoàn thì tốt nhỉ?!”

Tôi chạy ra ngoài sân, lấy honda 67 đuổi theo. Phóng ra ngoài cổng gác, hỏi cảnh vệ thì Nguyễn Quốc Trung đã lên ô tô trở về Quân đoàn rồi. Tôi thẫn thờ, tiếc ngẩn ngơ đứng nhìn cái xe Jeep mui trần phía xa xa đang cuốn bụi mù trong nắng cháy căn cứ Đồng Dù đầy dây kẽm gai và cỏ Mĩ.

Về sau, những ngày ở chiến trường K, thảng hoặc được đọc bài báo, hay bài thơ của Nguyễn Quốc Trung cùng với các tác giả Phùng Khắc Bắc, Lê Huy Khanh, Ngô Quốc Dân… trên báo Quân đoàn, thì lòng ngưỡng mộ của tôi với Trung đã chuyển cấp lên… khâm phục.

*

Thời gian trôi đi như nước chảy qua cầu. Tôi từ chiến trường K về nước, đi học, chuyển đơn vị. Nhưng đó đây vẫn đọc thơ, văn Nguyễn Quốc Trung trên báo Quân đội nhân dân và Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Biết Trung đi học Trường Viết văn Nguyễn Du thì lại thấy khát khao thèm muốn được như anh. Trong con mắt chàng sĩ quan trẻ say mê văn chương của tôi thì Trung thật cao cường, ghê gớm. Đã làm thơ, viết truyện ngắn in khắp nơi, lại còn được Quân đội cử đi học Trường viết văn cùng trường với nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa mà không ghê gớm, cao cường à?!

Ắng đi một thời gian. Tôi về Văn nghệ Quân đội làm biên tập thì mới biết Nguyễn Quốc Trung đã ra trường và về tòa soạn trước tôi, đang làm đại diện tại Văn phòng phía Nam ở Sài Gòn. Lính mới tò te ở Văn Nghệ Quân đội, bảo cái gì tôi cũng ngoan ngoãn làm một cách thích thú, đắm say. Ông nhà văn Khuất Quang Thụy “sổ” ra một đống bản thảo cũ, có bản thảo đã úa màu thời gian bảo: “Đống bản thảo truyện ngắn dự thi này là tao loại ra. Chú mày đọc lại xem có mót được cái nào không?” Chả biết ông thiếu bài, bảo mình mót, hay ông tế nhị bảo mình hãy học việc từ cái chuyện nhỏ nhặt như thế. Vậy là đọc, đọc say mê. Cũng mót được vài cái, đem in.

Một tuần sau, tôi vẫn còn toét mắt “mót” bản thảo, thì có tiếng gõ cửa.

“Anh là…. Ôi! Trung! Anh Nguyễn Quốc Trung. Anh ra lúc nào vậy?”

“Mình vừa ra. Nghe tin Sương Nguyệt Minh về Văn nghệ Quân đội, mừng quá. Trước Minh cũng ở Quân đoàn 4 à?”

“Ơ… bác quên là cái dạo sang Campuchia, bác xuống Sở chỉ huy lữ đoàn em ở Âm leng, còn em ở U đon. Ông Trưởng ban Tuyên huấn gọi điện bảo em: “Có Nguyễn Quốc Trung báo Quân đoàn đây. Sơn nói chuyện này. Cầu được ước thấy nhé”. Em và bác nói chuyện qua máy quân sự. Em hỏi: “Bác ở Âm leng thế nào?” Bác chả bảo: “Thiếu nước lắm. 10 ngày nay chưa được tắm. Giờ chỉ ước như ở Sài Gòn mỗi ngày tắm một cái”.

Trung cười khà khà, bảo chả nhớ. Thời gian quá lâu rồi. Nhớ sao được khi ông cứ đắm say, sòn sòn đẻ tiểu thuyết, bút kí và truyện ngắn. Chúng tôi nói chuyện rôm rả, không có khoảng cách bởi cái chất lính tráng trận mạc bao nhiêu năm nay tưởng quên lại bỗng chốc ùa về. Vậy là, tôi phải đi một chặng đường dài 20 năm mới được gặp trực tiếp Nguyễn Quốc Trung bằng da bằng thịt.

Nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Ảnh: TL

Một lần tôi bảo Trung: "Này, cái chuyện tắm của ông ấy mà. Có phải sau những ngày đói khát, khô nỏ khô cháy ở chiến trường K, ông bị sang chấn rồi cứ ám ảnh về cái chuyện thiếu nước, mất nước, khô hạn không?". Trung bảo: "Ông chả hiểu gì tôi cả." Ừ. Có Trời hiểu, có Đất hiểu ông. Rồi tỉnh bơ, Trung hỏi: "Minh có biết năm nay, có quyển tiểu thuyết nào đáng đọc không?" Tôi làm mặt giận bảo: "Ông là cái thằng sạch sẽ nhất Hội nhà văn. Đang hỏi chuyện tắm, là đánh trống lảng sang tiểu thuyết tiểu thung. Tôi sẽ đưa chi tiết tắm của ông vào truyện ngắn đấy". Trung cười hì... hì: "Ông chả hiểu gì tôi cả".

Nói chuyện một hồi, Trung bảo “về tắm cái đã” trong lúc chờ ăn cơm trưa. Ăn cơm trưa xong về phòng, Trung lại tắm. Tắm rất nhanh. Chỉ hai phút là xong một lần tắm. Một bạn cùng thời làm báo ở Quân đoàn 4 xa xưa với Trung bảo "Trung tắm xong hai nách vẫn còn khô". Giời ơi! Ông Trung bạn tôi ơi! Tắm như thế thì là người nhà Giời! Hóa ra thật! Ngủ trưa thức dậy, lại thấy Trung sùng sục trong nhà lắm. "Lại tắm hả?". Tôi hỏi Trung, nhưng nhà văn Đỗ Viết Nghiệm (cùng ở đại diện phía Nam ra) lại trả lời thay: "Một ngày nó tắm năm lần". "Lạ nhỉ!". "Tao ở Sài Gòn cùng nó mà tao lại nói dối mày à?". Tôi giật mình: "Bỏ mẹ rồi! Hai mươi năm trước ở chiến trường K khô khát, một tháng không giặt quần áo một lần, ổng chỉ ước mơ được về sài Gòn tắm một cái cho đã đời. Bây giờ, ổng không tắm một cái, mà tắm năm cái trong một ngày. Một lần tôi bảo Trung: "Này, cái chuyện tắm của ông ấy mà. Có phải sau những ngày đói khát, khô nỏ khô cháy ở chiến trường K, ông bị sang chấn rồi cứ ám ảnh về cái chuyện thiếu nước, mất nước, khô hạn không?". Trung bảo: "Ông chả hiểu gì tôi cả." Ừ. Có Trời hiểu, có Đất hiểu ông. Rồi tỉnh bơ, Trung hỏi: "Minh có biết năm nay, có quyển tiểu thuyết nào đáng đọc không?" Tôi làm mặt giận bảo: "Ông là cái thằng sạch sẽ nhất Hội nhà văn. Đang hỏi chuyện tắm, là đánh trống lảng sang tiểu thuyết tiểu thung. Tôi sẽ đưa chi tiết tắm của ông vào truyện ngắn đấy". Trung cười hì... hì: "Ông chả hiểu gì tôi cả".

*

Nguyễn Quốc Trung thuộc lớp tác giả trẻ vừa là người lính cầm súng chiến đấu trực tiếp, vừa làm thơ viết văn ở mặt trận K cùng thời với Phạm Sỹ Sáu, Bùi Thanh Minh, Lê Minh Quốc, Đoàn Tuấn, Nguyễn Thành Nhân...vv.

40 năm cầm bút, ông đã kịp trình làng nhiều tiểu thuyết: Biên giới, Bên rừng thốt nốt, Người đàn bà hồn nhiên, Người đàn bà khóc mướn, Người trong cõi người, Thành phố độc thân, Đất không đổi màu, Dòng sông bên chùa… và các tập truyện ngắn: Đêm trừ tịch, Trong tiết thanh minh, Người đến từ nước Mỹ, Cô gái tính nhảy cầu Rạch Miễu

Viết tiểu thuyết Biên giới, ông muốn truyền thông điệp: Cứu giúp người khác (ở đây là một dân tộc, một quốc gia), người ta phải vượt qua biên giới lãnh thổ của chính mình, cũng như cháy nhà hàng xóm thì phải sang hẳn nhà hàng xóm mới chữa được, dù phải chịu sự mất mát, hi sinh và cả những oan khiên, ngờ vực; nhưng sự thật vẫn là chân lí, “giúp bạn là giúp mình”.

Người lính vượt qua khó khăn, chiến đấu, hi sinh thầm lặng là điều ông muốn nói ở tiểu thuyết Bên rừng thốt nốt. Còn Người đàn bà khóc mướn ông kể về mối tình huyền thoại, mang tính biểu tượng cá nhân hòa quyện và nâng lên tầm vóc hữu nghị của hai dân tộc Việt và Khmer, người lính tình nguyện ra đi từ một làng có tục khóc mướn chiến đấu ở chiến trường K và một đào hát từng là vũ nữ hoàng gia. Sự gặp gỡ nhau của hai dân tộc trong văn hóa dân gian, làm người ta nghĩ đến đức tin và tôn trọng nhau sẽ tránh được xung đột tương tàn. Tiểu thuyết Đất không đổi màu, là biểu tượng máu của người lính tình nguyện Việt Nam đổ xuống đất nước Campuchia không thay đổi màu đất, nhưng sự hi sinh đó không vô ích, mà là mạch ngầm của lòng tin, của tình nghĩa hữu nghị... sẽ âm thầm chảy trong lịch sử hai quốc gia.

Có thể nói Nguyễn Quốc Trung là một nhà văn xuôi vạm vỡ, một người sống chết với văn chương.

Tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Quốc Trung do Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 2016. 

*

Nguyễn Quốc Trung là một người sởi lởi, ông không hại ai bao giờ và cũng chẳng ai nỡ hại ông. Ông không bao giờ tỏ ý muốn làm chức nọ, muốn lên cấp kia. Cứ lặng lẽ đọc, lặng lẽ viết. Thiên kinh vạn quyển, cứ nhìn thấy ông lúc nào là thấy quyển sách trong tay. Những lần gặp ông, hầu như chỉ nói chuyện văn chương. Ông hào sảng khen, hào sảng động viên bạn văn. Mỗi lần điện thoại cho ông, hoặc gặp ông ở Sài Gòn hay Hà Nội, sau cái bắt tay đầu tiên là ông bảo: “Này, anh Anh Đức đọc Sương Nguyệt Minh khen lắm đấy nhé”. Lần khác, ông bảo: “Này, anh Nguyễn Quang Sáng đọc ông khen văn ông tinh tế”. Lần đầu, tưởng thật thấy mở cờ trong bụng, lần thứ hai đã thấy nghi ngờ, lần thứ ba gặp, Trung lại bảo: “Này, anh Nguyễn Khải khen truyện ngắn của Minh lắm đấy”… Biết thoóc Trung động viên, tôi bảo: “Ông Nguyễn Khải đọc đ** gì văn tôi, mà ông cứ bịa ra để động viên". Mặt Trung cứ tỉnh bơ, nói lảng sang chuyện khác. Lần sau gặp, Trung lại bảo: “Này, anh N đọc Minh…”. Về sau, tôi còn biết Nguyễn Quốc Trung cũng hào sảng tặng cho nhiều bạn văn khác những lời động viên hoành tráng, mênh mông. Chẳng hạn, gặp nhà văn Đỗ Tiến Thụy, bắt tay vồn vã, ông bảo: “Này, anh Trịnh Công Sơn đọc truyên ngắn Đỗ Tiến Thụy khen lắm đấy”…vv. Trịnh Công Sơn thì liên quan gì đến văn Đỗ Tiến Thụy!? Hóa ra, gặp ai Trung cũng vui vẻ động viên, khen ngợi, vui vẻ cả làng. Trung bảo: “Có gì đâu. Vui ấy mà”; “Có gì đâu. Vui ấy mà”.

*

Nguyễn Quốc Trung là một người bí ẩn, bí mật. 20 năm gặp và chơi với Trung, rất nhiều lần tôi vào Sài Gòn, Trung ra Hà Nội nhưng chưa bao giờ Trung kể về vợ con, gia đình. Một lần tôi năn nỉ xin được đến nhà Trung chơi, Trung do dự miễn cưỡng rồi lấy xe máy đèo tôi về nhà ở Tân Sơn Nhất. Ngôi nhà 60 mét vuông cao lừng lững 5 tầng 10 phòng, nhưng lạnh lẽo, hoang vắng vì chỉ có mỗi mình Trung ở. Tôi bảo: "Trôm cắp nó vào, ông không cần đuổi bắt. Chỉ đóng cửa lại, nó đi miên man trong cái trận đồ bát quái này, thì nó cũng phải lạy ông, biếu ông thêm tiền để ông chỉ lối ra". Trung bảo: "Ông chả hiểu gì tôi cả!" Ừ. Có mà trời hiểu ông! Hỏi vợ con, Trung lảng sang chuyện khác. Cơ quan, bạn bè cũng không biết gia đình Trung. Một lần tôi bảo Trung: “Lần sau ông ra tổng kết cơ quan, tôi lấy cái xe ô tô cỏ về Hương Sơn nhà ông chơi, rồi xem cắt nhung hươu, được không?”. Trung bảo: “Này, anh Hữu Thỉnh đọc Miền Hoang của Minh khen lắm đấy!”. Tôi cáu: “Khen… khen cái… đ** gì. Bảo đi Hương Sơn đ** đi, cứ miền hoang với miền hoét”. Trung bảo: "Ông chả hiểu gì tôi cả". Ừ. Tôi không hiểu, cả làng văn không hiểu. Chỉ có Thánh Thần hiểu ông.

Một lần, nhà văn Nguyễn Trí Huân bảo tôi: “Minh bạn bè với Nguyễn Quốc Trung, thử hỏi xem nhà cửa, vợ con nó thế nào?” Tôi bảo: “Em chịu. Đến bác làm thủ trưởng cơ quan mà còn hỏi em, thì em biết hỏi ai?”. Mấy ông lãnh đạo cơ quan cứ áy náy, băn khoăn cảm như mình có lỗi với Trung. Tôi - người viết bài này cũng cảm thấy có lỗi với Trung. Lỗi vì đã hỏi chuyện riêng của Trung. Lỗi vì mình ăn ở thể nào để Trung không chia sẻ. Nhưng rồi lại tự an ủi: Thôi, nhà văn ai cũng có cá tính riêng, cách sống riêng, nỗi niềm riêng, yêu thương nhau thì trân trọng cái riêng ấy. Cứ để Trung mang cái riêng ấy theo cuộc đời.

Rồi Trung lại tỉnh bơ nói chuyện Hội Nhà văn. Một lần, nhà văn Nguyễn Trí Huân bảo tôi: “Minh bạn bè với Nguyễn Quốc Trung, thử hỏi xem nhà cửa, vợ con nó thế nào?” Tôi bảo: “Em chịu. Đến bác làm thủ trưởng cơ quan mà còn hỏi em, thì em biết hỏi ai?”. Mấy ông lãnh đạo cơ quan cứ áy náy, băn khoăn cảm như mình có lỗi với Trung. Tôi - người viết bài này cũng cảm thấy có lỗi với Trung. Lỗi vì đã hỏi chuyện riêng của Trung. Lỗi vì mình ăn ở thể nào để Trung không chia sẻ. Nhưng rồi lại tự an ủi: Thôi, nhà văn ai cũng có cá tính riêng, cách sống riêng, nỗi niềm riêng, yêu thương nhau thì trân trọng cái riêng ấy. Cứ để Trung mang cái riêng ấy theo cuộc đời.

*

Ngày 30/8/2021, Nguyễn Quốc Trung nhập viện 175 vì nhiễm virus Sars-Cov-2. Chỉ 10 ngày sau, ông lặng lẽ ra đi vì con virus nguy hiểm của đại dịch Covid-19. Cuộc đời, cuộc sống của Nguyễn Quốc Trung trong mắt bạn bè dường như là một bí mật, bí ẩn, ngoài đời tưởng là rộn rã, náo nhiệt, nhưng trong lòng thì cô đơn cùng cực. Ông như một người văn ghé chơi thế gian này. Lặng lẽ sống và viết. Lặng lẽ, và cô độc rời bỏ dương thế lầm than, đau thương này.

Thương lắm Trung ơi!

Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH