Thứ Bảy, 07/05/2022 22:06

Tiệm sách trong lòng đất

Đó là tiệm sách ở thị trấn Coober Pedy, miền Nam Australia. Thị trấn hơn 2000 dân này xuất hiện vào những năm 1916, nổi tiếng và gắn liền với việc khai thác mỏ, đặc biệt là đá sắc màu.

Đó là tiệm sách ở thị trấn Coober Pedy, miền Nam Australia. Thị trấn hơn 2000 dân này xuất hiện vào những năm 1916, nổi tiếng và gắn liền với việc khai thác mỏ, đặc biệt là đá sắc màu.

Coober Pedy từng được bao phủ bởi một đại dương. Sau khi nước rút đi, khoáng chất từ đáy biển đã lấp đầy các vết nứt trên trái đất và tạo nên màu sắc sặc sỡ cho đá. Khởi nguồn từ các hầm mỏ sau khai thác bỏ không, các thợ mỏ đã mở rộng và cải tạo thành nơi ở với các vật dụng cần thiết cùng các giá đỡ đóng vào vách đá. Dần dần, mọi thứ đã được mở rộng và hoàn thiện. Những căn nhà đầu tiên nằm trong lòng đất đã ra đời. Chủ sở hữu một ngôi nhà thậm chí còn tạo ra một hồ bơi và tiệm làm đẹp trong phòng khách của họ.

Đến nay thì mọi hoạt động của cư dân ở đây, từ ăn, uống, ngủ, nghỉ, đi nhà thờ, nhà sách, quán bar... đều diễn ra dưới lòng đất. Lí do bởi nhiệt độ trên mặt đất khá cao, cộng với việc khai thác mỏ khiến mặt đất trơ trọi và nóng bỏng, khó có loại động thực vật nào tồn tại và phát triển được. Nhiệt độ trong bóng râm ở đây cũng lên đến gần 40 độ C vào mùa hè. Cùng với đó là sự sự khan hiếm nguồn nước. Đó là những yếu tố khiến người dân Coober Pedy xây dựng thị trấn này ngầm trong lòng đất, nơi mà nhiệt độ trung bình chỉ vào khoảng 21 độ C. Theo Hội đồng quận Coober Pedy, có đến 80% dân số đã làm nhà bên dưới các lớp sa thạch.

Năm 1985, khi đạo diễn George Miller quay các phần phim của mình, Mad Max Beyond Thunderstorm, thị trấn Coober Pedy vốn đã hẻo lánh với những đặc thù của nó được biết đến nhiều hơn nhưng là dưới ấn tượng như một vùng đất cằn cỗi của ngày tận thế với khung cảnh chằng chịt những chiếc hố sâu hoắm, những chiếc xe cũ nát nằm la liệt khắp nơi.

Nhưng rồi nhờ cuộc sống trong lòng đất sinh sôi và phát triển, người ta đã biết đến một Coober Pedy khác. Cho đến ngày không chỉ là những ngôi nhà, mà là cả một thị trấn tồn tại dưới lòng đất. Nhà thờ, khách sạn, bảo tàng… và các công trình dân sinh đều được xây dựng sâu dưới những lớp đất đá. Và tất nhiên, không thể thiếu một tiệm sách như trong hình. Đây cũng là tiệm sách duy nhất của thị trấn. Coober Pedy đã trở thành một điểm du lịch độc đáo với du khách khi tới Australia.

Coober Pedy cung cấp tới 80% lượng đá màu cho thế giới. Cuộc sống ở đây vẫn có các hoạt động diễn ra trên mặt đất, tuy nhiên, “thế giới ngầm” mới là thứ làm nên bản sắc của của thị trấn độc đáo nhất thế giới này. Nếu có dịp đến Coober Pedy, bạn nhớ ghé thăm tiệm sách ngầm trong lòng đất này nhé.

Trọng Thái tổng hợp