Thứ Tư, 25/06/2025 00:39

Tiền Trường Sơn

Như lời kể thì anh vốn con nhà nông, chi tiêu, sử dụng nhu yếu phẩm hợp lí nên những ngày ở Trường Sơn anh dôi dư kha khá... (NGUYỄN VĂN HUY)

. NGUYỄN VĂN HUY

 

Hẳn không ít người đã đặt câu hỏi: thời kháng chiến chống Mĩ, bộ đội ở Trường Sơn tiêu tiền gì, và tôi cũng không ngoại lệ. Mãi tới đầu những năm 2000 khi về làm Tạp chí Tài chính Quân đội tôi mới hiểu.

Từ chiếc xe chở tiền bị cháy…

Đại tá Vũ Mạnh Hùng khi ấy đã là chuyên viên cao cấp của Cục Tài chính Quân đội. Tìm hiểu về anh tôi rất ngạc nhiên bởi anh xuất thân từ lính xế, từng giữ chức đại đội trưởng một đại đội xe vận tải thuộc Bộ Tư lệnh 559. Vậy cơ duyên nào anh lại trở thành cán bộ tài chính?

“Cái số tớ nó hay dính đến tiền cậu ạ!” Anh Hùng hóm hỉnh. Theo lời kể của anh thì bắt đầu từ một vụ… cháy xe chở tiền.

Hôm đó, đoàn xe của anh từ Binh trạm 32 ra Binh trạm 31 để nhận hàng. Khoảng bốn giờ chiều, còn cách Binh trạm 31 chừng một cây số thì đoàn xe của anh gặp một đoàn xe của đơn vị bạn đang hành quân vào trong. Đoạn đường hẹp quá, không tránh nhau được. Loay hoay xoay sở tiến lùi một hồi rồi cũng tìm được đường tránh.

Nhưng đoàn xe đơn vị bạn chưa đi thì máy bay địch ào đến ném bom. Có vài xe bị cháy. Các đồng chí áp tải hàng hốt hoảng kêu người đến ứng cứu “hàng Z”. Qua khẩu khí và thái độ, anh hiểu đây là loại hàng rất đặc biệt. Xe cháy, nhưng vẫn kịp cứu được một số thùng hàng. Lúc đó anh Hùng mới biết đó là những thùng tiền.

“Vụ đó tớ suýt bị kỉ luật. Cơ quan điều tra hình sự cấp trên đến điều tra, tớ phải viết tường trình tỉ mỉ. Tất nhiên là tớ giải trình là tôi đã rất tích cực tìm đường vòng tránh. Một bên là vách núi, một bên là vực, vậy mà nhiều xe của đơn vị tôi phải lùi khá xa mới có chỗ ép vào để có đường cho đoàn xe đi. Và từ lúc thông xe tới khi máy bay đến ném bom hoàn toàn đủ thời gian để đoàn xe kia đi được khá xa... Rất may là đơn vị bạn đã xác nhận lời khai của tớ. Họ thừa nhận, đúng là có thời gian nhưng vì là xe chở hàng đặc biệt nên không thể đi ban ngày mà phải chờ đến chiều tối mới xuất phát. Sự cố không lường trước được. Hiện trường ủng hộ nên tớ và đơn vị không ai bị kỉ luật. Ngày đó, nếu cấp trên không sâu sát, không đến tận nơi xem xét cụ thể, chỉ nghe báo cáo và nâng quan điểm thì vụ đó tớ toi rồi”.

Minh họa: Trần Thanh Vân

đến việc đổi tiền cưới vợ...

“Nhiều người đã nghĩ rằng bộ đội thời đánh Mĩ ở Trường Sơn không tiêu tiền, vì ở trên rừng thì tiêu làm sao?” Một lần trong tiệc trà tôi đã hỏi Đại tá Vũ Mạnh Hùng. Anh nói: “Điều đó không đúng. Bộ đội vẫn tiêu tiền, một loại tiền đặc biệt”.

Và anh cho biết, thời đó tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành không có giá trị khi qua giới tuyến 17. Thế nên quân nhân hưởng lương ở Đoàn 559 đều đăng kí gửi tiền lại hậu phương cho gia đình đến nhận tại bộ phận tài vụ hậu cứ ở Trạm 63 Lý Nam Đế, Hà Nội. Tưởng thế là ổn. Nhưng do tính chất đặc thù của lực lượng hoạt động trong thời gian dài, trải rộng cả tuyến Trường Sơn, đòi hỏi phải có một loại giấy tờ có giá trị tương ứng để anh em thuận tiện trong việc chi tiêu cho bản thân, cơ quan tài vụ Đoàn 559 báo cáo, đề xuất Cục Tài vụ, nay là Cục Tài chính, đề nghị Ngân hàng Trung ương cho phép in một loại tiền nội bộ. Đề xuất đó đã được Tổng giám đốc Ngân hàng đồng ý. Và Phiếu bách hóa Trường Sơn được in, phát hành. Từ năm 1966, tài vụ Đoàn 559 cấp sinh hoạt phí cho bộ đội bằng Phiếu bách hóa Trường Sơn, lính thường gọi là tiền Trường Sơn.

Trên Phiếu bách hóa Trường Sơn có in đường chỉ hoa văn và một số kí hiệu, tuy không thật tinh nhưng khó dùng công cụ thô sơ để làm giả. Mỗi tờ có dòng chữ “Trường Sơn, Phiếu bách hóa” và các số ghi mệnh giá. Số 1 một đồng, số 2 hai đồng, số 5 năm đồng, số 10 mười đồng tương ứng tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ban đầu Phiếu bách hóa Trường Sơn chỉ được dùng khi mua hàng tại các binh trạm, cơ quan thuộc Đoàn 559. Nhưng sau đó phiếu được cấp cho một số đơn vị chiến đấu ở Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị và một số đơn vị chiến đấu ở Lào. Cán bộ chiến sĩ được cấp tiền Trường Sơn theo tiêu chuẩn, cấp bậc, chức vụ... Cơ quan tài chính các cấp chấp nhận thanh toán, quyết toán hợp pháp. Dần dần tiền Trường Sơn được sử dụng sâu vào tuyến trong.

“Tiền Trường Sơn khi ra khỏi Trường Sơn là hết giá trị?” Tôi tò mò. Đại tá Vũ Mạnh Hùng nói: “Không phải thế. Khi bộ đội từ miền Nam ra Bắc, nếu có tiền Trường Sơn sẽ được đổi lấy tiền Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở hai trạm của Đoàn 559 tại Cự Nẫm huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình và bộ phận tài vụ hậu cứ ở Trạm 63 Lý Nam Đế, Hà Nội. Tiền Trường Sơn thu đổi sẽ được vận chuyển ngược vào để tiếp tục sử dụng”.

Anh Hùng cười khà khà: “Nhờ quy định đổi tiền này mà tớ đã… cưới được vợ xinh đấy nhé!”

Như lời kể thì anh vốn con nhà nông, chi tiêu, sử dụng nhu yếu phẩm hợp lí nên những ngày ở Trường Sơn anh dôi dư kha khá. Năm 1972 anh được về phép, qua hậu cứ của Đoàn ở Quảng Bình, đổi 45 đồng tiền Trường Sơn được 45 đồng tiền ngân hàng về làm một đám cưới hoành tráng. Những năm sau này, chị Hoàng Thị Bình, vợ anh tiết lộ, đám cưới của anh chị được dân làng đồn đại mãi, vì “to nhất làng” với nhiều bánh kẹo, thuốc lá...

và nộp phạt bằng tiền Trường Sơn

Một lần anh Hùng đưa đoàn xe chở hàng từ Đồng Đăng về, qua cầu Long Biên, vào đến Hà Nội thì trời vừa sáng. Anh cho chiếc xe mình đang ngồi chỉ huy đỗ vào ven đường chờ tập hợp đội hình. Xe vừa dừng một lát thì hai anh công an xịch mô tô ba bánh đến kiểm tra giấy tờ, ghi biên bản “phạt vi cảnh vì đỗ xe ở đoạn đường ngược chiều”.

Anh Hùng trần tình: “Cũng tại tớ không cương quyết. Lính xế từ Trường Sơn về phố, có mấy ai thông thạo các loại biển báo đâu. Thế nên tớ đã định cho đoàn đi men theo đường đê sông Hồng, nhưng anh em lại nằng nặc đòi đi qua phố để ‘giải ngố’ sau nhiều năm ở chiến trường. Biết là sai, tớ đã trình bày nhiều lí do. Nào là tài xế Trường Sơn vốn chỉ quen đường rừng, nào là xe chở hàng phục vụ chiến trường miền Nam..., mong các đồng chí thông cảm. Nhưng vô ích. Hai anh công an khăng khăng ‘biên bản đã lập, đề nghị các đồng chí nộp phạt. Tớ đành lục túi, nhưng tìm mãi chỉ có tờ 10 đồng tiền Trường Sơn, đành đưa ra. Nhìn tờ tiền lạ, hai anh công an hỏi tiền gì. Tớ bảo lính Trường Sơn chỉ có loại tiền này. Biên bản ghi tiền phạt hai đồng, các anh cho xin lại tám đồng’. Giơ lên hạ xuống, lật dọc lật ngang mãi, hai anh công an bỗng đâm ra… bối rối, đành bảo: ‘Các đồng chí vi phạm lần đầu. Tha cho đi!’ Thấy thế cánh lính xế bấm bụng cười. Cứ tưởng sẽ có tám đồng tiền ngân hàng thối lại để mua quà Hà Nội tặng mấy o Vân Kiều, thật tiếc là mấy anh công an không phạt nữa...”

Nhắc lại những chuyện này anh Hùng cứ tủm tỉm cười.

Anh Hùng bảo sau những vụ ấy anh rất hay nghĩ về công tác tài chính quân đội, trong chiến tranh. Để có ngày chiến thắng, ngành tài chính quân đội đã có những hoạt động sáng tạo tuyệt vời. Thế nên sau giải phóng, anh đã chọn thi vào Đại học Tài chính. Với tấm bằng loại ưu, năm 1980 anh được điều về Cục Tài chính - Bộ Quốc phòng.

N.V.H