Thứ Tư, 14/05/2025 14:22

Tiếng Anh có thể biến mất?

Ngôn ngữ toàn cầu đầu tiên đang ở thời kì đỉnh cao nhưng không có gì là vĩnh cửu.

Hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ có sức ảnh hưởng toàn cầu chưa từng có. Với hơn 1,5 tỷ người sử dụng, nó hiện diện khắp mọi lĩnh vực: từ kinh doanh, học thuật đến ngoại giao. Thế nhưng, câu hỏi tưởng như kỳ lạ này đang dần trở nên nghiêm túc hơn: Liệu một ngày nào đó, tiếng Anh có thể biến mất?

Câu hỏi này càng gây chú ý khi khoảng 1.500 ngôn ngữ khác được dự báo sẽ biến mất vào cuối thế kỉ. Nhưng nếu lịch sử đã dạy chúng ta điều gì, thì đó là: không ngôn ngữ nào miễn nhiễm với sự thay đổi.

Không ngôn ngữ nào bất tử

Tiếng Latin từng là ngôn ngữ thống trị châu Âu cổ đại, tiếng Ai Cập từng là công cụ cai trị của cả một nền văn minh. Giờ đây, cả hai đều chỉ còn là di sản ngôn ngữ – tồn tại dưới dạng các nhánh hậu duệ hoặc văn bản khảo cổ.

Ảnh minh hoạ.

“Dĩ nhiên tiếng Anh cũng có thể biến mất,” nhà ngôn ngữ học Martin Haspelmath từ Viện Max Planck (Đức) nhận định. Vấn đề không phải là “có hay không”, mà là “khi nào và bằng cách nào”.

Ngôn ngữ sống cùng xã hội, và thay đổi theo những cú huých lớn: di cư, công nghệ, giáo dục, hay những biến cố không thể lường trước như chiến tranh, khủng hoảng khí hậu hoặc sụp đổ kinh tế.

Trong đó, di cư và công nghệ là hai lực tác động mạnh nhất. Người di cư mang theo ngôn ngữ và ảnh hưởng đến cộng đồng bản địa, còn công nghệ giúp bảo tồn, nhưng đồng thời cũng chuẩn hóa và làm chậm sự thay đổi ngôn ngữ. Trớ trêu thay, chính những yếu tố từng giúp tiếng Anh lan rộng có thể góp phần làm nó phân rã.

Một kịch bản không phải là không tưởng: nếu Trung Quốc vượt Mĩ trở thành siêu cường số một, còn Ấn Độ, nơi sử dụng tiếng Anh rộng rãi quyết định thay thế nó trong giáo dục và hành chính, vị thế toàn cầu của tiếng Anh sẽ lung lay. Đồng thời, sự tăng trưởng dân số ở châu Phi có thể thúc đẩy các ngôn ngữ khu vực như Swahili, Lingala hay tiếng Pháp hậu thuộc địa.

Ngay cả khi mất vị thế toàn cầu, tiếng Anh vẫn sẽ tồn tại tại các nước nói tiếng Anh bản địa như Mĩ, Anh, Úc, New Zealand. Nhưng hình hài của nó sẽ khác.

Một tiếng Anh đang phân nhánh

Tiếng Anh hiện đã có nhiều biến thể: Anh, Mỹ, Ấn, Phi... Với sự hỗ trợ của chữ viết và internet, các biến thể này vẫn giữ được tính liên thông. Nhưng sự khác biệt đang ngày càng lớn.

Ví dụ, tiếng Anh Nigeria, dự kiến có 400 triệu người dùng vào năm 2100 - đang dần tạo ra ảnh hưởng riêng. Từ vựng địa phương như “ogogoru” (chỉ rượu mạnh) có thể len lỏi vào tiếng Anh toàn cầu. Điều tương tự có thể xảy ra với tiếng Anh Ấn Độ, Singapore, Kenya…

Khi số lượng người nói tiếng Anh không phải bản ngữ vượt trội, họ sẽ trở thành lực lượng định hình lại ngôn ngữ. Câu hỏi đặt ra là: liệu chúng ta có đang bước vào thời đại “tiếng Anh hậu hiện đại” – một phiên bản không còn tuân thủ chuẩn mực của Oxford hay Cambridge?

Từ mượn, cấu trúc câu lai, phát âm đa dạng sẽ là đặc điểm của dạng tiếng Anh “toàn cầu hóa” phổ biến nhưng không còn thuần nhất.

Một ẩn số lớn là công nghệ dịch thuật. Nếu máy dịch đạt độ chính xác cao, con người có thể không còn cần học ngoại ngữ. Khi đó, nhu cầu học và sử dụng tiếng Anh sẽ giảm mạnh.

Mặt khác, chính công nghệ cũng có thể làm chậm quá trình hòa trộn giữa các ngôn ngữ, ví dụ như ngăn cản từ địa phương như “ogogoru” lan ra ngoài phạm vi khu vực.

Sự thay đổi là điều chắc chắn

Tiếng Latin tồn tại hơn 2.000 năm, tiếng Ai Cập cổ cũng không kém. Tiếng Anh đã có lịch sử hơn 1.500 năm và đang ở đỉnh cao ảnh hưởng. Nhưng “phát triển mạnh” không đồng nghĩa với “bất tử”.

Một ngày nào đó, con cháu chúng ta có thể sử dụng một thứ ngôn ngữ mới, sinh ra từ tiếng Anh, nhưng đã thay đổi đến mức người London hay New York hôm nay không thể hiểu nổi.

Và như người La Mã từng tin rằng Latin là vĩnh cửu, chúng ta hôm nay cũng có thể đang ngộ nhận về tiếng Anh. Ngày tàn của nó chưa đến, nhưng sự thay đổi là điều chắc chắn.

BÌNH NGUYÊN dịch