Thứ Sáu, 23/08/2019 00:12

Tiếng chuông của Tokyo xưa

Tựa đề của cuốn sách văn học du lịch “The Bells of Old Tokyo” như tiếng chuông tỉnh thức khi chúng ta đang mơ màng đứng trên cây cầu mù sương trước lúc mặt trời mọc ở Tokyo.

Tựa đề của cuốn sách văn học du lịch “The Bells of Old Tokyo” như tiếng chuông tỉnh thức khi chúng ta đang mơ màng đứng trên cây cầu mù sương trước lúc mặt trời mọc ở Tokyo.

 

Nhà văn Anna Sherman và cuốn sách The Bells of Old Tokyo.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta cảm nhận như vậy về thời gian và thời điểm khi đọc The Bells of Old Tokyo. Tất cả đều bắt nguồn từ chủ ý của tác giả Anna Sherman.

Anna Sherman, vốn được sinh ra ở thành phố Litle Rock, tiểu bang Arkansas, Mĩ, là biên tập viên tại Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế Thiên niên kỉ, Thời báo Tài chính ở quê hương. Năm 2001, Anna chuyển đến châu Á làm việc cho Nhà xuất bản Đại học Hồng Kông có các chi nhánh ở Hồng Kông và Tokyo.

Sau thời gian dài gắn bó với thủ đô đất nước mặt trời mọc, Anna đã viết tác phẩm, nối dài hành trình khám phá của mình. The Bells of Old Tokyo được bắt đầu vào năm 2009, đến 2019 mới hoàn thành, là sự kết hợp của các thể loại như hồi kí trải nghiệm, lịch sử và văn hóa du lịch được kể bằng giọng văn đẹp, trữ tình.

Khi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và con người Nhật Bản, Anna biết rằng, vào thời đại Edo thứ 9 (1603-1868) Nhật Bản đóng cửa với bên ngoài, phát triển một nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc. Trong thời gian bị cô lập, cư dân của thành phố Edo, sau này là Tokyo, đã dựa vào tiếng chuông công cộng để nói về thời gian. Tiếng chuông có thể gặp bất cứ lúc nào ở nhiều nơi như Asakusa, Ueno, Mejiro, Shinjuku, Ichigaya, Akasaka, Shiba, Nihonbashi and Yokokawa-Honjo.

Thế nhưng khi cô chuyển đến đây năm 2001, Anna không thể tìm thấy chút âm hưởng còn sót lại từ quá khứ như những gì cô từng tiếp nhận để mô tả Tokyo hiện đại.

Rất khó để hiểu Tokyo vì nhiều lí do. Nhưng nếu dùng hình ảnh để hình dung, Tokyo như một mê cung cho những ai vừa đặt chân tới hay một kính vạn hoa thiên biến vạn hóa. Rất nhiều địa danh đương đại không có chút gì liên quan tới chính nó trong quá khứ.

Đặt tên cho cuốn sách “Tiếng chuông của Tokyo xưa”, Anna Sherman muốn kể về cuộc kiếm tìm tiếng chuông của Edo, khám phá thành phố Tokyo và cư dân hiện đại trong mối liên hệ với lịch sử và văn hóa Nhật Bản theo thời gian. “Tiếng chuông” mang ý nghĩa biểu tượng, vừa thể hiện những giá trị truyền thống, vừa thể hiện sự biến đổi. Nhà văn muốn thu nhỏ Tokyo, giống như nghệ thuật gấp giấy nổi tiếng Origami, soi chiếu thành phố bằng góc nhìn riêng độc đáo.

Cuốn sách là những khám phá trong hành trình vòng quanh thành phố của Anna, nói về cả tình bạn của cô với người bạn Nhật làm chủ một quán café nhỏ, tinh tế. Người này luôn nâng cao phát triển việc pha chế và thưởng thức café như một nghệ thuật, mang đậm dấu ấn Thiền trong văn hóa Nhật Bản.

The Bells of Old Tokyo cũng thể hiện một loạt những giọng nói đáng nhớ trong đô thị Nhật Bản: người quý tộc đứng giữa tro tàn từ trận hỏa hoạn của quân Đồng minh để lại năm 1945; một nhà khoa học Nhật Bản chế tạo nên chiếc đồng hồ chính xác nhất thế giới, không chệch một giây trong năm tỉ năm; âm thanh của con người trong sự phá hủy của thành phố…

Điều thú vị nữa của cuốn sách nằm ở trò chuyện của tác giả với người dân Tokyo. Một trong số đó là Kazuyoshi Suzuki, Giám đốc Bảo tàng Khoa học và Tự nhiên Quốc gia Nhật Bản. Ông đã chia sẻ về sự khác nhau giữa Anh quốc và Nhật Bản. Người Anh thường hạnh phúc giữa sự tĩnh lặng của thiên nhiên nhưng với người Nhật Bản, họ cảm thấy hạnh phúc khi bận rộn, hối hả. Với họ, đáng sợ nhất là khi mọi thứ chìm vào yên lặng.

Các nhà phê bình nhận định, The Bells of Old Tokyo không dành cho độc giả muốn tìm kiếm cốt truyện giản đơn. Phức tạp trong thưởng thức nhưng khi nắm bắt được câu chuyện, cuốn sách thực sự ấn tượng và tuyệt vời.

BÌNH NGUYÊN dịch theo Japantimes