Thứ Bảy, 30/07/2022 16:19

Tiếng trăng

Câu chuyện về chàng Trương Chi “người thì thậm xấu hát thì thậm hay” với “cô Mỵ Nương sống ở lầu tây - con quan thừa tướng ngày rày cấm cung” bà kể thơ cho tôi nghe từ những ngày còn bé tí khi bà cháu sơ tán ở một làng nhỏ ven sông Đáy...

Tài sản văn hóa cốt lõi của một dân tộc nằm trong cái phần nghệ thuật dân gian của nó. Văn học dân gian Việt Nam do đó hiển nhiên là một phần không thể thiếu trong chương trình môn văn của giáo dục phổ thông. Do thời lượng giảng dạy ít, do cấu tạo chương trình và do chưa bao giờ xuất hiện trong đề thi tốt nghiệp các cấp, thực tế phần văn sử triết bất phân này ít được chú ý đúng mức.

Với tôi, phần tài sản folklore lời này không đơn giản là sự lưu giữ biến thiên lịch sử theo nhiều nghĩa mà cao hơn là các cung bậc lịch sử tâm hồn Việt, từ tế vi cho tới cao cả. Tiếp cận văn học dân gian (giới hạn ở thần thoại, truyền thuyết, cổ tích) trên nguyên tắc thể loại và từ góc độ người đang sống thế nào, phải là vấn đề được đặt ra ở mọi thời. Nhưng, khi còn là nhà giáo, tôi không thể truyền tải hết những suy nghĩ của mình lúc giảng dạy phần này.

Tập Cổ tích cho ngày mới mà tôi viết sau khi thôi hành nghề thực sự là một cách thưa thốt lại với các lớp học trò cũ mới những điều mà tôi nghĩ, khi trở lại với huyền sử dân tộc để hiểu những biến diễn của hôm nay.

Câu chuyện về chàng Trương Chi “người thì thậm xấu hát thì thậm hay” với “cô Mỵ Nương sống ở lầu tây - con quan thừa tướng ngày rày cấm cung” bà kể thơ cho tôi nghe từ những ngày còn bé tí khi bà cháu sơ tán ở một làng nhỏ ven sông Đáy. Khác nhiều chuyện cổ khác, câu chuyện này chìm rất sâu vào tôi. Do đâu? Vì sự giao hòa đặc biệt giữa cổ tích thế sự và cổ tích thần kì ở câu chuyện này? Nhưng sự tích cau - trầu cũng thế! Chỉ mãi sau này, tôi mới hiểu ra vì sao Trương Chi lại đặc biệt thế trong cổ tích Việt Nam, và với tôi. Bởi nó thức dậy ở con bé con ngây ngô là tôi khi đó những ý niệm đầu tiên về cái đẹp.

Tiếng trăng, lấy cảm hứng từ chuyện Trương Chi là một cách Lê Minh Hà của hôm nay (thực ra là Lê Minh Hà của hơn hai mươi năm rồi) tự cắt nghĩa lại cho mình thế nào là nghệ thuật, thế nào là cái đẹp đích thực của nghệ thuật và cách nào để đạt tới nó. Trong một nghĩa nào đó, Tiếng trăng là một tuyên ngôn nghệ thuật của Lê Minh Hà, cho Lê Minh Hà, định hướng mọi sáng tạo của Lê Minh Hà, ở tư cách người viết chứ không hẳn là một nhà giáo.

Nhà văn LÊ MINH HÀ

*************

Minh họa: Bùi Quang Đức

Tiếng trăng

... Hò khoan mơ bóng con đò trôi... Gió đưa câu ca về đâu...

(Trương Chi - Văn Cao)

Khuya lắm. Trăng nửa vành đã xế. Trương Chi đẩy thuyền ngược nước. Ánh trăng rưng rưng trong sóng tự xé làm đôi trước mũi thuyền. Lòng chàng chờn vờn một giai điệu u hoài. Con thuyền và chàng từng lúc lút đi trong bóng sẫm của những lùm tre ở những khúc sông hẹp, rồi lại lầm lũi vượt ra với ánh trăng. Trương Chi dừng tay sào ở gần ngã ba sông. Nơi ấy, ánh trăng dường như mênh mang hơn. Nơi ấy, có lầu quan thừa tướng dựng cho con gái yêu... bờ bên lở…

Trương Chi cắm thuyền, ngửa mặt tìm trăng, cười khan. Trăng nửa vành kiêu hãnh và hiu hắt. Trương Chi yêu trăng. Dưới trăng, chàng biết mình bớt phần xấu xí. Ánh trăng nhân hậu xoa mịn làn da mặt sần sùi của chàng. Trăng tạo những khoảng tối những vũng sáng cần thiết làm cho cái mũi bè bè của chàng dường như cao lên, quai hàm bạnh của chàng dường như mềm mại lại, cái nhìn vừa soi mói vừa rụt rè của chàng bớt phần khổ não. Trương Chi biết vẻ xấu xí của mình là vẻ xấu xí không cá tính. Đấy là đường nét bộ dạng của kẻ lam lũ nhiều đời. Điều đó làm chàng đau khổ. Giá mà chàng xấu xí kiểu một kẻ thành đạt, hay kiểu con cầu tự nhà giàu, hay đơn giản là xấu xí kiểu một kẻ cướp đường, có lẽ chàng sẽ tự tin hơn.

Trương Chi cầm cái chày gõ nhẹ vào sợi dây căng sát mạn thuyền. Tiếng chày gọi cá đục trầm rớt xuống đáy nước, dội lại thành tiếng gõ cô độc trong ngực Trương Chi. Chàng quên chuyện giăng câu. Trương Chi nín hơi, rồi bất chợt cất tiếng. Giọng Trương Chi không bốc cao thơ thới như nhiều đêm trước mà giống như một tiếng thở dài, hay một tiếng gầm gừ:

Ôi những con cá khát trăng

Có biết điều ấy ngu ngốc

Ý nghĩ về hạnh phúc không phải là hạnh phúc

Le lói, sáng bừng, tắt lịm

Chỉ làm tan nát lòng

Trăng là không

Ta cũng không...

Tiếng mõ dội từ phía lầu tây bên kia ngã ba sông nơi bờ lở nghe vô sự. Trương Chi đột ngột dừng tay gõ nhịp. Chàng nhăn mặt. Cái bóng đen dị hình trên lầu biến đi, rồi lại hiện ra. Trương Chi biết đấy là lính canh đổi gác. Đã canh tư rồi…

Nhịp đã lạc đi. Những bầy cá chơi trăng đã biến vào lòng sông tối. Trăng đang lặn về phía sau lầu của Mỵ Nương. Trương Chi ngồi bất động, dõi ánh trăng mờ dần trong sóng nhỏ. Chàng không thể nào nắm bắt được ý nghĩ của mình. Giai điệu cũng bay đi. Đến tận lúc ánh ngày sắp rạng, chàng mới lặng lẽ rút sào đẩy thuyền xuôi bến. Lòng thuyền của chàng chỉ óc ách nước với vài ba con cá rói câu được tự lúc đầu đêm. Chẳng đủ cho bữa gạo trong ngày. Trương Chi ngửa mặt. Trăng chỉ còn là một mảnh bẹt dí dán thẳng vào lòng trời, nom bệch bạc. Lòng Trương Chi thấm buồn, một nỗi buồn khó hiểu, làm người ta có cảm giác bất an trước ngày mới. Chàng thấy trăng dơ dáng và thóc mách, còn mình thì dớ dẩn.

Nhưng đêm đêm Trương Chi vẫn đẩy thuyền ngược về ngã ba sông. Chàng nghiện trăng nước mùa này. Sương phả từ trời cao xuống. Sương dâng từ đáy sông lên. Ủ kín bờ cây và thôn xóm. Trắng xóa. Lạnh và đặc. Mà đột nhiên trong vắt, nhẹ bẫng, thơ thới khi trăng hiện. Trăng làm rung những cảm xúc không thường trong hồn Trương Chi. Chàng phát hiện ra cõi lòng con người là vô hạn và chàng sững sờ. Chàng quên hết. Quên túp lều dựng ở cuối làng ngày ngày chàng vẫn chui ra chui vào ngóng chiều rơi để xuống thuyền ngược xuôi theo con nước. Chàng quên chuyện giăng câu, quên cảnh nước sông gạo chợ thúc bách từng ngày. Chàng quên ngôi nhà nhỏ bên bến đò ngang dưới gốc gạo đầu làng và cả cô lái đò hình như rất nhiều tình ý với chàng. Quên con đò nhỏ mà chàng đã muốn neo đời mình vào đó. Còn lại với chàng, dưới trăng, chỉ những cung bậc ấy. Cay đắng ư? U hoài ư? Trương Chi không bao giờ tự hỏi có ai đang lắng nghe mình. Chắc không ai. Người làm lụng vất vả nơi thôn ổ cần giấc ngủ, có chăng họ chỉ nghe được dăm ba câu vọng lại từ sông vắng khi đánh thức lũ trẻ bò dậy ra làm một bãi vào cái nồi chân đặt cạnh chuồng lợn, hoặc giả cái lúc canh khuya vợ chồng đột nhiên tỉnh giấc quờ tay tìm hơi ấm của nhau. Nghe chàng hình như chỉ có những bầy cá theo trăng, những con rắn uốn mình trong bụi tre, và triệu triệu giun dế quần cư hai bên bờ nước. Trương Chi hát như tự đày đọa. Đó là điều duy nhất chàng có thể làm để tự khẳng định mình còn sống.

Thoảng như có tiếng ai cười

Đời vui sao anh

Thoảng như có tiếng thở dài

Đời buồn sao em

Ta đi trong ngày

Hôm qua nghe tiếng thở dài

Hôm nay nghe một giọng cười

Ngẩng mặt dõi tiếng chim xanh

Cúi đầu tìm lá cỏ gầy

Dưới trăng này, nay, mình ta gõ mạn thuyền hát

Dưới trăng này, nay, mình ta và trái đất

Cõi niết bàn đâu

Chốn u tì đâu...

Lời ca âm thầm cắn rứt lòng chàng. Trương Chi gầy rộc đi. Nhưng đó còn vì chàng không đủ tiền gạo muối hàng ngày. Cô lái đò hốt hoảng không biết phải làm gì. Cô không thể lôi Trương Chi từ con thuyền nát của chàng vào ngôi nhà của hai cha con mà chăm bẵm. Cũng không thể cắp quần áo chui vào túp lều rách bên rệ đê cơm nước hàng ngày cho Trương Chi. Chung một phận nghèo, có sá gì miệng tiếng ở đời, miễn nên cháo nên cơm với nhau mà không bị làng phạt vạ. Nhưng cô lái đò không được làm bất kể điều gì mà cô có thể nghĩ ra. Bởi bây giờ, những chiều muộn, không thấy Trương Chi ghé con thuyền nhỏ, trò chuyện với cha cô và khách qua đò mà như ngóng đợi cô cầm sào xuống bến. Cô không tưởng ra rằng Trương Chi không còn muốn thấy lại cô. Nếu biết, cô sẽ thẹn suốt một đời và có lẽ sẽ tức tối. Còn làng xóm hẳn buồn cười. Không ai biết rằng Trương Chi đã dằn vặt mình chỉ vì thế suốt bao nhiêu ngày ngồi ủ ê nơi cửa lều ngóng chiều rơi chậm. Chàng bỗng nhiên sợ cái hạnh phúc đầm ấm rất đỗi bình thường kia, sợ chạm mặt ngày ngày với người con gái tốt bụng thiết tha với giọng hát của chàng nhưng đã cứng tuổi và mỏng phần duyên sắc. Mà chàng thì xấu xí và nghèo hèn.

Chàng xót xa vì ý nghĩ của mình. Vì niềm đau tủi bởi bồ côi bồ cút từ tấm bé. Vì xấu xí một cách bình thường và nghèo hèn quá mức bình thường. Vì dòng sông mà chàng không bao giờ có thể vượt được tới nguồn hay xuôi được về tới cửa. Vì chàng đã không thể ao ước chỉ một mái nhà, một người đàn bà, một chiếc đò ngang.

Bây giờ, hàng ngày Trương Chi ngược xuôi giăng câu ở khúc sông cạn cuối làng. Nhưng cứ nửa khuya là chàng lại không sao cầm lòng nổi, lại đẩy thuyền ngược nước về phía ngã ba sông. Đã sắp rằm. Trăng đã bắt đầu tròn. Dưới trăng trong biếc, hàng cây, bến nước, nhà cửa chòm xóm đôi bờ nom xa xa gần gần không thực. Lầu Mỵ Nương cao vượt lên trên các làng mạc xung quanh. Có bao nhiêu lời đồn đại quanh ngôi lầu quan thừa tướng xây riêng cho con gái yêu. Rằng nàng ra ở đó tránh cảnh dì ghẻ con chồng. Rằng Mỵ Nương đẹp chim sa cá lặn nhưng chưa tìm được duyên lành. Rằng nàng đi một bước là phải có thị nữ cầm quạt hay xách hỏa lò theo hầu tùy mùa. Rằng nàng tài đàn sáo cũng như thơ phú, lại khéo chuyện thêu may. Không ai biết có bao nhiêu thực hư trong những lời đồn đại được lan truyền trên những chuyến đò. Chỉ một mình Trương Chi biết về nàng nhiều nhất. Điều ấy làm chàng đau đớn, vĩnh viễn đau đớn.

Chàng tức điên lên khi hình dung lại cảnh mình lùi lũi đi dọc bờ sông theo người lính canh lầu để làm cái việc mà kẻ đó vừa bỡn cợt vừa hách dịch thông báo: “Tiểu thư đòi. Rảo cẳng lên! Ai mà thèm con thuyền nát của chú mình. Lên trên ấy hát cho tiểu thư nghe. Này, tình thực với chú mình chứ chú mình hát nghe buồn bỏ mẹ. Chỉ tổ làm chúng anh nhớ nhà. Mà giờ có hát thì hát cho hay hay vào. Chắc tiểu thư sẽ thưởng cho vô khối... Ối chao ôi là nhà có!”

Trương Chi không hiểu sao cái giọng hách dịch ấy bỗng dưng nhuốm một âm sắc buồn thảm. Nhưng chàng không nghĩ tiếp được bởi cả hai người lúc đó đã trèo hết bậc thang dẫn tới cửa lầu. Chàng căm ghét mình đã luống cuống khi bước vào phòng Mỵ Nương. Chàng run mình vì thẹn khi mường tượng lại tiếng hát của mình chấp chới bay lên giữa bốn bức tường, dưới những con mắt và những cái cười nửa miệng, nửa tò mò nửa chế nhạo. Chàng không biết chính vẻ ngần ngại và bộ dạng xấu xí của chàng đã làm cho chàng có một vẻ hiền hậu nghiêm trang khiến Mỵ Nương kinh ngạc. Cả giọng hát của chàng đêm đó cũng làm nàng kinh ngạc. Và thất vọng. Thiếu một nốt bí ẩn vẫn làm trái tim nàng se thắt và hoàn toàn không vang vọng những ngân rung đã khiến nàng say mê.

Trương Chi cũng kinh ngạc khi chỉ hát độc một bài đã được thưởng hậu rồi cho lui. Chàng không vui mừng mà xấu hổ. Thoạt đầu chàng hay tưởng lại vẻ mặt ngán ngẩm hờ hững của Mỵ Nương và đồ rằng đó là vì nàng vừa nghe lại vừa phải nhìn chàng. Mà chàng thì xấu xí. Nhưng về sau thì chàng biết. Chàng biết giọng chàng đã bị phô trong ánh đèn nến tưng bừng. Thiếu bè trầm rào rạt của sông đêm, thiếu nhịp chày gọi cá khô khô đùng đục, thiếu tiếng gió vút trên những chòm tre thôn xóm đôi bờ, thiếu tiếng cá quẫy đột ngột đầy hứng khởi và tiếng ngàn ngàn lá ngô lay đêm gió trở, thiếu những đốm lửa lập lòe đầm ấm trong xóm bãi, thiếu cái tịch lặng vĩnh cửu của trời đất, giọng chàng mới thô và trơ làm sao. Trương Chi không biết rằng Mỵ Nương trong những đêm thiếu nữ mất ngủ cũng dần dần hiểu ra điều đó và ân hận. Nhưng nàng ân hận nhiều nhất là vì vượt quá phép nhà, đã cho gọi Trương Chi vào lúc nửa đêm về sáng.

Trương Chi không biết rằng những đêm chàng cắm thuyền chìm đắm trong trăng thì trên lầu cao Mỵ Nương vẫn ngồi bên cửa sổ. Nàng biết mình ngóng chờ gì. Trăng sáng xanh, xa rợn. Nàng ngạc nhiên thấy lòng bơ vơ.

Nếu nàng biết được những đau đớn và u uất trong lòng Trương Chi, hẳn nàng sẽ ân hận nhiều hơn thế nữa và theo một cách khác. Một đêm khuya khoắt, Trương Chi đẩy thuyền ra giữa ngã ba sông, thả nén bạc mà thị nữ của Mỵ Nương đã dúi vào tay chàng khi Mỵ Nương cho chàng lui gót. Nén bạc sáng mờ mờ dưới ánh trăng lu, rơi rất ngọt vào lòng sông tối làm vang lên một tiếng động, nặng, trầm, sâu hút.

Vào khoảng thời gian đó, cô lái đò đã nhận lời làm lẽ một ông lí cựu góa vợ nhà ở làng gần cửa sông. Cô đã hoài công nhiều đêm ngóng lại tiếng hát Trương Chi. Nỗi nhớ tiếng hát của chàng làm cô mệt mỏi. Ông lí cựu có lần qua bến đò bị cảm phải dừng chân một đêm tại nhà cô đã nhìn ra trong dáng dấp đàn bà bắt đầu cằn khả năng quán xuyến bầy con gà vịt mất mẹ của ông, nhờ người đem trầu cau đến hỏi cô chính vào đận ấy. Cô lái đò chợt hiểu ra rằng tiếng hát hay có chăng cũng chỉ làm người chếnh choáng khi nó cứ chơi vơi hoài dưới sông kia. Nhà ông lí đón dâu bằng đò dọc. Ngang qua túp lều nát nép mình ở rệ đê của Trương Chi, khách ngồi đò tiện miệng nhắc đến người bấy lâu nay bặt giọng. Cô lái đò cúi nón, nhớ cha già một mình ở lại với con đò, bỗng dưng thấy khiếp sợ sông nước.

Trương Chi có nghe về đám cưới của cô lái đò. Chàng càng ngày càng gầy, tơi tả. Không ai biết chàng sống thế nào, chỉ có mấy bà già thỉnh thoảng nhắc chừng lâu không thấy Trương Chi vào xóm rao bán cá. Có người đồ chàng bị ma da chài. Trương Chi cười ơ hờ.

Dù không bao giờ còn về bên nhau

Ta thầm mong cho nhau điều lành

Phải không em...

Nắng se sợi

Con đò

Vẫn con đò xưa hình như sang chậm

Chiều tan

Cánh chim trời

Hay những tro tàn

Bay loạn ngoài chân mây...

Trương Chi vẫn chỉ hát thầm. Chiều buông trên cánh bãi. Chàng rút sào đẩy thuyền tách khỏi bờ, mím miệng:

Thì cũng là người phải không

Những con ma dưới lòng sông tối

Ta là người

Đúng rồi

Ngày mai chết đi sẽ thành ma mới

Chết trẻ khỏe ma

Biết đâu chừng lại có thể hát ca...

Lời ca luẩn quẩn trong trí chàng từ lúc đầu đêm cho tới lúc chàng đẩy thuyền ngược về ngã ba sông. Đêm nay Trương Chi gỡ câu sớm. Trăng suông, sáng nhờ nhờ, rất lạnh. Ánh trăng lễnh loãng tan vào trong sương bạc làm nhòe những khoảng tối sáng. Mặt nước không lung linh như những đêm trăng tròn vằng vặc mà phẳng lặng và vô cảm. Trương Chi dừng thuyền. Một cánh chim gì loáng qua bóng trăng suông, không để tiếng. Trương Chi nhớ chị và nhớ mẹ. Mẹ chàng chết từ lúc chàng còn tấm bé. Chị chàng cấy gặt thuê đồng xa đồng gần nuôi em. Cho đến ngày tậu được cho em con thuyền nhỏ. Chị lấy chồng xa, nhà nghèo, chẳng mấy thuở chị em gặp mặt. Trương Chi khum hai bàn tay vốc nước vỗ mặt. Nước sông tanh tanh man mát, phảng phất mùi tháng năm tàn. Chàng thở dài, cất tiếng:

Ta giữ nắng mùa thu

Ta giữ gió mùa thu

Không ai hỏi tại sao...

Giá em đi bên ta

Đừng nói...

Trên tháng ngày lại thêm tháng ngày nữa

Trên nỗi buồn lại thêm nỗi buồn nữa

Cuộc đời ta...

Xóm làng còn thức cả. Nghe tiếng hát Trương Chi có người đàn ông gật gù lặng lẽ, có người đàn bà cười văng cả nước cốt trầu: “Thằng Trương Chi khéo rồi thành dở người. Hát mấy chả hò. Không vợ không con… độc con thuyền nát… mà còn phởn…” Tất cả thở dài, lắng nghe trong lòng thức dậy một khao khát không thể nào hiểu nổi và chưa bao giờ có ai để mất thì giờ vào đó. Tiếng hát Trương Chi lồng lộng đêm thanh vắng, mênh mang xô dạt phía ngã ba sông:

Này tôi ơi lềnh đềnh ở đâu thì về đi thôi

Trời trong lắm nắng xanh lắm

Hoa hình như đã nở ở đâu rồi

Này tôi ơi về đi thôi về đi thôi

Về bến làng xưa có người giặt áo

Về với sông xa mắt đò đau đáu

Tần ngần làm gì về đi thôi về đi thôi

Lềnh đềnh ở đâu tôi ơi về với tôi

Những bến bờ xa xôi xa làm sao bằng bến ấy

Tới làm sao khi mãi mãi một mình

Đừng lênh đênh tôi ơi thôi đừng lênh đênh

Ơi hời ơi... Nhi bất hoặc... ơi hời... ấy a ta cười... ấy a... ta cười... cười với ta...

... Không bao giờ dân các làng quanh ngã ba sông còn được nghe lại tiếng hát Trương Chi. Chàng đã hát bao năm tháng như một đam mê và, bằng nỗi tuyệt vọng, đã vĩnh viễn tiếng hát của mình thành một đam mê trong lòng người khác. Chàng sung sướng vì đã làm được điều đó. Với chàng, đó là một hồi sinh xót xa.

Buổi sáng, khi mù sương đã tan, người qua đò tới chợ huyện họp bên cánh bãi kinh ngạc chỉ trỏ chiếc thuyền con đang quay quay giữa dòng. Nơi ấy có một xoáy nước mà người lớn vẫn răn con trẻ bì bõm gì cũng không được lai vãng ra đấy ngộ nhỡ thuồng luồng rút cẳng. Có người đàn bà nạ dòng thu xếp chỗ ngồi xong chìa cho người ngồi cạnh khẩu trầu: “Này! Nhai một miếng cho ấm. Cơ khổ cái nhà anh Trương Chi. Mới đêm qua còn thấy hát. Lâu lắm rồi... Ấy ấy, chụp cho tôi cái nón... Lâu lắm rồi mới thấy anh ta hát lại. Nghe chỉ thấy toàn những tôi tôi với ta ta. Cơ mà hay lắm. Nhưng cũng kinh kinh… Như gọi hồn...”

*

*          *

Trương Chi không biết rằng chết đi tên chàng lại được nhắc nhớ nhiều đến vậy. Trong câu chuyện cổ tích có lẽ là thơ mộng nhất và được nhiều người lớn nghe nhất. Một câu chuyện như thế, có giàu có nghèo, có gái có trai, có trăng có nước, có tình mà không duyên, có bệnh tật và suýt nữa là có tới những hai xác chết, lại còn có cả thơ bình rõ là vần. Nợ tình chưa trả cho ai - Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan, làm gì mà chẳng lắm người nghe rồi cùng tương tư. Nào ai biết nỗi lòng chàng. Nếu biết trước điều này, không rõ Trương Chi có thể tuyệt vọng hơn không? Hay có thể, chàng sẽ chỉ bớt phần sung sướng lúc gieo mình xuống nước. Cũng có thể là cái mũi bè bè sần sùi của chàng sẽ đỏ lên một chút khi chàng mỉm cười hờ hững, và chàng vẫn sẽ đẩy thuyền tới đúng ngã ba sông ấy, chỗ có cái xoáy nước hút được cả trâu mộng ấy.

Tích cổ kể rằng ai uống nước trong cái chén làm từ trái tim hóa đá của Trương Chi cũng đều thấy hình một chàng trai chèo thuyền qua lại. Cái chén sau về tay Mỵ Nương, lúc đó đã yên bề, nhưng rất buồn trong cảnh gia thất. Ở mọi dị bản, tôi không tìm thấy một lời nào về lần cuối cùng nàng được nghe lại tiếng hát Trương Chi. Khi Mỵ Nương kề môi miệng chén, trong lòng chén không thấy hiện dòng sông và con thuyền của người trai nghèo khổ, xấu xí và cô đơn ấy như lời đồn. Chạnh lòng, nàng ứa nước mắt. Những ngón tay ướt lệ Mỵ Nương ấp vào chén, cái chén bỗng tan dần thành máu. Tiếng hát Trương Chi nổi lên, lộng bốn bức tường, huyền nhiệm. Là trăng rưng rưng. Là mái dầm khua bịn rịn khi bờ tách khỏi đò. Là bão trên nguồn. Là giông trên sông ngày hạ. Là nắng xôn xao chòm tre buổi bình minh lên rất chậm. Là những sợi khói lả vào vòm xoan vừa xanh lại trong chiều. Là tiếng lá ngô lay một ban trưa mùa xuân phơi phới và ẩm ướt. Là tiếng người vỗ áo bến sông xưa…

Sau hôm đó, Mỵ Nương sai người cắt mảnh chén chưa tan hết thành cái mặt nhẫn hình trăng, luôn đeo không rời. Gióng trúc quý định dùng làm cây sáo mới nàng cho quăng xuống bếp và kẻ hầu người hạ đem dùng làm ống thổi lửa

Limburg 9/2000
L.M.H
* Lời ca của nhân vật trích từ thơ Đỗ Quang Nghĩa.