Thứ Năm, 05/05/2022 08:48

“Tiết học biên cương” gieo tình yêu Tổ quốc

"Tiết học biên cương" của Bộ đội Biên phòng Ra Mai, Quảng Bình đã giúp cho các em học sinh có tiết học ngoại khóa thuận lợi tham quan cột mốc chủ quyền biên giới. (Thực hiện: Trúc Hà)

Với mong muốn mỗi học sinh ngay lúc còn cắp sách đến trường đã hình thành ý thức về chủ quyền biên giới quốc gia, Chi đoàn Thanh niên Đồn Biên phòng Ra Mai, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã xây dựng kế hoạch và triển khai “Tiết học biên cương” tại tất cả các trường học trên địa bàn quản lí. Các anh cũng không tiếc công làm mô hình “Mốc 521” giúp cho những tiết học ngoại khóa càng trở nên sinh động, hiệu quả.

Trong khuôn viên của Đồn Biên phòng Ra Mai có một mô hình cột mốc biên giới số 521 được đặt ở vị trí trang trọng, dễ nhìn thấy. Mô hình này đúng chuẩn về hình dáng, kích cỡ, màu sắc. Đại úy Cao Xuân Hoành, Chính trị viên phó, Bí thư Chi đoàn Đồn Biên phòng Ra Mai cho biết: Hiện nay, nhiều Đồn Biên phòng trên cả nước triển khai “Tiết học biên giới” bằng cách đưa học sinh tới cột mốc để giới thiệu về biên giới quốc gia. Tuy nhiên, nó lại không phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị vì đường biên và cột mốc do Đồn Biên phòng Ra Mai quản lí ở xa, phải đi qua núi cao, vực sâu. Sau nhiều trăn trở, cuối năm 2021, Ban Chấp hành Chi đoàn Đồn Biên phòng Ra Mai đã tham mưu cho Đảng ủy triển khai xây dựng mô hình mốc 521. Mô hình được dựng ngay trong khuôn viên của Đồn. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức công tác giáo dục tuyên truyền về chủ quyền an ninh biên giới cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, đặc biệt là giúp các trường học tổ chức mô hình tiết học ngoại khóa cho các em học sinh.

Mô hình “Mốc 521” đễ dàng di chuyển đến các điểm trường xa xôi.

Đối tượng nghe, tiếp thu là học sinh từ mầm non đến cấp 3 nên việc soạn giáo án được những người lính Biên phòng hết sức cẩn trọng và tỉ mỉ, lựa chọn nội dung phù hợp. “Tiết học Biên cương” không chỉ là bài học về đường biên, mốc giới còn là các bài học giới thiệu về luật, câu chuyện liên quan đến ma túy học đường. Việc xây dựng mô hình và soạn giáo án được triển khai song song, bởi vậy, cuối 2021 làm xong thì đầu năm 2022 Chi đoàn bắt tay ngay vào việc triển khai giờ học. Các chỉ huy đồn, đội trưởng là những người trực tiếp đứng lớp. Các chiến sĩ trẻ cũng được huy động làm “trợ giảng”, chuẩn bị tiết học, đón học sinh vào vị trí, hướng dẫn tham quan và “biểu diễn” gấp chăn nội vụ. Xem các chú biên phòng gấp nội vụ ai cũng ngạc nhiên, thích thú và những chàng trai muốn thử, mong mình mau lớn để có thể trở thành người đứng gác biên cương.

Mặc dù mới được triển khai nhưng “Tiết học biên cương” của Đồn Biên phòng Ra Mai đã thu hút sự tham gia của gần 1.000 giáo viên, học sinh từ cấp học mầm non đến Trung học cơ sở của xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) và Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa), tỉnh Quảng Bình. Mỗi tiết học tại mô hình mốc 521 không chỉ mang lại kiến thức còn là cảm xúc đặc biệt khi biết thêm về biên giới, cũng chính là quê hương của mình. Em Hồ Thị Luân (Lớp 8, Trường Tiểu học & Trung học cơ sở số 1 Trọng Hóa, huyện Minh Hóa) chia sẻ: “Em sinh ra và lớn lên ở bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa, tuy nhiên vì còn nhỏ lại đang đi học, em chưa bao giờ được lên tới đường biên giới và nhìn thấy cột mốc mà chỉ được nghe cha mẹ kể. Hôm nay, được các thầy giáo cũng là các chú Bộ đội Biên phòng dạy cho cách nhận biết đường biên giới, em và các bạn đã biết được đâu là ranh giới của nước bạn Lào, đâu là của Việt Nam, em hiểu thêm về trách nhiệm, ý thức bảo vệ đường biên, cột mốc cùng ý nghĩa thiêng liêng của chủ quyền biên giới quốc gia. Chúng em cũng hiểu hơn về những hi sinh, vất vả của các chú bộ đội biên phòng đang ngày đêm canh giữ lãnh thổ, biên cương của Tổ quốc".

"Tiết học biên cương" của học sinh Trường Mầm Non số 2 Trọng Hóa, xã Trọng Hóa với các chú Bộ đội Biên phòng Đồn Ra Mai.

Đồn Biên phòng Ra Mai quản lí 2 xã Thanh Hóa (huyện Minh Hóa) và Trọng Hóa (huyện Tuyên Hóa), tỉnh Quảng Bình. Địa hình đồi núi hiểm trở, các bản cách xa nhau, đường sá đi lại khó khăn, đặc biệt trung tâm xã Thanh Hóa cách Đồn Biên phòng Ra Mai tới 50 km, bởi vậy, việc đưa các cháu học sinh tới đơn vị để học ngoại khóa sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Thực ra ngay từ đầu, những người lính Biên phòng đã tính đến việc này, bởi vậy các anh đã yêu cầu thợ thiết kế mô hình mốc có thể tháo, lắp để di chuyển đến các trường học. Vì mục tiêu của tiết học, các “thầy giáo Biên phòng” không ngại đi xa, vất vả để đến với các thầy cô giáo, các em học sinh không có điều kiện tới Đồn Biên phòng. Trong thời gian tới, “Tiết học Biên cương” của Đồn Biên phòng Ra Mai sẽ đến với tất cả học sinh trường học trên địa bàn 2 xã Trọng Hóa và Minh Hóa.

Theo Đại úy Cao Xuân Hoành, “Tiết học biên cương” của Đồn Biên phòng Ra Mai không chỉ dừng lại ở Mô hình “Mốc 521”. Chi đoàn thanh niên của đơn vị đang triển khai ý tưởng xây dựng mô hình “Người đứng gác biên cương” là người chiến sĩ đang đứng gác bên cột mốc biên giới tại khuôn viên sân trường của Trường Mầm Non số 2 Trọng Hóa. Đây là trường trung tâm của 7 bản vùng cao biên giới xã Trọng Hóa, khi dựng mô hình ở đây sẽ thu hút được nhiều người chú ý. Từ việc hàng ngày nhìn hình ảnh thể hiện nhiệm vụ của người lính biên phòng với nhiệm vụ bảo vệ biên giới sẽ hình thành dần các suy nghĩ về biên cương, Tổ quốc trong mỗi người dân. “Thông qua mô hình, chúng tôi muốn tuyên truyền trực quan cho người dân, đặc biệt là các em học sinh về chủ quyền biên giới quốc gia qua đó hình thành ý thức ngay từ khi còn trên ghế nhà trường. Chúng tôi đã làm việc với Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô rất mừng và ủng hộ”- Đại úy Cao Xuân Hoành phấn khởi cho biết.

TRÚC HÀ