Thứ Tư, 28/10/2020 13:51

Tiểu thuyết ngắn chiếm số lượng lớn trong cuộc thi văn học của Bộ Công an

Hai giải A thuộc về nữ Đại uý Chu Thanh Hương với tiểu thuyết Phận liễu và Nhà văn Đoàn Hữu Nam với tiểu thuyết Rễ người. Thể loại tiểu thuyết cũng chiếm đa số trong các tác phẩm dự thi.

Cuộc thi tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần IV đã tổng kết và trao giải chiều 28/10/2020 tại Hội trường Bộ Công an. Hai giải A thuộc về nữ Đại úy trong lực lượng, Nhà văn Chu Thanh Hương với tiểu thuyết Phận liễu và Nhà văn Đoàn Hữu Nam với tiểu thuyết Rễ người. Thể loại tiểu thuyết cũng chiếm đa số trong các tác phẩm dự thi gửi về Ban tổ chức.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo cuộc thi cùng Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo đã có mặt và trao giải cho 3 tác giả đạt giải cao nhất.

Trong ba năm diễn ra cuộc thi (từ 2017 đến 2020), Ban Tổ chức đã nhận được hơn 120 bản thảo tham dự và hưởng ứng cuộc thi. Sau vòng Sơ loại đã có 88 tác phẩm được chuyển tới Ban Sơ khảo, bao gồm 78 tiểu thuyết, 10 truyện kí và kí. Sau vòng Sơ khảo, có 39 tác phẩm đã được lựa chọn vào Chung khảo để đánh giá, xét giải thưởng. Một số gương mặt đoạt giải là các nhà văn quen thuộc như Đoàn Hữu Nam, Nguyễn Trí, Phạm Thanh Khương, Trầm Hương, Phong Điệp, Tống Ngọc Hân…

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành phát biểu tại lễ trao giải.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo cuộc thi phát biểu tại buổi lễ tổng kết đã đánh giá cao những đóng góp và đồng hành của các nhà văn, những người đã đạt giải và cả những người chưa đạt giải trong cuộc thi về chủ đề Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống lần này. Cuộc thi đã có sức lan tỏa sâu rộng với những người cầm bút khi có cả tác giả cao tuổi và cả những người trẻ tuổi tham gia. Kết thúc cuộc thi đã có nhiều tác phẩm có giá trị phục vụ tốt đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ Công an và để đông đảo công chúng hiểu biết sâu hơn về người chiến sĩ Công an nhân nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình hiện nay. Thượng tướng mong muốn Ban Tổ chức sẽ vẫn tiếp tục là cầu lối, là kênh thông tin để các nhà văn có thể nắm bắt, thâm nhập và có hướng tiếp cận thực tế ở các đơn vị làm chất liệu sống cho các tác phẩm về đề tài lực lượng công an nhân dân thời gian tới.

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đồng Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo cuộc thi phát biểu tại buổi lễ trao giải.

Về cuộc thi tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài "Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" lần IV, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định, cuộc thi đã đánh giá rất chính xác, đúng tài, đúng địa chỉ, khuyến khích, mở rộng các tài năng. “Đây là những chiến sĩ ngoài biên chế, những chiến sĩ mặc thường phục, cầm bút viết về an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống. Họ có vũ khí sắc bén là văn chương”.

Nhận xét về thể loại các tác phẩm tham dự cuộc thi, Thiếu tướng Mã Duy Quân, Phó Cục trưởng Cục Truyền thông CAND, đồng thời là Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Công an nhân dân - đơn vị thường trực cuộc thi do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức cho biết: Chủ yếu các tác giả tập trung sáng tác theo thể loại tiểu thuyết. Điều này chứng tỏ thể loại tiểu thuyết (đặc biệt là tiểu thuyết ngắn, với dung lượng trên dưới 200 trang) đang chiếm sự quan tâm rất cao của các cây bút hiện tại… Điều này cũng phản ánh tương quan với nhận định chung về thể loại đang được người viết quan tâm nhất hiện nay, đó chính là tiểu thuyết.

Cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” đến nay đã được tổ chức 4 lần. Qua mỗi lần, cuộc thi đều được tổ chức rất thành công, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo các tác giả chuyên nghiệp, không chuyên trong và ngoài lực lượng công an nhân dân trên khắp mọi miền đất nước. Nhiều tác phẩm đoạt giải đã có sức ảnh hưởng trong đời sống văn học, được chuyển thể thành phim điện ảnh, phim truyền hình, vượt ra khỏi khuôn khổ một cuộc thi do Bộ Công an khởi xướng.

Cuộc thi cũng là bệ đỡ tốt cho một số tác giả trẻ, sau khi đoạt giải đã đi đường dài với văn chương, cần mẫn sáng tác và tiếp tục đạt được những thành công trên con đường chữ nghĩa. Một trong hai tác giả đoạt giải A lần này, nữ Đại úy Chu Thanh Hương là một ví dụ. Mười năm trước, ở cuộc thi lần 2 cô đã đoạt giải A với tiểu thuyết Hoa bay (cùng tiểu thuyết Sát thủ Online của Nguyễn Xuân Thủy), thì nay, mười năm sau, cô tiếp tục bước lên bục cao nhất của cuộc thi nhận giải với tiểu thuyết Phận liễu. Chưa kể, xen giữa hai lần nhận giải, Chu Thanh Hương còn nhận một giải nữa cũng ở cuộc thi này cho tiểu thuyết Bí mật Phụng Hoàng Sơn.

Phát biểu tại lễ trao giải, nhà thơ Hữu Thỉnh, trong tư cách Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã cảm ơn Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, người có sáng kiến đầu tiên tổ chức cuộc thi cũng như có nhiều tâm huyết và cách làm sáng tạo trong việc duy trì các hoạt động văn học trong Bộ Công an và Chi hội Nhà văn Công an. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, đây là sáng kiến rất quan trọng, có ý nghĩa lớn, giúp Hội Nhà văn Việt Nam bù đắp được một khoảng trống, một “món nợ” của Hội Nhà văn Việt Nam trước sự thiếu vắng các tác phẩm về mảng đề tài về an ninh Tổ quốc, kể cả trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.

Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 3 giải A. Trong đó, thể loại tiểu thuyết có 2 giải A, trị giá 50.000.000 đồng/giải: Tác phẩm Phận liễu của Nhà văn Chu Thanh Hương; Rễ người của Nhà văn Đoàn Hữu Nam. Thể loại truyện, kí có 1 giải A, trị giá 30.000.000 đồng/giải: Tác phẩm Đối mặt sói trắng của Tác giả Phan Thế Cải.

5 tác phẩm đạt giải B. Trong đó, thể loại tiểu thuyết có 3 giải B, trị giá 30.000.000 đồng/giải: Tác phẩm Diều hâu của Nhà văn Nguyễn Trí; Giáp mặt của Nhà văn Phạm Thanh Khương; Kim tiền của Nhà văn Nguyễn Như Phong. Thể loại truyện, kí có 2 giải B, trị giá 20.000.000 đồng/giải: Tác phẩm Nắng Cam Ranh của Nhà văn Bạch Lê Vân Nguyên; Kể chuyện giới tuyến của Nhà văn Lương Sỹ Cầm.

5 tác phẩm đạt giải C. Trong đó, thể loại tiểu thuyết có 4 giải, trị giá 15.000.000 đồng/giải: Tác phẩm Đảo bạo bệnh của Tác giả Đức Anh; Đỉnh phù vân của Nhà văn Đỗ Xuân Thu; Gia tộc tướng cướp của Nhà văn Lại Văn Long; Mê cung của Nhà văn Nguyễn Đăng An. Thể loại truyện, kí có 1 giải C, trị giá 10.000.000 đồng/giải: Tác phẩm CM 12 phía sau kế hoạch phản gián của Tác giả Nguyễn Khắc Đức.

7 tác phẩm đạt giải Khuyến khích chung cho cả hai thể loại, trị giá 10.000.000 đồng/giải: Tác phẩm Chuyện làng của nhà văn Phạm Quang Long; Động rừng của nhà văn Tống Ngọc Hân; Đêm rừng của nhà văn Nguyễn Duy Liễm; Đường 1 C huyền thoại - Những bờ vai con gái của Nhà văn Trầm Hương; Người lạ của Nhà văn Phong Điệp; Phố núi của Nhà văn Hồ Thủy Giang; Kẻ truy sát của Nhà văn Lê Ngọc Minh.

Một số ý kiến của các tác giả bên lễ trao giải:

Nhà văn Đoàn Hữu Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, sự chu đáo của Ban Tổ chức với những chuyến đi thực tế tại các trại sáng tác đã nuôi dưỡng ý tưởng cho các nhà văn thực hiện các tác phẩm của mình. "Đây là lần thứ 2 tôi tham gia dự thi về đề tài này. Có thể nói tuy đề tài rất rộng mở nhưng để có những tác phẩm hay có giá trị toát lên được tinh thần của người lính trong công cuộc bảo vệ bình yên cho cuộc sống là không hề đơn giản nhất là đối với những người không phải trong ngành", nhà văn đến từ Lào Cai nói.
Đại úy, Nhà văn Chu Thanh Hương chia sẻ: Đây là lần thứ 3 tham gia cuộc thi nhưng bản thân tôi thấy vô cùng xúc động và tự hào bởi một lần nữa tôi lại được viết về đồng chí đồng đội của mình, phản ánh khách quan, toàn diện nhiều mặt của lực lượng. Tôi có may mắn là người trong ngành nên sẽ có góc nhìn, sự sẻ chia được với các đồng đội của tôi sâu hơn các tác giả khác, qua đó góp phần làm cho mọi người hiểu công việc của chúng tôi trên mặt trận đấu tranh với cái xấu, cái ác, vi phạm pháp luật... 
Nhà văn Nguyễn Trí từ Đồng Nai ra Hà Nội nhận giải với tiểu thuyết Diều hâu. Ông nói rằng, nhờ có các cuộc thi mà các nhà văn có cơ hội được đến với công chúng, người đọc cũng biết đến nhà văn và tác phẩm của họ nhiều hơn. Dù đã in nhiều tác phẩm, đã được nhận nhiều giải thưởng, nhưng mỗi khi in được một tác phẩm mới, được nhận một giải thưởng mới ông vẫn vẹn nguyên sự xúc động như buổi ban đầu.
Tác giả trẻ Đức Anh lần đầu nhập cuộc với tiểu thuyết Đảo bạo bệnh đã giành giải C của cuộc thi tâm sự: Đây là lần đầu Đức Anh đến với cuộc thi có quy mô lớn, hơn nữa đề tài về lực lượng an ninh là đề tài khó tiếp cận đối với những người trẻ, ngoài ngành như Đức Anh. Tuy nhiên trong quá trình sáng tác tôi đã nhận được sự giúp đỡ sát sao của Ban Biên tập Nhà xuất bản Công an nhân dân nên việc tiếp cận nguồn thông tin và thâm nhập thực tế đã diễn ra vô cùng thuận lợi. Buổi tổng kết hôm hay đã khép lại, nhưng một con đường, một giai đoạn mới đã mở ra, những gì thu lượm được sau cuộc thi sẽ là giấy thông hành giúp cho Đức Anh và những người viết trẻ tiến lên trên con đường văn chương phía trước.
Cuộc thi do Bộ Công an phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện đã khép lại vào chiều ngày 28/10 tại Hội trường Bộ Công an, 44 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
VŨ THÀNH DUY