Thứ Ba, 27/08/2019 08:14

Tìm ý tưởng, phương pháp mới trong nghệ thuật điêu khắc

Các nghệ sĩ điêu khắc bên cạnh việc phát triển, sáng tạo nghệ thuật còn có những băn khoăn trong việc tìm một lối đi riêng để đưa các tác phẩm điêu khắc nâng tầm hơn nhưng lại gần gũi với công chúng.

Di sản mĩ thuật Việt Nam qua nhiều thế kỉ truyền lại, nổi bật nhất có thể kể đến nghệ thuật điêu khắc. Cho đến nay, loại hình nghệ thuật này vẫn gắn liền với đời sống qua các sản phẩm điêu khắc ứng dụng trong trang trí nội, ngoại thất, đình, chùa... Các nghệ sĩ điêu khắc bên cạnh việc phát triển, sáng tạo nghệ thuật còn có những băn khoăn trong việc tìm một lối đi riêng để đưa các tác phẩm điêu khắc nâng tầm hơn nhưng lại gần gũi với công chúng. Việc tìm ý tưởng, phương pháp mới này phần nào được các họa sĩ thể hiện qua Triển lãm Côn trùng vừa khai mạc tối 26/8 tại Hà Nội.

Tác phẩm Con đường côn trùng 1 của Yến Năng

Côn trùng được 05 nghệ sĩ đồng ý bởi trong quá khứ họ đều từng đã vẽ, làm tượng về một loại côn trùng nào đó. Nhưng thực ra, mục đích của các nghệ sĩ là muốn tìm ra một hướng đi mới trong nghệ thuật điêu khắc. Họ muốn thoát khỏi quan niệm về điêu khắc truyền thống để tìm cho mình một trải nghiệm sáng tạo.

24 tác phẩm của 05 họa sĩ: Yến Năng, Lê Đức Hùng, Hà Huy Mười, Phạm Thị Hồng Sâm và Nguyễn Mạnh Hùng. Họ đều coi triển lãm này là cuộc chơi ý tưởng. Do đó, việc lựa chọn cách biểu hiện hay chất liệu rất tự do, có thể kể đến là sắt sợi, sắt vụn, bìa, giấy, xốp, than... Đây chính là điểm độc đáo của triển lãm bởi những vật liệu này là những gì gần gũi, thân thiện với cuộc sống hàng ngày của con người.

Yến Năng là một nghệ sỹ thị giác, chuyên sáng tạo những tác phẩm có tính phù du. Gần đây anh đã làm những tác phẩm điêu khắc nét kết hợp chất liệu sắt sợi và than. Lấy ý tưởng từ vụ cháy rừng khủng khiếp ở Hà Tĩnh, anh đã đến khu rừng cháy và nhặt từ đống tro tàn nhưng que than để làm tác phẩm của mình: "Cháy rừng, những con côn trùng bé xíu cũng thành than, chẳng còn sự sống nào cả, thật là thảm khốc", anh cho biết.

“Tôi không phân biệt nghệ thuật với cuộc sống, tác phẩm nghệ thuật với hành vi sống. Mỗi khi có cơ hội, tôi lại sử dụng những vật liệu sẵn có quanh mình để làm một điều gì đó. Tôi chỉ quan tâm đến điều mình muốn diễn đạt, không quan trọng chất liệu hay độ bền của chúng, vì thế, điêu khắc của tôi có tính phù du.

Tác phẩm Nối Mi của Phạm Thị Hồng Sâm

Với Triển lãm Côn trùng lần này, tôi sử dụng cành cây cháy đem về từ vụ hỏa hoạn trên núi Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh, hồi tháng 6 mới đây để làm chất liệu cho tác phẩm chính (Con đường côn trùng 1). Và than hoa, cũng là gỗ cháy nhưng do con người chủ động tạo ra, làm chất liệu cho ba tác phẩm còn lại. Có thể như cấu trúc của nhân tế bào phóng to, có thể như một con bọ nào đó, có thể như cái tổ lộ thiên, có thể như cả một cánh rừng, có thể như một đám rối… Tất cả đã là than”.

Qua triển lãm, Yến Năng muốn mọi người cùng hiểu rằng côn trùng không chỉ là côn trùng, nó đại diện cho thiên nhiên. Con đường côn trùng, không chỉ là đường sống của côn trùng, nó là đường sống của chính chúng ta. Anh thực hành nghệ thuật vì muốn nới rộng biên giới quan niệm của chính mình. Với Yến Năng, quá trình theo dõi thông tin, đến nơi hỏa hoạn, nhặt than đem về… mới thực là tác phẩm.

Trong tác phẩm của Nguyễn Mạnh Hùng, anh tìm tòi và thể nghiệm chất liệu “sắt mụn” hàn. Tác phẩm nói lên tâm tư vẫn thường lật đi, lật lại ở chính bản thân mình có tên Phận Kiến, mô tả sinh hoạt của xã hội loài kiến, từ kiến chúa, đến kiến thợ, chức năng khác nhau, đã được thiên nhiên định sẵn. Với con người thì khác, “con chúa” có thể làm cho một xã hội trở nên văn minh hơn, tiến bộ hơn hay suy thoái đi, thậm chí diệt vong.

Tác phẩm Phận Kiến của Nguyễn Mạnh Hùng

Với Bọ Não, tác phẩm của Lê Đức Hùng mô phỏng sự bội thực khó kiểm soát của những luồng thông tin ảo vào đời sống hiện đại thông qua hình tượng những loài côn trùng lạ tấn công vào não bộ của con người. Thông qua hình tượng nửa bộ não bị teo do côn trùng gặm nhấm, anh muốn cảnh báo mọi người hãy thận trọng trước lượng thông tin khổng lồ đang hàng ngày tràn ngập trên mọi lĩnh vực của cuộc sống, mà không ít trong số đó chưa hề được kiểm chứng.

Ở Hà Huy Mười mang đến cho khán giả một cảm giác ghê rợn khi “biến” côn trùng vốn là một loại nhỏ bé thành một loại khổng lồ và đặt ra hàng loạt câu hỏi: Một con sâu chúng sẽ ăn cây lá, mùa màng, hoa màu… vậy với một con sâu khổng lồ thì sao? Liệu chúng là một quái thai được sinh ra từ môi trường sống? Bạn có nghĩ chúng ăn những gì để trở thành khổng lồ? Chúng phá hoại những gì với kích thước khổng lồ ấy? Và liệu chúng ta cũng là một loài “côn trùng” có hại nào đó?

Là nghệ sĩ nữ duy nhất trong nhóm, Phạm Thị Hồng Sâm lấy ý tưởng từ thói quen gắn mi giả của phụ nữ để làm nên tác phẩm Nối Mi. Chị cho biết: “Việc trang điểm là để làm đẹp, nhưng cũng không ít trường hợp hàng mi giả được nối thêm khiến cho người khác cảm thấy rối mắt. Về chất liệu, tác phẩm được tạo hình từ vải lông phủ lên các túi nylon đã qua sử dụng, nhựa , mút, xốp vụn… Sự tương phản giữa hai lớp chất liệu thể hiện ý tưởng: Sự hào nhoáng bên ngoài chỉ để che đi "rác" bên trong”.

Triển lãm kéo dài tới ngày 11/9/2019 tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studio), Viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (32 Hào Nam, quận Đống Đa, Hà Nội).

PHƯƠNG PHƯƠNG