Thứ Sáu, 12/07/2019 09:46

Tình cha con trong tác phẩm của Oe Kenzaburo

Oe Kenzaburo là một trong những nhà văn kiệt xuất của văn đàn Nhật Bản thế kỉ XX. Oe Kenzaburo sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước vừa trải qua thế chiến II, thời kì đen tối nhất trong lịch sử Nhật Bản

.TRẦN THỊ THỤC

Oe Kenzaburo là một trong những nhà văn kiệt xuất của văn đàn Nhật Bản thế kỉ XX. Oe Kenzaburo sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước vừa trải qua thế chiến II, thời kì đen tối nhất trong lịch sử Nhật Bản. Tuổi thơ của Oe đi qua trong chiến tranh. Ông từng nói: “Nếu như không có những trải nghiệm năm 1945 và những năm sau đó, tôi sẽ chẳng bao giờ trở thành tiểu thuyết gia”(1). Ông là nhà văn Nhật Bản thứ hai đoạt giải thưởng Nobel vào năm 1994 (người đầu tiên là nhà văn Kawabata Yasunari - đoạt giải năm 1968).
Một nỗi đau riêng và truyện ngắn Quái vật trên không cùng tiểu thuyết Tiếng thét câm lặng đều được sáng tác dựa trên câu chuyện đời tư có thật của Oe Kenzaburo khi người con trai đầu lòng của ông - Hikari - do nhiễm xạ, di chứng nặng nề của bom nguyên tử Mĩ ném xuống Nhật Bản, nên vừa sinh ra đã mắc chứng thoát vị não. Đầu em bé to quá mức bình thường, không có khả năng nhận biết và nói tiếng người, đôi mắt cũng không cảm nhận được ánh sáng. Các bác sĩ đã nói rằng Hikari sẽ phải sống đời sống thực vật đến hết đời và thuyết phục vợ chồng Oe Kenzaburo nên để cho em được… “ra đi” trong thanh thản, nhẹ nhàng. Đây là một cú sốc lớn đối với Oe Kenzaburo và gia đình nhà văn. Ông đã trăn trở, dằn vặt và đau đớn hàng năm trời khi nghĩ đến hiện tại và tương lai của đứa con tội nghiệp. Những trang văn Oe Kenzaburo viết ra cũng chính là sự tự vấn lương tâm và trách nhiệm của một người cha trước vận mệnh con trai mình. Trong diễn từ Nobel năm 1994, ông nói: “Về căn bản, phong cách viết của tôi khởi nguồn từ những vấn đề cá nhân, sau đó gắn kết chúng với xã hội, với cuộc đời và với thế giới này”(2). Ông khẳng định: “Với tư cách nhà văn, tôi phải thừa nhận rằng chủ đề trung tâm của các tác phẩm trong hầu hết văn nghiệp của tôi là cách gia đình tôi đã học cách sống với đứa con tật nguyền này”(3). Trong ba tác phẩm kể trên, Oe Kenzaburo đã lần lượt đưa ra ba đáp án nhằm giải quyết mối quan hệ giữa người cha và người con tật nguyền.

Những kết thúc khác nhau…
Trong Một nỗi đau riêng, đứa con của Điểu vừa được sinh ra đã bị chứng thoát vị não bẩm sinh. Khi nghe bác sĩ báo tin, Điểu vô cùng đau khổ, sợ hãi và hoảng loạn. Sau đó, Điểu đồng ý với phương án của viên bác sĩ điều trị: thay sữa bằng nước đường để chờ đứa bé yếu dần đi rồi về với Chúa trong an lành. Anh suy nghĩ về cái chết của đứa bé, về tội lỗi của bản thân mình. Dẫu vậy, anh vẫn mong chờ cái chết của con mình và trong tận cùng tâm tưởng anh tin chắc nó sẽ chết. Thế nhưng, ngược lại với mong muốn và niềm tin chắc như đinh đóng cột của anh, đứa bé không chết. Sự thật phũ phàng ấy làm Điểu thực sự cảm thấy lo sợ. Điểu lo rằng nếu đứa trẻ còn sống sẽ là gánh nặng về tài chính và tinh thần khổng lồ đè lên mình. Món tiền ba mươi nghìn yên anh dành dụm bấy lâu để nuôi hi vọng du lịch sang châu Phi sẽ biến thành những tờ hóa đơn viện phí lạnh lùng, vô cảm. Cuộc sống tự do anh hằng mong muốn sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Đứa con như một “quái vật” đeo bám cuộc đời Điểu: “Làm sao chúng tôi, vợ tôi và tôi, có thể sống chuỗi đời còn lại với một quái thai cõng trên lưng? Bằng cách này hay cách khác, tôi cũng phải trốn thoát đứa con quái dị”(4). Và Điểu quyết tâm ngăn cản bác sĩ mổ cho đứa bé. “Tôi phải ngăn cấm họ mổ, nếu không thằng bé sẽ bước hùng dũng vào đời tôi như một đội quân xâm lăng”(5). Anh đã mang đứa bé ra khỏi bệnh viện để thực hiện cho bằng được âm mưu của mình bằng cách tìm đến một bác sĩ tư nhờ “giải quyết vấn đề”. Nhưng sau cùng, tình máu mủ và lương tri đã thức tỉnh kịp lúc trong anh, Điểu quyết định đưa đứa trẻ về bệnh viện Quốc gia cho các bác sĩ mổ, hi vọng một phép màu sẽ đến với con mình. Đây có lẽ là tác phẩm tích cực nhất thể hiện rõ sự kiếm tìm thành công căn cước bản ngã của nhân vật trong các sáng tác của Oe Kenzaburo. Tác phẩm thể hiện rõ tinh thần hiện sinh tích cực của Sartre, khi sự lựa chọn của một người là vì cả những người khác chứ không chỉ cho riêng bản thân mình. Điểu quyết định cứu sống con mình trước hết vì bản thân anh, sau còn vì gia đình, vì muốn được xã hội nhìn nhận mình với tư cách là người. Điểu đã trải qua một cuộc hành trình dài từ sự tha hóa nhân tâm đến một lựa chọn cuối cùng, là gánh lấy trách nhiệm đối với đứa con mình. Căn cước đã mất cuối cùng cũng được tìm thấy và theo chiều hướng tích cực hơn, được mọi người nhìn nhận xứng đáng. Đây cũng là ẩn dụ về hình ảnh một nước Nhật đã xác lập cho mình một căn cước mới, một diện mạo mới sau khi gánh chịu khối ung nhọt của chiến tranh.
Khác với Điểu của Một nỗi đau riêng, trong truyện ngắn Quái vật trên không (cũng hoàn thành trong năm 1964), người cha - nhà soạn nhạc tài năng, giàu triển vọng - đã khước từ trách nhiệm với đứa con tật nguyền, quái thai bằng cách phối hợp với bác sĩ bệnh viện cho uống nước đường thay sữa nhằm giết em bé. Linh hồn em bé sau khi mất bay trên bầu trời, trở thành một con quái vật ám ảnh cuộc đời của nhà soạn nhạc hai mươi tám tuổi. Sự tồn tại của anh ta từ đó trở nên vô nghĩa lí bởi sự day dứt về lỗi lầm không thể tha thứ. Sau này anh ta trở nên điên loạn, lúc nào cũng sống trong quá khứ và cuối cùng tự sát, chết trong đau đớn.
Người cha trong cuốn tiểu thuyết Tiếng thét câm lặng (xuất bản năm 1967) lại trốn tránh trách nhiệm với đứa con tật nguyền bằng cách gửi nó vào một viện nuôi trẻ thiểu năng trí tuệ. Nhưng đó chỉ là một sự lẩn tránh tạm thời, nó khiến cho tâm hồn người cha không bao giờ được bình yên và thanh thản. Anh ta vẫn bị ám ảnh, lo sợ bởi sự tồn tại của đứa con, và lẩn trốn vào quá khứ để kiếm tìm bản ngã của mình nhưng sự kiếm tìm là vô vọng, bởi đứa con và thời hiện tại - thời đại mà anh ta đang sống mới chính là cốt lõi bản chất của anh. Cuối cuốn tiểu thuyết, nhân vật dự định sang châu Phi để nuôi một hi vọng mới trong cuộc kiếm tìm của riêng mình.
Ba tác phẩm kể trên là ba cách thức ứng xử của người cha với đứa con tật nguyền: nuôi, giết và gửi vào viện trẻ thiểu năng. Ba cách ứng xử này cũng chính là câu hỏi đầy băn khoăn mà Oe Kenzaburo đặt ra trong các tác phẩm: Phải sống, nhưng sống thế nào đây?Trong cả cuộc đời và văn nghiệp của mình, Oe Kenzaburo mải miết kiếm tìm câu trả lời cho nghi vấn ấy.

... và sự thật viên mãn
Trong sáng tác, Oe Kenzaburo đã có những cách thức xử lí khác nhau cho các nhân vật. Thế còn ở ngoài đời thật, ông đã lựa chọn phương thức nào với người con không may mắn của mình? Đó là phương thức mà ông đã lựa chọn cho Điểu trong Một nỗi đau riêng: đưa con đi phẫu thuật và… cầu nguyện. Thật may mắn, ca mổ đã thành công quá sức mong đợi. Cậu bé Hikari lên sáu tuổi mới biết nói khi nghe tiếng líu lo của một đôi chim sẻ nước. Chính loài chim đã khơi nguồn cho những sáng tác âm nhạc sau này của Hikari. Cũng từ đó, hai vợ chồng nhà văn mới có thể giao tiếp được với con trai mình. Gia đình Oe Kenzaburo cho con học nhạc và dù khả năng ngôn ngữ còn hạn chế, Hikari đã được “đánh thức” bằng thứ âm nhạc tuyệt diệu của Bach và Mozart. Cậu học chơi piano và hứng thú chép nhạc. Khi lớn lên, Hikari trở thành một nhà soạn nhạc tài năng. Ba đĩa CD nhạc của Hikari phát hành năm 1990 đã đưa anh đến với giải thưởng cao nhất về nhạc cổ điển Tây phương ở Nhật Bản. Đĩa CD đầu tiên bán được 400.000 bản. Âm nhạc của Hikari tuôn trào một cách tự nhiên như sự ngây thơ, trong trẻo của người soạn nhạc. Nó thanh lọc tâm hồn con người. Càng sáng tác, âm nhạc của anh càng chứa đựng chiều sâu về “tiếng kêu của một tâm hồn u uẩn đang than khóc”, một nỗi u buồn mà bấy lâu anh không diễn tả được bằng lời. Ngoài soạn nhạc, Hikari còn làm việc trong một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật. Bấy nhiêu đó cũng đủ để Oe Kenzaburo tự hào về con trai mình.
Có thể nói, với lòng ham sống, sự nỗ lực vươn lên không ngừng và những thành công đã đạt được, Hikari không chỉ phục sinh tâm hồn tưởng chừng đã vỡ vụn thành từng mảnh của cha mình mà còn là điểm tựa, là chất xúc tác mãnh liệt khơi lên tài năng của ông, để ông viết nên những tác phẩm mang tầm thời đại, đoạt được giải thưởng Nobel danh giá. Câu chuyện giữa cha và con của Oe Kenzaburo mãi là một câu chuyện “cổ tích thời hiện đại” làm xúc động lòng người về tình phụ tử thiêng liêng và giúp chúng ta thêm một lần nữa thấm thía rằng, cội nguồn và sức mạnh của văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung không gì khác ngoài tình yêu thương giữa con người với con người

T.T.T

--------
1, 3: Hoàng Long (2014), Bông hồng cho ngày tháng không tên (tiểu luận và dịch thuật văn học Nhật Bản), Nxb Văn học – Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr. 146, tr. 124.
2: Oe Kenzaburo (1994), Japan, The Ambigious and Myself,https://www.nobelprize.org/prizes/literature/1994/oe/lecture/
4, 5: Oe Kenzaburo (Lê Ký Thương dịch) (1997), Một nỗi đau riêng, Nxb Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 133, tr. 217.