Thứ Năm, 11/08/2022 20:34

Tọa đàm: Hai hiện tượng của văn xuôi đương đại

Trần Chiến và Sương Nguyệt Minh là hai gương mặt văn xuôi tiêu biểu của nền văn học đương đại Việt Nam.

 Sáng 10/8/2022 tại hội trường Hội Nhà văn Hà Nội đã diễn ra buổi tọa đàm với chuyên đề Nhà văn Sương Nguyệt Minh và nhà văn Trần Chiến - hai hiện tượng của văn xuôi đương đại. Buổi tọa đàm với sự có mặt của các hội viên Hội Nhà văn Hà Nội và bạn đọc yêu thích hai nhà văn trên.

Trần Chiến và Sương Nguyệt Minh là hai gương mặt văn xuôi tiêu biểu của nền văn học đương đại Việt Nam.

Nhà văn Trần Chiến (thứ hai từ trái sang) và nhà văn Sương Nguyệt Minh (thứ ba từ trái sang) chụp ảnh kỉ niệm với các bạn văn tại buổi toạ đàm.

Người viết từ đời sống của thị dân đến nông thôn mới

Nhà văn Trần Chiến là người Hà Nội gốc với sự lịch lãm, từng trải, điềm đạm, cách biệt với đám đông nhưng lại gây hấp dẫn với hàng loạt truyện ngắn mang chất giễu nhại, hài hước rất ăn khách xuất hiện từ thập niên 90 của thế kỉ trước trên các báo Tuổi Trẻ, Văn Nghệ, Người Hà Nội… Có thể kể đến một số tác phẩm như: Con bụi, Ai bảo viết chữ đẹp,…cùng các tiểu thuyết về đô thị: Đèn vàng, Chín bỏ làm mười và tập tản văn A đây rồi Hà Nội 7 món. Các tác phẩm về đề tài lịch sử của ông chuyển tải nhiều giá trị về văn hóa, kiến trúc, nhân văn thủ đô từ nguồn cứ liệu, di cảo của người cha là nhà sử học Trần Huy Liệu, có thể kể đến như: Cậu ấm, Cõi người… Trần Chiến đã ghi dấu ấn với phong cách viết tinh tế và tài hoa về đời sống của thị dân và những trí thức Hà Nội. Không những thế nhà văn Trần Chiến còn thành công với loạt tác phẩm mang chủ đề nông thôn như Con chú con bác (Giải nhất cuộc thi do báo Nông thôn ngày nay tổ chức).

Nhà thơ Bế Kim Loan mở đầu bằng câu hỏi, lí do gì mà từ sáng tác thơ (đã có thơ đăng Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ những năm 70 của thế kỉ trước), nhà vănTrần Chiến lại chuyển qua văn xuôi. Nhà văn Trần Chiến cho rằng, lúc trẻ tuổi nhiều cảm hứng lại được đăng báo thấy oách thì hăng lắm, nhưng sau trải nghiệm thấy mọi sự đều dạn dĩ, buông tuồng nên dịch thơ thành văn xuôi.

Nhà văn Mai Hoa quan tâm tại sao nhà văn Trần Chiến lại viết nhiều về Hà Nội? Phải chăng do gốc gác lâu đời của nhà văn ở đây? Nhà văn Trần Chiến trả lời đầy giễu nhại: Liên quan đến gốc gác người Hà Nội, hầu như ai cũng đến từ đâu đó, Hà Nội cũng tam khoanh tứ đốm cả thôi. Nhà tôi nội ngoại đều Hà Nội cả. Tôi tản cư đến năm ba tuổi mới về Hà Nội. Mới về thấy cái cầu thang lim không dám bước chỉ dám bò. Có lẽ tôi ở Hà Nội từ bé nên mọi thứ thẩm thấu vào người. Khi cảnh vật, con người ở ngay bên cạnh, thích là bốc lên thôi.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, vốn coi Trần Chiến như người em trai, rất trọng tài của ông nên khi làm lãnh đạo Hội Nhà văn Hà Nội nhà thơ đã tìm cách “kéo” về hoạt động như một thành viên tích cực và quan trọng trong ban văn xuôi của hội. Nhà thơ cho rằng Trần Chiến là người hết sức tinh tế và thấm đẫm chất văn hóa người Hà Nội nên các tản văn trong tập A Đây Rồi Hà Nội 7 món đã đem lại cho người đọc những nét sâu thẳm, những ngóc ngách nỗi niềm sâu kín của một Hà Nội ngàn xưa văn hiến. Nhà phê bình Mai Nam Thắng cũng đồng quan điểm này khi cho rằng có thể tìm thấy nhiều nét cổ kính thâm trầm trong các tác phẩm của Trần Chiến. Nhà văn tâm sự: Ông rất ấn tượng với một người cô ở phố cổ nấu ăn rất ngon. Khi nhà có giỗ, nhà văn đưa đến một can rượu, bà chỉ ngửi qua, phán ngay: “Rượu này chỉ dùng để tẩy bóng” - Chỉ một câu đơn giản như vậy nhưng ẩn chứa bề dày văn hóa ẩm thực bên trong.

Khi nhận được câu hỏi, nhân vật nữ Hiền Thục vợ cậu ấm (Trong tiểu thuyết Cậu ấm là đối tượng con nhà nền nếp liệu có dựa theo nguyên mẫu nào không? Nhà văn Trần Chiến chia sẻ, với tiểu thuyết lịch sử, nhất là nói về gia đình, ông thể hiện khá chân phương, không dùng bút pháp mới lạ. Nhân vật nữ này được dựa theo sự kiện một người chủ nhà in dưới chế độ cũ, sau cải cách tư sản, nhà in bị quốc hữu hóa, người chủ phải làm quét dọn nhà in, bức xúc quá đã tự tử. Tuy nhiên nhân vật nữ trong truyện đã không tự vẫn mà tiếp tục sống, nhà văn rất cảm phục sức chịu đựng vô song của người phụ nữ.

Trả lời câu hỏi của nhà văn Vinh Huỳnh về duyên do “lật cánh” qua đề tài nông thôn, nhà văn Trần Chiến cho rằng đây là sở đoản của mình, “tôi không biết gì để nói về nông thôn mới”, tuy nhiên khi đứng xa ở thành phố nhìn về nông thôn ông không nén được tiếng thở dài vì sự tha hóa xuống cấp của văn hóa làng quê, những nền tảng gia phong, gia tộc đang bị băng hoại, đời sống tâm linh bị thị trường hóa với đủ chiêu trò buôn thần bán thánh, nên “tôi đã chọn góc nhìn của một nhân vật sống ở thành phố để phát biểu về nông thôn.

Tôi viết chưa tới tận cùng được sự hủy diệt của chiến tranh

Nhà văn Sương Nguyệt Minh, một cây bút Quân đội vốn xuất phát từ nhà báo bắt đầu từ viết bút kí. Đến với văn chương khá muộn (sau tuổi 35) nhưng ông đã nhanh chóng thành danh với hàng chục truyện ngắn về nhiều đề tài khác nhau tới đỉnh cao là tiểu thuyết về chiến tranh. Tiểu thuyết Miền hoang có thể nói là tiểu thuyết hư cấu lớn nhất của ông, với sức tưởng tượng vô cùng phong phú nhà văn đã sáng tạo ra nhiều tình tiết, chi tiết dẫn dắt người đọc vào thế giới riêng (bốn nhân vật gồm anh lính tù binh Việt, chỉ huy và lính Pôn Pốt cùng cô y tá câm lạc rừng) vừa tàn bạo khốc liệt vừa thấm đẫm chất nhân văn với đủ loại tình huống đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên và kẻ thù: Cháy rừng, đói, khát, thú dữ săn đuổi, quân Pôn Pốt khủng bố... Theo nhà phê bình Lã Nguyên thì Miền hoang đã mở ra trường mĩ cảm lớn về một cuộc chiến đầy cam go phức tạp này.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đánh giá tác phẩm của Sương Nguyệt Minh hấp dẫn có sức gợi đến ám ảnh. Đặc biệt tiểu thuyết Miền hoang có tầm kích và tính khái quát cao về thời đại, chỉ rõ kẻ thù dân tộc, lột rõ bản chất cuộc chiến. Cấu trúc tác phẩm chặt chẽ đa tuyến nhưng thống nhất.

Nhà văn Uông Triều nhận xét phong cách viết của nhà văn Sương Nguyệt Minh uyển chuyển mềm mại tự nhiên như hơi thở cuộc sống do tác giả có vốn trải nghiệm phong phú đa dạng. Truyện Dị hương như một thách thức của nhà văn Sương Nguyệt Minh trước các tác phẩm lớn khác về đề tài lịch sử. Tác phẩm của nhà văn Sương Nguyệt Minh thể hiện cái nhìn khách quan của hậu thế, lột tả được nhiều mâu thuẫn khác nhau thu hút được sự quan tâm trao đổi của đông đảo độc giả. Nhà văn Uông Triều đánh giá cao thái độ và trách nhiệm xã hội dưới tư cách con người công dân của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Ông đã tận dụng ảnh hưởng của mình để dũng cảm bày tỏ quan điểm, tạo dư luận hiệu ứng can dự tích cực vào hoạt động xã hội và đời sống.

Với tư cách là người bạn gần gũi với nhà văn Sương Nguyệt Minh, nhà phê bình Mai Nam Thắng nhận thấy Sương Nguyệt Minh luôn tìm cách lạ hóa và cố gắng vượt qua chính mình khi tác phẩm sau bao giờ cũng vượt hơn tác trước.

Với câu hỏi phải chăng các chi tiết trong Miền hoang tác giả đã hư cấu, quá mức đẩy sự việc tới tận cùng tạo nên một khung cảnh quá khốc liệt, tàn bạo, khủng khiếp, vậy thì làm sao chúng ta có thể chiến thắng? Nhà phê bình Tôn Phương Lan, người chuyên nghiên cứu về văn học chiến tranh cũng nói, bộ mặt chiến tranh qua tác phẩm của Bảo Ninh và Sương Nguyệt Minh thật quá ghê rợn. Nhà văn Sương Nguyệt Minh chân tình tâm sự: Bản thân ông là người trực tiếp tham gia cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, chính ông và đồng đội của mình là mục tiêu lộ thiên của Pôn Pốt. Thời điểm sau giải phóng Phnom Penh tất cả lính Pôn Pốt trà trộn vào dân thường, đều mặc áo đen đeo khăn rằn ri nên chúng có thể đánh quân tình nguyện bất cứ lúc nào, có khi cả 4, 5 chiến sĩ đang rải dây điện đều bị giết bằng dao quắm. Nỗi lo âu bị tấn công hiện hữu thường trực. Trường hợp đã bị địch bắt thì không còn hi vọng sống. Nên tác giả cho rằng viết như vậy vẫn còn chưa tới tận cùng tàn khốc, hủy diệt của chiến tranh. Trả lời câu hỏi của nhà văn Vinh Huỳnh là, tại sao đề từ của mỗi chương trong Miền hoang lại không hề ăn nhập với nội dung của các chương đó, nhà văn Sương Nguyệt Minh nói đó là cách ngắn gọn và khách quan nhất để phác thảo bối cảnh lịch sử, nếu đem 88 đề từ trong tiểu thuyết ghép liền nhau thì sẽ thấy sự ăn nhập của toàn bộ bối cảnh lịch sử của cuộc chiến.

Sống hết mình rồi viết hay đi tìm căn tính riêng

Trước khi kết thúc buổi tọa đàm, nhà văn Huyền Thanh Thanh thắc mắc làm thế nào để một tác giả trẻ chưa có những trải nghiệm như các nhà văn cao niên lại có thể viết được những tác phẩm có chất lượng? Có một thực tế là thế hệ trẻ hiện nay (trong nền kinh tế thị trường) mải mê viết theo Trend, Best seller với số lượng rất nhiều thì làm sao có được chất lượng tốt. Nhà văn Trần Chiến cho rằng, mỗi người hãy sống hết mình rồi vỡ ra cái gì thì viết về cái ấy sẽ hay và thành công. Trong khi nhà văn Sương Nguyệt Minh lại cho rằng, công việc viết văn hết sức riêng tư, không ai khuyên được ai, mỗi người có một cách tiếp cận riêng, ai mạnh về gì hãy viết về nấy. Mỗi người một tạng (căn tính) riêng, người viết sau một quá trình phải tìm cho ra cái tạng của mình, nếu chọn sai rất nguy hiểm có thể hỏng hết cả sự nghiệp.

VINH HUỲNH