Chủ Nhật, 01/08/2021 07:19

Toạ đàm online về nghề vẽ minh hoạ

Ở Việt Nam trước đây, hoạ sĩ minh hoạ thường xuất thân từ hoạ sĩ sáng tác bởi không có trường lớp đào tạo về minh hoạ. Tất cả các hoạ sĩ minh hoạ đều xuất thân từ hoạ sĩ sáng tác.

 Việc sử dụng hình ảnh thực đôi khi không thể mang lại hiệu quả thẩm mĩ tối đa, trong thời đại ngành công nghiệp giải trí và sáng tạo phát triển, vẽ minh họa ngày càng khẳng định vị thế và tầm quan trọng của mình. Vừa qua Monster Lab (Học viện Nghệ thuật & Thiết kế, nơi đào tạo các chuyên viên thiết kế đồ họa - truyền thông đa phương tiện, họa sĩ minh họa, digital artist) đã tổ chức buổi toạ đàm online Nghề vẽ minh hoạ với sự góp mặt của hoạ sĩ vẽ minh hoạ Kim Duẩn và thạc sĩ mĩ thuật Đào Nguyên Vũ.

Vẽ minh họa được hiểu là việc sử dụng những sản phẩm vẽ tay để diễn giải một câu chuyện, để giải thích hay mô tả một hành động hoặc nội dung cụ thể. Minh họa còn có thể được gọi là một ngôn ngữ hình ảnh.

Minh họa là một hình thức nghệ thuật đã có từ thời Trung Cổ, khi hình ảnh bắt đầu đi kèm với các văn bản trong sách. Nền tảng của nghệ thuật minh họa sách hiện đại khởi nguồn từ cái nôi văn học phương Tây vào thế kỉ 15, khi xuất hiện kĩ thuật in ấn cho phép xuất bản sách, tài liệu với số lượng lớn. Đến thế kỉ 18, 19, cùng với sự nổi lên của loại hình tiểu thuyết phương Tây thì vẽ minh hoạ đã trở nên rõ nét và mang dấu ấn nhất định. Sự ra đời của kĩ thuật in bán sắc đã giúp cho việc in hình ảnh trở nên dễ dàng hơn. Trước đó, hoạ sĩ sẽ phải khắc thủ công hình ảnh lên ván gỗ. Sự cải tiến trong sản xuất giấy cũng là yếu tố quan trọng với sự phát triển của bộ môn minh họa.

Thạc sĩ mĩ thuật Đào Nguyên Vũ nói về minh hoạ xuất bản phẩm

Theo hoạ sĩ Kim Duẩn thì, minh hoạ bên cạnh những khái niệm thì trong thực tế nó linh hoạt uyển chuyển hơn. Minh hoạ làm sáng rõ phần nội dung muốn truyền đạt, làm cho sản phẩm tăng độ hấp dẫn, minh hoạ cũng có thể giải thích một ý tưởng chưa rõ nội dung. Các ranh giới của minh hoạ hiện đại rất mỏng. Trước đây minh hoạ đơn thuần là một hình vẽ làm sáng tỏ cho phần lời, nhưng bây giờ minh hoạ mang nhiều ý nghĩa hơn do sự phát triển và những bước tiến mới của nghề vẽ minh hoạ. Cũng bởi vậy mà người sáng tạo ít nhiều cũng phải có một tiếng nói của riêng mình trong nghề này.

Có nhiều loại hình minh hoạ như: Minh hoạ quảng cáo, minh hoạ thời trang, minh hoạ khoa học công nghệ, minh hoạ thông tin, minh hoạ bao bì sản phẩm… Nhưng xuất hiện nhiều nhất là minh hoạ xuất bản phẩm, tiêu biểu là minh hoạ sách, báo, tạp chí. Sự xuất hiện của minh họa sách, báo chí ở Việt Nam gắn liền với xuất bản, in ấn và báo chí thời hiện đại vào cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20.

Hiện nay, sự tiến bộ và phát triển của khoa học công nghệ, cái mà ta gọi là kỉ nguyên kĩ thuật số, là cơ hội cho các họa sĩ minh hoạ phát triển nhanh và dễ dàng hơn. Nghề vẽ minh hoạ đang được rất nhiều hoạ sĩ lựa chọn, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu đúng về nghề này. Đến nay, nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa hai khái niệm về thiết kế đồ họa (Graphic Design) và vẽ minh họa (Illustration) cũng như không phân biệt được rõ ràng giữa nhà thiết kế đồ họa (Graphic Designer) và họa sĩ minh họa (Illustrator). Trên thực tế, thiết kế đồ họa là việc sử dụng tổ hợp về màu sắc, hình ảnh, chữ viết, biểu tượng để truyền tải thông điệp qua những ấn phẩm truyền thông. Còn các sản phẩm vẽ minh họa thường được áp dụng cho các các bài báo, sách, tạp chí, game, phim… như một lời giải thích trực quan cho nội dung được truyền tải. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, thiết kế đồ hoạ được xem như là sản phẩm thương mại, còn minh hoạ chủ yếu được xem như một sản phẩm nghệ thuật. Thiết kế đồ hoạ có đời sống ngắn hơn minh hoạ. Tuy nhiên, hoạ sĩ Kim Duẩn cũng nhấn mạnh thêm rằng: Với kinh nghiệm của anh, trong công việc, hoạ sĩ vẽ minh hoạ nên biết đồ hoạ để công việc được trọn vẹn, và đúng với ý mình.

Hoạ sĩ Kim Duẩn nói về minh hoạ và thiết kế đồ hoạ

Rất nhiều thành viên tham gia buổi toạ đàm là những bạn trẻ yêu thích nghề vẽ minh hoạ. Họ bày tỏ đam mê cũng như sự quan tâm lớn với những vấn đề xoay quanh nghề này. Theo các diễn giả, nghề vẽ minh hoạ đòi hỏi ở hoạ sĩ rất nhiều yếu tố. Khi vẽ tranh minh hoạ cho chủ đề sẽ khác với việc vẽ bức tranh thông thường. Tranh minh hoạ của bạn có thể phải phụ thuộc vào sự kiểm duyệt của các bên liên quan như cấp trên hay khách hàng, đối tác. Vậy liệu tranh minh hoạ của bạn có được chấp nhận không là điều mà bạn nên quan tâm. Khi làm công việc này, có rất nhiều thứ chúng ta phải minh hoạ nhưng không phải cái nào chúng ta cũng thích cả. Bạn vẽ cho mình hay vẽ cho khách hàng, sẽ khác nhau. Đó là công việc khi bạn đã chọn nghề, bạn cần có nền tư duy đầy đủ để ứng phó với các tình huống đa dạng của công việc. Và hơn hết, bạn cần rèn luyện cảm hứng, sự chuyên nghiệp để nuôi cảm xúc và đi được đường dài với nghề.

Nói về nghề vẽ minh hoạ hiện nay, thạc sĩ mĩ thuật Đào Nguyên Vũ chia sẻ: Thời đầu chúng ta thường vẽ bằng chì, sáp, màu nước, sau này vẽ trên máy bằng wacom. Vẽ minh hoạ là tư duy, tư duy muốn minh hoạ gì đó, còn công cụ là kĩ năng. Điều quan trọng, hoạ sĩ cần có nền để đi được xa. Ví dụ, trong nghề này, đôi khi không đơn thuần là chúng ta vẽ theo sự “đặt hàng” của khách hàng mà cần có nền tảng vững vàng, sự am hiểu để biết tư vấn, trao đổi, định hướng cho khách hàng. Điều đó làm cho nghề vẽ minh hoạ sẽ phát triển hơn.

Ở Việt Nam trước đây, hoạ sĩ minh hoạ thường xuất thân từ hoạ sĩ sáng tác bởi không có trường lớp đào tạo về minh hoạ. Tất cả các hoạ sĩ minh hoạ đều xuất thân từ hoạ sĩ sáng tác. Ở cả hai lĩnh vực tranh minh hoạ và tranh sáng tác đều cần phải có nền tảng học thuật như nhau. Tranh minh hoạ hay tranh sáng tác đều có sự sáng tạo và thể hiện được cá tính của riêng hoạ sĩ. Tuy nhiên, tranh sáng tác diễn đạt quan điểm bên trong của người hoạ sĩ, còn tranh minh hoạ sẽ diễn đạt nội dung của văn bản, theo cách hoạ sĩ cảm nhận.

ĐỨC SƠN