Thứ Tư, 03/03/2021 12:01

ĐẠO DIỄN ĐỖ THÀNH AN NÓI VỀ "KIỀU @":

Tôi đã mang đến cho khán giả một góc nhìn khác

Dù nhận được một số lời khen trong giới chuyên môn, những người làm điện ảnh và văn học nhưng ngay sau đó bộ phim “Kiều @” của đạo diễn Đỗ Thành An lại đồng loạt bị một số tờ báo lên tiếng chê hết lời.

Dù nhận được một số lời khen trong giới chuyên môn, những người làm điện ảnh và văn học trong lễ ra mắt tại Hà Nội, nhưng vừa được khen hôm trước, thì hôm sau bộ phim “Kiều @” của đạo diễn Đỗ Thành An lại đồng loạt bị một số tờ báo lên tiếng chê hết lời.

Phải chăng dòng phim one shot quá mới mẻ, người xem chưa có tâm thế tiếp nhận hay do chất lượng theo đánh giá bằng những quy chuẩn thông thường dành cho phim điện ảnh xưa nay không thể áp đặt với một “bộ phim one shot”? Có thực “Kiều @” là một “thảm họa” của điện ảnh Việt? Để trả lời những câu hỏi trên cần sự phân tích thấu đáo từ các nhà chuyên môn cũng như cái nhìn đa chiều từ phía khán giả chứ không phải từ một vài bài báo mang tính chủ quan. Tuy nhiên, ở góc độ người làm ra bộ phim, đạo diễn Đỗ Thành An cũng đã có những chia sẻ của mình trong cuộc trò chuyện với VNQĐ.

Chào Đỗ Thành An! Anh nghĩ đến một bộ phim làm theo kiểu one shot từ khi nào?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Cách đây 6 năm, khi bộ phim Birdman của đạo diễn Alejandro Gonzales Inarritu công chiếu, tôi thật sự bị choáng ngợp và cuốn hút bởi cách quay phim quá độc đáo. Điều đó thôi thúc tôi nghiên cứu sâu hơn về cách làm phim kiểu one shot. Khi đó tôi nói với nhà quay phim Trương Tuấn rằng tôi muốn làm một phim one shot thuần Việt. Nhưng thật sự, khi ấy điều đó vẫn chỉ là một ước mơ chứ tôi vẫn chưa mường tượng được mình sẽ làm như thế nào để tạo nên một tác phẩm điện ảnh với lối quay một cú máy. Và bản thân là người trong nghề, tôi lúc đó biết rằng với điều kiện hiện tại của Việt Nam thì việc làm phim one shot gần như là bất khả. Nhưng càng là bất khả thì tôi càng bị nó thôi thúc. "Kiều @" là kết quả của sự thôi thúc suốt hơn 6 năm ấy.

Theo anh chia sẻ về việc đã tìm hiểu kĩ về thành công và thất bại của các phim one shot của nước ngoài, rút kinh nghiệm từ những phim thất bại, trong đó với phim one shot, yếu tố kịch bản là quan trọng nhất, và nó phải thực sự phù hợp để làm one shot. Vậy kịch bản “Kiều @” có phải đã được “đo ni đóng giày” cho cách làm phim này?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Kịch bản "Kiều @" được chính tôi viết. Trong quá trình vừa viết, vừa tìm kiếm ý tưởng, vừa chỉnh sửa, càng lúc tôi càng thấy chỉ có cách kể chuyện bằng lối quay phim one shot mới thật sự thích hợp và phát huy hết những ý đồ mà chính tôi đã gửi gắm vào kịch bản phim. Nên nói "Kiều @" đã được “đo ni đóng giày” cho cách làm phim này cũng không sai. Tuy nhiên phải quay lại điều này, tôi làm phim điện ảnh, nên phải tìm lối quay phim nào làm cho kịch bản phim hay nhất thì tôi lựa chọn. Dù khó, nhưng khi "Kiều @" cần được quay one shot thì tôi phải quay one shot đến cùng.

Được biết khi phim đang thực hiện dang dở thì gặp sự cố nhà đầu tư bỏ cuộc, đoàn làm phim đã phải tạm thời giải tán gần một năm, và anh có chia sẻ rằng, chính quãng thời gian đó đã giúp anh nhìn nhận lại bộ phim, thay đổi cấu trúc kịch bản để “Kiều @” sau khi trở lại đã mang một diện mạo mới. Anh có thể chia sẻ thêm về quãng thời gian đó?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Công việc mỗi ngày của tôi bắt đầu bằng việc thức dậy và tĩnh tâm trên chính chiếc giường của mình hớn 30 phút. Đó là khoảng thời gian tôi định hình mình sẽ làm gì cho một ngày đang tới. Quãng thời gian nhà đầu tư bỏ cuộc giữa chừng và tôi vẫn còn loay hoay tìm nhà đầu tư mới cũng vậy. Tôi nghiền ngẫm kịch bản nhiều hơn, và phát hiện ra mình còn nhiều chỗ khá non, thế là tôi lên ý tưởng, chỉnh tới sửa lui, thêm thắt nhiều tình tiết, tiểu tiết để rồi khi tìm được nhà đầu tư mới thì cũng là lúc kịch bản "Kiều @" đã lột xác. Giờ tôi vẫn thầm cảm ơn quãng thời gian tưởng như hụt hẫng và khó khăn đó. Chính vì mọi việc phải dừng lại mà tôi có nhiều thời gian để ngẫm ngợi với từng con chữ.

"Kiều @" ra mắt tại Hà Nội hôm 28/2/2021. Ảnh: TL

Vì sao anh vẫn có niềm tin rằng dự án sẽ đi đến hồi kết, và một ngày phim sẽ hoàn thiện để ra rạp?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Vấn đề là tôi quá đam mê dự án này, khi bạn đủ đam mê thì bạn cũng sẽ đủ niềm tin, đủ niềm tin thì gần như bạn sẽ có một đức tin vững chãi. Điều này giống như đức tin vào một triết lí, một tôn giáo ở trong tôi vậy. Dù có lúc tưởng như đi vào ngõ cụt, nhưng chính đức tin ở bên trong đã vực tôi dậy, và tôi cứ thế cố gắng và cố gắng đến cùng. Thật vui là cố gắng ấy đã được hồi đáp. Phim của tôi đã đến được với khán giả.

Anh cho rằng, “Kiều @” làm theo cách one shot sẽ có gì độc đáo, khác lạ hơn, mang lại hiệu ứng cao hơn so với nếu làm theo cách truyền thống?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Tôi là người thích mạo hiểm và cái mới, mà tôi tin người làm công việc sáng tạo nào cũng thích đi những con đường chưa hoặc ít ai khai phá. Tôi không phủ nhận cách làm phim truyền thống, bao nhiêu phim kinh điển từ cách làm đó đến giờ tôi vẫn chưa chạm với đến được. Nhưng tôi muốn khác, tôi có một quan niệm khác về điện ảnh. Và như trên đã nói, trước hết tôi viết một kịch bản "Kiều @" để tạo nên cái khác ấy. Có thể cách quay truyền thống phù hợp với nhiều kịch bản phim khác nhưng với "Kiều @" của tôi, đến giờ phút này, những gì hiện lên màn ảnh cho thấy, one shot đã thoả mãn những ý tưởng và ý đồ của tôi.

Dù chỉ lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều”, và anh đã giữ một khoảng cách giữa phim và thi phẩm thì người xem vẫn cần một đường link tự dẫn đến “Truyện Kiều” để theo dõi câu chuyện. Làm sao để khán giả không bị chi phối hay lệ thuộc vào tác phẩm gốc vốn đã ăn vào tiềm thức của họ? Anh có tính đến việc này?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Nghệ thuật là liên văn bản và liên văn hoá. Khán giả nào đến rạp mà từng đọc "Truyện Kiều" của Nguyễn Du thì chắc chắn họ sẽ liên tưởng, không ít thì nhiều nội dung của hai tác phẩm này và so sánh. Dù mọi so sánh đều có phần khập khiễng. Nhưng trước hết, vì tôi không chuyển thể mà chỉ lấy cảm hứng từ truyện Kiều, nên tôi phải hết sức thận trọng, tránh những ngộ nhận cần thiết dưới góc độ của một khán giản. Còn nếu khán giả nào xem phim mà thấy bóng dáng các hình tượng nhân vật của "Truyện Kiều" trong đó tì đó chính là một cách “đọc” của mỗi người. Tôi không thể can dự vào tâm tư ấy được.

Đạo diễn Đỗ Thành An và hoa hậu Phan Thị Mơ (vai Hương) trước một cảnh quay "Kiều @". Ảnh: TL

Đâu là những điều anh nghĩ cần phải tránh khi thực hiện bộ phim cảm hứng từ một tác phẩm lớn trong kho tàng văn học Việt?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Trước hết tôi cho rằng, tránh làm cho khán giả bị ngộ nhận. Họ có thể liên tưởng để làm phong phú thêm thế giới tinh thần của họ. Nhưng nếu người làm phim không khéo thì rất dễ bị chỉ trích, bởi những tác phẩm lớn luôn nhận được những tình cảm đã hun đúc qua bao đời của độc giả. Chính điều này dễ sinh cái nhìn đầy định kiến đối với những tác phẩm phái sinh. Thay vì thấy giống và khác thì nhiều người hay chăm chăm vào việc hay và dở giữa cái kinh điển và cái mới, cái tiên phong. Nhà làm phim tránh được điều này càng nhiều càng tốt.

Như chia sẻ, lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” anh muốn đi theo con đường đối thoại, phản biện lại tác phẩm. Anh muốn “đối thoại” với “Truyện Kiều” của 200 năm trước những vấn đề gì của thời hôm nay?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Tôi yêu "Truyện Kiều" chính bởi tôi luôn thấy được những thân phận, những số phận mà 200 năm trước cụ Nguyễn Du đã viết nên trong đó hiện giờ vẫn còn tiếp diễn ở xã hội và thời đại mà tôi đang sống. Chỉ là mỗi thời đại, con người có cách nhìn nhận và giải quyết các vấn đề, bi kịch của đời mình khác nhau. Thí dụ, cách tôi cho nhân vật Hương của phim có cách giải quyết mạnh mẽ hơn nàng Kiều của Truyện Kiều khi bị dồn vào bước đường cùng. Tôi không “đối thoại” để luận về hay dở trong tư tưởng mà chỉ muốn thấy trong đó những gì giống và khác, tương đồng và trái chiều.

Làm phim về từ cảm hứng với tác phẩm kinh điển Việt, có lẽ sẽ thuận lợi hơn với người xem Việt Nam, khi mà gần như mỗi người dân đều biết đến “Truyện Kiều”, nhưng nếu phim được giới thiệu ra thế giới thì sẽ khó khăn trong việc tiếp cận bởi khán giả nước ngoài họ không biết nhiều đến tác phẩm gốc tạo cảm hứng cho phim. Anh có nghĩ điều đó sẽ làm hạn chế mức độ lan tỏa của “Kiều @” nếu ra các sân chơi lớn như một số bộ phim Việt đã làm được?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Trước khi bàn đến vấn đề này, tôi xin minh định lại một điều: nếu ai chưa đọc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du thì chắc chắn họ vẫn xem “Kiều @” với một con mắt khác, mà vẫn không giảm bớt đi ý nghĩa trong liên tưởng và so sánh. Bởi nội dung phim kể về một cô gái thời hiện đại, lên phố rồi bị lừa tình, bị dụ dỗ. Thời này, điều ấy xảy ra khắp nơi trên quả địa cầu này. Nên nói khán giả ngoại khó tiếp cận phim thì không có cơ sở lắm. Chỉ là như thế thì họ bớt đi một chút liên tưởng và so sánh.

Đạo diễn Đỗ Thành An, Hoa hậu Phan Thị Mơ (vai nữ chính), PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú (giám đốc nghệ thuật) và nhà thơ Lý Đợi (đại diện đơn vị bảo trợ thông tin - Báo Thể thao & Văn hóa) trong lễ ra mắt phim "Kiều @" tại Hà Nội. Ảnh: TL

Tìm hiểu về quá trình làm phim của anh, có thể nhìn nhận anh có một khát vọng nghiêm túc và ý thức quyết liệt về cái mới, cái lạ. Nhưng khi dự án còn ở dạng ý tưởng, nhiều đồng nghiệp và đàn anh khi biết anh quyết tâm làm phim one shot đã nói rằng anh “bị điên”. Điều gì đã khiến anh quyết tâm cao đến vậy để thực hiện bằng được bộ phim “không tưởng” trong điều kiện Việt Nam?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Vì tôi tin vào tương lai và bản thân mình. Lúc đó là khoảng 6 năm trước, đúng là kĩ thuật và công nghệ làm phim trong nước chưa cho phép nên bất khả thật nhưng với tốc độ phát triển của xã hội, sự tiếp thu và du nhập công nghệ của nước ngoài làm tôi tin là chỉ 2 hay 3 năm sau việc làm phim one shot của tôi dễ dàng hơn. Nên tôi bắt tay vào làm từng bước một để chờ đợi và đón bắt cơ hội khi nó đến. May là niềm tin ấy của tôi đã đúng.

Dù vấn đề kinh phí sản xuất phim vô cùng lớn, và để kêu gọi, thuyết phục được các nhà đầu tư là việc không hề đơn giản. Nhưng như anh chia sẻ, đó lại chưa hẳn là vấn đề lớn nhất, mà vấn đề lớn nhất là ngay cả ekip làm phim cũng chưa hiểu gì nhiều về phim one shot cũng như cách thức để làm một bộ phim như thế. Bài toán đã được giải từng bước như thế nào?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Chỉ còn cách là chúng tôi cùng nhau ngồi lại, cùng chia sẻ và học hỏi lẫn nhau. Tôi phải thuyết phục giám đốc nghệ thuật và giám đốc hình ảnh của phim, diễn giải ý tưởng của tôi rất nhiều lần trong suốt quá trình thực hiện bộ phim. Nhiều lúc anh Trương Tuấn giám đốc hình ảnh còn dỗi bỏ tôi không chịu cầm máy quay. Nhưng rồi dần dần anh cũng hiểu và cảm thông được những ý tưởng đó của tôi nên chúng tôi mới cùng nhau đi qua được những gian nan đó. Một may mắn đó là chúng tôi rất tôn trọng nhau trong suốt quá trình làm việc và ekip không xảy ra những cãi vã thô tục, nặng lời làm tổn thương nhau.

Nhưng còn ở phía khán giả. Anh có nghĩ là số đông công chúng sẵn sàng đón nhận một bộ phim lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều” theo cách như vậy? Bởi nghĩ đến “Truyện Kiều”, một câu chuyện thơ, người ta thường nghĩ đến những gì mượt mà, trữ tình với cách thể hiện về một bi kịch theo cách trầm lắng?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Không riêng gì phim này mà tất cả các phim ra rạp hiện nay ở Việt Nam, trong con mắt của nhà làm phim, khán giả luôn là một ẩn số và bất ngờ. Nhưng tôi phải tin là khán giả đón nhận thì mới dám mang phim ra rạp. Còn càng nhiều dư luận khen chê đa chiều càng hữu ích với tôi. Tôi đã mang đến cho khán giả một góc nhìn khác, còn cách nghĩ của khán giả có lung lay tí nào bởi tác phẩm của tôi hay không thì thật sự tôi không đo lường được.

"Tôi phải tin là khán giả đón nhận thì mới dám mang phim ra rạp. Còn càng nhiều dư luận khen chê đa chiều càng hữu ích với tôi. Tôi đã mang đến cho khán giả một góc nhìn khác, còn cách nghĩ của khán giả có lung lay tí nào bởi tác phẩm của tôi hay không thì thật sự tôi không đo lường được".

                  (Đạo diễn Đỗ Thành An)

Anh đón nhận những chê bai hay phản ứng trái chiều của báo chí khi “Kiều @” vừa ra rạp thế nào?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Như bất kì nhà làm phim nào, khi “Kiều @” ra rạp, tôi với tư cách là đạo diễn rất cần những nhận xét đa chiều từ phía khán giả. Khen hay chê đều rất cần thiết. Chỉ cần khen đúng hay chê đúng tôi đều tiếp thu để rút kinh nghiệm trên những chặng đường tiếp theo. Như anh Đức Trí (chịu trách nhiệm âm nhạc cho "Kiều @" - PV) đã tiên lượng, phim tôi đứng trước hai làn sóng khen chê rất mãnh liệt. Bên khen thì hết lời, phía chê cũng không kém. Điều này làm tôi thấy “Kiều @” như một quả sầu riêng: người ghiền thì không dứt ra được, mà kẻ chịu không nổi sẽ bịt mũi quay đi ngay.

Nhưng với những nhận xét mang tính quy chụp theo hướng phủ nhận, xổ toẹt, đi quá sự khen chê thông thường dành cho một bộ phim từ phía truyền thông thì sao thưa anh?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Nếu đã quy chụp thì không riêng gì tôi mà bất kì ai cũng đành chịu. Tôi không có thói quen tranh cãi với những hiềm khích hay khích bác quá đáng, ngoài giới hạn chuyên môn của mình. Tôi chỉ biết làm nghệ thuật và chăm lo cho tác phẩm của mình tốt trong khả năng. Khán giả rất thông minh, khi tiếp nhận những lời khen chê về phim, họ sẽ tự có cái nhìn và ý kiến riêng của mình sau khi đến rạp xem phim, tôi tin vậy.

Để quay cú máy dài nhất 45 phút trong phim vào ban đêm, nghe nói anh đã phải kí cam kết với chuyên viên điều khiển thiết bị bay flycam, chấp nhận bồi thường một tỉ đồng nếu thiết bị bay gặp sự cố vì quay ban đêm không thể quan sát để điều khiển?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Đúng. Nhưng như thế chuyên viên thiết bị bay vẫn chưa đồng ý vì anh ấy thấy với cách quay đó thì chắc chắn thiết bị sẽ gặp sự cố và hỏng ngay. Cuối cùng trong thế khó tôi nghĩ được một cách đó là, cho diễn thử trường đoạn đó vào ban ngày và tính toán chi li khi nào thiết bị bay lên, bao lâu thì rẽ, bao lâu thì dừng ra giấy. Đến đêm, khi bấm máy diễn thật thì chúng tôi cứ y như tính toán đó mà điều khiển. Cuối cùng mọi chuyện đã suôn sẻ.

Ở cuối phim, khi Hương quyết định quyên sinh và hiến xác, đôi mắt của cô đã thắp lên ánh sáng trong cái nhìn cuộc đời của người cha, và quả tim cô đã đập những nhịp đập trong lồng ngực em gái là những ẩn ý sâu xa nhiều chất văn học cùng với nhiều ẩn dụ điện ảnh khác hội tụ trong “Kiều @”. Có phải mong muốn một sự cầu toàn nhất cho bộ phim mà mình đóng vai trò đạo diễn nên anh đã tự dấn thân viết kịch bản cho phim của mình? Anh nghĩ gì về chất văn học trong điện ảnh?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Ai cũng mong muốn sự cầu toàn nhất có thể. Nhất là tôi không muốn có chi tiết thừa trong tác phẩm của mình. Những tình tiết cuối phim, như anh nói đúng là nhiều chất văn học. Còn về chất văn học trong điện ảnh? Điện ảnh là môn nghệ thuật thứ 7, điều đó cũng có nghĩa là điện ảnh chiụ sự tác động và thu dung cả 6 môn nghệ thuật kia, trong đó có văn học. Suy nghĩ, ý tưởng nên một câu chuyện có cốt có tứ, nội điều đó đã thấm đẫm tính chất văn học rồi. Còn sâu xa hơn tôi xin được nói ở một dịp khác.

Vâng! Và về âm nhạc, anh và họa sĩ Đức Trí đã chọn chính lời thơ trong “Truyện Kiều” để làm lời cho nhạc phim với hoàn toàn các nhạc cụ dân tộc. Có thể có nhiều ý kiến khác nhau nhưng cá nhân tôi cảm nhận phần nhạc phim với lời từ “Truyện Kiều” luyến láy đã đóng vai trò như một người dẫn chuyện cũng như tạo hiệu ứng tốt cho phim. Anh và nhạc sĩ Đức Trí đã làm việc thế nào để tạo nên sự cộng hưởng kép này?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Tôi nhờ anh Đức Trí cộng tác phần âm nhạc và ra cho anh hai bài toàn khó: làm nhạc bằng nhạc cụ trên lãnh thổ Việt Nam và lấy lời "Truyện Kiều" làm ca từ cho ca khúc phim. Còn lại phần sáng tạo mảng âm nhạc là của anh ấy. Chúng tôi khi thu âm thì trao đổi với nhau để nội dung nhạc hợp với diễn biến phim hơn thôi. Tài năng của anh Đức Trí và sự am hiểu của anh về nhạc dân tộc là điều mà tôi đã được biết trước đây nên tôi rất an tâm và tin tưởng giao cho anh.

Có vẻ như khi quyết tâm làm “Kiều @ one shot" anh muốn ghi dấu vào lịch sử điện ảnh Việt Nam, nhưng có ý kiến lại phản bác, rằng điện ảnh Việt Nam không cần một bộ phim như vậy?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Cái đó tôi chỉ chờ lịch sử và thời gian trả lời.

Hiện tại phim đang công chiếu, anh có muốn nói điều gì với khán giả xem phim?

Đạo diễn Đỗ Thành An: Tôi chỉ mong khán giả yêu thương và ủng hộ “Kiều @”, đó là tâm huyết của cả ekip làm phim. Mọi sự nên được nhìn nhận trong sự bình tĩnh và thấu hiểu thì cuộc sống của cúng ta sẽ tràn ngập yêu thương và hoạ chăng bớt đi phần nào đó bi kịch. Khán giả luôn là động lực chính của những nhà làm phim như tôi.

Cám ơn anh đã chia sẻ!

- Đạo diễn Đỗ Thành An sinh năm 1980 tại Thoại Sơn, An Giang.

- Từng là diễn viên tại Sân khấu 5B - Võ Văn Tần, sau đó anh học và tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh chuyên ngành Đạo diễn điện ảnh.

- Từng giữ vai trò đạo diễn các phim điện ảnh “Mất xác” (2014); “Mặt nạ máu” (2016) và một số phim truyền hình như “Quý ông thời đại” (2010), “Tiếng đàn kìm” (2011), “Chữ hiếu thời @” (2012).

- Bộ phim tài liệu “Bà ngoại leo dừa”, phim đầu tay của Đỗ Thành An, đã đoạt giải Cánh diều Bạc tại Liên hoan phim Cánh diều 2009.

TIỂU HOÀNH SƠN thực hiện