Thứ Sáu, 27/09/2019 10:32

Tôi viết "Mãi mãi một thời thiếu sinh quân"

Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, toàn dân ta, từ gái trai trẻ già đã đứng lên, thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu để mất nước, không chịu làm nô lệ... (MA VĂN KHÁNG)

.MA VĂN KHÁNG

1. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, toàn dân ta, từ gái trai trẻ già đã đứng lên, thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu để mất nước, không chịu làm nô lệ. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Bác, ngay từ những năm đầu kháng chiến, chúng ta đã thu được những thắng lợi quan trọng.

Năm 1949, cục diện chiến tranh đã có nhiều biến đổi. Kháng chiến đã chuyển từ giai đoạn cầm cự sang chuẩn bị tổng phản công. Các đơn vị nhỏ là các đại đội độc lập tác chiến đã chuyển dần về tập trung thành các đơn vị chủ lực lớn, các đại đoàn, đánh giặc theo lối vận động chiến. Do vậy, một vấn đề đặt ra là các thiếu niên theo tiếng gọi yêu nước đang có mặt tại các đơn vị bộ đội, các cơ sở quốc phòng với các nhiệm vụ trinh sát, liên lạc, văn thư, văn công… - những con người trẻ tuổi đã được tôi luyện trong lửa đạn chiến tranh - cần được tập trung lại để học tập bồi dưỡng nhằm trở thành lớp người kế cận có văn hóa, có khả năng quân sự phục vụ quân đội trong tương lai.

Theo chỉ thị của Bác Hồ và của Tổng Quân ủy, trường Thiếu sinh quân Trung ương (sau đổi tên là trường Thiếu sinh quân Việt Nam) đã được thành lập tại ATK - An toàn khu, một địa điểm tại Thái Nguyên, trong liên khu Việt Bắc, đặt trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu.

Cuốn kí sự - tiểu thuyết Mãi mãi một thời thiếu sinh quân của tôi (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2019) viết về giai đoạn các em thiếu niên sau thời gian góp sức cùng lớp đàn anh trên các mặt trận kháng chiến, được sự quan tâm săn sóc của Bác Hồ, Tổng Quân ủy Trung ương trở về mái trường Thiếu sinh quân Việt Nam học tập, rèn luyện, để sau này trở thành lớp người kế cận phục vụ cho công cuộc kháng chiến kiến quốc.

Cơ sở để tạo nên cấu trúc của cuốn sách chính là các sự kiện có thật trong lịch sử biên niên của nhà trường Thiếu sinh quân Việt Nam đã tồn tại từ đầu năm 1949 đến giữa năm 1951. Chẳng hạn: các hoạt động chính yếu của nhà trường; quá trình hình thành nhà trường; tên tuổi một số cán bộ phụ trách và các học viên; sự kiện Bác Hồ đến thăm; trận oanh tạc của máy bay Pháp; việc đưa các em ra nước ngoài để tiếp tục học tập rèn luyện… Tất cả đã được phục dựng một cách tuần tự, chân thật bằng bút pháp hiện thực.

Nhân vật chính của cuốn sách là Trọng Đoan - một thiếu niên sinh ra trong một gia đình tiểu tư sản, bắt đầu cuộc đời là đội viên một đội truyền bá vệ sinh của Cục Quân y, trải qua bao gian khó trong học tập và rèn luyện, đặc biệt, phải đối mặt với thử thách lớn lao là sự mất mát đau thương của người cha, đã từng bước lớn lên và trưởng thành trong môi trường thiếu sinh quân. Cùng với Đoan là Hoàng Đình Toàn, một thiếu niên chín chắn, đĩnh đạc; Lê Quang Khánh thông minh, hoạt bát trong cùng tổ tam tam.

Miêu tả lại cảnh quan, không khí sinh hoạt một thời, cuốn sách đã tập trung tạo dựng lại chân dung một lớp thiếu niên với nhiều cá tính đặc sắc. Như bộ ba tướng-sĩ-tượng Thiết đen, Kim Diểu và Lục hạt mít nghịch ngợm, hồn nhiên. Như Sáng, chàng Tây lai cùng con chó Jack và cả loạt bạn bè Huy Anh, Hào, Phìn… - mỗi bạn một vẻ về tính tình và tài năng.
Hình ảnh một lớp thiếu niên yêu nước, dũng cảm, trong sáng, hồn hậu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày, cùng tình yêu thương chia sẻ của họ trong các biến cố bất thường (như việc bị máy bay oanh tạc, việc chuyển quân ra nước ngoài…) là ấn tượng để lại khá lâu bền cho bạn đọc khi gấp lại trang cuối cùng của cuốn sách này.

Cùng với lớp học viên thiếu niên, hình ảnh các cán bộ phụ trách như Đỗ Định, Hà Phương, Phạm Tuyên, Dương Xuân Trinh, Trần Tường… tận tụy, vừa giàu tình thương yêu vừa có trình độ cao về văn hoá, tiêu biểu cho lớp cán bộ quân sự chính trị một thời kì lịch sử.

2. Tôi được vinh dự là một thiếu sinh của trường Thiếu sinh quân Trung ương từ đầu năm 1949, cho đến khi trường chuyển sang nước ngoài, đổi tên thành trường Thiếu nhi Việt Nam. Ba năm tồn tại, thời gian không dài nhưng kỉ niệm một thời niên thiếu tươi đẹp hào hùng trong gian khổ làm sao có thể quên! Ngặt cái đã hơn bảy mươi năm trôi qua. Hàng trăm con người một thời thiếu sinh đã tan vào các môi trường sống khác nhau. Kẻ mất người còn. Đôi hồi khi gặp nhau cũng chỉ còn thấp thoáng những mảnh kí ức đã bắt đầu mờ nhòa. Ngoảnh đi ngoảnh lại, niềm mong mỏi có được những trang viết lưu lại ảnh hình của một thời đã qua thấy quạnh vắng quá. Chẳng ai nghĩ đến việc viết lại câu chuyện ở một thời kì xa lắc ấy. Tôi cũng thế. Thậm chí nghe nói trong biên niên lịch sử chính trị của Bộ Quốc phòng cũng không còn thấy một trang ghi chép về sự kiện đã từng có ấy.

Rồi một hôm, cô biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng bỗng hỏi tôi:
- Bác Kháng ơi. Cháu được biết, hồi trẻ trong thời kì kháng chiến chống Pháp, bác có một thời gian dài đã là thiếu sinh quân. Có phải thế không ạ?
- Đúng vậy! Từ năm 1949 tôi ở đơn vị Thiếu sinh quân, thuộc Cục Quân huấn, Bộ Quốc phòng, đóng quân ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Đại đội trưởng đại đội tôi hồi ấy là nhạc sĩ Phạm Tuyên đấy. Dạy toán chúng tôi là thầy Trần Nội, là phó giáo sư Dương Xuân Trinh. Bạn tôi giờ đã lên lão cả rồi, nhưng vẫn còn nhiều. Nhà văn, dịch giả Hoàng Thúy Toàn này. Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi này. Nhạc sĩ Phan Phúc này. Anh Ngô Trực bên Tổng cục Đường sắt này. Chị Lệ Thủy ở Tổng cục Chính trị này. To đùng thì có nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Vũ Mão, đại tá Nguyễn Vĩnh Chân, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội Vũ Mạnh Kha…

- Thế bác đã đọc cuốn Quân khu Nam Đồng của tác giả Bình Ca chưa ạ? Cuốn sách viết về lớp thiếu niên thời chống Mĩ ấy ạ.
- Rồi. Hay!
- Chúng cháu đang rất cần một cuốn truyện viết về lớp thiếu sinh trong kháng chiến chống Pháp. Các bạn đọc nhỏ tuổi hôm nay rất cần biết hồi ấy, các bạn thiếu niên sống, sinh hoạt, học tập, rèn luyện thế nào. Các bác khác đều bận và yếu đau cả. Bác viết giúp chúng cháu nhé!

Trước đòi hỏi thiết tha mong mỏi ấy của các biên tập viên và bạn đọc, có cách nào được bây giờ khi tôi tuổi đã cao? Thì bác cứ túc tắc viết đi ạ. Biên tập viên khích lệ tôi. Và tôi chỉ còn cách là dồn hết chút sức lực còn lại vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, nhớ lại những gì đã trải qua. Đã vào cuộc thì túc tắc sao được nữa! Tôi viết với tinh thần mỗi ngày một gắng sức thêm, trong quan niệm có phần bảo thủ và bất di bất dịch, rằng tiểu thuyết chính là nơi lưu giữ bóng hình cuộc sống. Lưu giữ một cách trung thành và đầy đủ nhất!

Cuốn sách khởi thảo ngày 23/4/2018 và hoàn thành cơ bản ngày 18/5/2018. Nghĩa là chỉ trong vòng hai mươi tám ngày. Chưa đầy một tháng với gần ba trăm trang in khổ 13,5 x 20,5cm. Một tốc độ phi mã bất ngờ với chính tôi. Vì sao vậy? Vì sự thúc ép của tuổi tác. Vì sự trỗi dậy giục giã của kí ức. Sung sướng vậy nhưng tôi lại đề ở cuối bản thảo hai ngày đáng ghi nhớ ấy thành 23/4/2016 và 18/5/2018. Nghĩa là cuốn sách được viết trong hơn hai năm. Một sự sai lệch cố ý để khỏi phải rầy rà khi trả lời nếu có ai đó nghi ngờ, rằng sao viết nhanh thế. Khởi thủy cuốn sách có tên là Một thời trai trẻ thiếu sinh quân, nhưng nhà văn biên tập viên góp ý cải đổi thành Mãi mãi một thời thiếu sinh quân và tôi đã vui lòng chấp thuận.

3. Bộ óc con người là một tổ chức vô cùng tuyệt diệu. Nó ghi nhớ được bao nhiêu điều mà có lẽ không một máy móc nào thay thế được. Hoặc máy móc thì có thể ghi nhớ hàng triệu hàng tỉ sự kiện hơn cả bộ óc người, nhưng còn hương sắc, mùi vị, tâm trạng, cảm xúc, ảnh hình…? May mắn, khi tuổi đã cao, sự sa sút trí tuệ đã xuất hiện, tôi vẫn còn chút minh mẫn để nhớ lại các chuyện đã xảy ra cách đây bảy mươi năm, với nhiều hương vị sắc màu xúc cảm riêng.

Hình tượng Thần chết cầm lưỡi hái cao nghễu nghện ở bến Bình Ca để lại ấn tượng rất sâu sắc trong kí ức tuổi mười ba của tôi. Tôi còn nhớ như in cảnh sắc không khí một chuyến đò dọc, chân dung đặc điểm những con người thuộc nhiều tầng lớp và gần như toàn bộ cuộc sống sinh hoạt, ngôn ngữ của lớp thiếu niên chúng tôi thời đó và cố dựng lại chúng bằng nghệ thuật tiểu thuyết.

Chẳng hạn, hồi đó không có sách giáo khoa. Các anh giáo - không gọi là thầy - dạy toán bằng sách của Pháp và bản dịch của giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Cách đây bảy mươi năm, người ta dùng bút máy Château d’eau, Werever, Pilot, Parker… Thời ấy người ta hút thuốc Basto, Míc và cao cấp là Cotab, Phillip… Thời ấy hàng hóa buôn bán là nước hoa Soir Paris, khăn mặt Good Morning, thuốc đánh răng Gibb, xà phòng thơm Shanggai…

Dạo ấy mới có đại đoàn, chứ chưa gọi là sư đoàn. Thời đó che mưa là tấm vải nhựa do nhà tư sản dân tộc Nguyễn Sơn Hà sản xuất. Hồi đó bộ đội mặc áo có cầu vai, quần gon - gấu quần có con đỉa cài cho gọn. Mũ là tre đan lấy, có vải bọc, ngoài cùng giăng lưới. Thời ấy chủ yếu là đi dép cao su quai to, đóng đinh vào đế, không có thì đi chân trần. Quần áo rách thì tự vá lấy. Kim khâu là sợi dây thép mài nhọn, đục lỗ ở đuôi. Chỉ khâu là vỏ cây sắn rừng tước nhỏ se lại. Dạo đó chỉ cần có giấy giới thiệu là đi công tác, đến đêm vào bất cứ nhà dân hay đồn công an nào cũng được đón tiếp ăn ngủ chu đáo. Thời đó các tập thể rất hay hát đồng ca. Thời ấy tiếng Pháp là ngôn ngữ thông dụng…

Kí ức con người quả là điều kì diệu. Và văn chương chính là điều kì diệu tiếp theo. Đó là nơi ghi lại toàn bộ cuộc sống của con người, từ hình ảnh đến những trạng thái tinh thần tế vi nhất của con người ở mỗi thời đoạn mà không một máy móc phương tiện nào có thể sánh được. Và như vậy hệ luận quan trọng sẽ là: Hãy cố gắng nuôi dưỡng kí ức sáng tươi của con người và tuyệt đối không được để mất văn chương. Văn chương là nơi lưu giữ bóng hình cuộc sống một cách trung thực nhất, đầy đủ nhất. Văn chương là nơi phóng chiếu ảnh hình một thời đại.

4. Nhà văn giống như người chiến sĩ vào trận. Anh có nhiều loại vũ khí, phương tiện chiến tranh. Sử dụng hỏa lực nào với đối tượng nào là điều cần nghĩ đến và xử lí thích đáng. Phó giáo sư, tiến sĩ La Khắc Hòa nói: Thể loại không phải là câu chuyện hình thức. Đúng vậy!

Trường Thiếu sinh quân Việt Nam là một hiện tượng đã tồn tại trong lịch sử. Yêu cầu phản ánh thực tế này, không thể không tính đến yếu tố thực của nó. Vì vậy tôi nghĩ đến thể loại kí sự. Kí sự là ghi chép những sự kiện có thực đã xảy ra của một đối tượng. Nôm na là vậy. Tuy nhiên, ngay trong sự tồn tại của đối tượng này cũng đã ẩn giấu một câu chuyện có đầu cuối, mang ý nghĩa đặc trưng. Mà đã là nhà văn với tư duy nghệ thuật thường xuyên đều có thể nhận ra. Bởi vậy, tôi chọn thể loại kí sự - tiểu thuyết. Cũng là một cách phản ánh, tái hiện cuộc sống hiệu nghiệm hơn, có sức hấp dẫn hơn. Và như vậy, đã xuất hiện một tuyến truyện với một nhóm nhân vật thiếu niên là trung tâm, bên cạnh là các nhân vật có thật được hư cấu với liều lượng cho phép.

Đại để, ngoài các anh phụ trách có ít nhiều nét riêng về tiểu sử và phong độ như Tổng đội trưởng Đỗ Định, C trưởng Hà Phương..., các thiếu sinh chia thành các nhóm có một số nét riêng về cá tính và số phận khác nhau:

- Nhóm tổ tam tam, gồm Toàn chỉn chu chững chạc, Khánh thông minh nhạy cảm, Đoan ủy mị giàu tình cảm suy tưởng sâu xa. Đoan là nhân vật trung tâm, xuất hiện trong suốt chiều dài của cuốn sách, có hoàn cảnh riêng, đại diện, phát ngôn cho tư tưởng tâm hồn của lớp thiếu sinh và gánh vác chủ yếu tư tưởng thẩm mĩ của cuốn sách.

- Nhóm thiếu sinh, gồm Thiết đen, Kim Diểu vua cầu, Lục hạt mít pháo thăng thiên với đặc điểm là nghịch ngợm, năng động, nhiều tài lắm tật, tiêu biểu cho một khuynh hướng tư tưởng hành động của lớp thiếu sinh lớn, họ đã trốn trường ra mặt trận.

- Các nhân vật khác tuy xuất hiện lẻ tẻ, nhưng cũng để lại ấn tượng vì có những tính cách và hoàn cảnh đặc biệt, khiến cho bức tranh một lớp thiếu niên của một thời đoạn hiếm có trong lịch sử trở thành đa sắc màu: Sáng chàng Tây lai và con chó Jack, Phìn giám mã, Huy Anh người con của làng tiến sĩ Mộ Trạch, Hào đầu to...

Nhìn chung, với dàn nhân vật như vậy, cuốn sách có mục tiêu đạt tới một hiệu quả tổng thể là có được hình ảnh một lớp thiếu niên trong kháng chiến chống Pháp cách đây bảy mươi năm: yêu nước, gan dạ, thông minh, đa năng, nhiệt thành và được rèn luyện học tập hấp thu một nền văn hóa có tác dụng hình thành nhân cách một thế hệ thanh niên hữu ích cho xã hội.

Kể lại một câu chuyện cách đây đã lâu, trung thành với nó, dựng lại nó sao cho chân thật, nhưng vấn đề là người kể đứng ở tâm thế nào? Tôi chọn tâm thế của con người hôm nay. Nghĩa là dùng con mắt, tầm nhìn, tầm văn hóa của con người hôm nay để xem xét các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Và như vậy, câu chuyện sẽ không sa vào sự kể lể nôm na, sơ giản như nó vốn có. Sách in ra là cho bạn đọc của ngày hôm nay.

M.V.K