Thứ Tư, 21/07/2021 11:25

Tống Phước Bảo: Sài Gòn chẳng bao giờ hết chuyện để viết

Thiệt tình mà nói, Sài Gòn chẳng bao giờ hết chuyện để viết. Có chăng mình đủ lòng thương dành cho cái thành phố này hay không?

“Thật sự, viết về Sài Gòn là điều tôi lo lắng nhất mà cũng luôn là một sự háo hức mỗi khi cầm bút. Người ta thường chẳng dễ dàng dùng câu chữ để diễn tả trọn vẹn lòng mình với mảnh đất đã ấp yêu mình hơn ba mươi năm qua”. Đó là tâm sự của Tống Phước Bảo khi ra mắt tập sách mới nhất “đặc sệt Sài Gòn” trong những ngày Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện giãn cách xã hội chống dịch. Bạn đọc cũng bắt gặp trong những trang viết của Bảo một Sài Gòn dang tay bao bọc những phận người, một Sài Gòn ấm áp nghĩa tình với những sẻ san chia sớt giữa những con người dù là dân chính gốc hay ở muôn phương tụ về. Anh đã có những chia sẻ với VNQĐ!

Những ngày này giới trẻ hay mượn lời bài hát Sài Gòn đau lòng quá để nói về một hiện thực khá khắc nghiệt khi Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh đang “trọng thương” bởi dịch bệnh. Còn cuốn sách của anh vừa ra đúng dịp Sài Gòn giãn cách phòng dịch lại có cái tên ở phía đối cực: Sài Gòn, còn thương thì về! Anh gửi gắm gì vào tiêu đề cuốn sách mới này?

Tôi nghĩ giữa lúc Sài Gòn - TP.HCM đang trong tâm dịch này, đúng là chúng ta nói về một sự “đau lòng” dành cho miền đất mà ít nhất chỉ cần một lần ghé đến cũng để lại ấn tượng trong lòng mọi người. Đó là sự thương mến và trân quý dành cho thành phố này. Cuốn sách xuất bản đúng thời điểm dịch lan nhanh và sâu rộng khắp mọi hang cùng hẻm cụt của Sài Gòn với tôi nằm ngoài dự định, nhưng tôi lại nghĩ âu cũng là cơ duyên. Với tiêu đề Sài Gòn, còn thương thì về, tôi luôn mong đem đến một Sài Gòn mang nhiều thương tưởng cho bạn đọc. Một Sài Gòn bao dung, trượng nghĩa và sẵn sàng dang rộng lòng mình với thập phương tứ chiếng hội tụ. Ở Sài Gòn dung hòa đầy đủ mọi thành phần. Ở Sài Gòn mà hễ chỉ cần biết thương nhau là đủ để sống trên mảnh đất này.

“Bởi tôi thương Sài Gòn như thương một người tình”, anh có thể chia sẻ rõ hơn câu nói gói ghém nhiều tâm tình và ẩn ý của mình?

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, có thể nói rất nhiều vui buồn, thăng trầm, lẫn được mất gắn trọn với tôi đều mang hình hài, dáng dấp của thị thành này. Tôi ví von Sài Gòn như “người tình” bởi tình yêu dành cho Sài Gòn nó khác biệt với mọi thứ tình yêu. Trong cuộc sống nếu mình yêu một điều gì đó, sự ích kỉ trong tình yêu đôi khi mang tính chiếm hữu, độc đoán. Kiểu ai đụng đến là mình cũng to tiếng bảo vệ. Nhưng nếu vượt hơn chữ yêu, tôi nghĩ đó là chữ thương. Chữ thương nó thể hiện rõ sự bao dung và chấp nhận. Ví như mình bỏ qua những náo động, ranh mãnh, khói bụi và đãi bôi của thị thành này, mình chấp nhận nó như một điều tất yếu của xã hội, thì mình sẽ biết thương Sài Gòn bởi nơi đây còn rất nhiều điều thiện lương và tử tế. Vì vậy, Sài Gòn như một người tình, không thể chiếm hữu hoặc lộng ngôn bảo vệ, nhưng đủ để tôi tự tin khoe với mọi người về một Sài Gòn rất dễ “cưng”.

"Ở mảnh đất này, mỗi một con người mang trên mình một câu chuyện. Mỗi một câu chuyện đều có sứ mệnh của nó. Là người viết, tôi nghĩ mình chẳng thể làm gì ngoại trừ viết thật nhất, để độc giả mình có thể hình dung đầy đủ và trọn vẹn nhất về Sài Gòn".
 - Tống Phước Bảo -
Ảnh: Tập tản văn - truyện ngắn "Sài Gòn, còn thương thì về!" của Tổng Phước Bảo vừa ra mắt.

Cũng ở tập sách này, phần tản văn đa phần là những bài viết trong mùa dịch, người ta thấy một Sài Gòn ấm áp nghĩa tình và cũng thấy một Sài Gòn hội tụ văn hóa vùng miền đa dạng. Anh đã lặn sâu vào những phận người tứ xứ với muôn vàn lí do đã chọn Sài Gòn làm chốn mưu sinh, như là vô tình đã kí thác cả cuộc đời ở nơi đây với bao nỗi niềm trắc ẩn. Cách tiếp cận của anh dường như là “hướng ngoại” hơn là “hướng nội”, nhập vào những thân phận trôi dạt, tá túc kiếm sống dưới những mái hiên vỉa hè để nhìn vào một Sài Gòn hơn là đứng từ trong nhìn ra như thường thấy. Tại sao vậy?

Khi chọn viết bất cứ điều gì về Sài Gòn tôi cũng chắt lọc kĩ. Đề tài Sài Gòn rất nhiều người đã viết. Tôi không muốn đem đến một sự rập khuôn. Tôi muốn một Sài Gòn chân thật nhất. Nơi này, lưu dân tứ chiếng tề tựu với chánh gốc thị thành mà chung tay phát triển thành phố. Nên viết về Sài Gòn, không thể thiếu họ. Tôi chọn đi vào các số phận, mảnh đời, câu chuyện hay chỉ một lát cắt bình dân ấy để mang đến cho độc giả những câu chữ mộc mạc, dung dị nhưng đó mới là một Sài Gòn còn đang lẩn khuất cần khơi gợi. Ở mảnh đất này, mỗi một con người mang trên mình một câu chuyện. Mỗi một câu chuyện đều có sứ mệnh của nó. Là người viết, tôi nghĩ mình chẳng thể làm gì ngoại trừ viết thật nhất, để độc giả mình có thể hình dung đầy đủ và trọn vẹn nhất về Sài Gòn.

Còn một điều này nữa, ở mảng truyện ngắn, có thể tôi đọc của anh chưa được nhiều và hết, nhưng trong những gì tôi đã đọc cũng như qua một số truyện ngắn của anh đã in trên VNQĐ, cũng được coi là những sáng tác thành công nhất của anh, thì tôi thấy một Tống Phước Bảo của miền Tây mênh mang sông nước hơn là một Tống Phước Bảo của Sài Gòn. Có thể lí giải điều này thế nào nhỉ?

Thật ra tôi vẫn thấy có một duyên may khi được cộng tác cùng Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Hồi mới bắt đầu viết, tôi hay nghĩ chẳng biết mình có thể in một truyện ngắn nào đó trên tờ tạp chí uy tín này không? Hầu hết các bạn viết thế hệ trẻ chúng tôi, việc xuất hiện trên một tạp chí có bề dày uy tín và chất lượng đó là một ước mơ. Cho tới bây giờ quả thật mỗi lần gởi một tác phẩm cho Văn nghệ Quân đội tôi đều rất hồi hộp. Và may mắn các truyện ngắn được in trên Tạp chí nhận được phản hồi tích cực từ độc giả. Phần lớn các truyện tôi in trên Văn nghệ Quân đội tôi chọn giọng văn miền Tây với nhiều phương ngữ “đặc sản” của vùng đất này. Có lẽ bởi do ảnh hưởng từ gia đình. Ngoại tôi gốc từ Svay Rieng của Campuchia chạy giặc về Đồng Tháp, rồi lại lên Sài Gòn. Nội tôi là người gốc Hoa dưới An Giang cũng theo thời cuộc mà lên Sài Gòn. Cho đến bây giờ, trong họ tộc hai bên vẫn giữ cách nói của người miền Tây. Chính điều này ảnh hưởng đến tôi khi viết. Bản thân tôi khi còn nhỏ hễ ba tháng hè thì, cũng như mấy anh chị em trong dòng họ, đều leo lên xe đò về quê trọn ba tháng với ông bà sau đó đến khi nhập học lại mới lên Sài Gòn. Cứ vậy cho đến lớn. Chính những kí ức đó tôi mang vào câu chữ mình. Thành ra một Tống Phước Bảo dẫu sinh ra lớn lên ở Sài Gòn hơn 30 năm nhưng cách viết và nói vẫn giữ được nét miền Tây.

Ngoài việc viết, Tống Phước Bảo cũng thường tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, thiếu may mắn ở Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn nhưng khi viết về nó anh lại cảm thấy lo lắng, “phải thật chậm, thật kĩ, và phải đợi đến lúc lòng mình hứng khởi nhất mới bắt đầu”, trong khi nhiều người khác là “khách trọ” lại có tâm thế thoải mái viết về Sài Gòn với những tình thương mến bởi Sài Gòn luôn rộng mở và bao dung với những ai gắn bó. Phải chăng gần quá, thương quá, nhưng cũng chưa dám nói là thuộc hết, nên anh chỉ dám chạm vào từ từ, nhè nhẹ…

Tôi có thói quen viết cái gì cũng chậm, cũng phải nghĩ kĩ, tìm kiếm và chắt lọc lại. Nên khi viết về Sài Gòn, tôi nghĩ đơn giản mình chỉ mới sống có hơn 30 năm với mảnh đất này, có người sống 70 hay 80 năm họ vẫn còn chưa thạo hết mọi thứ của Sài Gòn, nên mình cần viết một cách chậm nhất, nhẩn nha nhất để góp nhặt sao cho Sài Gòn của mình, của lăng kính một người trẻ, phải sinh động, chân thật và thời cuộc nhất. Chẳng thể ôm trọn Sài Gòn vào một cuốn sách, thì mình viết từ từ, cuốn này một khía cạnh, có thể cuốn sau lại một lát cắt khác. Với Sài Gòn, đôi khi có những thế hệ đàn anh đàn chị đi trước họ viết cả năm hay bảy cuốn mà vẫn cứ muốn viết hoài. Thiệt tình mà nói, Sài Gòn chẳng bao giờ hết chuyện để viết. Có chăng mình đủ lòng thương dành cho cái thành phố này hay không? Hoặc mình đủ sức truyền tải để từ trong suy nghĩ viết ra thành câu chữ mà vẫn trọn vẹn cảm xúc? Đó mới là điều cần thiết khi viết về Sài Gòn.

Nhìn theo hướng tích cực, dịch bệnh khiến mọi thứ thay đổi và một trong số đó là khiến cho người ta có cơ hội để “sống chậm”. Những ngày giãn cách xã hội có ý nghĩa thế nào với anh trong sống và viết?

Đúng là nhìn ở phương diện tích cực, cơn đại dịch này dạy chúng ta nhiều bài học. Như sự sống chậm ngay lúc này, giúp chúng ta biết lắng nghe lại cuộc sống mình, có thêm thời gian làm những điều mà bấy lâu vì bận rộn cơm áo gạo tiền chúng ta chẳng thể thực hiện. Hoặc nếu nghĩ cho riêng mình thì thời gian giãn cách này chúng ta cũng tự thưởng cho mình một quãng ngắn nghỉ ngơi. Với một người viết lách như tôi, thời gian này là thời điểm để đọc, viết và học. Tôi đọc từ những trang sách của các đàn anh đàn chị, những bạn bè của mình, đọc để giữ lửa văn chương trong mình. Đọc cũng là học, học những điều hay điều mới. Thậm chí tôi học từ những vụn vặt mình đọc trên mạng xã hội, được nghe bạn bè kể qua những tin nhắn hỏi thăm nhau mùa dịch. Học từ trên bàn ăn cơm của gia đình, khi các thế hệ ngồi cùng bàn ăn, điều tưởng bình thường nhưng lại hiếm có với lứa tuổi phải lao ra đường mỗi ngày cho cuộc mưu sinh. Tôi học từ những câu chuyện xưa của ba má, những câu chuyện hiện hữu của mấy đứa cháu đang tuổi học sinh. Sau đó thì tôi góp nhặt nó vào trang viết của mình. Có thể nói, thời gian này, nếu nghĩ tích cực chúng ta sẽ có những khắc giây đong đầy yêu thương bên gia đình, và với một người viết thì sẽ có nhiều chất liệu để sáng tác.

Tống Phước Bảo (phải) trong buổi nhận Giải Nhất cuộc thi "Thành phố tôi yêu" do Báo Thanh niên tổ chức năm 2020 cho tản văn "Sài Gòn, còn thương thì về!". Ảnh: FBNV

Gọi tên một vùng đất qua những trang viết cần phải có sự đồng hành, đủ trải và thấm với nó, đặc biệt là nhìn nhận, quan sát nó qua những thăng trầm, biến cố lịch sử. Và có thể nói những ngày này Sài Gòn đang trải qua một biến cố lớn. Nó có khiến anh nhận ra điều gì?

Thời khắc này của Sài Gòn sẽ là một trong những kí ức khó thể phai mờ của không chỉ riêng tôi mà những ai đang sinh sống trên mảnh đất này, hoặc những ai trót thương Sài Gòn. Từ trong những bão giông tôi thấy Sài Gòn thương còn không hết nữa! Tuyến đầu chống dịch có những bạn bè tôi xông pha tình nguyện. Có những bạn bè gom góp tiền của, sức lực, vận động người thân và xin tiếp tế nhiều nhu yếu phẩm từ các tỉnh để làm nên các phần quà từ thiện, các phần cơm miễn phí để chia sẻ lúc ngặt nghèo này đến với nhiều thành phần yếu thế, nhiều người nghèo bị ảnh hưởng của dịch. Có những người là dân Sài Gòn chính gốc, có những bạn chỉ là lưu dân tứ chiếng nhưng chọn ở lại với Sài Gòn. Họ chọn sự tận hiến giữa cơn nguy biến. Tất cả họ chẳng phân biệt vùng miền, chẳng câu nệ sang hèn, cứ chung lòng cho mảnh đất này. Tôi nhận ra một Sài Gòn tử tế hơn bao giờ hết. Một Sài Gòn ngoan cường cứ thương nhau mà sống.

Người ta thường cảm nhận đầy đủ về tình cảm của mình với một con người, một vùng đất (cho dù là nơi mình sinh ra và gắn bó) khi rời xa hoặc tạm rời xa nó. Anh có trải nghiệm cảm giác này trong mỗi dịp phải xa Sài Gòn?

Ai xa một mảnh đất mình thương quý lại không hề nhớ nhung hay thèm thuồng. Công việc của tôi đi nhiều, thậm chí có nhiều khi đôi ba tháng mới quay về Sài Gòn. Ví dụ có thời điểm tôi ở một xứ lạnh ngay mùa Giáng sinh, tôi nhớ Sài Gòn rộn ràng với đèn giăng xanh đỏ, nhớ đêm Noel mình hay tụ tập bạn bè rảo quanh các xóm đạo. Hoặc từng lang thang ở một đất nước xa lạ kiếm cho bằng được tô phở giữa đêm hiu hắt. Mới thèm Sài Gòn của mình, bất thình lình ra đường giờ nào cũng kiếm được món ăn. Sài Gòn không ngủ, bán buôn suốt đêm. Hay như cách đây vài năm, tôi đi nước ngoài hơn tuần lễ, ăn bánh mì của người ta mà nghĩ, trời ơi nó dở hơn bánh mì Sài Gòn; ăn cơm thịt nướng thì lại thèm dĩa cơm tấm thơm lừng mùi sườn của Sài Gòn. Việc đầu tiên tôi cùng mấy đồng nghiệp làm khi về đến sân bay là kéo thẳng vali ra một tiệm phở ăn cho đã cơn thèm. Tôi nghĩ đó cũng là tâm thế của những người thương Sài Gòn, nên mỗi bận xa Sài Gòn, luôn thao thiết mà tìm về. Thèm một món ngon cũng bởi vì mình thèm cái nếp ăn nết ở của xứ mình. Thành phố này là vậy đó, giản đơn, khi đã “ghiền” Sài Gòn rồi thì khó bỏ mảnh đất này mà đi đâu được.

Cám ơn anh đã chia sẻ!

Tống Phước Bảo sinh năm 1983 tại TP. Hồ Chí Minh. Dù công việc không liên quan đến văn chương nhưng anh vẫn dành thời gian cho việc viết và đều đặn in tác phẩm. Năm 2019 Tống Phước Bảo đã từng đoạt Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn “Một nửa làm đầy thế giới” do Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ tổ chức. Anh cũng đã giành được một số giải về tạp bút, trong đó có Giải Nhất cuộc thi “Thành phố tôi yêu” do Báo Thanh niên tổ chức năm 2020. Tống Phước Bảo cũng từng được nhận tặng thưởng Văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2020.

Tác phẩm đã xuất bản: Mình gọi nhau là Cưng (Tập truyện ngắn, Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2019); Cả một trời thương (Tập truyện ngắn, Nxb Văn hóa Văn nghệ, 2018); Les từng centimet - Đừng vội ghét khi chưa kịp thương (Tập truyện ngắn, Nxb Hội Nhà văn, 2020); và mới nhất là tập tản văn – truyện ngắn Sài Gòn, còn thương thì về!, Nxb Đà Nẵng cùng Timbook&Media phát hành năm 2021.

THIỆN NGUYỄN thực hiện