Thứ Hai, 23/05/2022 08:47

Trận không chiến đặc biệt

Trận đánh diễn ra trong vòng 1 phút 30 giây, biên đội đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ và cả hai số trong đội hình đều lập công... (Nguyễn Công Huy)

. NGUYỄN CÔNG HUY
 

Trong những tháng năm chống cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân Mỹ đánh phá ra miền Bắc Việt Nam, đã có rất nhiều trận chiến giữa Không quân nhân dân Việt Nam và Không quân, Hải quân Mĩ. Trận không chiến nào cũng đặc biệt, nhưng có lẽ đặc biệt hơn cả là trận không chiến xảy ra vào ngày 23 tháng 8 năm 1967 của biên đội Nguyễn Nhật Chiêu, Nguyễn Văn Cốc. Nó đặc biệt hơn các trận không chiến khác không chỉ trong thời gian không chiến mà còn ở chỗ sau trận không chiến nữa.

Một máy bay F-105 của Mĩ bị bắn rơi

Sự việc cụ thể diễn biến như sau:

Liên tục trong 3 ngày: 21, 22 và 23 tháng 8 năm 1967, Không quân và Hải quân Mĩ liên tục tổ chức những trận oanh kích đánh phá các mục tiêu xung quanh thành phố Hà Nội. Chúng sử dụng số lượng lớn máy bay đánh phá làm nhiều đợt. Mỗi đợt có trên 30 chiếc và có ngày đánh phá đến 3 đợt liên tục. Mặc dù thời gian này các biên đội MiG xuất kích chiến đấu không nhiều, nhưng để đề phòng, chúng vẫn áp dụng tỉ lệ máy bay tiêm kích đi yểm hộ khá cao: từ 2/5 cho đến 1/3 (tức là cứ 5 máy bay ném bom thì có 2 máy bay tiêm kích đi yểm hộ, hoặc 1 máy bay tiêm kích đi yểm hộ 3 máy bay ném bom). Mặc dù vậy, ngày 23 tháng 8 năm 1967 vẫn là “ngày đen tối” của Không quân và Hải quân Mĩ (như cách gọi của phía Mĩ) vì trong ngày này, Mĩ đã bị bắn hạ đến 7 chiếc máy bay, trong đó có 6 chiếc của Không quân và 1 chiếc của Hải quân.

Riêng với Không quân nhân dân Việt Nam, ngày 23 tháng 8 năm 1967 là ngày đánh dấu một giai đoạn mới trong việc đánh hiệp đồng giữa 3 Trung đoàn bay, sử dụng cả MiG-17, MiG-21 của ta và của cả bạn Triều Tiên dưới sự chỉ huy chung là Sở chỉ huy Không quân. Ngày này cũng là ngày đầu tiên MiG-21 sử dụng chiến thuật biên đội đồng thời công kích, mở ra một hướng phát triển mới trong việc hình thành chiến thuật của MiG-21.

Vào buổi chiều ngày 23 tháng 8 năm 1967, Không quân Mĩ sử dụng một đội hình lớn với lực lượng hơn 60 chiếc tham gia oanh kích. Đội hình này bao gồm 9 biên đội máy bay ném bom F-105 và 4 biên đội máy bay tiêm kích F-4. Chỉ huy đội hình là Đại tá Robin Old, một phi công Ace từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Toàn đội hình bay vào từ phía Sầm Nưa (Lào) qua Yên Bái, sau đó rẽ sang phía Tuyên Quang rồi bay men theo triền núi phía Đông Bắc của dãy Tam Đảo tiến vào đánh phá Hà Nội. Toàn bộ đội hình được màn nhiễu dày đặc với cường độ lớn che phủ đã gây khó khăn rất lớn cho lực lượng Phòng không của ta. Sở chỉ huy Không quân hạ quyết tâm sẽ tổ chức đánh hiệp đồng giữ các lực lượng MiG-17 và MiG-21 để bảo vệ Thủ đô. MiG-21 được giao nhiệm vụ đánh từ phía Thanh Sơn qua đường số 2 về đến sân bay Đa Phúc (nay là sân bay Nội Bài), MiG-17 nhận nhiệm vụ đánh từ phía Yên Viên, Bắc Ninh đến Đa Phúc, Trung Giã.

Lúc 14 giờ 40 phút, qua mạng tình báo xa, Sở chỉ huy Không quân biết có tốp mục tiêu đang ở phía Nam Sầm Nưa. Các biên đội ở tuyến trực ban chiến đấu lập tức được chuyển trạng thái vào cấp 1. Mười bốn phút sau, đội hình máy bay Mĩ đã bay vào sát biên giới. Các phi công Triều Tiên nhận lệnh mở máy, xuất kích chiến đấu. Hai phút sau, biên đội MiG-21 của NGuyễn Nhật Chiêu, Nguyễn Văn Cốc trực ban chiến đấu trên sân bay Đa Phúc cũng nhận lệnh xuất kích chiến đấu.

Sau khi cất cánh, biên đội được dẫn dắt bay về phía Tây ở độ cao thấp, rồi bật tăng lực kéo lên lấy độ cao 6.000 mét, vòng về hướng Bắc tiếp cận đội hình máy bay Mĩ. Số 1 Nguyễn Nhật Chiêu phát hiện mục tiêu với đội hình 40 chiếc có cả F-105 và F-4 bay ở độ cao thấp hơn.

Phán đoán đội hình máy bay Mĩ chưa phát hiện được MiG nên số 1 Nguyễn Nhật Chiêu ra lệnh vứt thùng dầu phụ vào công kích. Thấy thời cơ thuận lợi, số 1 lệnh cho số 2 Nguyễn Văn Cốc sẵn sàng cả hai đồng thời công kích để tăng hiệu quả chiến đấu.

Biên đội lao vào công kích. Bằng động tác nhanh chóng và chính xác, số 1 Nguyễn Nhật Chiêu bám theo chiếc máy bay Mĩ đang bay ở vị trí số 4, đưa nó vào vòng ngắm. Khi chiếc F-4 đã nằm trong vòng ngắm ổn định, đến cự li phóng, số 1 Nguyễn Nhật Chiêu ấn nút phóng tên lửa, hạ gục luôn chiếc này.

Số 2 Nguyễn Văn Cốc từ vị trí bay yểm trợ, thấy thời cơ thuận lợi liền lao lên bay gần như ngang hàng với số 1 và bám theo chiếc F-4 đang bay phía bên phải, nhanh chóng đưa nó vào vòng ngắm và ấn nút phóng tên lửa. Quả tên lửa không đối không rời khỏi bệ phóng, lao thẳng vào chiếc F-4, làm cho chiếc F-4 này bùng cháy và vỡ tan từng mảnh. Vì bắn ở cự li khá gần nên các mảnh vỡ của chiếc F-4 văng cả vào miệng hút khí của động cơ của máy bay MiG, làm hỏng chóp nón. Máy bay của số 2 Nguyễn Văn Cốc không thể bật tăng lực được nữa. Khi biên đội thoát li khỏi trận đánh, số 1 Nguyễn Nhật Chiêu nghe thấy số 2 báo cáo máy bay bị thương liền quay lại bay yểm hộ. Trong lúc vòng, số 1 Nguyễn Nhật Chiêu phát hiện được một tốp F-4 đang bay thẳng ngay trước máy bay mình. Thấy thời cơ quá thuận lợi, anh quyết định tăng tốc độ bám theo thằng bay số 2 ngoài cùng của biên đội, đưa nó vào vòng ngắm và khi ngắm đã ổn định, đến cự li phóng liền ấn nút phóng tên lửa. Quả tên lửa lao thẳng vào thằng này. Nó khựng lại rồi bốc cháy. Nguyễn Văn Cốc reo lên: “Lại cháy rồi!”. Cả biên đội nhanh chóng thoát li khỏi khu vực chiến đấu.

Trận đánh diễn ra trong vòng 1 phút 30 giây, biên đội đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ và cả hai số trong đội hình đều lập công. Trận đánh này là trận đánh đầu tiên đã thực hiện chiến thuật đồng thời công kích với hiệu quả cao nhất với MiG-21.

Nhiều năm sau chiến tranh, chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Nhật Chiêu tại nhà riêng của anh ở Nam Sách, Hải Dương. Sau những chuyện hàn huyên về thời cuộc, về nhân tình thế thái thì lại quay về đề tài chiến tranh, về những trận không chiến. Chúng tôi biết thêm về trận ngày 23 tháng 8 với những điều đặc biệt, nhất là phần cuối trận không chiến. Anh Nguyễn Nhật Chiêu kể: “Cuối trận không chiến này đã diễn ra một hiện tượng rất lạ lùng mà có lẽ trong lịch sử không chiến hiện đại không thấy xuất hiện. Đó là khi biên đội chúng tôi quay về hạ cánh, máy bay của Nguyễn Văn Cốc đã bị thương, hỏng chóp nón, không thể sử dụng bộ phận tăng lực được nữa, chỉ bay với tốc độ nhỏ thôi, dầu liệu lại sắp cạn kiệt. Trong khi đó, ở khu vực ngay đầu sân bay Đa Phúc thì bọn F-4 rồi cả F-105 bay gần như dày đặc. Chúng vẫn sử dụng cái bài săn lùng các máy bay ta khi phải về hạ cánh khẩn cấp trong những trường hợp bị thương hoặc cạn dầu liệu, không đủ sức giao chiến nữa. Thế thì máy bay của Nguyễn Văn Cốc sẽ là miếng mồi ngon cho bọn chúng còn gì. Khi bay đến vòng 3 của hàng tuyến, cả máy bay MiG và máy bay Mĩ bay rất gần nhau, có cảm tưởng như cùng bay chung trong một đội hình ấy. Các cậu có tưởng tượng được không, thậm chí còn có thể nhìn rõ số hiệu trên đuôi máy bay và khuôn mặt các phi công Mĩ trong buông lái cơ mà… Mọi người đứng dưới sân bay đều nín thở theo dõi tình hình. Số 2 Nguyễn Văn Cốc biết mình ở thế bất lợi nhưng cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cho trận đấu sống mái hoàn toàn không cân sức này. Nhưng mà rồi không hiểu sao, sau một vài vòng lượn như kiểu thăm dò, như kiểu các võ sĩ làm động tác se đài trước khi so găng ấy, các máy bay F-4 và F-105 của Mĩ lẳng lặng bỏ cuộc, bay đi, không bên nào tấn công bên nào cả. Cứ như là có phép lạ vậy. Thế là thế nào nhỉ? Nhiều năm trôi qua nhưng tôi vẫn cứ nghĩ về cái hiện tượng lạ lùng ấy. Điều gì đã xảy ra vào cái buổi chiều hôm, sau cái trận không chiến ấy?. Phải chăng bọn Mĩ sợ bị rơi vào cái bẫy ta đang giăng mà anh em chúng tôi là mồi nhử? Hay là chúng cũng chẳng còn vũ khí đạn dược gì nên chỉ vòng vòng để ra oai? Hay là đến lúc bấy giờ chúng bắt đầu thấy sợ “vía” phi công Việt Nam?... Chẳng thể nào phán đoán được, lí giải được. Chỉ biết đây là chuyện lạ hoàn toàn có thật đã xảy ra vào cuối trận không chiến buổi chiều ngày 23 tháng 8 năm 1967. Thế thôi”.

Đúng! Cũng khó hiểu thật!. Chỉ biết rằng, ngày hôm ấy là ngày đánh hiệp đồng của cả 3 Trung đoàn Không quân. Các máy bay MiG-21 và MiG-17 của 3 Trung đoàn cất cánh trong vòng 5 phút và 2 Trung đoàn Không quân tiêm kích của Việt Nam cùng Trung đoàn Không quân tiêm kích Triều Tiên đều lập chiến công, bắn hạ máy bay Mĩ, buộc các máy bay Mĩ phải từ bỏ nhiệm vụ ném bom khu vực Hà Nội.

Chiến tranh đã lùi xa nhiều năm. Những người tham gia trong trận không chiến ngày 23 tháng 8 năm 1967 cũng chẳng còn mấy. Anh Nguyễn Nhật Chiêu cũng đã mất, nhưng cái tình huống hi hữu, lạ lùng trong lịch sử không chiến xảy ra vào cuối trận đánh của buổi chiếu ngày 23 tháng 8 kia thì vẫn chẳng tìm thấy lời giải đáp. Chỉ biết rằng ngày ấy là một ngày đặc biệt với trận không chiến đặc biệt và những tình huống đặc biệt.

N.C.H