Thứ Sáu, 12/11/2021 00:18

Tri ân những giá trị quá khứ chính là nền tảng của tương lai

Nằm ở vị trí cửa ngõ Sài Gòn, Đồng Nai là mảnh đất có bề dày lịch sử trong công cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nằm ở vị trí cửa ngõ Sài Gòn, Đồng Nai là mảnh đất có bề dày lịch sử trong công cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đi cùng với chiến công hiển hách là những hi sinh mất mát vô cùng lớn lao. Chiến tranh đã qua, trong số những người con ưu tú trên mọi miền đất nước nằm lại ở mảnh đất này, còn không ít liệt sĩ chưa tìm được hài cốt… Nhân kỉ niệm 75 năm ngày truyền thống LLVT tỉnh (15/5/1946 - 15/5/2021), phóng viên Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Huỳnh Thanh Liêm - Chính ủy; Đại tá Vũ Văn Điền - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai về công việc vô cùng khó khăn nhưng rất đỗi nghĩa tình: Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ hi sinh trong chiến tranh…

Đại tá Huỳnh Thanh Liêm - Chính ủy Bộ CHQS tỉnh trao tiền ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid19

PV: Nhắc đến LLVT tỉnh Đồng Nai, người ta nghĩ ngay đến những địa danh Chiến khu Đ, Đặc công rừng Sác, Sân bay Biên Hòa, Tổng kho Long Bình… Đặc biệt là chiến công trong Đại thắng Mùa xuân năm 1975…

Đại tá Huỳnh Thanh Liêm: Đồng Nai có vị trí hết sức quan trọng, là địa bàn cửa ngõ của thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ. Trong thời kì kháng chiến là hành lang chiến lược bảo vệ căn cứ Trung ương cục miền Nam nên luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, gian khổ. Thời kì chống Mĩ, đối phương đã tổ chức xây dựng Đồng Nai thành tuyến phòng thủ phía Đông của thủ phủ ngụy quyền Sài Gòn - trung tâm đầu não đánh phá cách mạng ở miền Đông Nam Bộ, với những cơ quan chỉ huy, căn cứ quân sự, kho tàng lớn. Ngay chỗ chúng ta đang ngồi đây, vốn là sở chỉ huy của Quân đoàn 3 ngụy quyền với biên chế bao gồm cả Hải - Lục - Không quân.

B3-5 giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn huyện Định Quán

Đại tá Vũ Văn Điền: Trong các năm từ 1968 đến 1975, đặc công Biên Hòa đã nhiều lần đánh vào Tổng kho Long Bình, phá hủy hàng vạn tấn bom đạn, phương tiện chiến tranh, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm lính Mĩ. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975, Biên Hòa là chiến trường nóng bỏng. Xuân Lộc được địch xây dựng thành “cánh cửa thép” án ngữ hướng Đông Bắc Sài Gòn. Sau 21 ngày đêm chiến đấu, với tinh thần quyết chiến quyết thắng, LLVT Biên Hòa cùng nhân dân và bộ đội chủ lực đã mở toang “cánh cửa thép” Xuân Lộc để đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

Với những chiến công và thành tích lập được trong suốt 75 năm, LLVT tỉnh vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân; 01 Huân chương Hồ Chí Minh, 01 Huân chương Quân công hạng nhất, 01 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác cho các tập thể và cá nhân.

PV: Mảnh đất Đồng Nai quả thực vô cùng anh dũng. Nhưng cùng với đó là những gian lao, đau thương mất mát vô bờ…

Đại tá Huỳnh Thanh Liêm: Đồng Nai là một trong những vùng trọng điểm ác liệt trong các cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập nên có hàng ngàn liệt sĩ hi sinh trên khắp các địa bàn. Bằng cả tấm lòng tri ân, trân trọng quá khứ, tinh thần trách nhiệm với liệt sĩ, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đưa về các Nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Việc làm này vừa thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm và lòng thành kính, mong mỏi của các cấp, ngành cùng gia đình liệt sĩ. Trong những năm 2016-2020, Ban chỉ đạo 1237 tỉnh (nay là Ban chỉ đạo 515) đã tổ chức nhiều đợt tìm kiếm có kết quả, trong đó tìm được mộ liệt sĩ tập thể hi sinh trong Tết Mậu Thân 1968 tại sân bay Biên Hòa. Đặc biệt từ năm 2018 đến nay, các lực lượng chức năng đã tìm được mộ tập thể gồm 13 hài cốt liệt sĩ tại xã Bàu Cạn (Long Thành), 9 hài cốt liệt sĩ tại xã Phú An (Tân Phú) cùng một số mộ lẻ ở các địa bàn trong tỉnh.

Huấn luyện phương án chiến đấu bảo vệ cơ quan

PV: Đồng chí có thể cho biết cụ thể hơn xung quanh việc tìm kiếm mộ tập thể liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa?

Đại tá Vũ Văn Điền: Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, Sư 5 và Tiểu đoàn đặc công U1 Biên Hòa mở đợt tấn công vào sân bay Biên Hòa. Dù chiến đấu hết sức anh dũng, nhưng vì những lí do khác nhau, đơn vị phải rút về căn cứ. Sau khi hòa bình lập lại, xác định các liệt sĩ vẫn còn nằm lại trong sân bay, nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, BCHQS tỉnh luôn đau đáu nhưng không thể nào xác định được vị trí vì sân bay quá rộng.

Tháng 10/2016, Bộ chỉ huy Quân sự Đồng Nai nhận được cuộc điện thoại của Đại tá Trần Khương, Chính ủy Sư đoàn 302 đề nghị liên lạc với anh Nguyễn Xuân Thắng, kiến trúc sư ở TP.Hồ Chí Minh, người đã sưu tầm bức không ảnh về các hố chôn liệt sĩ ở sân bay Biên Hòa năm 1968.

Trong cuộc gặp sau đó, anh Thắng cho biết, mình sưu tầm bức ảnh này hơn 10 năm trước và đã chia sẻ lên một trang mạng. Khoảng đầu tháng 10/2016, có một bình luận liên quan của một người Mĩ tên Bob Connor. Nhờ một cựu chiến binh giỏi tiếng Anh liên lạc mới biết, ông Bob Connor vốn là Trung sĩ cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Biên Hòa đã chứng kiến trận đánh đó và biết khu vực hố chôn nhưng không có mặt khi chôn các liệt sĩ. Ông Bob giới thiệu ông Martin E.Strones, nguyên Đại tá phụ trách quốc phòng, từng chỉ huy bay ở sân bay Biên Hòa. Liên lạc, ông Martin hứa sẽ sang chỉ vị trí hố chôn các liệt sĩ.

Ngày 17/3/2017, theo thư mời của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, 2 cựu binh Mĩ có mặt tại Biên Hòa để hỗ trợ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ tại sân bay Biên Hòa do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai tổ chức, diễn ra từ 8h ngày 18/3 đến 17h ngày 17/5 với diện tích tìm kiếm khoảng 3,5ha. Vào 10h20 ngày 13/4/2017, hố chôn tập thể liệt sĩ đã được tìm thấy tại khu vực vườn tràm trên hướng Đông sân bay Biên Hòa. Quá trình khai quật, nhiều phần hài cốt (xương ống tay, xương sườn, xương sọ, răng và nhiều xương mục vụn…) và di vật liệt sĩ gồm có một cặp nhẫn làm bằng vỏ đạn, bi-đông đựng nước, dép rọ bằng nhựa bị cháy một phần, tấm tăng bị cháy, các mặt dây thắt lưng, bật lửa, quai dép râu đã được tìm thấy. Do chôn cất quá lâu (gần 50 năm) nên xương cốt liệt sĩ gần như phân hủy mục nát thành đất, lẫn lộn vào nhau, không thể xác định được số lượng và không thể sắp xếp theo từng bộ. Tỉnh Đồng Nai đã tổ chức an táng vào một ngôi mộ chung tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh và khắc tên liệt sĩ vào bia chung để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Phối hợp làm công tác dân vận giúp dân làm đường tại xã Hiệp Hòa, Biên Hòa

PV: Trong lần tổ chức trại viết Văn học của Tạp chí VNQĐ tại Đồng Nai gần đây, các nhà văn có ghé thăm nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ trong trận đánh Chốt Vườn Điều, tại xã Long Thọ, Nhơn Trạch. Ai cũng xúc động khi đọc được những dòng chữ: “Nơi đây, lúc 21 giờ ngày 20 tháng 12 năm 1967, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, Sư đoàn bộ binh 5, cùng với lực lượng Đại đội 240 địa phương tổ chức đánh trận trực diện vào một tiểu đoàn Mãng Xà Vương Thái Lan, có cơ giới và cố vấn Mĩ. Trận đánh diễn ra một đêm. Về phía ta, hơn 80 đồng chí hi sinh và bị địch bắt do bị thương…”

Đại tá Huỳnh Thanh Liêm: Câu chuyện tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở “Chốt Vườn Điều” là một minh chứng nữa về quyết tâm của Đảng bộ, nhân dân và LLVT tỉnh Đồng Nai trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Khi xác định được thông tin, từ năm 2012 đến 2014, hàng chục hécta đất tại Chốt Vườn Điều năm xưa đã được lực lượng tìm kiếm hài cốt của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đào xới với sự tình nguyện của người dân. Trong quá trình tìm kiếm, các thông tin từ nhiều nguồn về hố chôn tập thể các chiến sĩ hi sinh trong trận đánh “Chốt Vườn Điều” năm xưa dần được hé lộ và xác minh, trong đó có sự giúp đỡ của chị phó giám đốc người Việt tên Thanh chơi thân với giám đốc người Thái Lan của một tập đoàn Thái Lan đầu tư tại Đồng Nai có nhiều thông tin từ các cựu chiến binh Thái Lan trực tiếp tham gia trận đánh vườn điều. Cũng phải rất khó khăn, cuối cùng lãnh đạo tỉnh và Bộ chỉ huy đã mời được hai cựu binh Thái Lan, những người trực tiếp chôn bộ đội ta sang chỉ vị trí. Sau hơn 3 năm, những nỗ lực cuối cùng đã được đền đáp. Hài cốt các liệt sĩ được đưa về nghĩa trang Nhơn Trạch…

PV: Đồng Nai là vùng đất công nghiệp phát triển năng động, nơi sinh sống, lập nghiệp của rất nhiều người dân ở các tỉnh thành trên cả nước và có đến gần 2/3 người dân theo đạo với 32 dân tộc anh em. Dù địa bàn phức tạp, nhưng qua tìm hiểu, chúng tôi được biết LLVT tỉnh có rất nhiều mô hình khá hiệu quả bảo đảm Quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội như: Xây dựng Trung đội dân quân thường trực khu công nghiệp; Dân vận khéo trong đồng bào có đạo; LLVT chung sức xây dựng nông thôn mới; rồi kinh nghiệm tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ… Nhưng vì khuôn khổ bài viết nên không thể nêu hết ra đây được. Hi vọng dịp khác chúng ta trở lại vấn đề này.

Trân trọng cảm ơn đồng chí Chỉ huy trưởng và Chính ủy về cuộc trò chuyện thú vị này!