Thứ Hai, 10/06/2019 09:28

Trí thức hay tinh thần công chính

Trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số 913 (cuối tháng 3/2019) có bài viết Trí thức hay ngụy thức của tác giả Lý Ái Châu nêu lên thực trạng đang tồn tại một bộ phận “ngụy thức” - những kẻ nhân danh trí thức...

.THANH ĐÔ

Trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số 913 (cuối tháng 3/2019) có bài viết Trí thức hay ngụy thức của tác giả Lý Ái Châu nêu lên thực trạng đang tồn tại một bộ phận “ngụy thức” - những kẻ nhân danh trí thức lớn tiếng phê phán, miệt thị, phủ nhận các giá trị lịch sử - xã hội, cá nhân, tập thể, gây tâm lí tiêu cực trong cộng đồng. Chúng tôi cho rằng, bài viết đã bước đầu nhận diện bộ phận ngụy thức, nêu lên những biểu hiện cực đoan, đáng phê phán của họ. Tuy nhiên, một vấn đề đồng thời được đặt ra là: Trước sự lộng hành của ngụy thức, người trí thức mang tinh thần công chính đang ở đâu, làm gì?
Trước những luận điệu của bộ phận ngụy thức, người trí thức công minh chính trực đã làm gì? Có thể nói rằng: phần đông họ im lặng! Tại sao nhiều trí thức chân chính lại im lặng trước các biểu hiện tiêu cực của thời thế, xã hội? Có cái im lặng là khinh bỉ, không chấp, nhưng có sự im lặng vô hình trung lại là đồng tình. Ở khía cạnh khác, thái độ vô can cũng nói lên tâm lí cầu an của một số trí thức. Trí thức chân chính phải phát huy tri thức của mình trong phản biện xã hội, trong đó có việc phản biện chính những tiếng nói chưa đúng, những diễn ngôn gây tiêu cực trong đời sống, nhưng, sự im lặng đã biến trí thức thành “trí ngủ”. Né tránh việc can dự một cách tích cực vào thực tại xã hội biến trí thức - lực lượng tiên phong thành lực lượng yếm thế, bàng quan. Sự im lặng đồng nghĩa với việc tiếp tay cho cái xấu, cái ác, cái tiêu cực nảy nở trong đời sống. Người trí thức sở đắc tri thức cần phát huy vai trò của mình trong việc vận dụng tri thức, tác động đến xã hội theo hướng tích cực. Theo nghĩa đó, việc lên tiếng phê phán những kẻ ngụy thức chính là việc “cần làm ngay” để minh định nội hàm khái niệm trí thức, chính danh hóa trí thức, xây dựng nền công chính, thanh lọc và qua đó định hướng xã hội đến các giá trị nhân văn cao cả và tốt đẹp. Một ví dụ khá điển hình đang xuất hiện trong đời sống là nhiều kẻ mang danh trí thức phê phán thành tựu của công cuộc đổi mới, xem đó là nửa vời, là đổi mới một cách hình thức… Người trí thức chân chính cần lên tiếng bằng sự hiểu biết của mình để chỉ ra những thành tựu quan trọng mà nhân dân ta có được từ khi đổi mới. Lên tiếng để chống lại các luận điệu xuyên tạc, hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh, chống lại quan điểm giải thiêng các lãnh tụ và anh hùng dân tộc. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, lên tiếng phản biện xu hướng vận dụng các quan điểm, lí thuyết tân lịch sử, hậu hiện đại, giải cấu trúc theo hướng tiêu cực hay sống sít, lai căng. Sự lên tiếng ấy thể hiện tư cách của trí thức chân chính, trí thức nhập cuộc. Không cần phải viện dẫn quá nhiều về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một cuộc đời vĩ đại, chỉ cần hình dung rằng, ở thời điểm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành 21 tuổi đã xuống tàu vượt đại dương tìm đường giải phóng dân tộc, điều đó thể hiện ý thức, tinh thần nhập cuộc một cách quyết liệt của người trí thức trẻ tuổi. Sự lựa chọn từ Nguyễn Sinh Cung đến Nguyễn Tất Thành và con đường trở thành Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh là bằng chứng không thể hùng hồn hơn cho vai trò, trách nhiệm của người trí thức trước thời cuộc, trước nhân dân. Trong bối cảnh dân tộc đắm chìm trong tăm tối, khủng hoảng về đường lối cứu nước, những nhân cách như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc,… thực sự đã làm sáng lên hình ảnh trí thức dấn thân cho vận mệnh dân tộc những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Cuộc đời của họ trở thành bài học lớn trong lịch sử, thành biểu tượng cao đẹp về người trí thức mà không phải ai cũng có đủ tư cách, tầm vóc để đánh giá, chưa nói là phê phán…
Xét trên bình diện cấu trúc sinh thành, một cá nhân cùng với quá trình trở thành trí thức luôn ẩn chứa khát vọng tiến vào trung tâm, trở thành một giá trị, một lực lượng để phát huy vai trò xã hội của mình. Trung tâm ở đây được hiểu là khái niệm bao hàm cả quyền lực thể chế hành chính và quyền lực tri thức. Vậy, vấn đề đặt ra là những trí thức đang ở trung tâm của quyền lực tri thức, hành chính đã làm gì? Để không biến phản biện xã hội thành bạo loạn xã hội, không biến văn minh hóa thành thực dân hóa, người trí thức trước tiên tự khai minh, sau nữa phải phê phán những biểu hiện tiêu cực trong cộng đồng trí thức. Phản biện sự phản biện, phê phán sự phê phán có tính chất tiêu cực là một trách nhiệm của trí thức công chính. Trong trường hợp này, im lặng chính là tiếp tay cho cái xấu, cái ác, cái sai lầm, tiêu cực ngày càng “phì đại” (hiper - thuật ngữ của Jean Baudrillard). Điều quan trọng nữa, đối tượng ngụy thức đang làm cộng đồng hiểu sai bản chất, vai trò của trí thức và làm xấu đi hình ảnh của trí thức trong đời sống và trong lịch sử. Sự lớn tiếng, ồn ào một cách không cần thiết, sự thiếu cẩn trọng trong phát ngôn, trong các hành vi can dự, sự thiếu hiểu biết nhưng lại nhiệt tình phê phán đã tạo nên ảnh hưởng tiêu cực trong xã hội. Ở đây cần phân biệt rõ, trí thức chân chính khác với ngụy thức, với những “anh hùng bàn phím” đang ngày càng hiện diện một cách rất đáng ngại trong đời sống tinh thần của chúng ta.
Xu hướng cấp tiến ngụy tạo và ảo tưởng sức mạnh đã biến một số người (tự xem là trí thức) thành lực lượng đối lập với trí thức chân chính. Sự ồn ào và “tính nước đôi”(1) của họ cần phải được phê phán nghiêm túc bởi về mặt bản chất, đó là hành vi duy ý chí nhằm hướng đến những ích lợi cá nhân, thay vì hỗ trợ được cộng đồng một cách thực chất. Trong một nghiên cứu khá thú vị về trí thức thời đại toàn cầu, tiến sĩ Phạm Phương Chi (Đại học Quốc gia California, Hoa Kì) bày tỏ: “Người trí thức cần phải vượt qua quyền lợi và sự tiện lợi cá nhân, nghĩ cho quyền lợi và sự tiện lợi của số đông nhân dân và hơn hết là nghĩ cho sự văn minh, sự bền vững và sự tự chủ về lâu dài của quốc gia - dân tộc mình”(2). Chúng tôi tán thành quan điểm của tác giả trong bài viết. Từ quan điểm này, có thể thấy việc những trí thức có tầm lựa chọn cách thế né tránh thời cuộc phần nào nói lên tâm lí vị thân, vị kỉ của họ. Ở đây, chúng ta chợt nhớ đến những câu thơ tha thiết của Thanh Thảo: Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình (Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi đất nước (Những người đi tới biển). Những người con đã dâng hiến tuổi hai mươi cho Tổ quốc, những cuộc đời đã tạc vào sông núi, đã hóa thân cho dáng hình xứ sở,… đặt ra sự truy vấn đầy nghiêm khắc đối với thái độ lặng im, bàng quan, lảng tránh của chúng ta. Cái xấu, cái ác, cái vô lương và sự trá ngụy vẫn len lỏi, bành trướng trong đời sống ngầm lên án sự thờ ơ của người trí thức công chính, tố cáo họ vô tâm trước vận mệnh quốc gia, dân tộc, trước các giá trị nhân văn cốt lõi.
Lựa chọn sự im lặng, những trí thức chân chính đã đi ngược lại hành trình trở thành trí thức của mình. Mẫu hình nhà nho ẩn dật thuở xưa có thể thấy thấp thoáng trong một vài trường hợp ở trí thức ngày nay. Việc đi sâu vào những nghiên cứu hàn lâm, những chuyên ngành hẹp hay những vấn đề lịch sử xa xôi không phải không hàm chứa ý niệm lảng tránh của người trí thức (lánh đời để giữ gìn tiết tháo, nhân phẩm). Một số trường hợp, người trí thức vì lo ngại những hệ lụy từ việc lên tiếng đã lựa chọn im lặng. Họ ẩn dật giữa cuộc đời đầy biến động, ẩn dật trong chính chuyên môn của mình. Dĩ nhiên, lĩnh vực chuyên ngành nào cũng cần nghiên cứu, cần chuyên gia và trí thức bậc cao, nhưng việc ẩn náu trong “tháp ngà” khoa học trong khi xã hội bên ngoài đang nổi lên nhiều vấn đề nóng bỏng không sao ngăn được trong chúng ta ý nghĩ về một sự thờ ơ, một sự chối từ can dự vào xã hội của người trí thức. Nó giống như một sự thoái thác trách nhiệm công dân. Trong khi bộ phận ngụy thức vẫn không ngừng lớn tiếng phê phán, miệt thị, phủ nhận, xuyên tạc, hạ bệ các giá trị, thần tượng, những người trí thức chân chính lại im lặng. Đó là sự thất bại của tinh thần công chính, là sự suy giảm của ý thức dấn thân, nhập cuộc. Cũng từ đó, tiến bộ xã hội bị trì hoãn, ngáng trở hay kéo chậm lại.
Trí thức công chính không thể thoái thác trách nhiệm xã hội của mình, càng không thể “đắp tai cài trốc”, “trùm chăn” trước thời cuộc. Ở đây sự im lặng liên quan đến vấn đề đạo đức, lương tâm của người trí thức. Im lặng, nghĩa tiêu cực của nó là sự thoái vị, sự tán đồng những hiện diện tiêu cực gây nên từ bộ phận ngụy thức. Paul Baran, một nhà kinh tế học người Mĩ theo chủ nghĩa Marx đã nhấn mạnh: “Nếu chúng ta theo gương kẻ “thoái thác trách nhiệm”, những người chủ trương “trung lập đạo đức” chỉ quan tâm đến phần việc riêng của mình, thì chính chúng ta sẽ ngăn cản tầng lớp này của xã hội - lớp người có (hay đáng lẽ phải có) những kiến thức và học thức phong phú đầy đủ nhất, nhiều khả năng khám phá và hấp thụ kinh nghiệm lịch sử nhất - trong việc cung cấp cho xã hội một phương hướng nhân bản cùng sự lãnh đạo sáng suốt có thể thu góp ở mỗi ngã tư của cuộc hành trình lịch sử”(3). Nói như thế, nghĩa là người trí thức công chính phải can đảm dấn thân để cất lên tiếng nói lương tri của xã hội, của thời đại.
Phản biện xã hội một cách văn minh, có tri thức và tâm huyết là việc làm cần thiết của người trí thức công chính. Hàng ngày, trên một số diễn đàn, mạng xã hội, bắt gặp những bình luận về một chủ đề nào đó, chúng ta cảm thấy rất khó chịu, thậm chí “chướng tai gai mắt” khi một số facebook cá nhân sử dụng nhiều lời lẽ thô tục, chợ búa, thiếu văn hóa, những cách nói hoàn toàn không phải của người trí thức. Chưa nói việc họ phủ nhận sạch trơn, xuyên tạc, hạ bệ các tượng đài giá trị, ngay cách sử dụng từ ngữ, lí lẽ, dẫn chứng đã nói lên cái “tâm” và “tầm” của những kẻ ngụy thức này đang ở thang bậc nào. Một điều ai cũng hiểu, đó là, không thể sử dụng những lời lẽ chợ búa, xô bồ, những phản biện thiếu văn hóa, thiếu tri thức ấy để tấn công các giá trị. Bởi lẽ, như thế là không tương xứng về mặt tư cách, đạo đức cũng như vị thế phát ngôn. Có lẽ, một trong những nguyên do khiến nhiều trí thức không lên tiếng chính là họ không muốn “dây vào”, không muốn dính dáng đến những kẻ nhạo báng thiếu văn hóa, thiếu tri thức ấy. Ta hiểu ứng xử ấy xuất phát từ cốt cách của người trí thức không muốn đánh đồng mình với những ngụy tạo. Nhưng, dầu sao, lòng can đảm và ý thức dấn thân cho những ích lợi thuộc về văn minh, văn hóa, tiến bộ của quốc gia - dân tộc và tinh thần công chính vẫn đòi hỏi một lần đối mặt của người trí thức.
Trí thức là chủ thể của các hoạt động tri thức, là hạt nhân quan trọng hàng đầu cho các nỗ lực hướng đến cộng đồng khai sáng, văn minh và tiến bộ. Sự im lặng tiêu cực của một bộ phận trí thức là thực trạng có thật, nó phản ánh thái độ và sự ứng xử của họ trước những nhố nhăng, trá ngụy của đời sống, gây ra bởi những kẻ ngụy thức. Người trí thức mang tinh thần công chính luôn khao khát chân lí và mong muốn kiến tạo các giá trị tốt đẹp cho xã hội. Bởi vậy, đặt ra vấn đề sự phì đại của ngụy thức và thái độ thờ ơ, bàng quan, lảng tránh của một bộ phận trí thức, chúng ta mong đợi và đòi hỏi hơn ở lương tri, lương năng của từng cá nhân và cộng đồng trí thức

T.Đ


--------
1. Lý Ái Châu, Trí thức hay ngụy thức?, tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 913, tháng 3/2019.
2. Phạm Phương Chi, Người trí thức trong thời đại toàn cầu, http://phebinhvanhoc.com.vn.
3. P. Baran, Thế nào là người trí thức, Phạm Trọng Luật dịch, http://bookhunterclub.com.