Thứ Tư, 06/11/2019 10:28

Triển lãm nhìn vào lịch sử ngành xuất bản hiện đại ở Hàn Quốc

Bảo tàng xuất bản Samseong ở trung tâm Seoul, Hàn Quốc đang diễn ra chương trình triển lãm với tên gọi “Xuất bản sách – lịch sử 100 ngành xuất bản hiện đại Hàn Quốc”.

Bảo tàng xuất bản Samseong ở trung tâm Seoul, Hàn Quốc đang diễn ra chương trình triển lãm với tên gọi “Xuất bản sách – lịch sử 100 ngành xuất bản hiện đại Hàn Quốc”.

Một góc trưng bày của triển lãm.

Kim Jong-gyu, người sáng lập Bảo tàng xuất bản Samseong, Chủ tịch Hiệp hội Bảo tàng Hàn Quốc nhận định: “Lịch sử xuất bản là lịch sử của các nhà xuất bản tại Hàn Quốc. Chúng tôi đã in sách và tạo ra một ngành xuất bản duy trì liên tục, bất chấp những điều kiện và thời kì khó khăn như khi Hàn Quốc bị sáp nhập một phần vào Nhật Bản, hay sự kiểm duyệt khắt khe của chính phủ. Triển lãm được tổ chức với mục đích cung cấp cho độc giả và những người quan tâm đến lĩnh vực xuất bản về lịch sử của ngành xuất bản hiện đại ở Hàn Quốc đã trải qua không ít thăng trầm”.

Kim Jong-gyu vốn là người tiếp quản công ti gia đình Samseong Publishing và điều hành nó thành công. Hiện nay, Kim là một “ông lớn” của ngành xuất bản. 100.000 tác phẩm trích từ bộ sưu tập cá nhân của Kim sẽ được sử dụng trong Bảo tàng lần này.

Ngoài ra, triển lãm còn trưng bày 110 ấn phẩm quý hiếm từ 37 nhà xuất bản, từ các cuốn sách của nhà xuất bản Hoedongseogwan được thành lập năm 1897, đến những nhà xuất bản Hangilsa, được thành lập năm 1976.

Ngành xuất bản hiện đại của Hàn Quốc được phân chia thành ba giai đoạn, và các tác phẩm trưng bày tại triển lãm sẽ phân chia làm ba khu vực tương ứng với ba giai đoạn đó.

Giai đoạn đầu tiên (bắt đầu từ năm 1883 đến năm 1945): Đây là khoảng thời gian mà triều đại Joseon thành lập Bangmunguk hay còn gọi là Văn phòng Thông tin và Văn hóa Hàn Quốc. Từ đó, tờ báo đầu tiên xuất bản ngày 31/10/1883 với tên Hanseong sunbo, cùng với đó là sự xuất hiện các loại máy in kiểu phương Tây.

Tác phẩm trưng bày nổi bật ở giai đoạn này là ấn bản thứ năm của Mujeong (tựa Anh: Heartlessness: Sự vô tâm) của Yi Kwang-su (1892―1950). Mujeong được coi là tiểu thuyết hư cấu hiện đại đầu tiên ở Hàn Quốc, đã đăng trên tạp chí Maeil Sinbo và được nhà xuất bản tư nhân hiện đại đầu tiên của Hàn Quốc Sinmungwan phát hành năm 1918. Sau đó, Mujeong liên tiếp được tái bản bởi một số công ti in ấn và xuất bản, cho đến ấn bản thứ chín của Nhà xuất bản Bakmun phát hành năm 1953.

Ấn bản quý hiếm Mujeong  của Yi Kwang-su.

Giai đoạn thứ hai (từ năm 1945 – 1960): Sau khi được giải phóng khỏi Nhật Bản, nhiều công ti xuất bản tại Hàn Quốc được thành lập bởi khát vọng bùng nổ về kiến thức sau nhiều năm có chiến tranh. Cụ thể, các nhà xuất bản nổi tiếng của Hàn Quốc như Nhà xuất bản Hyeonamsa và Nhà xuất bản Hyundae Munhak, thành lập vào những năm 1950. Từ những năm 1960 trở đi, ngành xuất bản Hàn Quốc phát triển khá cân bằng, ổn định, bởi trong bối cảnh kinh tế, xã hội của đất nước tăng trưởng nhanh chóng thì sự lan truyền kiến thức là điều quan trọng và thiết yếu.

Nhà phê bình văn học Pyo Jeong-hun nói: “Sau khi Hàn Quốc giải phóng vào ngày 15 tháng 8 năm 1945, các nhà xuất bản tại Hàn Quốc đăng kí giấy phép với chính phủ để thành lập. Tuy vậy, giai đoạn này giấy rất hiếm nên được ưu tiên để in sách giáo khoa và báo chí.”

Tiểu thuyết Madame Freedom của Jeong Bi-seok.

Nhà phê bình Pyo Jeong-hun cho rằng, tiểu thuyết Madame Freedom của Jeong Bi-seok là cuốn sách bán chạy nhất của Hàn Quốc của thời kì này. Ngoài ra, cuốn Chunwon Seogan Munbeom của Chunwon Yi Gwang-su cũng là một tác phẩm nổi bật của những năm 1950.

Giai đoạn thứ ba (từ 1960 đến nay): ngành xuất bản Hàn Quốc phát triển hiện đại, đa dạng về số lượng và chất lượng, với những tác phẩm sách giáo khoa, báo chí, sách văn học và các lĩnh vực khác…

Tuyển tập truyện ngắn Hàn Quốc của Nhà xuất bản Samseong phát hành năm 1965.

Triển lãm mở cửa từ ngày 1/11 đến ngày 10/12/2019, vào cửa miễn phí.

BÌNH NGUYÊN theo Koreatimes