Thứ Sáu, 03/12/2021 19:43

Triển lãm nhóm "Anh em": Những con đường sáng tạo

Dù có vẽ chất liệu gì thì điều họ đau đáu vẫn là làm thế nào để khắc hoạ được bức tranh đời sống, xã hội Việt đương đại.

 Nhóm Anh em gồm 6 hoạ sĩ cùng xuất thân từ Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội gồm: Vũ Thái Bình, Lê Thanh Bình, Nguyễn Cao Hoàng, Nguyễn Ngọc Tuấn, Cấn Mạnh Tưởng và Lê Thế Anh vừa khai mạc triển lãm tranh mang tên nhóm. Triễn lãm đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Gắn kết với nhau từ ngôi trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, ra trường hoạt động nghệ thuật, các hoạ sĩ đã lập nên nhóm Anh em và đây là lần đầu tiên nhóm làm triển lãm. Sáu hoạ sĩ là sáu cá tính, sáu cách đặt vấn đề khác nhau, nhưng họ gặp nhau ở tình yêu, đam mê dành cho hội hoạ.

Các hoạ sĩ nhóm "Anh em" tại buổi khai mạc triển lãm.

Tại buổi khai mạc triển lãm, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: Nghệ thuật Việt Nam vẫn tin tưởng hi vọng vào sự bình yên và những vẻ đẹp giản dị dù chúng ta có đang trong biến cố. Triển lãm này như một hoà điệu tạo ra sự ấm áp, cảm động bởi những tình cảm mà các hoạ sĩ sẻ chia trong từng tác phẩm. Dù có vẽ chất liệu gì thì điều họ đau đáu vẫn là làm thế nào để khắc hoạ được bức tranh đời sống, xã hội Việt đương đại. Họ bận tâm với những nét đẹp của người Việt mới, mỗi cách thể hiện khác nhau đều ẩn cất những thông điệp, những câu chuyện. Con đường sáng tạo của họ góp phần khẳng định chính họ là những người quyết định bức tranh toàn cảnh mới của nền mĩ thuật Việt Nam trong thập niên thứ ba của thế kỉ này.

Tác phẩm của hoạ sĩ Vũ Thái Bình.

Từng trăn trở với nhiều đề tài và chất liệu trước khi đến với giấy dó, hoạ sĩ Vũ Thái Bình đã tạo dấu ấn và khẳng định được mình ở chất liệu này. Anh vẽ những đề tài giản dị, những thứ mà sự vô tâm dễ khiến người ta quên đi vẻ đẹp thuần khiết của chúng để rồi qua lăng kính hội hoạ của mình, Vũ Thái Bình làm bừng sáng lên những không gian, những giá trị sống. Bằng kĩ thuật màu nước trên giấy dó thành thục đến mức tự nhiên, anh khiến cho mỗi đề tài dù tĩnh vật hay phong cảnh, trừu tượng hay con người đều trở nên mực thước, sang trọng và đầy tình cảm.

Tác phẩm của hoạ sĩ Lê Thanh Bình.

Hoạ sĩ Lê Thanh Bình, anh tìm đến hội hoạ sau nhiều năm làm thiết kế, biên tập truyền hình, báo chí... Qua hội hoạ anh thoả sức thể hiện những quan điểm, suy tư của mình thông qua những tác phẩm có kích thước lớn. Tranh anh có sự kết hợp nhuần nhuyễn của kĩ thuật sơn dầu cổ điển, của cách diễn đạt vấn đề rất phương Tây với những đề tài đậm chất phương Đông. Những không gian lớn được Lê Thanh Bình bung toả đến mức choáng ngợp bên cạnh những đối tượng thân thuộc, có tính nhỏ nhoi. Hội hoạ của Lê Thanh Bình là sự trọn vẹn của vẻ đẹp hình thức và tính sâu sắc của nội dung.

Tác Phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Cao Hoàng.

Những bức tranh sơn dầu cổ điển của hoạ sĩ Nguyễn Cao Hoàng lại mang đầy tính chiêm nghiệm với kích thước nhỏ và trung bình. Ở kích thước này, hoạ sĩ có dịp phô bày một cách triệt để kĩ thuật sơn dầu điêu luyện của mình. Anh vẽ thận trọng, chỉn chu, thấu đáo... từng lớp sơn một. Với anh, mỗi lớp sơn dầu là khám phá đến mức tinh luyện để rồi khi hoàn thành, tác phẩm của anh trở nên long lanh, huyễn hoặc và mê đắm trong chính cái vỏ hình thức tưởng như mô phạm kia. Ngắm tranh của anh, người xem có dịp được trầm trồ, thán phục không chỉ ở kĩ thuật mà ở cả cách anh đặt vấn đề rất gai góc, cá tính. Với năng lực ấy, không khó để tin rằng, Nguyễn Cao Hoàng còn tiến xa trên con đường nghệ thuật của mình.

Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn.

Nguyễn Ngọc Tuấn là hoạ sĩ có hoạt động trải dài trên nhiều thể loại: từ thiết kế phim hoạt hình đến minh hoạ sách. Nhưng với hội hoạ, anh có những rung cảm rất nồng đượm với những bảng màu mạnh mẽ nhưng rất tình. Anh sử dụng những nhát bút quấn quýt, đan cài khiến những vệt màu của anh tưởng như nguyên sắc nhưng lại rất nhuần nhuỵ. Anh nắm bắt rất tài tình các khoảnh khắc của thời gian, thời tiết luân chuyển theo ngày, theo mùa cảm tưởng như ngửi được mùi hương của nắng, của gió. Anh vẽ nhiều phong cảnh từ phố cổ Hội An đến các tỉnh miền núi phía Bắc. Đề tài nào anh cũng dành nhiều tâm huyết, sự rung động đến từ trái tim. Kĩ thuật mang đậm phong cách ấn tượng để diễn tả những đề tài thuần Việt là cách mà Nguyễn Ngọc Tuấn đang đi và đã gặt hái được thành công.

Tác phẩm của hoạ sĩ Cấn Mạnh Tưởng.

Cũng vẽ về đề tài dân tộc miền núi, hoạ sĩ Cấn Mạnh Tưởng lại ghi một nét riêng với chất liệu sơn mài. Anh là người đi nhiều. Hầu như không có vùng đất miền sơn cước nào mà anh chưa đi qua. Chính vì vậy, đề tài miền núi trong các tác phầm của anh hiện lên rất chân thực, gần gũi và mộc mạc. Anh biết chọn những nét bản sắc riêng có của người vùng cao để đưa vào tác phẩm của mình một cách có ý đồ nhưng lại rất tự nhiên. Từ cái mõ trâu đến những hoạ tiết hoa văn thổ cẩm. Từ một ô cửa sổ với chú mèo nhỏ đến những nếp nhà mái ngói âm dương xanh rêu cũ kĩ. Từ ngõ nhỏ lối về đến những triền đồi trắng xoá hoa mận hoa mai. Bằng sự làm chủ kĩ thuật sơn mài, hoạ sĩ Cấn Mạnh Tưởng đã lưu lại tất cả những vẻ đẹp của thiên nhiên con người vùng cao một cách thuyết phục và riêng có.

Tác phẩm của hoạ sĩ Lê Thế Anh.

Hoạ sĩ Lê Thế Anh tham gia triển lãm với vệt các tác phẩm phong cảnh miền núi. Sự quan sát một cách trực diện khiến hoạ sĩ đã nắm bắt chính xác vẻ đẹp của thiên nhiên. Anh chủ động trong việc chắt lọc những mảng khối để đưa vào tranh mình sự đặc trưng nhất của đối tượng. Việc sử dụng thành thạo và mạnh mẽ trong kĩ thuật đi cọ, nhát bút, đường bay khiến tranh của anh có sự rung cảm trong màu sắc mà vẫn không đánh mất đi vẻ tinh tế vốn có. Ngắm tranh của anh, cảm nhận được một năng lượng yêu cuộc sống, yêu những gì giản dị và chân thành.

Hoạ sĩ Lê Thế Anh chia sẻ: Đây là lần đầu tiên chúng tôi hội tụ cùng nhau nhưng cũng là khởi đầu để mở ra những lần hội tụ tiếp nữa. Chúng tôi tin rằng, với tình cảm anh em vốn có, nhóm sẽ còn làm được nhiều điều thú vị trong tương lai.

Triển lãm sẽ kéo dài đến ngày 6/12/2021 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 - Nguyễn Thái Học, Hà Nội..

ĐỨC SƠN