Tác phẩm “Chiến lũy” của họa sĩ Lê Anh Vân sáng tác năm 1985, tái hiện khung cảnh Hà Nội năm 1946. Giữa dãy bàn gãy đổ, cùng bánh xe bò, tấm bình phong ngổn ngang, hình ảnh bốn người chiến sĩ đầu đội mũ ca nô, mặc áo trấn thủ hiện lên trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Trong khung cảnh chiến tranh đổ nát ấy, chi tiết lọ hoa tươi bằng vỏ đạn, chú chó đang nằm dưới chân người chiến sĩ, hay con gà trống mang ý nghĩa “đại cát” của Việt Nam hiên ngang đậu trên cao, đều mang tính biểu tượng, phản ánh mạnh mẽ tinh thần lạc quan, chất lãng mạn, trữ tình cùng nét phóng khoáng, sự yêu đời của người lính Hà Nội mà họa sĩ gửi gắm khi tái hiện lại một giai đoạn chiến tranh ác liệt, cùng những hy sinh, mất mát, đau thương.

Sử dụng khối và bố cục táo bạo, không nhiều màu sắc, nhưng nhờ khả năng điều khiển sắc độ và nhịp điệu màu tinh tế của họa sĩ Lê Anh Vân mà bức tranh vẫn đem đến cho người xem cảm xúc lãng mạn và đa sắc.

Trưng bày bức tranh tái hiện hình ảnh Hà Nội năm 1946
Tác phẩm “Chiến lũy” của họa sĩ Lê Anh Vân.

Họa sĩ Lê Anh Vân nhớ lại: “Phóng viên người Pháp từng phỏng vấn tôi về bức tranh này. Họ muốn biết nhân dân ở đâu trong bức tranh? Và tôi đã trả lời rằng: Nhân dân chính là chiến lũy! nhân dân luôn đồng hành với chiến sĩ, cùng nhau bao bọc và bảo vệ Hà Nội, bảo vệ Tổ quốc…”

Bức tranh sơn dầu “Chiến lũy” đã giành giải Nhất tại triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1985, được giới chuyên môn đánh giá là góp phần quan trọng hình thành nên những nhân tố đầu tiên cho nền Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ đổi mới.

Ngoài bức “Chiến lũy” phiên bản sơn dầu, họa sĩ Lê Anh Vân còn có phiên bản sơn mài (hoàn thành năm 1984) hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Nguồn: QĐND (Khánh Huyền)