Thứ Sáu, 16/09/2022 10:10

Trưng bày những lá thư chưa từng xuất hiện của Jane Austen và Charles Dickens

Có những bức thư lần đầu xuất hiện, góp phần giải đáp bí ẩn từ trước đến nay về việc ai là nguồn cảm hứng cho cuốn Kiêu hãnh và Định kiến, cũng như Dickens tự tin vào bản thân mình đến như thế nào.

Những ngày vừa qua, các độc giả yêu thích văn học cổ điển đã có cơ hội ghé thăm các di sản để lại của hai nhà văn lớn - Jane Austen và Charles Dicken tại Vương quốc Anh. Đáng nói là trong số này có những bức thư lần đầu xuất hiện, góp phần giải đáp bí ẩn từ trước đến nay về việc ai là nguồn cảm hứng cho cuốn Kiêu hãnh và Định kiến, cũng như Dickens tự tin vào bản thân mình đến như thế nào.

Ai là nguyên mẫu của Mr. Darcy?

Một lá thư lúc đương còn trẻ của Jane Austen, trong đó bà tâm sự rằng bản thân sẽ "tán tỉnh lần cuối" một vị luật sư người Ireland bảnh bao vốn được tin rằng là nguyên mẫu cho một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của bà, Mr. Darcy, sẽ được trưng bày lần đầu tiên sắp tới đây.

Theo đó đây là bức thư lâu đời nhất từng được biết đến còn sót lại của Austen, và được gửi cho cô em gái Cassandra khi bà mới chỉ là một cô gái 20 và đang chuẩn bị viết nên tuyệt tác Kiêu hãnh và Định kiến. Trong bức thư được viết vào hai ngày nọ của tháng Giêng năm 1796, Austen đã mô tả sự phấn khích của mình đối với một trận bóng thể thao sắp diễn ra mà bà có thể gặp được vài người ở đó, trong đó bao gồm cả vị luật sư người Ireland - Tom Lefroy.

Trong bức thư này bà cũng đề cập đến chính Lefroy và viết có phần giận dỗi nhẹ nhàng rằng mình sẽ “không thèm quan tâm hay dành chỉ một cái liếc mắt" cho chàng ta. Tuy thế vào ngày hôm sau bà bổ sung thêm: “Đã đến ngày mà chị muốn tán tỉnh Tom Lefroy lần cuối và khi em nhận được bức thư này, thì mọi chuyện đã kết thúc rồi. Nước mắt đang chảy khi chị viết ra những ý có phần u sầu này”.

Bức thư của Austen gửi cho em gái Cassandra, viết năm 1796.

Trong số những người hâm mộ Austen, từ lâu đã có rất nhiều suy đoán rằng Lefroy - ít nhất là một phần nhỏ - là nguồn cảm hứng cho nhân vật Mr. Darcy. Bức thư nói trên hiện đang trưng bày tại ngôi nhà cũ của Austen ở làng Chawton, Hants, nước Anh cùng với bức chân dung của Lefroy trong khuôn khổ cuộc triển lãm khai mạc vào thứ Năm có tên Jane Austen in Love.

Sophie Reynolds, người phụ trách di sản để lại của Jane Austen, nói rằng không giống như nguyên mẫu Darcy, Lefroy thật ra rất nghèo và đến cuối cùng thì ông đã kết hôn cùng phụ nữ trẻ giàu có. Nhưng cô hiểu tại sao mọi người lại muốn tạo ra một mối liên hệ giữa Lefroy và Darcy. “Mọi người đều muốn biết ai đã truyền cảm hứng cho mỗi nhân vật, nhưng nó phức tạp hơn thế nhiều. Bà ấy có nhiều cảm hứng và đã tạo ra các nhân vật ngay từ đầu. Tuy thế chúng tôi cũng rất vui mừng khi có được bức thư này và đặt nó cạnh bên bức chân dung của Lefroy. Nó cho chúng ta cơ hội để nhìn thấy những người mà bà từng biết và làm tràn ngập thế giới của bà”.

Một bức thư khác do Austen viết năm 1813 cũng sẽ được trưng bày trong một cuộc triển lãm diễn ra cùng lúc mang tên Jane Austen in London. Nó tiết lộ các chi tiết về cuộc sống hàng ngày ở thủ đô: từ các chuyến đi mua sắm cho đến đi thăm nhà hát, đến nơi làm tóc cũng như một chuyến đi đau đớn đến vị nha sĩ của bà.

Các bức thư này đã được công ti thừa kế gia sản của Austen, tọa lạc tại nơi mà bà sống trong tám năm cuối đời và Thư viện Bodleian cùng mua lại. Hai cuộc triển lãm nói trên sẽ kéo dài đến ngày 5 tháng 3 năm 2023.

Charles Dickens thể hiện tầm quan trọng của mình

11 lá thư bao gồm các loại thư mời sẽ cung cấp thêm những hiểu biết sâu sắc về thói quen đọc sách của Charles Dickens cũng như các dự án viết từ trong quá khứ của ông. Theo đó một lá thư chi tiết về chuyến đi đến Thụy Sĩ cho một người bạn cũng sẽ được trưng bày vào dịp này.

Trong một bức thư ngày 10 tháng 2 năm 1866, Dickens, tác giả của những tác phẩm kinh điển bao gồm Oliver Twist, David Copperfield, Những kì vọng lớn lao… phàn nàn về việc mình bị mất một gói bưu kiện và nói rằng bản thân sẽ dọn đi khỏi làng Kent của mình. Ông viết: “Tôi xin nói thẳng rằng tôi nhất quyết phản đối việc gây ra bất kỳ sự bất tiện nào như vậy cho tôi”.

Bức thư gửi IH Newman từ Gad'sHill Place vào ngày 10 tháng 2 năm 1866, trong đó Dickens bày tỏ sự thất vọng với dịch vụ chuyển phát của Sundaypostal.

“Có lẽ nhiều người ở làng Higham không nhận hoặc là gửi thư trong một năm qua nhiều như tôi thường nhận cũng như gửi đi chỉ trong một ngày… Tôi đã cư xử một cách hòa nhã với hầu hết những người hàng xóm, và dù họ nghèo hay thật giàu sang thì tôi tin rằng họ sẽ rất tiếc khi mất đi tôi”.

Các bức thư này nằm trong số hơn 300 vật phẩm được Bảo tàng Charles Dickens mua lại từ một nhà sưu tập Hoa Kỳ vào năm 2020, bao gồm đồ vật cá nhân, chân dung, bản phác thảo, các bản thảo kịch và sách của ông. Bộ sưu tập trị giá 1.8 triệu bảng Anh nói trên đã được bảo tàng London mua lại, với sự giúp đỡ của Quỹ Tưởng niệm Di sản Quốc gia, Quỹ Nghệ thuật và Học bổng Dickens.

Emily Dunbar, người phụ trách bảo tàng, cho biết: “Một trong những điều tuyệt vời về bộ sưu tập này là nó cho thấy Dickens vẫn viết ở các độ tuổi 30, 40 và 50 và nhiều chủ đề khác nhau cùng lúc chiếm lấy tâm trí của ông […] Bức thư phàn nàn về việc mất gói bưu kiện vào ngày Chủ nhật nói trên là một ví dụ cho việc Dickens thể hiện tầm quan trọng của bản thân mình, cũng như nhận thức về danh tiếng và vị trí to lớn của ông trong xã hội xưa như thế nào".

Triển lãm nói sẽ được trưng bày từ đầu tháng 9.

THUẬN NGÔ Dịch từ The Guardian