Thứ Tư, 26/08/2020 09:06

Truyện cổ Grimm: Hành trình chật vật trở về nguyên bản

Truyện cổ Grimm vẫn thường được mặc nhiên coi là một tuyển tập tác phẩm văn học dân gian dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên đích nhắm ban đầu của các tác phẩm này không phải như vậy.

Truyện cổ Grimm vẫn thường được mặc nhiên coi là một tuyển tập tác phẩm văn học dân gian dành cho thiếu nhi. Tuy nhiên đích nhắm ban đầu của các tác phẩm này không phải như vậy. Số phận của bản thảo truyện cổ Grimm đã trải qua nhiều bước ngoặt, và chỉ trở lại đúng với ý tưởng ban đầu ở lần in cuối cùng, năm 1857.

Vì hình thức truyền miệng, các truyện kể dân gian hoàn toàn có thể biến đổi hoặc mất đi theo thời gian. Sinh ra trong thời kì đầu của nền kĩ trị, anh em nhà Grimm – những học giả đích thực – đã nhận ra những nguy cơ ấy. Và họ đã chọn cho mình một định mệnh: đi sưu tầm và viết lại những câu chuyện truyền miệng, mà ngày nay độc giả biết đến với tên gọi giản dị là “Truyện cổ Grimm”. Nhưng một vài biến cố đã biến “Truyện cổ Grimm” trở thành một tập truyện dành cho trẻ em, vang danh đến tận ngày nay. Trong suốt phần cuối của sự nghiệp, anh em nhà Grimm đã cố gắng “cứu vãn tình hình” và đưa những câu chuyện trở về nguyên gốc.

Jacob Grimm (1785-1863) và Wilhelm Grimm (1786-1859) là một trong chín anh em sinh ra trong một gia đình trung lưu. Cha của họ, Philipp Grimm, là một luật sư; còn mẹ, bà Dorothea, là con gái một viên chức thành phố Kassel. Không chỉ đặc biệt thân thiết, họ còn có chung niềm đam mê với ngôn ngữ và văn hoá dân gian Đức. Sau này, anh em nhà Grimm đã trở thành những học giả về lĩnh vực này, họ từng có công trình từ điển Đức ngữ đầu tiên. Tuy nhiên, dự án này chỉ dừng lại ở vần F.

Cơ duyên với truyện cổ dân gian của anh em Grimm đến từ rất sớm: năm 1806 (khi Jacob mới hai mươi mốt tuổi), Clemens Brentano, tác giả của một tuyển tập các bài hát dân gian, cùng với một nhà văn có tên Achim von Arnim đã đến nhờ cậy hai anh em Grimm thu thập giúp một số truyện kể dân gian nhằm phục vụ cho một kế hoạch xuất bản mới. Sự hứng thú với lời đề nghị ấy đã dẫn anh em nhà Grimm vào một cuộc chơi để đời trong lịch sử, mà chính những chàng trai tuổi hai mươi ấy không bao giờ biết. Thế là suốt hơn sáu năm đến 1812, với mong muốn giản dị là giúp Bretano, Jacob và Wilhelm đã đi khắp nơi sưu tầm các mẩu truyện cổ.

Tranh minh họa Nàng Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn của họa sỹ Hermann Vogel (1854-1921) trong Truyện cổ Grimm. Nguồn: Internet

Anh em nhà Grimm không đi khắp các miền thôn dã như chúng ta vẫn hằng tưởng. Ban đầu, họ thu thập truyện từ những người bằng hữu có kiến thức về văn hoá dân gian. Phần lớn những nguồn tư liệu quý giá này đều đến từ các gia đình khá giả, thượng lưu. Theo tư liệu các sử gia Đức, những người đầu tiên kể chuyện cho anh em Grimm gồm quý cô trẻ tới từ gia đình Wild ở Kassel (cô Dortchen, Gretchen, Lisette, Marie Elisabeth), mẹ của anh em Grimm - bà Dorothea, hay các quý cô nhà Hassenpflug (cô Amalie, Jeanette, Marie). Bắt đầu từ năm 1808, Jacob và Wilhelm mở rộng phạm vi nghiên cứu của mình. Họ nhận được giúp đỡ từ những người đến từ đủ ngành nghề, xuất thân lẫn vùng miền. Có thể kể đến Werner von Haxthausen đến từ vùng Westphalen; sau đó là nhóm bạn của Werner bao gồm các quý cô trẻ tuổi là Ludowine, Marianne, Jenny, Annette von Droste-Hulfshoff, từ đó ghi lại thêm các mẩu truyện mới. Những người lao động như bà Dorothea Viehmann – vợ một người thợ may hay sĩ quan về hưu có tên Johann Krause cũng đóng vai trò như những chuyên gia về truyện kể truyền miệng, đã tham gia cùng anh em Grimm, để đổi lấy một chút thù lao giản dị. Từ nguồn tư liệu này, anh em nhà Grimm đã bắt đầu viết lên những câu chuyện cổ bằng văn phong của mình.

Tại sao tuyển tập văn học dân gian công phu ấy lại trở thành truyện thiếu nhi? Sự việc khởi đầu là dự án kết hợp với Clemens Brentano đã không thành công, khiến cho anh em nhà Grimm cảm thấy cần phải tự xuất bản tác phẩm. Năm 1812, ấn bản đầu tiên của truyện cổ Grimm được mang tên Truyện cổ tích cho trẻ em và trong gia đình được ra đời. Ba năm sau, năm 1815, phần hai được tiếp nối với tổng cộng 156 truyện cổ tích. Năm 1819, lần in thứ hai đã được gộp thành một tuyển tập với 170 truyện. Điểm chung trong các lần in ấn ấy nằm ở nỗ lực cải biên các tư liệu thô để trở thành những câu chuyện với cấu trúc vững trắc, mô tip mạch lạc và văn phong uyển chuyển, giàu tính ngạn ngữ. Tất nhiên, công việc ấy đi kèm với một hệ quả không nhỏ là tính nguyên bản sẽ mất dần đi.

Bản in năm 1819 của Truyện cổ tích cho trẻ em và trong gia đình. Ảnh: Martha Scott

Đối tượng của các bản in này không hoàn toàn là trẻ em. Tuy nhiên, tên gọi của bản in năm 1812 đã khiến công chúng hiểu lầm rằng đây là truyện thiếu nhi. Nhiều chi tiết quá bạo lực trong truyện, chẳng hạn như các cô chị của Lọ Lem gọt gót chân hay màn trả thù của Lọ Lem… sau đó đã sớm bị phản đối. Kể từ năm 1919, anh em nhà Grimm đã quyết định sửa đổi thêm “xuôi” theo chiều dư luận để phù hợp với độc giả nhỏ tuổi. Các tác phẩm dân gian bỗng nhiên trở thành những câu chuyện li kì, thú vị mang theo nhiều bài học đạo đức và tính giáo dục rất cao.

Thế nhưng, song song với bộ sách này, một phiên bản “người lớn” (anh em Grimm gọi là Phiên bản nhỏ) chọn lọc năm mươi câu chuyện cũng được xuất bản từ năm 1925 để thu hút đối tượng độc giả trung lưu, có học thức. Kể từ đó, bộ sách này đã gây tiếng vang lớn và được tái bản nhiều lần.

Quá trình thu thập truyện cổ vẫn được tiếp tục từ năm 1919. Anh em nhà Grimm đã trải qua nhiều thăng trầm, trong đó có việc bị thất nghiệp và phải vay tiền bạn bè để thực hiện dự án năm 1830. Nguyên nhân là Jacob và Wilhelm từ chối thề trung thành với vua Ernest Augustus, dẫn đến hệ quả họ bị cho ra rìa, trong khi xung quanh là những kẻ thù chính trị.

Bản in quan trọng nhất của “phiên bản nhỏ” là bản in năm 1857 – cũng là bản in cuối cùng của Truyện cổ tích của anh em nhà Grimm. Bản in này có số lượng truyện lên đến 211, được thực hiện dưới sự giám sát chặt chẽ của Jacob và Wilhelm để sao cho nguyên bản nhất, giống nhất với ý tưởng và định hướng ban đầu.

Truyện cổ Grimm đến tay bạn đọc Việt nam qua rất nhiều phiên bản chuyển ngữ lớn nhỏ, cải biên khác nhau, cả lược dịch cũng như đầy đủ. Một số câu chuyện cổ như rất nổi tiếng với độc giả nhí như Lọ Lem, Ông lão đánh cá... đều có những chi tiết rất khác với “phiên bản nhỏ” 1857. Ví dụ, những xiêm y của Lọ Lem đến từ cây dẻ bên cạnh mộ của mẹ nàng, thay vì từ những chú chuột hay quả bí ngô. Ông lão đánh cá cũng gặp một con cá đích xác là thờn bơn, chứ không phải cá vàng. Cho đến ngày nay, độc giả Việt Nam cũng như độc giả khắp nơi trên thế giới vẫn mong muốn đón nhận các bản dịch sát với nguyên tác 1857.

Có thể nói, hành trình của một kiệt tác cũng có thể ví như số phận của một kiếp người: từ nguyên bản trở về với bản nguyên.

HẠNH NGUYÊN

* Bài viết nhận được sự trợ giúp về mặt tư liệu từ dịch giả Nhật Vương đang sinh sống tại CHLB Đức.