Thứ Bảy, 20/07/2019 16:29

Truyền thống không đứng yên

Những người trẻ thực hành nghệ thuật đã đặt nhiều câu hỏi về giá trị truyền thống, đặc biệt là những giá trị nghệ thuật truyền thống trong xã hội Việt Nam.

 “Mở xưởng: Đừng đứng…” là sự kiện cuối cùng của Dự án Tương lai của Truyền thống nhằm trưng bày những thực hành nghệ thuật của 10 nghệ sĩ trẻ. Trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 7/2019, các nghệ sĩ có cơ hội học hỏi, trao đổi cùng các nghệ nhân truyền thống, những nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại giàu kinh nghiệm tại Việt Nam. Sự kiện khai mạc tối ngày 19/7 tại Hà Nội.

Nghệ sĩ Hà Thúy Hằng, chủ nhiệm Dự án phát biểu trong buổi khai mạc.

Bắt nguồn từ mệnh đề Truyền thống không đứng yên, “Mở xưởng: Đừng đứng…” là một cách mà các nghệ sĩ trẻ đặt lại câu hỏi: Truyền thống có đứng yên và có nên đứng yên?

Những người trẻ thực hành nghệ thuật đã đặt nhiều câu hỏi về giá trị truyền thống, đặc biệt là những giá trị nghệ thuật truyền thống trong xã hội Việt Nam. Ngoài mục đích định nghĩa bản thân thông qua chất liệu bản địa, cách các nghệ sĩ trẻ đối diện, quan tâm, nhận thức, tiếp cận và phát triển những di sản này như thế nào chính là cách bảo tồn di sản tốt nhất.

Trải qua quá trình nghiên cứu, làm việc cùng các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, điện ảnh, sơn mài… và được gợi cảm hứng từ thực hành nghệ thuật đương đại sử dụng chất liệu bản địa của các nghệ sĩ đi trước, các nghệ sĩ trẻ của dự án đã mang đến những thử nghiệm thuộc nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Từ đó đưa ra những kiến giải của bản thân và khái niệm truyền thống cũng như mối quan hệ, vai trò của những giá trị truyền thống đối với việc xác lập một căn cước cá nhân.

Không chỉ dựa trên những môn nghệ thuật truyền thống, mong muốn lưu truyền và sáng tạo cái mới, các nghệ sĩ còn đưa đến công chúng những loại hình mới như nghệ thuật sắp đặt video, sắp đặt trình diễn, phim tài liệu điện ảnh…

Chia sẻ về dự án, nhạc sĩ SơnX cho biết: Tương lai của Truyền thống mang đến cho khán giả cơ hội tiếp cận với quá trình lao động nghệ thuật của nghệ sĩ. Đôi khi quá trình làm việc còn quan trọng hơn cả tác phẩm, bởi quá trình đấy là thai nghén, là sống với tác phẩm. Từ lúc bắt đầu cho đến lúc tác phẩm ra đời, mọi cảm xúc cũng đã không giống nhau. Nhưng nếu không biết quá trình làm việc, chỉ nhìn thấy tác phẩm thì khán giả sẽ không biết người nghệ sĩ sẽ suy nghĩ như thế nào, họ bắt đầu ý tưởng ra sao và họ biến đổi những gì để ra tác phẩm cuối cùng. Mở xưởng lần này có ý nghĩa như vậy.

Nguyễn Linh Trang, một trong 10 nghệ sĩ trẻ tham gia lần này cho biết cô tham gia nghệ thuật và trải nghiệm những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Chất liệu trong tác phẩm được khai thác từ phim, ảnh, truyện cổ tích, hòa trộn với những trải nghiệm đời thường trong cuộc sống riêng tư để tạo nên một câu chuyện nửa hư cấu nửa thực tại. Để từ đó, mục đích cuối cùng nhằm bày tỏ những nỗi niềm gắn kết với mọi thời kì trên một bề mặt không có không gian và thời gian.

Tranh sơn dầu trên toan, (2019) của Nguyễn Linh Trang.

“Ý tưởng được lấy từ các cảnh trong điện ảnh Việt Nam nói về người phụ nữ trong xã hội cũ và những ràng buộc trong lối sống của họ với văn hóa truyền thống. Tôi cũng khai thác các trích đoạn trong truyện dân gian Việt Nam và các hoạt động sinh hoạt tín ngưỡng”, Trang nói thêm.

Ngô Thu Hương thực hành nghệ thuật ở nhiều chất liệu khác nhau, các tác phẩm của cô thể hiện quá trình biến đổi nhận diện bản thân với những ngữ cảnh khác nhau từ các câu hỏi liên quan biên giới về mặt bản sắc, biên giới về mặt địa lí đến câu hỏi về mối tương quan giữa quan điểm cá nhân với ngầm định của xã hội.

Những mẩu đối thoại (Sắp đặt Video) là các đoạn phim cùng các câu thoại trong các tác phẩm điện ảnh Việt Nam được kết hợp với các đoạn trích trong vở chèo Quan âm Thị Kính. Với việc kiến tạo không gian giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, tác phẩm đặt câu hỏi về hạnh phúc qua cách nhìn của người phụ nữ qua từng thời kì.

“Với tôi, nghệ thuật là tiến trình song hành với cảm xúc cá nhân trong đời sống thường nhật. Trên mỗi chặng đường, các cảm xúc suy nghĩ thoáng qua đọng lại và tạo cảm hứng sáng tác nghệ thuật. Nó bày tỏ những cảm xúc, trăn trở cá nhân nhưng trong cái riêng ấy lại thể hiện nỗi niềm của chung. Xuất phát từ chính sự băn khoăn của tôi với tư cách là một người nghệ sĩ, tác phẩm Những mẩu đối thoại là một cuộc đối thoại về hạnh phúc giữa những hình tượng phụ nữ điển hình thông qua việc tái sử dụng những trích đoạn phim trong các bộ phim điện ảnh Việt Nam qua các thời kì, cùng với sự chọn lọc các lời thoại mang tính gợi mở”.

Trích từ tác phẩm của Ngô Thu Hương – sử dụng các thước phim phim có sẵn từ vở chèo Quan âm Thị Kính tới các phim điện ảnh hiện đại Việt Nam.

Hay ở lĩnh vực âm nhạc, Tuấn Nị đưa ra câu hỏi Cải thế nào thì Lương?. Anh Sử dụng một số chất liệu cải lương, tiếng xe ngoài đường, bài cải lương Hò mái nhì qua Nam ai, Nam bằng, Chuyến đò vĩ tuyến cùng với cách tiếp cận của chủ nghĩa tối giản trong âm nhạc đương đại.

Lấy ý tưởng từ chính tên gọi của một thể loại âm nhạc truyền thống, Tuấn Nị đã nghĩ “Cải lương là một thứ luôn luôn thay đổi và phát triển. Thế nhưng có vẻ như vẫn có một số khái niệm cố định làm sự thay đổi và phát triển của cải lương bị dừng lại. Mối quan tâm của tôi trong thời gian gần đây là về những cách tiếp cận nhạc khác đi, đặc biệt là chủ nghĩa tối giản trong âm nhạc”.

Trong mở xưởng lần này, người yêu nghệ thuật có cơ hội tham dự vào những trò chuyện, đưa ra góp ý, và đóng góp vào quá trình tạo ra tác phẩm cùng mỗi nghệ sĩ. Bên cạnh đó, còn có thể tự kiến tạo một Tương lai của Truyền thống cho riêng mình.

PHƯƠNG PHƯƠNG