Thứ Bảy, 13/08/2022 00:27

Tuổi trẻ hỗn loạn nơi ‘Màu xanh trong suốt’

Ryu Murakami đã cho thấy được một lớp thanh niên Nhật Bản thuần nguyên nhưng bị làm hại bởi những xung đột xảy ra đương thời, giữa bên trong - bên ngoài, giữa hoang dại - truyền thống.

Nhắc đến văn chương Nhật Bản đương đại, người ta thường nói tới “hai Murakami và một Banana”. Trong đó, Haruki Murakami từng thừa nhận là trước khi bắt đầu bước vào đời văn, thì Ryu Murakami là người mà ông muốn trở thành để viết được một tác phẩm hay. Màu xanh trong suốt là cuốn sách đầu tay được Ryu viết vào năm 1976, và cũng là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.

Tuy là tác phẩm đầu tay thế nhưng sức hút mà nó tạo ra không thể chối từ. Ryu viết nó trong thời gian còn theo học tại Đại học Nghệ thuật Musashino, và ngay khi ra mắt, nó đã được trao giải Akutagawa danh giá. Về mặt doanh thu, nó đã bán được khoảng 1.2 triệu bản (khoảng 1% dân số nước Nhật thời đó) chỉ sau nửa năm ra mắt. Tầm ảnh hưởng của ông còn bao quát đến tận sau này, khi vào năm 1997, tờ TIMES đã chọn ông vào Top 11 cá nhân sẽ “cách mạng hóa” Nhật Bản.

Tiểu thuyết Màu xanh trong suốt do Bách Việt và Nxb Dân trí liên kết ấn hành, qua bản dịch của Trần Phương Thuý.

Màu xanh trong suốt xoay quanh nhân vật Ryu cùng những người bạn “ngựa chứng đầu xanh” của mình. Đặt trong bối cảnh Nhật Bản những năm đầu thập niên 1970, có thể thấy tuổi trẻ của họ xoay quanh những lựa chọn không hề dễ dàng, có phần bất định trước một môi trường biến đổi từng ngày. Và chắc hẳn vì thế, mà cuốn sách đã tìm được sự đồng điệu của những người trẻ Nhật Bản vào thời điểm ra mắt.

TUỔI TRẺ QUAY CUỒNG

Trong 2 năm 1968 - 1969, các cuộc biểu tình của sinh viên Nhật Bản đã nổi dậy trên khắp đất nước. Đây là một phần nối dài của phong trào biểu tình 1968 có quy mô trên toàn thế giới, và rộng ra hơn là sự nối lại với phong trào biểu tình trong nội bộ Nhật Bản vào cuối những năm 1960 (mà ta có thể thấy được qua cuốn Bán mạng của Yukio Mishima). Theo đó, đây là những cuộc đấu tranh bị thúc đẩy bởi chủ nghĩa thực dụng, khi các khái niệm hiện sinh của Satre, Camus… đối đầu trực diện với truyền thống bảo thủ của một đất nước đang vực dậy từ thời hậu chiến.

Do đó đứng giữa thời đoạn đảo điên không biết đường nào mà mình sẽ chọn, Ryu Murakami đã tái hiện lại những thanh niên thời ấy qua lăng kính của một thế giới có phần riêng tư mà cũng độc đáo. Đó là thông qua những thứ “nhơ nhớp” - như đánh giá của người ngoài cuộc - với heroine, morphine, những loại thuốc kích thích. Cùng với đó là cơn kích động từ trộm cắp, tình dục, tự tử, bạo lực, bạo dâm… và rất nhiều những biện pháp khác để quên sự đời.

Lớp thanh niên trong tác phẩm này của Ryu Murakami như là con nai đứng trước ánh đèn tàu hỏa. Khi bị chiếu thẳng vào trong võng mạc, chúng hóa điên dại và chỉ đứng yên mà không hề biết mình phải làm gì. Và những con “ngựa hoang” trong tác phẩm này cũng như đang chờ một điều như thế, với đoàn tàu là những nghi ngại, sự mất kết nối, việc không được ghi nhận và những gò ép mà họ đang phải chịu đựng.

Ở đó, Ryu đứng từ xa và quan sát những người bạn của mình. Anh là một góc nhìn trung lập, vừa tỉnh táo lại vừa mê say, bước đi chệnh choạng giữa hai giới tính, và bị phân mảnh bởi những sắc dục cao cả - với nhân vật bí ẩn Lilly, cũng như những lần làm tình rẻ tiền với những người đàn ông da đen ở các quầy rượu nhơ nhớp. Ryu Murakami cố gắng tạo ra một nhân vật thật trung dung nhất, nhưng rõ ràng điều này là bất khả, bởi càng cho họ đứng giữa hai bờ bến bao nhiêu, thì sự phân vân cũng như giằng xé từ hai thế lực với lực hút ngang nhau lại càng rõ bấy nhiêu.

Xen lẫn giữa cái bạo lực bất cần tưởng như có nhiều sức mạnh nhưng lại trống rỗng, Ryu Murakami cũng đi sâu vào một khía cạnh khác, hướng vào nội tâm, để biết mỗi người trẻ này thật ra họ đều ngây ngô nhưng bị làm hại bởi một đời sống nhuốm màu hoang tàn. Như thể chính nhân vật Ryu, chàng ta có thể có những cơn say thuốc không còn nhận thức, nhưng trong những khoảnh khắc thoáng qua như một lằn chớp, đâu đó ta cũng nhận ra những sự quan sát cuộc sống quanh mình.

Cậu thích nhìn thấy nhân tình thế thái. Cậu thường nhìn ra xa khỏi cửa sổ đơn độc, để thấy mưa, thấy những chú chim và người qua đường. Như trong một lần Lilly đã bóc trần cậu: “Anh lúc nào cũng cố hết sức để nhìn một cái gì đó, y như thể anh đang ghi chép hay như một ông giáo sư làm nghiên cứu […] Anh thật sự là một đứa trẻ, khi là một đứa trẻ, ai cũng cố để nhìn thấy hết mọi thứ […] Trẻ con nhìn thẳng vào mắt người mà chúng không quen, rồi cười, rồi khóc, nhưng giờ, anh cứ thử nhìn thẳng vào mắt người đi, anh sẽ phát điên trước khi có thể hiểu đấy.”

Ẩn sâu trong mỗi người họ đều là đứa trẻ như thế. Yoshiyama tuy bạo lực muôn phần nhưng vẫn nhớ những kí ức cùng mẹ mua thuốc ở Toyama, trong khi với Reiko thì quyển tiêu bản gân lá là thứ đẹp nhất mà cô làm ra. Moko thì ngây ngô hơn, cho rằng bây giờ bản thân sẽ chơi thoải mái chỉ cho đến khi không còn hứng thú thì mới lấy chồng. Xét về bản chất, họ đều tinh nguyên như những con nai ngây thơ hoang đàng, nhưng bao ngoài họ là bầu không khí đang nóng hầm hập không phải chỉ của mùa hè, mà đó còn là bối cảnh của những xung đột không hề giảm đi.

Không ít lần nhân vật Ryu nhận thấy cái nóng mùa hè, và anh phải hỏi để xác nhận lại đó là mùa hè chứ không hẳn là của những sự kiện dồn ép lên mình. Ở đó, họ có thể vừa say mê phim ảnh lãng mạn của Hollywood với những Marlon Brando, Elia Kazan; nghe Jazz của Billie Holiday hay đọc Tu viện thành Parme. Nhưng chỉ trong một khoảnh khắc, họ đã chuyển sang Rock’n’Roll của những ban nhạc nổi tiếng một thời như The Doors, The Rolling Stones hay Mike Jagger và Jimi Hendrix vô cùng hoang dại.

Họ bị cắt đứt khỏi gia đình mình. Họ bị xúc phạm bởi những người lẽ ra phải tôn trọng họ. Họ bị cảnh sát gọi là “đĩ non”, “ngủ với cha mày”, “cư xử như bọn chó”… Và hơn hết là họ xung đột với chính những sự tự do của nhau. Bầu không khí phản kháng thời đó cho họ cái quyền khoác lên vẻ ngoài tin rằng sự độc đáo của mình là duy nhất và là tối cao. Họ bạo hành nhau chỉ vì ghen tuông, họ đục rỗng chính mình vì những cao vọng không thể với tới, và họ làm tổn thương nhau trong những cơn say chếnh choáng.

THỰC BÀO HAY BỊ THỰC BÀO?

Ở họ không có gì là thực. Họ mục ruỗng, vô hồn và ô nhục. Họ giống như phần còn lại của phía thế giới này, là loài bọ đen hay vài con gián mãi bò xung quanh chồng bát đĩa bẩn. Họ toát mùi hương của thứ tuổi trẻ hoang đàng, nhưng là cái mùi của quả dứa chín nẫu có vết cắt đen lại và thứ nước nẫu vẫn đang nhỏ ra. Vị thế của họ trong xã hội đó như chén súp mốc với đậu phụ thối rữa, như gà quay hỏng nhầy nhớt, mang tới vị chua và đóng thành lớp váng mỡ ở nơi bồn rửa.

Cũng bởi từ đó họ chỉ có thể nhờ đến những cơn phê thuốc, để đi sâu vào các siêu hình tâm trí, để nắm bắt được cuộc sống của mình, và để chế ngự được con người mình muốn chế ngự. Trọng tâm của cuộc bạo loạn sinh viên trong những năm này là việc chống lại hành động xây dựng Sân bay quốc tế Narita, nên trong Màu xanh trong suốt, Ryu Murakami đã cho cậu chàng Ryu cùng với Lilly nhìn thấy phi cơ, đường băng trải dài; như cho thấy họ đã gần thực hiện được những cao vọng của mình đến mức độ nào. Nhưng mãi mãi không thể chạm đến, không thể thấu cảm, bởi những hàng rào vật lí được dựng nên, bởi những khát vọng không thể tỏ bày.

Nhà văn Ryu Murakami.

Khát vọng của những người trẻ là được kiểm soát thế giới của mình. Họ muốn “thực bào” những thứ nhỏ hơn, nắm giữ những gì bản thân có thể; nhưng lại e sợ chính mình sẽ bị “thực bào”, bởi những thứ lớn hơn và không thể kiểm soát. Nhìn lên bầu trời, Ryu nhân vật hay Ryu nhà văn đã hình tượng hóa điều đó thành một con chim phá hoại thành phố tưởng tượng của mình. Trong những siêu hình tâm trí một lần nào đó, cậu đã nói rằng: “Chúng ta phải giết con chim, nếu nó không chết anh sẽ không thể hiểu được bản thân anh nữa, con chim chắn lối, nó che giấu những gì anh muốn nhìn thấy. Anh sẽ giết con chim […] nếu anh không giết nó thì anh sẽ bị giết”.

Và bởi con chim lớn ấy đang che mất đi một điều quan trọng. Đó là đường cong tuyệt diệu như một chỉ dấu cho con đường sắp tới, cho một tương lai đã rõ ràng hơn và đã thôi bất định. Thế nhưng thứ màu xanh trong suốt tàn bạo ấy, cái cuộc đời không rõ trắng đen và không thấy đường ra ấy, chỉ khiến cho những đường biên ngày càng mờ dần, đến độ không còn có thể nhìn thấy.

Ryu thốt lên những câu sau cuối: “Đó là một màu xanh không giới hạn, gần như trong suốt. Và tôi muốn tự bản thân mình phản chiếu đường cong màu trắng mềm mại kia. Tôi muốn chỉ cho mọi người thấy những đường cong tuyệt diệu này phản chiếu trong tôi”.Nhưng không thể được. Nó đang che phủ anh, còn anh che phủ những thứ trong mình, làm nên một thế giới mới của búp bê Matryoshka hàm chứa trong nhau, xáo trộn và mãi vận động.

Bằng cách viết tiết chế cũng như tàn bào và không ghê tay trước những hiện thực vẫn đang diễn ra, qua Màu xanh trong suốt, Ryu Murakami đã cho thấy được một lớp thanh niên Nhật Bản thuần nguyên nhưng bị làm hại bởi những xung đột xảy ra đương thời, giữa bên trong - bên ngoài, giữa hoang dại - truyền thống và hơn hết là giữa bản thân muốn phô bày mình và trạng thái không thấy đường ra. Một tác phẩm xuất sắc của văn chương Nhật Bản đương đại.

NGÔ THUẬN PHÁT