Thứ Ba, 19/02/2019 08:10

Uy-li-am-Sao – “Món quà" từ nước Mỹ

Nhớ lại ở vào thời điểm cuối năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều nhiệm vụ “tối quan trọng” cần giải quyết và Người đã giải quyết mau lẹ có kết quả những nhiệm vụ đó.

“Chúng ta đã từng hợp tác cho đến khi chính lợi ích nước lớn đã khiến Mỹ chọn con đường khác!”.

Lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói với cựu Bộ trưởng bộ Quốc phòng Mỹ McNamara - năm 1997.

“Chúng ta (Việt Nam và Mỹ) đã từng hợp tác” từ tháng 11-1944, với “sự kiện” Trung uý phi công Mỹ Uyliam Sao (Uyliam Saw), thuộc không đoàn số 14 của Mỹ (biệt danh là phi đoàn Hổ bay) đóng ở Côn Minh (Vân Nam - Trung Quốc), trong chuyến bay thám sát trên bầu trời tỉnh Cao Bằng (ngày 2-11-1944) do máy bay gặp sự cố kỹ thuật, buộc phải nhảy dù xuống cánh đồng Bản Ngần - Cách trung tâm thị xã Cao Bằng khoảng 5km. Lực lượng Việt Minh đã nhanh chóng tiếp cận và đưa Trung uý Sao tới trú tại một địa điểm an toàn (dưới chân núi Khau Sầm - phía sau đền thờ Nùng Chí Cao), trước khi quân Nhật và quân Pháp “kịp đến” để “bắt giữ” phi công và thu “chiến lợi phẩm”! Hôm sau, Sao được đưa lên căn cứ địa Lam Sơn (huyện Hoà An - tỉnh Cao Bằng - cách Trung tâm thị xã Cao Bằng khoảng 20km). Người lãnh đạo cao nhất ở khu căn cứ địa Lam Sơn lúc đó là đồng chí Phạm Văn Đồng đã viết thư báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh đang ở Nà Sác, huyện Hà Quảng, sau khi thoát khỏi nhà tù Tưởng Giới Thạch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị đưa Trung uý Sao lên Hà Quảng với một hành trình “lòng vòng”, qua nhiều vùng có phong trào Việt Minh tốt để Sao tận mắt chứng kiến phong trào Việt Minh to lớn và mạnh mẽ như thế nào! Cuộc hành trình của Sao từ Lam Sơn lên Pác Bó với quãng đường khoảng 60km, vì thế kéo dài gần một tháng! Tại Pác Bó Sao gặp người chỉ huy cao nhất của Việt Minh là một ông già gày gò, da đen sạm, mái tóc bạc gần hết, chòm râu thưa. Ông già đứng dậy bước tới bắt chặt tay viên phi công, nói với Sao bằng một thứ tiếng Anh rất chuẩn làm Sao thật sự ngỡ ngàng và xúc động.

Tại sao việc phi công Mỹ nhảy dù trên đất Cao Bằng lại được Chủ tịch Hồ Chí Minh “đặc biệt quan tâm”? Không khó để tìm câu trả lời! Bởi từ lâu Người đã xác định: Công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam phải gắn với mặt trận phản xâm lược quốc tế - Mặt trận Việt Minh là một bộ phận của lực lượng đồng minh chống đế quốc. Lực lượng Đồng Minh chống đế quốc lúc đó gồm: Liên Xô, Anh, Mỹ, Trung Quốc (Tưởng Giới Thạch)... Ngay từ năm 1942, Hồ Chí Minh đã có chuyến đi “định mệnh” sang Trung Quốc thiết lập quan hệ với phe Đồng Minh rồi bị bắt ở Túc Vinh, bị giam giữ trong nhà tù Tưởng Giới Thạch đến cuối năm 1944 mới “thoát” trở về, khi nhiệm vụ “thiết lập mối quan hệ với Đồng Minh” chưa thực hiện được, nay “đột nhiên” Uyliam Sao xuất hiện như một món quà “trời cho”! Hồ Chí Minh liền trù tính một kế hoạch ngoại giao mới: Sang Côn Minh (Vân Nam) hội kiến với lực lượng quân đội Mỹ với Uyliam Sao là “Giấy giới thiệu” kiêm “Giấy đi đường”!

Nhớ lại ở vào thời điểm cuối năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều nhiệm vụ “tối quan trọng” cần giải quyết và Người đã giải quyết mau lẹ có kết quả những nhiệm vụ đó. Nổi bật là Người kịp thời chỉ thị hoãn cuộc tổng khởi nghĩa do liên tỉnh uỷ Cao Bắc Lạng dự tính phát động và ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đồng thời Người tích cực chuẩn bị “tài liệu” và điều kiện cho chuyến đi. Khi Sao về đến Pác Bó, Hồ Chí Minh đã giao đãi với Sao bằng tình cảm của những người trên cùng một chuyến tuyến (Mặt trận Đồng Minh), tình cảm của những người anh em ruột thịt làm Sao rất cảm kích coi Hồ Chí Minh như người anh, người cha của mình. Một tháng Sao ở lại Pác Bó để hồi phục sức khoẻ để có thể “hành quân bộ” từ Pác Bó sang Tịnh Tây tới Vân Nam, cũng là thời gian Hồ Chí Minh “viết giúp” Sao một cuốn Nhật ký (ký tên Uyliam Sao) có tên Một Đông Dương thực sự dưới con mắt Trung uý Sao kể về những ngày Sao nhảy dù ở Cao Bằng được Việt Minh cứu thoát; tình cảm của Việt Minh, của nhân dân Việt Nam đối với Sao; sự lớn mạnh của Việt Minh; sự ủng hộ của toàn dân với Việt Minh trong công cuộc phản xâm lược, giải phóng đất nước và kết luận: Lực lượng Đồng Minh muốn phản xâm lược thắng lợi tại Việt Nam, tại Đông Dương cần hợp tác với Việt Minh! Ngoài Việt Minh không có lực lượng nào, không có tổ chức nào có thể làm được việc đó!

Công việc chuẩn bị đã xong. Cuối tháng 12-1944 Hồ Chí Minh có Phùng Thế Tài bảo vệ, đưa Trung uý Uyliam Sao rời Pác Bó, đến Sở chỉ huy quân Tưởng ở Tịnh Tây, chào Trung tướng, chỉ huy trưởng Trần bảo Thương. Trần Bảo Thương đã “phỗng tay trên” Trung uý Sao và có ý định “giữ chân” (thực ra là bắt giữ) Hồ Chí Minh và Phùng Thế Tài, buộc Hồ Chí Minh phải “Tẩu vi thượng sách” thoát về Pác Bó ngay trong đêm.

Cuộc đi như thế là thất bại nhưng nhiệm vụ thiết lập quan hệ với Đồng Minh vẫn chưa bao giờ rời khỏi tâm trí Hồ Chí Minh bởi vậy 10 ngày sau, Hồ Chí Minh cùng Phùng Thế Tài, Đinh Đại Toàn lại vượt cột mốc 108, đi bộ trên đất Trung Quốc, qua ngả đường Nghi Lương, Xì Xuyên... tới Côn Minh. Khi Hồ Chí Minh đến Côn Minh thì Trung uý Sao đã về nước! Như thế là “giấy giới thiệu”, “người bảo lãnh” đã không còn ở đó! Nhưng Sao đã kịp trình thư tay của Hồ Chí Minh và quyển Nhật ký lên Bộ tư lệnh không đoàn số 14.

Tình hình lúc đó có thể nói là rất khó khăn, cơ hội gặp Bộ tư lệnh không đoàn 14 là rất mong manh nhưng Hồ Chí Minh vẫn không hề nản lòng, Người ở lại chờ thời cơ và tìm cách gặp Trung tướng SêNon tư lệnh không đoàn 14. Hàng ngày Người đến phòng thông tin chiến tranh (OWI) để đọc tạp chí Time và những tài liệu khác. Người gặp gỡ, trao đổi, đàm đạo với nhiều người Mỹ ở đây và cuối cùng đã gặp Trung uý Saclơ Phen.

Saclơ Phen là người phụ trách nhóm tình báo OSS (tiền thân của CIA) tại Bắc Kỳ. Sau Nhật đảo chính Pháp (23-9) các “tổ chức” của Phen ở Bắc Kỳ đã bị vỡ, Phen đang tích cực “tìm người” để xây dựng lại. Ở Côn Minh, Phen đã đọc cuốn Nhật ký của Sao. Phen “phát hiện”: Với thể văn xuôi rõ ràng và bản viết tay không tỳ vết cuốn Nhật ký đã đan quyện những suy ngẫm với thực tế mà một vài trong số đó có thể đúng là của Sao, còn tác giả chính của nó là người của Việt Minh! Và người đó chính là Hồ Chí Minh đang có mặt tại Côn Minh. Phen đã chủ động gặp Hồ Chí Minh vào ngày 17-3-1945 và đã bị Hồ Chí Minh thuyết phục hoàn toàn, trở thành cầu nối (rất tích cực) để Hồ Chí Minh gặp SêNon vào ngày 29-3-1945. Trong cuộc hội kiến, SêNon rất cảm kích việc viên phi công Mỹ được Việt Minh cứu thoát. SêNon có “nhã ý” tặng Hồ Chí Minh một khoản tiền lớn. Hồ Chí Minh đã lịch sự từ chối và nói: Lực lượng của chúng tôi chỉ cần giúp đỡ về vũ khí và thuốc men cùng sự công nhận của phe Đồng Minh. SêNon đã đồng ý cấp cho Hồ Chí Minh một cơ số vũ khí đủ trang bị cho một đại đội, một số thuốc men và máy liên lạc vô tuyến điện cùng 2 kỹ thuật viên “lão luyện” là F.Tan và Macshin, trở về Pác Bó, Cao Bằng đầu tháng 5-1945. Từ Pác Bó Hồ Chí Minh tổ chức cuộc di chuyển đại bản doanh về Tân Trào (Tuyên Quang). Trong suốt cuộc đi và sau đó Người Mỹ luôn luôn sát cánh cùng Việt Minh trên mặt trận chống phát xít Nhật. Các máy bay của Mỹ bay đến Tân Trào thả đồ tiếp tế và một số quân nhân giúp Việt Minh lập nên đại đội Việt Mỹ do Đàm Quang Trung làm đại đội trưởng, thiếu tá Thô Mát làm tham mưu trưởng. Đại đội Việt Mỹ đã kéo quân về tham gia giải phóng thị xã Thái Nguyên (26-8-1945), tiến về Hà Nội và thực tế Người Mỹ là lực lượng nước ngoài duy nhất đứng cạnh Hồ Chí Minh trong lịch sử cách mạng tháng Tám - 1945.

Nhớ lại khởi đầu quan hệ Việt Mỹ với sự kiện Uyliam Sao nhảy dù xuống Cao Bằng, trở thành “Chiếc chìa khoá thần kỳ mở toang những cánh cửa kiên cố trong quan hệ Việt - Mỹ, rộng ra là quan hệ giữa Việt Nam với phe Đồng Minh chống phát xít”. Nhưng “sự kiện” có lớn đến đâu, “món quà” có quí đến đâu nếu không biết đón nhận, chớp lấy để biến thành những cơ hội vàng, thì cơ hội đó sẽ đi qua không bao giờ trở lại! Tài trí của Hồ Chí Minh là sớm nhận ra cơ hội và quyết tâm biến cơ hội đó trở nên cơ hội vàng, phục vụ cho lợi ích của dân tộc trong công cuộc giải phóng dân tộc. Càng thấm câu nói của Thủ tướng Anh SớcSin: “Không có tình bạn vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích dân tộc là vĩnh viễn”.

HOÀNG TRƯỜNG