Thứ Sáu, 21/08/2020 06:39

Và "Lọ Lem" luôn được lựa chọn...

Đã bao giờ bạn tự hỏi một đoàn làm phim phải làm những gì để có thể biến tác phẩm văn chương thành tác phẩm điện ảnh?

Đã bao giờ bạn tự hỏi một đoàn làm phim phải làm những gì để có thể biến tác phẩm văn chương thành tác phẩm điện ảnh, chuyển dịch từ cái “được đọc” sang cái “được xem”, từ những con chữ trên trang giấy sang các hình ảnh trên màn hình?

Đã bao giờ bạn thắc mắc vì sao mà truyện ngắn - "Cô bé Lọ Lem" của văn học - lại được mến mộ và lựa chọn hơn nhiều so với tiểu thuyết - chị cả - trên sóng truyền thanh, màn ảnh rộng và truyền hình?

“Những thế giới song hành: từ truyện ngắn đến điện ảnh” của TS Nguyễn Văn Hùng là một công trình nghiên cứu công phu, bài bản. Trong cuốn sách, tác giả đã cho thấy rằng, mỗi văn bản văn học đều chứa đựng những tiềm năng chuyển thể. Và truyện ngắn - một thể loại “sẵn sàng cho mọi biến đổi”, “một không gian điện ảnh đầy gợi cảm”, với những đặc trưng thế mạnh của mình, nó luôn được các nhà làm phim lựa chọn hàng đầu. Tuy nhiên, từ truyện ngắn đến điện ảnh là cả một hành trình dài, không đơn thuần là biến những con chữ thành hình ảnh mà còn có sự tác động đa chiều của nhiều yếu tố trong và ngoài nghệ thuật. Qua việc khảo sát, phân tích các yếu tố đó, người đọc sẽ thấy được tinh thần làm việc nghiêm cẩn của tác giả: chuyên sâu, đa dạng trong các hệ hình lý thuyết (chuyển thể/ cải biên học, liên văn bản, tự sự học văn học và điện ảnh, phê bình nữ quyền...); tỉ mỉ trong phác họa đường dây cốt truyện của truyện ngắn và phim chuyển thể; sáng tạo trong tìm hiểu những vang động ở khu vực ngoài cốt truyện; công phu trong nghiên cứu cải tác chi tiết, nhân vật; tinh tế trong cái nhìn chuyển dịch không gian; kĩ lưỡng trong phân tích sự biến hoá của các phương thức trần thuật, trong so sánh ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ điện ảnh…

Lựa chọn những hiện tượng chuyển thể là các truyện ngắn/bộ phim trong làng văn học/điện ảnh ở Việt Nam sau Đổi mới được dư luận đánh giá cao như: “Thương nhớ đồng quê”, “Tướng về hưu”, “Cỏ lau”, “Khách ở quê ra”, “Người sót lại của rừng cười”, “Ba người trên sân ga”/”Đời cát”, “Cánh đồng bất tận”, “Người ở bến sông Châu”/“Người trở về”, “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”/“Chuyện của Pao”… làm đối tượng khảo sát đã khiến cuốn sách không chỉ mang tính học thuật mà còn mở ra một không gian đa màu sắc của văn chương, của điện ảnh để dụ bạn đọc vào một cách đầy hấp dẫn.

Cuốn sách đặc biệt dành cho những ai yêu văn chương, điện ảnh, và luôn mong muốn có được một tâm thế tiếp nhận chủ động, tích cực, nhân văn dựa trên sự hiểu biết thấu đáo.

Nhà phê bình Nguyễn Thanh Hương